Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 12 tháng Ba. Làm Thế Nào Đấng Cứu Rỗi Có Thể Giúp Tôi Vượt Qua Những Nỗi Sợ Hãi Của Mình? Ma Thi Ơ 9–10; Mác 5; Lu Ca 9


“Ngày 12 tháng Ba. Làm Thế Nào Đấng Cứu Rỗi Có Thể Giúp Tôi Vượt Qua Những Nỗi Sợ Hãi Của Mình? Ma Thi Ơ 9–10; Mác 5; Lu Ca 9,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 12 tháng Ba. Làm Thế Nào Đấng Cứu Rỗi Có Thể Giúp Tôi Vượt Qua Những Nỗi Sợ Hãi Của Mình?” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý năm 2023

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô làm cho con gái của Giai Ru sống lại

Daughter, Arise (Hỡi Con Gái, Hãy Thức Dậy), tranh do Simon Dewey họa

Ngày 12 tháng Ba

Làm Thế Nào Đấng Cứu Rỗi Có Thể Giúp Tôi Vượt Qua Những Nỗi Sợ Hãi Của Mình?

Ma Thi Ơ 9–10; Mác 5; Lu Ca 9

Hình Ảnh
biểu tượng cùng nhau hội ý

Cùng Nhau Hội Ý

Được hướng dẫn bởi một thành viên trong chủ tịch đoàn lớp học hoặc nhóm túc số; khoảng 10–20 phút

Vào đầu buổi họp, hãy cùng nhau lặp lại Chủ Đề của Hội Thiếu Nữ hoặc Chủ Đề của Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn. Sau đó, hãy hướng dẫn thảo luận về công việc cứu rỗi và tôn cao bằng cách sử dụng một hoặc nhiều câu hỏi dưới đây hoặc câu hỏi của riêng anh chị em (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, mục 10.2, 11.2). Hoạch định cách để hành động theo những gì anh chị em thảo luận.

  • Sống theo phúc âm. Chúng ta đã thấy được ảnh hưởng của Chúa trong cuộc sống của mình như thế nào?

  • Chăm sóc cho những người hoạn nạn. Làm thế nào chúng ta có thể hỗ trợ lẫn nhau trong những việc chúng ta đang trải qua?

  • Mời tất cả mọi người tiếp nhận phúc âm. Chúng ta có thể sử dụng tốt hơn công nghệ như một công cụ để chia sẻ phúc âm bằng cách nào?

  • Kết hợp các gia đình cho thời vĩnh cửu. Chúng ta đang làm gì để giúp gia đình mình đến cùng Đấng Ky Tô?

Vào cuối buổi học, hãy làm những điều sau đây khi thích hợp:

  • Làm chứng về các nguyên tắc đã được giảng dạy.

  • Nhắc các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số nhớ về những kế hoạch và lời mời được đưa ra trong buổi họp.

Hình Ảnh
biểu tượng giảng dạy giáo lý

Giảng Dạy Giáo Lý

Được hướng dẫn bởi một em giới trẻ hoặc một người lãnh đạo thành niên; khoảng 25–35 phút

Tự Chuẩn Bị về Phần Thuộc Linh

Chương 5 trong sách Mác ghi lại rằng ba người tiếp cận Chúa Giê Su đều có lý do để sợ hãi. Một người đàn ông “bị tà ma ám” đã sống một cuộc đời đơn độc, “cứ ở nơi mồ mả và trên núi, ngày đêm kêu la và lấy đá đánh bầm mình” (Mác 5:2, 5). Giai Ru, một người cai nhà hội, sợ mất đi đứa con gái của mình vì đứa bé ấy đã “gần chết” (Mác 5:23). Và một người đàn bà “bị bệnh mất huyết đã mười hai năm” vẫn chưa được chữa lành sau khi “hao tốn hết tiền của” trong tay “nhiều thầy thuốc” (Mác 5:25–26). Mỗi em giới trẻ mà anh chị em dạy đều khác nhau và đang đối mặt với những nỗi sợ hãi riêng của em ấy. Nhưng cũng như việc Đấng Cứu Rỗi có thể xua đuổi các linh hồn ô uế, làm cho kẻ chết sống lại, và chữa lành một căn bệnh đáng sợ, Ngài có thể giúp đỡ chúng ta khi chúng ta sợ hãi. Lời khuyên của Ngài cho Giai Ru cũng có sức mạnh lớn lao trong cuộc sống chúng ta ngày nay: “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi” (Mác 5:36).

Để chuẩn bị giảng dạy, hãy cân nhắc tham khảo sứ điệp của Anh Cả Ronald A. Rasband “Chớ Bối Rối” (Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 18–21) và sứ điệp của Chị Lisa L. Harkness “Hãy Êm Đi, Lặng Đi” (Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 80–82).

