“Gia Cốp 1: Thuyết Phục Những Người Khác Đến cùng Đấng Ky Tô”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)
“Gia Cốp 1”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Gia Cốp 1
Thuyết Phục Những Người Khác Đến cùng Đấng Ky Tô
Trước khi Nê Phi chết, ông giao cho em trai Gia Cốp của mình trách nhiệm gìn giữ các bảng khắc và ghi chép trên đó những điều “quý báu nhất” (Gia Cốp 1:2). Sứ điệp của Gia Cốp hướng những người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô, giúp họ tránh khỏi những hậu quả của việc sa vào vòng vô tín ngưỡng và tội lỗi. Bài học này có thể giúp em khám phá những cách thức giúp người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô.
Nói chuyện với một người bạn
-
Khi nào việc nói về Chúa Giê Su Ky Tô với những người khác có thể làm chúng ta cảm thấy sợ? Điều gì có thể giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi?
-
Em biết ai là một tấm gương tốt về việc chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô với những người khác?
Một thiếu niên tên là Junior là một tấm gương tuyệt vời về việc chia sẻ phúc âm. Em là thiếu niên duy nhất tham dự nhà thờ trong một chi nhánh nhỏ ở Florida, Hoa Kỳ. Em quyết định nói chuyện với một trong những người bạn của mình về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và mời người bạn đó đến nhà thờ. ChurchofJesusChrist.org
Tấm gương của những người khác có thể cho chúng ta lý do và ý tưởng về cách mời những người khác đến cùng Đấng Ky Tô. Trong khi học ngày hôm nay, hãy suy ngẫm về lý do tại sao em có thể muốn giúp những người khác đến cùng Đấng Cứu Rỗi và em có thể làm điều này theo những cách bình thường và tự nhiên nào.
Thuyết phục những người khác đến cùng Đấng Ky Tô
Trước khi Nê Phi chết (xin xem Gia Cốp 1:12), ông giao cho em trai mình là Gia Cốp trách nhiệm viết lên các bảng khắc nhỏ mà Chúa đã truyền lệnh cho ông làm. Các bảng khắc nhỏ tập trung vào những điều thuộc linh và các bảng khắc khác dành riêng cho lịch sử của dân ông (Gia Cốp 1:1–3).
Đọc Gia Cốp 1:4–6, tìm kiếm những điều Nê Phi đã yêu cầu Gia Cốp đưa vào các bảng khắc và dạy cho dân chúng.
-
Nê Phi và Gia Cốp đã biết được một số điều gì? Làm thế nào họ biết được những điều này?
Đọc Gia Cốp 1:7–8, tìm kiếm những điều Gia Cốp đã làm, nhờ vào sự hiểu biết của ông. Em có thể đánh dấu các cụm từ trong sách thánh thư của mình cho thấy điều gì đã thúc đẩy Gia Cốp hành động. Những lời giải thích sau đây có thể làm sáng tỏ động lực của Gia Cốp.
-
“Suy ngẫm về cái chết của Ngài”:Gia Cốp có thể đã mời dân Nê Phi nghĩ về việc Chúa Giê Su Ky Tô chết vì họ và chuộc tội cho những tội lỗi của họ.
-
“Vác thập tự giá của Ngài”:Cụm từ này có ý nói về sự cam kết để từ bỏ những sự không tin kính và dục vọng của thế gian cùng tuân giữ các giáo lệnh của Chúa (xin xem Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 16:26 [trong Ma Thi Ơ 16:24, cước chú e]; Lu Ca 9:23; 2 Nê Phi 9:18). Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta có thể cho thấy sự sẵn lòng để kiên trì và hy sinh khi chúng ta noi theo Đấng Cứu Rỗi.
Lời giải thích về một số cụm từ khó khác nằm trong phần “Tùy Chọn: Muốn Thêm Thông Tin?”.
-
Gia Cốp đã viết ra những lý do nào mà có thể tạo động lực cho em? Em có thể nghĩ ra những lý do nào nữa để mời những người khác đến cùng Đấng Ky Tô?
-
Chúng ta có thể học được gì từ tấm gương của Gia Cốp trong những câu này?
Một lẽ thật mà chúng ta có thể học hỏi từ tấm gương của Gia Cốp là việc biết về Chúa Giê Su Ky Tô và vương quốc của Ngài có thể thúc đẩy chúng ta siêng năng lao nhọc để giúp những người khác đến cùng Ngài.
Suy ngẫm về những điều các em biết về Chúa Giê Su Ky Tô và nghĩ về những lẽ thật em muốn người khác biết về Ngài.
Khi em nghĩ về những cách thức để giúp đỡ người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô, em có thể lấy can đảm từ những lời hứa và lời khuyên trong thánh thư.
Đọc Giáo Lý và Giao Ước 15:6; 18:15–16 để khám phá những điều Chúa đã hứa với những người giúp đỡ người khác đến cùng Ngài.
Đọc An Ma 31:34–35 để học hỏi từ tấm gương của An Ma trong ước muốn giúp dẫn dắt dân Giô Ram đến cùng Đấng Ky Tô.