Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 26 tháng Hai. Những Lời Giảng Dạy của Đấng Cứu Rỗi Giúp Tôi Đưa Ra Xét Đoán Ngay Chính Như Thế Nào? Ma Thi Ơ 6–7


“Ngày 26 tháng Hai. Những Lời Giảng Dạy của Đấng Cứu Rỗi Giúp Tôi Đưa Ra Xét Đoán Ngay Chính Như Thế Nào? Ma Thi Ơ 6–7,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 26 tháng Hai. Những Lời Giảng Dạy của Đấng Cứu Rỗi Giúp Tôi Đưa Ra Xét Đoán Ngay Chính Như Thế Nào?,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý năm 2023

Hình Ảnh
Chúa Giê Su và người đàn bà phạm tội tà dâm

Ngày 26 tháng Hai

Những Lời Giảng Dạy của Đấng Cứu Rỗi Giúp Tôi Đưa Ra Xét Đoán Ngay Chính Như Thế Nào?

Ma Thi Ơ 6–7

Hình Ảnh
biểu tượng cùng nhau hội ý

Cùng Nhau Hội Ý

Được hướng dẫn bởi một thành viên trong chủ tịch đoàn lớp học hoặc nhóm túc số; khoảng 10–20 phút

Vào đầu buổi họp, hãy cùng nhau lặp lại Chủ Đề của Hội Thiếu Nữ hoặc Chủ Đề của Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn. Sau đó, hãy hướng dẫn thảo luận về công việc cứu rỗi và tôn cao bằng cách sử dụng một hoặc nhiều câu hỏi dưới đây hoặc câu hỏi của riêng anh chị em (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, mục 10.2, 11.2). Hoạch định cách để hành động theo những gì anh chị em thảo luận.

  • Sống theo phúc âm. Giám trợ đoàn đã thảo luận những đề tài nào trong các buổi họp hội đồng giới trẻ tiểu giáo khu? Chúng ta có thể làm gì với tư cách là lớp học hoặc nhóm túc số dựa trên những cuộc thảo luận đó?

  • Chăm sóc cho những người hoạn nạn. Làm cách nào chúng ta có thể tìm đến giúp đỡ mọi người theo những cách thức giống như Đấng Ky Tô khi chúng ta thấy được nhu cầu của người khác và không biết phải nói gì?

  • Mời tất cả mọi người tiếp nhận phúc âm. Chúng ta đã tìm thấy điều gì trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà mang lại niềm vui cho chúng ta? Làm cách nào chúng ta có thể chia sẻ niềm vui đó với người khác?

  • Kết hợp các gia đình cho thời vĩnh cửu. Chúng ta đang làm gì để tìm tên các tổ tiên của mình là những người cần các giáo lễ đền thờ? Chúng ta có thể làm gì để giúp những người khác tìm tên của tổ tiên họ?

Vào cuối buổi học, hãy làm những điều sau đây khi thích hợp:

  • Làm chứng về các nguyên tắc đã được giảng dạy.

  • Nhắc các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số nhớ về những kế hoạch và lời mời được đưa ra trong buổi họp.

Hình Ảnh
biểu tượng giảng dạy giáo lý

Giảng Dạy Giáo Lý

Được hướng dẫn bởi một em giới trẻ hoặc một người lãnh đạo thành niên; khoảng 25–35 phút

Tự Chuẩn Bị về Phần Thuộc Linh

Mỗi chúng ta đều có xu hướng—như hậu quả của bản chất sa ngã—để xét đoán người khác, đôi lúc không công bằng hoặc tự cho mình là ngay chính. Nhưng Đấng Cứu Rỗi đã phán dạy: “Chớ xét đoán một cách bất chính, để mình khỏi bị xét đoán; nhưng hãy xét đoán bằng sự xét đoán ngay chính” (Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 7:1 [trong Ma Thi Ơ 7:1, cước chú a]). Hãy suy ngẫm xem việc tuân theo lời khuyên này có thể ban phước cho anh chị em và những người mà anh chị em dạy như thế nào. Đấng Cứu Rỗi đã cho thấy bằng tấm gương của Ngài về ý nghĩa của “sự xét đoán ngay chính.” Ví dụ, hãy xem xét cách Ngài đối xử với người đàn bà phạm tội tà dâm. Ngài không lên án bà ấy, nhưng Ngài cũng không dung túng cho tội lỗi của bà ấy. Ngài đã mời bà ấy “hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:11). Anh chị em đã học được điều gì từ Đấng Cứu Rỗi về việc xét đoán một cách ngay chính?

Khi suy ngẫm về cách để giúp các em giới trẻ hiểu về việc xét đoán ngay chính, anh chị em có thể tham khảo Ma Thi Ơ 7:1–2 và sứ điệp của Anh Cả Lynn G. Robbins “Vị Quan Án Công Bình” (Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 96–98).

Cùng Nhau Học Hỏi

Anh chị em có thể bắt đầu thảo luận về việc xét đoán ngay chính bằng cách mời các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học nghĩ về một lần mà họ cảm thấy rằng đã bị người khác xét đoán sai. Họ đã cảm thấy thế nào? Chúng ta học được điều gì về việc xét đoán qua lời phán dạy của Đấng Cứu Rỗi trong Ma Thi Ơ 7:1–5? (xin xem Bản Dịch Joseph Smith trong cước chú 1a). Cụm từ “xét đoán ngay chính” có thể mang nghĩa gì? Anh chị em có thể thảo luận những câu thánh thư này bằng cách mời các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học đọc lại từng câu bằng lời riêng của họ. Các sinh hoạt sau đây cũng có thể giúp các học viên xét đoán một cách ngay chính.

