2010–2019
Vị Quan Án Công Bình
Tháng Mười năm 2016


10:24

Vị Quan Án Công Bình

Chỉ có một cách để xét đoán ngay chính, như Chúa Giê Su đã làm, và đó là cách để được giống như Ngài.

Trong cuộc sống trần thế của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô là một quan án nhân từ, thông sáng khác thường và kiên nhẫn. Ngài được biết đến trong thánh thư là “quan án công bình” (2 Ti Mô Thê 4:8; Môi Se 6:57), và lời dạy của Ngài cho chúng ta là cũng “hãy xét đoán bằng sự xét đoán ngay chính” (xin xem Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 7: 1–2 [trong Ma Thi Ơ 7:1, cước chú a]) và “hãy đặt sự tin cậy vào Thánh Linh là Đấng dẫn dắt làm điều tốt lành... [và] xét đoán ngay chính” (GLGƯ 11:12).

Lời khuyên dạy này cho Mười Hai Sứ Đồ Nê Phi sẽ giúp chúng ta xét đoán như Chúa xét đoán: “Các ngươi sẽ là những phán quan xét xử dân này, dựa theo sự xét xử mà ta sẽ ban cho các ngươi, là sự xét xử sẽ rất công bình. Vậy nên, các ngươi nên là những người như thế nào? Quả thật, ta nói cho các người hay, các ngươi phải giống như ta vậy” (3 Nê Phi 27:27; sự nhấn mạnh được thêm vào). Đôi khi chúng ta quên rằng khi Ngài dạy là phải giống như Ngài, thì tức là Ngài phán bảo về cách xét đoán ngay chính.

Sự Xét Đoán Không Ngay Chính

Đấng Cứu Rỗi với những Người Pha Ri Si và các thầy thông giáo

Một ví dụ đáng xấu hổ về sự xét đoán không ngay chính đến từ truyện ngụ ngôn về con chiên bị thất lạc, khi những người Pha Ri Si và các thầy thông giáo xét đoán sai cả Đấng Cứu Rỗi lẫn những người đang ăn tối với Ngài và nói rằng: “Người nầy tiếp những kẻ tội lỗi, và cùng ăn với họ” (Lu Ca 15:2)—mà quên sự kiện rằng họ chính là những người có tội. Vì có lòng thích kết án người khác nên các thầy thông giáo và người Pha Ri Si không bao giờ biết được niềm vui của việc cứu vớt chiên bị thất lạc.

Đấng Cứu Rỗi với người đàn bà bị bắt vì phạm tội tà dâm

Cũng chính “các thầy thông giáo và những người Pha Ri Si” đã giải “một người đàn bà ... đang khi phạm tội tà dâm” (Giăng 8:3) đến trước Đấng Cứu Rỗi để xem Ngài có phán xét bà ấy theo luật Môi Se không (xin xem câu 5). Anh chị em biết phần còn lại của câu chuyện, cách Ngài đã làm cho họ hạ mình vì sự xét đoán không ngay chính của họ, và cách mà họ đã “bị lương tâm của họ kết án” và bỏ đi “từng người một” (câu 9; sự nhấn mạnh được thêm vào). Sau đó Ngài phán cùng người đàn bà đó: “Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa.” (Bản Dịch Joseph Smith, Giăng 8:11 [trong Giăng 8:11, cước chú c]).

Đấng Cứu Rỗi phán cùng người đàn bà bị bắt vì phạm tội tà dâm

Con người thiên nhiên trong mỗi người chúng ta thường hay kết án người khác và xét đoán không ngay chính, hoặc tự mãn. Điều này thậm chí đã xảy ra cho Gia Cơ và Giăng, hai Vị Sứ Đồ của Đấng Cứu Rỗi. Họ đã nổi giận khi dân chúng trong một làng Sa Ma Ri đã đối xử vô lễ với Đấng Cứu Rỗi (xin xem Lu Ca 9:51–54):

Đấng Cứu Rỗi với các tín đồ

“[Gia Cơ và Giăng] ... thấy vậy, nói rằng: Thưa Chúa, Chúa có muốn chúng tôi khiến lửa từ trên trời xuống thiêu họ chăng?

