Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 27 tháng Mười Một. Tôi Có Thể Chia Sẻ Phúc Âm Bằng Cách Nào? Giô Na; Mi Chê


“Ngày 27 tháng Mười Một. Tôi Có Thể Chia Sẻ Phúc Âm Bằng Cách Nào? Giô Na; Mi Ca”, Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý Năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 27 tháng Mười Một. Tôi Có Thể Chia Sẻ Phúc Âm Bằng Cách Nào?” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý Năm 2022

Hình Ảnh
các thiếu nữ đang trò chuyện

Ngày 27 tháng Mười Một

Tôi Có Thể Chia Sẻ Phúc Âm Bằng Cách Nào?

Giô Na; Mi Chê

Hình Ảnh
biểu tượng cùng nhau hội ý

Cùng Nhau Hội Ý

Được hướng dẫn bởi một thành viên trong chủ tịch đoàn nhóm túc số hoặc lớp học; 10–20 phút

Vào đầu buổi họp, hãy cùng nhau ôn lại Chủ Đề của Hội Thiếu Nữ hoặc Chủ Đề của Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn. Sau đó, hướng dẫn thảo luận về công việc cứu rỗi và tôn cao bằng cách sử dụng một hoặc nhiều câu hỏi dưới đây hoặc câu hỏi của riêng anh chị em (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát 10.2, 11.2, ChurchofJesusChrist.org). Hoạch định cách để hành động theo những gì anh chị em thảo luận.

  • Sống theo phúc âm. Làm thế nào để chúng ta đến gần với Đấng Cứu Rỗi hơn? Làm thế nào chúng ta có thể cố gắng trở nên giống như Ngài hơn?

  • Chăm sóc cho những người hoạn nạn. Gần đây chúng ta đã nghĩ đến ai? Làm thế nào chúng ta có thể giúp những cá nhân này?

  • Mời tất cả mọi người tiếp nhận phúc âm. Chúng ta có thể trả lời những câu hỏi của bạn bè về Giáo Hội như thế nào?

  • Kết hợp các gia đình cho thời vĩnh cửu. Một số cách thức chúng ta có thể kết nối tốt hơn với các thân quyến xa gần, chẳng hạn như ông bà và anh chị em họ là gì?

Vào cuối buổi học, hãy làm những điều sau đây khi thích hợp:

  • Làm chứng về các nguyên tắc đã được giảng dạy.

  • Nhắc các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số nhớ về những kế hoạch và lời mời được đưa ra trong buổi họp.

Giảng Dạy Giáo Lý

Được hướng dẫn bởi một em giới trẻ hoặc một người lãnh đạo thành niên; 25–35 phút

Tự Chuẩn Bị về Phần Thuộc Linh

Có lẽ có những thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số của anh chị em thường xuyên tìm cách chia sẻ phúc âm. Có lẽ là anh chị em cũng làm điều này! Tuy nhiên, đối với nhiều người, việc chia sẻ phúc âm thật khó khăn và thậm chí đáng sợ. May mắn thay, tất cả chúng ta có thể trở nên giỏi hơn trong việc chia sẻ đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em có thể không nghe thấy tiếng nói của Chúa truyền lệnh cho các anh chị em làm điều gì đó như “thành lớn Ni Ni Ve, và kêu la nghịch cùng nó” như Giô Na đã làm (Giô Na 1:2). Nhưng tiếng nói êm dịu của Đức Thánh Linh có thể thúc giục anh chị em “đi đến” những người cụ thể trong gia đình và bạn bè, là những người đã được chuẩn bị để nghe chứng ngôn của anh chị em. Hãy cởi mở với những điều mà anh chị em có thể học được từ kinh nghiệm của Giô Na khi học trong tuần này và chuẩn bị bản thân để chia sẻ những điều anh chị em học được với những người mà anh chị em giảng dạy. Anh chị em cũng có thể đọc sứ điệp của Anh Cả D. Todd Christofferson “Chia Sẻ Sứ Điệp về Sự Phục Hồi và Sự Phục Sinh” khi chuẩn bị giảng dạy (Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 110–113).

Hình Ảnh
em thiếu niên đang học thánh thư

Đức Thánh Linh có thể thúc giục chúng ta chia sẻ phúc âm với những người đã chuẩn bị để nghe chứng ngôn của chúng ta.

