Lớp Giáo Lý
Mô Si A 27:24–37: “Được Thượng Đế Sinh Ra”


“Mô Si A 27:24–37: ‘Được Thượng Đế Sinh Ra’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Mô Si A 27:24–37”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Mô Si A 27:24–37

“Được Thượng Đế Sinh Ra”

An Ma Con đang cầu nguyện

Sự hối cải của An Ma Con và các con trai của Mô Si A có thể mang lại hy vọng cho bất cứ ai đang tự hỏi liệu họ có thể thay đổi hay không. Đấng Cứu Rỗi đã giúp những thanh niên này, những người được mô tả là “những kẻ xấu xa nhất” (Mô Si A 28:4), thay đổi sang “trạng thái ngay chính” (Mô Si A 27:25). Bài học này có thể giúp em hối cải và thể hiện đức tin rằng Đấng Cứu Rỗi có thể thay đổi tấm lòng của em.

Thay đổi

Hãy thử nghĩ về những sự vật trong tự nhiên thay đổi mạnh mẽ đến mức nó gần như không thể cùng là một sự vật. Một ví dụ được thể hiện trong hình ảnh sau đây.

một con sâu bướm và một con bướm
  • Sự tiến triển thuộc linh của chúng ta có thể được so sánh như thế nào với việc một con sâu bướm hóa thành một con bướm?

  • Làm cách nào Thượng Đế khiến chúng ta có thể thay đổi và trở nên giống như Ngài?

Hãy suy nghĩ một chút về sự tiến triển của em trong quá trình trở nên giống như Thượng Đế hơn. Có điều gì về bản thân mà em muốn thay đổi hoặc cải thiện không? Em có thể gặp phải những trở ngại nào trong việc thực hiện những thay đổi mà em mong muốn này?

Hôm nay, em sẽ nghiên cứu một sự thay đổi kỳ diệu mà Đấng Cứu Rỗi đã thực hiện trong cuộc sống của một số thanh niên. Trong khi học, em hãy lắng nghe những lời thúc giục của Thánh Linh về cách Đấng Cứu Rỗi có thể giúp em thay đổi.

An Ma Con và các con trai của Mô Si A

một thiên sứ hiện đến trước An Ma Con và các con trai của Mô Si A

Hãy nhớ lại rằng phần đầu của Mô Si A 27 ghi lại câu chuyện về việc Thượng Đế đáp ứng những lời cầu nguyện của An Ma. Thượng Đế đã gửi một thiên sứ đến để thuyết phục An Ma Con và các con trai của Vua Mô Si A về sự sai lầm trong đường lối của họ. An Ma Con không thể nói hoặc cử động trong nhiều ngày sau sự kiện này (xin xem Mô Si A 27:19, 23). Trong thời gian đó, ông đã trải qua nỗi thống khổ không thể diễn tả bởi những tội lỗi của mình. Cuối cùng khi có thể nói trở lại, ông mô tả những điều Chúa đã làm cho mình.

Viết “Có thể thay đổi nhờ Chúa Giê Su Ky Tô” ở trên cùng của một tờ giấy. Sau đó, vẽ hai đường thẳng dọc để chia tờ giấy thành ba cột bằng nhau. Ghi cột bên trái là “trước đây”, cột giữa là “vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô” và cột bên phải là “sau này”.

Đọc Mô Si A 27:8–10; 28:4 để xem An Ma Con và các con trai của Mô Si A trước đây là người như thế nào. Viết ra những mô tả về họ trong cột “trước đây“ trên tờ giấy của em.

Bây giờ, đọc Mô Si A 27:32–37, và viết ra phần mô tả về những người mà họ đã trở thành trong cột “sau này”.

Hãy dừng lại một phút để suy ngẫm về sự thay đổi mà em nhận thấy nơi một người đã hối cải với đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi. (Thậm chí là em có thể nghĩ về chính mình.) Thêm mô tả vào các cột về họ (hoặc em) là người như thế nào trước và sau thay đổi này.

Đọc Mô Si A 27:23–26 và tìm kiếm các cụm từ mô tả sự thay đổi cần thiết để chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi. Có thể là hữu ích khi biết rằng từ trần tục (câu 25) có thể có nghĩa là thế gian hoặc nhục dục, và cụm từ “trở thành con trai và con gái [của Thượng Đế]” (câu 25) có thể đề cập đến những người “thừa hưởng được vương quốc của Thượng Đế” (câu 26).

Trong cột “Vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô” trên giấy của mình, hãy viết những cụm từ em thấy ấn tượng. Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về ý nghĩa của những cụm từ đó. Nếu cần, hãy tra cứu bất kỳ từ nào em muốn hiểu rõ hơn trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

Một lẽ thật được dạy trong những câu này là tất cả nhân loại cần phải được thay đổi qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

biểu tượng, ghi chép
  1. Hãy trả lời những câu hỏi sau đây:

    • Những cụm từ nào mô tả các thay đổi có thể được thực hiện qua Chúa Giê Su Ky Tô mà có ý nghĩa nhất đối với em? Tại sao?

    • Việc nhận được sự tha thứ của Đấng Cứu Rỗi thay đổi chúng ta ra sao?

    • Theo câu 24, chúng ta được yêu cầu làm điều gì để mời Đấng Cứu Rỗi thay đổi chúng ta?

Sự thay đổi là một tiến trình, không phải là một sự kiện

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Trong khi đối với một số người, tiến trình hối cải có thể xảy ra một cách kịch tính, như đã xảy ra với An Ma, nhưng đây là ngoại lệ thay vì lẽ thông thường. Hầu hết chúng ta di chuyển từng bước, từng chút một để hướng tới sự thiện lành hơn, chính xác hơn trong các giao ước của chúng ta, và phục vụ cùng cam kết nhiều hơn. (Neil L. Andersen, The Divine Gift of Forgiveness [năm 2019], trang 11)

  • Tại sao lời phát biểu của Anh Cả Andersen lại quan trọng cần phải nhớ?

Hãy dành một chút thời gian để liệt kê một số hành động chúng ta có thể thực hiện để hối cải và dần dần được Chúa thay đổi. (Để có ý tưởng, hãy đọc lại lời phát biểu của Anh Cả Andersen ở trên và cân nhắc đọc một số câu sau: Mô Si A 26:29; 27:35; An Ma 36:18; 3 Nê Phi 9:22; Giáo Lý và Giao Ước 6:9; 58:42–43).

icon, record
  1. Hãy trả lời những câu hỏi sau đây:

    • Chúng ta có thể làm gì để hướng đến Chúa và hối cải?

    • Em nghĩ những nỗ lực này có thể giúp chúng ta dần dần được thay đổi như thế nào qua Đấng Cứu Rỗi?

Xin xem video “Hy Vọng nơi Ánh Sáng của Thượng Đế” (6:46) và tìm kiếm cách Đấng Cứu Rỗi đã giúp người nào đó thay đổi “từng bước, từng chút một hướng tới sự thiện lành hơn”.

6:46

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm cách áp dụng bài học này cho em. Ghi lại những suy nghĩ của em về các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập:

  1. Đấng Cứu Rỗi đã giúp em thực hiện những thay đổi dần dần nào? Em cảm thấy như thế nào về những nỗ lực của mình và sự giúp đỡ của Chúa?

  2. Em cảm thấy Chúa muốn em thực hiện bước nào tiếp theo để hối cải và tiếp tục thay đổi qua Ngài?

  3. Em có thể gặp phải những trở ngại nào trong tiến trình này, và làm thế nào em có thể hướng đến Chúa để giúp em vượt qua những trở ngại đó?