“Nhưng Đức Chúa Giê Su xây lại quở hai người, mà rằng: Các ngươi không biết tâm thần nào xui giục mình.

“Vì Con của người không đến để hủy diệt mạng sống của loài người mà là để cứu họ” (các câu 54–56).

“[Các] vị phán quan thông thường” ngày nay (GLGƯ 107:74), các vị giám trợ và chủ tịch chi nhánh của chúng ta, nên tránh bất cứ ước muốn tương tự để kết án, giống như Gia Cơ và Giăng đã làm trong dịp đó. Một phán quan ngay chính sẽ phản ứng với lời thú nhận bằng lòng trắc ẩn và thông cảm. Ví dụ, một người trẻ tuổi lầm lỗi khi rời văn phòng của giám trợ nên cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi qua vị giám trợ và được tràn đầy niềm vui và quyền năng chữa lành của Sự Chuộc Tội—chứ không bao giờ nên cảm thấy xấu hổ hoặc bị khinh thường. Nếu không, vị giám trợ có thể vô tình đẩy con chiên đi lạc sâu hơn vào vùng hoang dã (xin xem Lu Ca 15:4).

Kỷ luật

Tuy nhiên, lòng trắc ẩn không vô hiệu hóa việc cần có kỷ luật. Từ kỷ luật bắt nguồn từ tiếng La Tinh discere, “học hỏi,” hoặc discipulus, “người học hỏi,” làm cho một môn đồ thành một học viên và tín đồ.1 Việc kỷ luật theo cách của Chúa là giảng dạy một cách yêu thương và kiên nhẫn. Trong thánh thư Chúa thường sử dụng từ sửa phạt, khi nói về kỷ luật (xin xem, ví dụ, Mô ​​Si A 23:21; GLGƯ 95:1). Từ sửa phạt bắt nguồn từ tiếng Latin castus, có nghĩa là “trong sạch hoặc thanh khiết,” và sửa phạt có nghĩa là “thanh tẩy.”2

Trên thế gian, chính là một phán quan trên trần thế kết án một người và bắt giam người ấy vào tù. Ngược lại, Sách Mặc Môn dạy chúng ta rằng khi cố tình phạm tội, thì chúng ta trở thành “thẩm phán cho chính bản thân mình” (An Ma 41:7) và tự nhốt mình vào ngục tù thuộc linh. Trớ trêu thay, vị phán quan thông thường trong trường hợp này nắm giữ các chìa khóa mà mở khóa cánh cửa nhà tù; “vì với sự sửa phạt, ta chuẩn bị một đường lối để giải thoát họ ra khỏi mọi cám dỗ, (GLGƯ 95:1; sự nhấn mạnh được thêm vào). Những hành động của một phán quan ngay chính là xót thương, yêu thương, và cứu chuộc, chứ không kết án.

Thiếu niên Joseph Smith đã được ghép vào kỷ luật với bốn năm thử thách trước khi có được các bảng khắc bằng vàng, “vì ngươi đã không tuân giữ các lệnh truyền của Chúa.”3 Về sau, khi Joseph bị mất 116 trang bản thảo, ông đã được ghép vào kỷ luật một lần nữa. Mặc dù Joseph đã thật sự hối hận, Chúa vẫn rút lại các đặc ân của ông trong một thời gian ngắn, vì “ta sửa phạt những kẻ ta yêu mến để cho tội lỗi của họ có thể được tha thứ” (GLGƯ 95:1).

Joseph nói: “Vị thiên sứ rất hân hoan khi vị ấy đưa lại cho tôi U Rim và Thu Mim, và nói rằng Thượng Đế đã hài lòng với sự trung tín và khiêm nhường của tôi, và yêu thương tôi vì sự hối cải và chuyên cần của tôi trong sự cầu nguyện.”4 Vì Chúa muốn dạy cho Joseph một bài học thay đổi tấm lòng nên Ngài đòi hỏi một sự hy sinh đầy đau đớn của ông—sự hy sinh là một phần thiết yếu của kỷ luật.

