2010–2019
Có Quyền Năng trong Sách Mặc Môn
Tháng Mười năm 2016


12:9

Có Quyền Năng trong Sách Mặc Môn

Quyền năng lớn nhất của Sách Mặc Môn là ảnh hưởng của sách đó trong việc mang chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Vào ngày 14 tháng Sáu năm 1989, do một số thông tin sai lạc về Giáo Hội, nên chính phủ Ghana cấm tất cả các sinh hoạt của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô trong quốc gia châu Phi đó. Chính phủ tịch thu tất cả tài sản Giáo Hội, và tất cả hoạt động của người truyền giáo phải ngừng lại. Các tín hữu của Giáo Hội nói đến thời kỳ này là “tình trạng phong tỏa.” Họ đã làm hết sức mình để sống theo phúc âm mà không có các buổi họp chi nhánh hoặc sự hỗ trợ của những người truyền giáo. Có nhiều câu chuyện đầy soi dẫn về cách các tín hữu duy trì ảnh hưởng của phúc âm bằng cách thờ phượng trong nhà của họ và chăm sóc lẫn nhau với tư cách là thầy giảng tại gia và giảng viên thăm viếng.

Cuối cùng sự hiểu lầm đã được giải quyết, và vào ngày 30 tháng Mười Một năm 1990, tình trạng phong tỏa chấm dứt và các sinh hoạt thường lệ của Giáo Hội đã bắt đầu lại.1 Kể từ đó, đã có mối quan hệ tuyệt vời giữa Giáo Hội và chính phủ Ghana.

Các tín hữu nào sống trong thời kỳ phong tỏa đó đã nhanh chóng đề cập đến các phước lành đến từ thời kỳ đặc biệt này. Đức tin của nhiều người đã được củng cố nhờ nghịch cảnh mà họ gặp phải. Nhưng có một phước lành của thời kỳ phong tỏa đã đến một cách đặc biệt.

Nicholas Ofosu-Hene là một cảnh sát trẻ được chỉ định đến canh gác một nhà hội Thánh Hữu Ngày Sau trong thời kỳ phong tỏa. Bổn phận của anh ta là trông chừng tòa nhà vào ban đêm. Thoạt đầu, khi Nicholas đến nhà hội, anh thấy có nhiều đồ vật nằm rải rác khắp nơi, giấy tờ, sách vở, và đồ nội thất nằm lộn xộn. Trong đống đồ lộn xộn đó, anh ta trông thấy một quyển Sách Mặc Môn. Anh ta đã cố gắng không để ý tới quyển sách đó vì anh đã được cho biết rằng sách đó là xấu. Nhưng anh cảm thấy thu hút một cách kỳ lạ đối với quyển sách đó. Cuối cùng, Nicholas không thể bỏ qua quyển sách đó nữa. Anh nhặt sách lên. Anh cảm thấy được thúc giục để bắt đầu đọc sách đó. Anh đọc sách đó suốt đêm, lệ chảy dài trên má anh trong khi đọc.

Lần đầu tiên anh ta nhặt sách đó lên, anh đọc hết sách 1 Nê Phi. Lần thứ hai, anh đọc hết 2 Nê Phi. Khi đọc đến 2  Nê Phi chương 25, anh ta đọc như sau: “Và chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng.”2

Vào lúc đó, Nicholas cảm thấy Thánh Linh rất mạnh mẽ đến mức anh bắt đầu thổn thức. Anh nhận ra rằng trong khi đọc, anh đã nhận được vài sự thúc giục của Thánh Linh rằng quyển sách này là thánh thư, chính xác nhất mà anh đã từng đọc trước đây. Trái với những gì anh đã nghe, anh nhận thấy rằng Các Thánh Hữu Ngày Sau đều tin tưởng mãnh liệt vào Chúa Giê Su Ky Tô. Sau Thời Kỳ Phong Tỏa chấm dứt và những người truyền giáo trở lại Ghana, thì Nicholas, cùng vợ con của anh đã gia nhập Giáo Hội. Khi tôi gặp anh ấy năm ngoái, anh ấy là một chỉ huy trưởng cảnh sát và đang phục vụ với tư cách là chủ tịch Giáo Hạt Tamale Ghana của Giáo Hội. Anh nói: “Giáo Hội đã thay đổi cuộc sống của tôi. ... Tôi cám ơn Thượng Đế Toàn Năng đã dẫn tôi đến với phúc âm này.”3

Alibert Davies, một người Ghana khác, đi theo một người bạn đến một trong số các nhà hội của chúng ta để người bạn này có một cuộc họp chủ tịch đoàn. Trong khi chờ đợi cho người bạn của mình, Alibert đọc một quyển sách mà anh bắt gặp gần ở đó. Khi cuộc họp kết thúc, Alibert muốn mang quyển sách đó về nhà. Anh ta không chỉ được phép lấy quyển sách đó mà còn được một quyển Sách Mặc Môn nữa. Khi về nhà, anh ta bắt đầu đọc Sách Mặc Môn. Anh ta không thể đặt sách xuống, và đọc dưới ánh nến cho đến 3 giờ sáng. Anh ta đã làm như vậy trong vài đêm, lòng tràn ngập bởi điều anh ta đã đọc và điều anh ta cảm thấy. Bây giờ Alibert là một tín hữu của Giáo Hội.