  • Những lời phán dạy của Đấng Cứu Rỗi trong Ma Thi Ơ 6–7 có thể giúp chúng ta “xét đoán bằng sự xét đoán ngay chính.” Để giúp các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số tìm hiểu những lời phán dạy này, anh chị em có thể cho mỗi người trong số họ một trong những đoạn sau đây để suy ngẫm: Ma Thi Ơ 6:14–15; 7:3–5; 7:12; 7:15–20. Những lời của Đấng Cứu Rỗi trong các câu này gợi ý điều gì về ý nghĩa của việc xét đoán ngay chính? Chúng ta có thể học được điều gì từ tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong Giăng 8:1–11Ma Thi Ơ 9:10–13? Chúng ta nhận ra những điểm khác biệt nào giữa cách Đấng Cứu Rỗi xét đoán chúng ta và cách chúng ta thường xét đoán lẫn nhau?

  • Bởi vì tất cả chúng ta đều có quyền tự quyết, chúng ta phải liên tục đánh giá về điều chúng ta sẽ làm và không làm. Nhưng với tư cách là các môn đồ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta cố gắng không phán xét hoặc chỉ trích người khác. Để giúp giới trẻ hiểu sự khác biệt, hãy chia sẻ với họ lời phát biểu của Chủ Tịch Dallin H. Oaks trong phần “Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ.” Hãy cùng làm việc với lớp học hoặc nhóm túc số để nghĩ ra những ví dụ về việc đánh giá một tình huống—chẳng hạn như một sinh hoạt, một sự kiện, hoặc một cuộc trò chuyện—thay vì xét đoán một người liên quan. Tại sao việc đánh giá tình huống lại tốt hơn là xét đoán một người? Giới trẻ có thể có những câu hỏi khác về việc xét đoán ngay chính (xin xem những ví dụ trong phần “Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ”). Hãy cùng nhau thảo luận những câu hỏi của họ bằng cách dùng thông tin trong phần “Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ” để tìm câu trả lời. Mời các em giới trẻ chia sẻ những điều họ cảm thấy được soi dẫn để làm nhờ vào những điều họ đã học được.

  • Trong sứ điệp đại hội trung ương “Phát Triển Óc Đoán Xét chứ Không Phê Phán Người Khác” (Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 103–105), Anh Cả Gregory A. Schwitzer đã kể hai câu chuyện—về Ma Thê, người bạn của Chúa Giê Su, và về một người mà Anh Cả Schwitzer đã giúp đỡ. Các câu chuyện này dạy điều gì về cách chúng ta nên nhìn nhận và đối xử với người khác? Các nguyên tắc nào có thể giúp chúng ta trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn và xét đoán một cách ngay chính?

Hình Ảnh
những người thành niên trẻ tuổi đang trò chuyện

Khi học cách trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn, chúng ta có thể xét đoán ngay chính hơn.

Hành Động theo Đức Tin

Hãy khuyến khích các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số suy ngẫm và ghi lại những điều họ sẽ làm để hành động theo những ấn tượng mà họ nhận được hôm nay. Nếu muốn, họ có thể chia sẻ ý kiến của họ. Mời họ suy nghĩ xem việc hành động theo các ấn tượng của họ sẽ củng cố mối quan hệ của họ với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào.

Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ

  • Ví dụ của những câu hỏi về việc xét đoán người khác: “Tôi được dạy nên chọn bạn bè của mình một cách cẩn thận. Nhưng làm thế nào tôi có thể làm điều đó mà không đánh giá người khác?” “Khi cố gắng sống theo phúc âm, tôi bị buộc tội là hay chỉ trích. Làm cách nào tôi có thể sống theo điều mình tin tưởng và cho thấy tình yêu thương đối với những người bất đồng ý kiến?”

  • 1 Sa Mu Ên 16:7; Mô Rô Ni 7:12–19; Giáo Lý và Giao Ước 11:12

  • Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy: “Bất cứ khi nào có thể, chúng ta sẽ không xét đoán con người mà chỉ đánh giá tình hình. Điều này là cần thiết bất cứ khi nào chúng ta cố gắng hành động theo các tiêu chuẩn khác với tiêu chuẩn của những người mà chúng ta phải tiếp xúc—ở nhà, ở nơi làm việc, hoặc trong cộng đồng. Chúng ta có thể đặt ra và hành động theo các tiêu chuẩn cao hơn cho bản thân hoặc gia đình mình mà không lên án những người không làm như vậy” (“‘Judge Not’ and Judging,” Ensign, tháng Tám năm 1999, trang 11).

Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi

Nỗ lực của anh chị em nên hỗ trợ nỗ lực của các bậc cha mẹ. Hãy chia sẻ với cha mẹ của giới trẻ điều các anh chị em đang giảng dạy. Hội ý với họ để tìm hiểu về nhu cầu của những người trẻ tuổi trong lớp học của các anh chị em và cách tốt nhất để giúp đáp ứng những nhu cầu đó.

In