Cùng Nhau Học Hỏi

Anh chị em có thể mời một thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số tóm tắt lại câu chuyện trong Mác 5 về việc Chúa Giê Su mời Giai Ru “đừng sợ” (xin xem các câu 22–24, 35–43), hoặc anh chị em có thể cùng các em ôn lại câu chuyện này. Anh chị em có thể làm như vậy với các câu chuyện khác trong chương này—người đàn ông bị tà ma ám và người đàn bà bị bệnh mất huyết. Các tình huống đáng sợ này cũng tương tự như những tình huống mà chúng ta có thể đối mặt trong cuộc sống của mình như thế nào? Chúng ta có thể học được điều gì từ những câu chuyện này về Đấng Cứu Rỗi và cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ Ngài? Các sinh hoạt sau đây có thể giúp giới trẻ gia tăng đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô và học cách tuân theo lời phán dạy của Ngài: “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi” (Mác 5:36).

  • Lời Chúa mời gọi để đừng sợ hãi, được lặp đi lặp lại trong khắp thánh thư, sẽ ban phước cho giới trẻ khi họ sợ hãi. Hãy mời họ đọc những đoạn thánh thư trong phần “Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ” và làm một tấm bích chương để họ có thể trưng bày ở nhà—hoặc một tấm bích chương kỹ thuật số để họ có thể chia sẻ trực tuyến—dựa trên những đoạn thánh thư mà họ đọc. Khi các em giới trẻ chia sẻ với nhau những gì họ đã tạo ra, hãy mời họ đồng thời chia sẻ điều họ học được mà có thể giúp ích trong lúc sợ hãi. Khi nào Đấng Cứu Rỗi đã giúp chúng ta trong lúc sợ hãi?

  • Hãy cân nhắc trưng bày bức hình về việc Đấng Cứu Rỗi làm lặng êm cơn bão, chẳng hạn như bức hình trong phiên bản kỹ thuật số của sứ điệp từ Chị Lisa L. Harkness “Hãy Êm Đi, Lặng Đi” (xin xem thêm Sách Họa Phẩm Phúc Âm [năm 2009], số 40). Sau đó anh chị em hoặc một ai đó mà anh chị em chỉ định có thể chia sẻ câu chuyện về việc Đấng Cứu Rỗi làm lặng cơn bão từ Mác 4:35–41 hoặc từ sứ điệp của Chị Harkness. Đôi khi chúng ta giống như những người trên chiếc thuyền đó như thế nào? Chúng ta học được điều gì từ câu chuyện này về cách Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta khi chúng ta sợ hãi? Mời giới trẻ ôn lại sứ điệp của Chị Harkness để tìm kiếm các câu hoặc cụm từ mà giúp họ gia tăng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Họ có thể viết những câu hoặc cụm từ này lên trên bảng. Làm thế nào đức tin của chúng ta nơi Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta khi Ngài không có ý định làm lặng những cơn bão trong cuộc sống chúng ta?

  • Một số bài thánh ca ngợi khen Đấng Cứu Rỗi về sự an ủi và sức mạnh của Ngài trong những lúc thử thách và bất trắc, chẳng hạn như “Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 12). Có lẽ anh chị em và các em có thể cùng nhau hát hoặc đọc một vài bài hát này để tìm kiếm cách mà Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta.

  • Sự sợ hãi và lo lắng là điều bình thường khi chúng ta đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. Đối với một số người, những cảm xúc này có thể gây ức chế. Lớp học hoặc nhóm túc số của anh chị em có thể được lợi ích khi thảo luận về cách Đấng Cứu Rỗi có thể giúp những người đang gặp khó khăn với những mức độ lo âu khác nhau. Các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số có thể cùng nhau ôn lại sứ điệp của Anh Cả Ronald A. Rasband “Chớ Bối Rối” hoặc sứ điệp của Anh Cả Erich W. Kopischke “Nói Về Sức Khỏe Tâm Thần” (Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 36–38), nhằm tìm kiếm những lẽ thật đầy ý nghĩa đối với họ và chia sẻ điều họ tìm được. Khuyến khích giới trẻ nói chuyện với cha mẹ hoặc vị lãnh đạo đáng tin cậy nếu họ cần giúp đỡ.

Hình Ảnh
em thiếu niên đang học

Đấng Cứu Rỗi đã hứa giúp đỡ chúng ta khi chúng ta tìm đến Ngài trong những lúc sợ hãi và bất trắc.

Hành Động theo Đức Tin

Hãy khuyến khích các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số suy ngẫm và ghi lại những điều họ sẽ làm để hành động theo những ấn tượng mà họ nhận được hôm nay. Nếu muốn, họ có thể chia sẻ ý kiến của họ. Mời họ suy nghĩ xem việc hành động theo các ấn tượng của họ sẽ củng cố mối quan hệ của họ với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào.

Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ

Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi

Khi các anh chị em giảng dạy, thay vì chỉ truyền đạt thông tin, hãy giúp giới trẻ tự khám phá ra các lẽ thật phúc âm trong thánh thư và những lời của các vị tiên tri.

In