Cùng Nhau Học Hỏi

Để giúp những người mà anh chị em giảng dạy chia sẻ ấn tượng từ việc học về Giô Na trong tuần này, anh chị em có thể trưng bày một bức tranh về Giô Na (xin xem đại cương tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình). Mời họ thảo luận về những điều họ học được khi chia sẻ phúc âm từ kinh nghiệm của Giô Na. Anh chị em có thể mời họ đặc biệt xem lại Giô Na 1 và 3 và hỏi: Chúng ta học được gì về việc chia sẻ phúc âm với những người có vẻ chưa sẵn sàng thay đổi? Chúng ta học được gì về việc Thượng Đế sẵn lòng tha thứ cho những ai hối cải? Để soi dẫn cho các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số của anh chị em chia sẻ phúc âm, hãy sử dụng một hoặc nhiều sinh hoạt sau đây hoặc tạo một sinh hoạt của riêng anh chị em.

  • Để có ý tưởng về cách chia sẻ phúc âm của Đấng Cứu Rỗi với những người khác, lớp học hoặc nhóm túc số của anh chị em có thể xem lại những lcâu chuyện sau đây trong thánh thư: Giăng 4:3–26; Công Vụ Các Sứ Đồ 16:25–33; An Ma 19:14–18, 28–31. Sau đó, anh chị em có thể cùng nhau thảo luận về những câu hỏi như sau: Những người trong câu chuyện này đã chuẩn bị như thế nào để nghe sứ điệp phúc âm? Anh chị em nhận thấy điều gì về cách mà sứ điệp này được chia sẻ? Anh chị em nghĩ tại sao Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta chia sẻ phúc âm? Sau đó, anh chị em có thể thảo luận với tư cách là lớp học hoặc nhóm túc số về điều mà những câu chuyện này dạy cho chúng ta về cách chúng ta có thể chia sẻ phúc âm ngày nay.

  • Việc đọc về tấm gương đầy soi dẫn của những người khác chia sẻ phúc âm có thể khuyến khích giới trẻ mà anh chị em giảng dạy làm điều tương tự. Anh Cả D. Todd Christofferson đã chia sẻ một số tấm gương trong sứ điệp của mình “Chia Sẻ Sứ Điệp về Sự Phục Hồi và Sự Phục Sinh.” Trong sứ điệp này, Anh Cả Christofferson dạy rằng có ba điều cần thiết để làm cho lời mời gọi của chúng ta để tiếp nhận phúc âm trở nên hấp dẫn: tình yêu thương của chúng ta, tấm gương của chúng ta và việc chúng ta sử dụng Sách Mặc Môn. Thảo luận về các ví dụ chia sẻ phúc âm trong sứ điệp này và mời những người mà anh chị em giảng dạy chia sẻ các ví dụ khác, bao gồm cả kinh nghiệm cá nhân của họ. Những kinh nghiệm này chứng tỏ như thế nào về ba điều mà Anh Cả Christofferson đã dạy?

  • Làm cách nào anh chị em có thể giúp những người mà anh chị em giảng dạy hiểu rằng việc chia sẻ phúc âm có thể tự nhiên và không cần phải sợ hãi? Anh chị em có thể cho xem các video trong “Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ” và yêu cầu giới trẻ suy ngẫm về cách họ có thể chia sẻ phúc âm với người mà họ biết. Chúng ta có thể làm gì để mời họ đến và xem? Họ có những cơ hội nào để đến và giúp đỡ? Làm cách nào chúng ta có thể giúp họ cảm thấy mong muốn để đến và ở lại? Làm cách nào chúng ta có thể làm cho việc chia sẻ phúc âm trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của mình?

Hành Động theo Đức Tin

Hãy khuyến khích các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số suy ngẫm và ghi lại những điều họ sẽ làm để hành động theo những ấn tượng mà họ nhận được hôm nay. Nếu muốn, họ có thể chia sẻ ý kiến của họ. Mời họ suy nghĩ về việc hành động theo các ấn tượng của họ sẽ củng cố mối quan hệ của họ với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào.

Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ

Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi

“Con người có nhiều khả năng để có những thay đổi quan trọng trong cuộc sống của họ khi những thay đổi đó đến từ việc thực hành quyền tự quyết của họ. Khi các anh chị em đưa ra lời mời để hành động, thì hãy chắc chắn phải tôn trọng quyền tự quyết của những người mà các anh chị em giảng dạy” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 35).

In