Lớp Giáo Lý
Ê Nót: Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô Có Thể Mang Lại Sự Tha Thứ Tội Lỗi


“Ê Nót: Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô Có Thể Mang Lại Sự Tha Thứ Tội Lỗi”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Ê Nót”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Ê Nót

Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô Có Thể Mang Lại Sự Tha Thứ Tội Lỗi

Ê Nót đang cầu nguyện

Em đã bao giờ tự hỏi làm thế nào để nhận được sự tha thứ cho tội lỗi của mình không? Ê Nót, là con trai của Gia Cốp và cháu nội của Lê Hi, đã cầu nguyện lên Thượng Đế “với lời cầu nguyện mãnh liệt” (Ê Nót 1:4) để được tha thứ tội lỗi của mình. Bài học này nhằm giúp em thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải để nhận được sự tha thứ.

Suy nghĩ về ý nghĩa của sự tha thứ đối với em

Hãy tưởng tượng rằng em có một người bạn hỏi em về sự hối cải và sự tha thứ. Suy ngẫm cách em có thể trả lời những câu hỏi sau:

  • Làm thế nào em biết được liệu mình có cần được tha thứ cho một điều gì đó?

  • Làm thế nào em có thể được tha thứ các tội lỗi?

  • Làm thế nào một người có thể biết liệu họ đã được tha thứ chưa sau khi họ đã cố gắng hối cải?

Hãy suy ngẫm những điều em có thể nói với người bạn của mình. Hãy suy nghĩ về những điều em biết và đã trải qua khi tìm kiếm sự tha thứ, cũng như những điều em có thể muốn biết rõ hơn.

Khi em nghiên cứu câu chuyện của Ê Nót trong bài học này, hãy tìm kiếm những điều ông đã làm để nhận được sự tha thứ cho tội lỗi của mình và cách có thể áp dụng điều đó vào cuộc sống của em.

Sự tha thứ bắt đầu bằng sự giao tiếp sâu sắc giữa em và Thượng Đế

Ê Nót, là con trai của Gia Cốp và cháu nội của Lê Hi, đã cầu nguyện lên Thượng Đế “với lời cầu nguyện mãnh liệt” để được tha thứ tội lỗi của mình.

Đọc Ê Nót 1:1–8 và đánh dấu các từ và cụm từ giúp em hiểu rõ hơn về cách tìm kiếm và có được sự tha thứ.

Việc dành thời gian để suy ngẫm về những cụm từ quan trọng có thể là một kỹ năng học tập thánh thư hữu ích. Việc đó cho phép Đức Thánh Linh soi dẫn em có được sự hiểu biết lớn lao hơn. Để suy ngẫm, em có thể nghĩ về ý nghĩa của một cụm từ và tra cứu bất kỳ từ nào em muốn hiểu rõ hơn trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Em có thể suy ngẫm lý do tại sao Ê Nót sử dụng một cụm từ nào đó và liệu em đã từng trải qua bất cứ điều gì đó tương tự hay chưa.

Chọn một vài cụm từ trong số các cụm từ sau đây hoặc những cụm từ khác mà em đã nhận ra và dành thời gian để suy ngẫm về những điều em có thể học hỏi từ chúng.

  • “Sự phấn đấu của tôi trước Thượng Đế” (câu 2)

  • “In sâu vào tim tôi” (câu 3)

  • “Tâm hồn tôi tràn đầy sự khao khát” (câu 4)

  • “Lời cầu nguyện và khẩn cầu mãnh liệt” (câu 4)

  • “Ngươi đã được tha tội” (câu 5)

  • “Tội lỗi của tôi đã được tẩy sạch” (câu 6)

  • “Lạy Chúa, làm sao điều này lại có thể xảy ra được?” (câu 7)

  • “Vì đức tin của ngươi nơi Đấng Ky Tô” (câu 8)

biểu tượng, ghi chép
  1. Hãy trả lời những câu hỏi sau đây:

    • Những từ hoặc cụm từ nào nổi bật đối với em? Tại sao?

    • Em đã học được gì khi suy ngẫm về những cụm từ này?

    • Em cảm thấy Thượng Đế đang dạy cho em điều gì từ kinh nghiệm của Ê Nót?

Một nguyên tắc quan trọng chúng ta học được ở Ê Nót là khi chúng ta hối cải và thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được tha thứ cho tội lỗi của mình, và chúng ta có thể được trọn lành. Em có thể muốn viết nguyên tắc này vào nhật ký ghi chép việc học tập.

Hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

Một khi chúng ta đã thật sự hối cải, Đấng Ky Tô sẽ cất đi gánh nặng của sự mặc cảm tội lỗi của chúng ta. Chúng ta có thể tự mình biết rằng chúng ta đã được tha thứ và được làm cho sạch tội. Đức Thánh Linh sẽ kiểm chứng điều này với chúng ta; Ngài là Đấng Thánh Hóa. Không có một chứng ngôn nào khác về sự tha thứ mà có thể kỳ diệu hơn. (Dieter F. Uchtdorf, “Điểm Trở Về An Toàn”, Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 101)

  • Các em nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu người nào đó cố gắng tìm kiếm sự tha thứ mà không hối cải và thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô? Tại sao?

  • Ê Nót đã cố gắng hối cải và thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô bằng một số cách thức nào?

  • Em nghĩ được trọn lành có nghĩa là gì?

Có thể là hữu ích để xem em có thể trả lời được những câu hỏi nào từ tình huống ở đầu bài học bằng câu chuyện của Ê Nót.

Chúng ta có thể có những kinh nghiệm như Ê Nót vào thời nay

Hầu hết mọi người không nhận được sự tha thứ ngay lập tức hoặc đầy kịch tính như Ê Nót. Tuy nhiên, khi chúng ta tìm cách thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải giống như Ê Nót, chúng ta cũng có thể nhận được sự tha thứ và được trọn lành.

Hãy suy ngẫm về những nỗ lực của em để thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải. Cân nhắc những điều sau đây khi em làm như vậy:

  • Suy ngẫm về những điều em biết về Chúa Giê Su Ky Tô và mong muốn của Ngài để tha thứ và giúp đỡ em. Em cảm thấy Ngài muốn em làm gì để thực hành đức tin nơi Ngài và hối cải?

  • Hãy nghĩ về lần cuối cùng em cảm thấy như em đã thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải. Chuyện đó có xảy ra gần đây không? Tại sao có hoặc tại sao không?

  • Cân nhắc hoạch định một khoảng thời gian để cầu nguyện với đức tin lớn lao hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Em có thể cầu nguyện như thế nào cho khác với cách em thường cầu nguyện? Làm cách nào em có thể chứng tỏ rằng em mong muốn sự tha thứ của Chúa giống như Ê Nót?