Sự hy sinh

“Thời xưa, hy sinh có nghĩa là làm một điều gì đó hoặc một người nào đó thành thiêng liêng,”5 theo một cách độc lập, liên kết nó với định nghĩa của từ sửa phạt—“để thanh tẩy.” Tương tự như vậy, ở Y Sơ Ra Ên thời xưa, sự tha thứ nhận được qua việc từ bỏ tội lỗi hoặc sự phạm giới, hoặc sự hy sinh.6 Sự hy sinh không những “hướng về sự hy sinh vĩ đại và cuối cùng ấy” (An Ma 34:14) mà cũng còn giúp đem lại một ý nghĩa sâu sắc hơn về lòng biết ơn đối với Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Một thái độ không sẵn lòng hy sinh là một phần của sự ăn năn của chúng ta khi chế nhạo hoặc xem thường sự hy sinh vĩ đại hơn của Đấng Ky Tô cho cùng một tội lỗi và làm giảm giá trị của nỗi đau khổ của Ngài—một dấu hiệu nhẫn tâm của sự vô ơn.

Trái lại, vì cảnh trớ trêu của sự hy sinh nên chúng ta thực sự đạt được một điều gì đó về giá trị vĩnh cửu—lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài, và cuối cùng “tất cả những gì Cha có” (GLGƯ 84:38). Là một phần của tiến trình hối cải, sự hy sinh cũng đóng vai trò như một loại dầu chữa bệnh để giúp thay thế sự “hối hận trong lương tâm” (An Ma 42:18) bằng “sự yên ổn trong lương tâm” (Mô Si A 4:3). Nếu không có sự hy sinh, một người có thể thấy khó để tha thứ cho bản thân mình, vì tiếp tục ý thức về một điều gì đó bị giữ lại.7

Người Cha hay Mẹ Là một Phán Quan Ngay Chính

Trong khi một vài người trong chúng ta sẽ được kêu gọi để làm các phán quan thông thường, thì các nguyên tắc của sự xét đoán ngay chính áp dụng cho tất cả chúng ta, nhất là các bậc cha mẹ nào có cơ hội hàng ngày để sử dụng các nguyên tắc này với con cái của mình. Việc dạy dỗ một đứa con một cách có hiệu quả là cốt lõi của vai trò làm cha mẹ tốt, và việc kỷ luật với tình yêu thương chính là cốt lõi của việc làm một phán quan ngay chính.

Chủ Tịch Joseph F. Smith dạy: “Nếu con cái ngang ngạnh và khó kiểm soát, thì hãy kiên nhẫn với chúng cho đến khi anh chị em có thể chinh phục bằng tình yêu thương, ... và rồi anh chị em có thể [tạo ra] tính nết của chúng theo như ý mình.”8

Là điều sáng suốt để biết rằng trong việc giảng dạy cách để kỷ luật các vị tiên tri dường như luôn luôn đề cập đến các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô. Sách Giáo Lý và Giao Ước mang đến cho chúng ta lời khuyên nổi tiếng này về kỷ luật:

“Không có uy quyền hay ảnh hưởng nào có thể hoặc nên được duy trì vì nhờ chức tư tế, mà chỉ có được nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền dịu và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật;

“Nhờ lòng nhân từ, và sự hiểu biết thuần túy, là những điều sẽ mở rộng tâm hồn con người một cách không giả dối và không gian xảo—

“Phải kịp thời khiển trách một cách nghiêm khắc, khi được Đức Thánh Linh tác động; rồi sau đó, phải tỏ một tình thương yêu gấp bội” (GLGƯ 121:41–43).

Câu thánh thư này dạy chúng ta phải khiển trách “khi được Đức Thánh Linh tác động,” chứ không phải khi bị cơn tức giận tác động. Đức Thánh Linh và cơn tức giận là không tương hợp với nhau, vì “kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta mà thuộc về quỷ dữ, vì quỷ dữ là cha của sự tranh chấp, nó khích động trái tim loài người để họ tức giận tranh chấp lẫn nhau.” (3 Nê Phi 11:29). Chủ Tịch George Albert Smith đã dạy rằng “những điều không tốt thường không phải được nói lên bởi sự soi dẫn của Chúa. Thánh Linh của Chúa là một tinh thần nhân ái; đó là một tinh thần kiên nhẫn; đó là một tinh thần bác ái, yêu thương, nhẫn nhục và nhịn nhục ...

“... Nhưng nếu chúng ta có tinh thần bới lông tìm vết ... theo một cách phá hoại, thì điều đó không bao giờ đến do sự đồng hành của Thánh Linh của Cha Thiên Thượng và luôn luôn là có hại.

“... Lòng nhân từ là quyền năng mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta để xoa dịu những tấm lòng cứng cỏi và khuất phục các linh hồn bướng bỉnh.”9

Gốc Tích Thật Sự của Con Cái Chúng Ta

Khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng dân Nê Phi, Ngài đã làm một điều phi thường với trẻ em:

Đấng Cứu Rỗi với trẻ em Nê Phi

“Và chuyện rằng, Ngài còn dạy dỗ và phục sự các con trẻ của đám đông dân chúng ...; Ngài nới lưỡi chúng để chúng nói cho ông cha chúng nghe những điều vĩ đại và kỳ diệu...

“... Họ đã được thấy và nghe những trẻ nhỏ này nói; phải, ngay cả trẻ thơ cũng mở miệng nói lên những điều kỳ diệu” (3 Nê Phi 26:14, 16).

Có lẽ còn hơn việc mở miệng của trẻ thơ, Chúa đã mở mắt và tai của cha mẹ đầy kinh ngạc của chúng. Các bậc cha mẹ đó đã được ban cho ân tứ đặc biệt là có được một khái niệm về điều quan trọng và vĩnh cửu và về việc nhìn thấy gốc tích thực sự và sự tiến triển của con cái họ trên tiền dương thế. Điều đó sẽ không thay đổi cách cha mẹ nhìn và đối xử với con cái của mình sao? Tôi thích câu trích dẫn tương tự của Goethe: “Cách anh chị em nhìn [con cái] mình là cách anh chị em đối xử với chúng, và cách anh chị em đối xử với chúng là con người chúng sẽ trở thành.”10 Việc ghi nhớ gốc tích thật sự của một đứa trẻ là một ân tứ nhìn xa mà soi dẫn tầm nhìn của một phán quan ngay chính.

Kết Luận

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy chúng ta: “Đừng bao giờ để cho một vấn đề sẽ được giải quyết trở nên quan trọng hơn một người cần được yêu thương.”11 Nguyên tắc đó rất thiết yếu trong việc trở thành các phán quan ngay chính, nhất là con cái chúng ta.

Chỉ có một cách để xét đoán ngay chính, như Chúa Giê Su đã làm, và đó là cách để được giống như Ngài. Vậy nên, “các ngươi nên là những người như thế nào? Quả thật, ta nói cho các người hay, các ngươi phải giống như ta vậy” (3 Nê Phi 27:27). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem “disciple,” etymonline.com.

  2. Xin xem Merriam-Webster’s Collegiate Dictionary, xuất bản lần thứ 11 (2003), “chasten.”

  3. Karen Lynn Davidson và các tác giả khác, biên tập, Histories, Volume 1: Joseph Smith Histories, 1832–1844, vol. 1 of the Histories series of The Joseph Smith Papers (2012), 83.

  4. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 71; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  5. Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Hy Sinh, sự,” scriptures.lds.org.

  6. Xin xem Bible Dictionary, “Sacrifices.”

  7. Của lễ hy sinh chúng ta dâng lên bàn thờ Tiệc Thánh mỗi tuần là một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối (xin xem 2 Nê Phi 2:7; 3 Nê Phi 9:20; Giáo Lý và Giao Ước 59:8). Một tấm lòng đau khổ là một tấm lòng hối cải; một tâm hồn thống hối là một tâm hồn biết vâng lời (Xin xem D. Todd Christofferson, “Đến Khi Ngươi Đã Cải Đạo,” Liahona, tháng Năm năm 2004, 12).

  8. Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith (1998), 299.

  9. Teachings of Presidents of the Church: George Albert Smith (2011), 225, 226, 228; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  10. Được cho là của Johann Wolfgang von Goethe, brainyquote.com.

  11. Thomas S. Monson, “Tìm Ra Niềm Vui trong Cuộc Sống ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 86.