Angelo Scarpulla đã bắt đầu học về thần học tại quê hương nước Ý của anh vào năm 10 tuổi. Cuối cùng, anh đã trở thành một linh mục và tận tụy phục vụ giáo hội của anh. Vào một thời điểm nào đó, đức tin của anh bắt đầu lung lay, và anh đã tìm kiếm và nhận được cơ hội để học thêm. Tuy nhiên, càng học, anh càng trở nên lo âu. Những điều anh đọc và cảm thấy đều thuyết phục anh rằng đã có một sự bỏ đạo chung khỏi giáo lý chân chính do Chúa Giê Su và Các Vị Sứ Đồ đầu tiên giảng dạy. Trong nhiều năm, Angelo tìm kiếm tôn giáo chân chính của Thượng Đế trong các tín ngưỡng khác nhau nhưng vẫn không toại nguyện.

Một hôm, anh gặp hai tín hữu của Giáo Hội đang giúp những người truyền giáo tìm thêm người để giảng dạy. Anh cảm thấy họ có sức lôi cuốn và vui vẻ lắng nghe sứ điệp của họ. Angelo sẵn lòng chấp nhận một quyển Sách Mặc Môn.

Buổi tối hôm đó, anh bắt đầu đọc sách đó. Anh cảm thấy lòng tràn đầy niềm vui. Qua Thánh Linh, Thượng Đế đã ban cho Angelo một cảm nghĩ bảo đảm rằng trong Sách Mặc Môn anh sẽ tìm ra lẽ thật mà anh đã tìm kiếm trong nhiều năm. Những cảm nghĩ tuyệt vời tràn ngập khắp thân thể anh. Điều anh đã đọc và học được từ những người truyền giáo đã xác nhận phần kết luận của anh rằng đã có một sự bội giáo chung, nhưng anh cũng biết rằng Giáo Hội chân chính của Thượng Đế đã được phục hồi trên thế gian. Một thời gian ngắn sau đó Angelo đã chịu phép báp têm vào Giáo Hội.4 Lần đầu tiên tôi gặp anh ta, anh là chủ tịch Chi Nhánh Rimini Italy của Giáo Hội chúng ta ở Ý.

Kinh nghiệm mà Nicholas, Alibert, và Angelo có được với Sách Mặc Môn tương tự với kinh nghiệm của Parley P. Pratt:

“Tôi mở ra [Sách Mặc Môn] lòng đầy háo hức. ... Tôi đọc suốt ngày; không thiết gì đến ăn uống; khi ... đêm đến, đi ngủ là một điều khó chịu, vì tôi thích đọc sách hơn là ngủ.

“Khi tôi đọc, Thánh Linh của Chúa ngự trên tôi, và tôi biết và thấu hiểu được rằng sách này là chân chính, rõ ràng và hiển nhiên như một người thấu hiểu và biết rằng mình hiện hữu. Niềm vui của tôi giờ đây tràn trề, và như vậy, niềm vui đủ để bù đắp lại những nỗi buồn khổ, hy sinh và nhọc nhằn trong cuộc đời tôi.”5

Một số người có được một kinh nghiệm mạnh mẽ như vậy với Sách Mặc Môn khi họ mở sách ra lần đầu tiên, nhưng đối với những người khác thì sự làm chứng về lẽ trung thực đến dần dần hơn khi họ đọc và cầu nguyện về sách đó. Đó là trường hợp của tôi. Tôi đọc Sách Mặc Môn lần đầu tiên khi còn là một thiếu niên theo học lớp giáo lý. Đây là quyển Sách Mặc Môn mà tôi đọc. Tôi không thể nói cho các anh em biết chính xác thời gian hoặc ở đâu mà điều đó đã xảy ra, nhưng đâu đó trong lúc đọc, tôi bắt đầu cảm nhận được một điều gì đó. Có một cảm giác ấm áp và làm tôi có tinh thần mỗi khi tôi mở quyển sách đó ra. Cảm giác ấy gia tăng khi tôi tiếp tục đọc sách đó. Cảm giác ấy vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Mỗi lần tôi mở ra Sách Mặc Môn, thì cũng giống như bật công tắc—Thánh Linh tuôn tràn vào tâm hồn và linh hồn tôi.

Đối với những người khác, chứng ngôn về Sách Mặc Môn đến chậm hơn, sau nhiều lần nghiên cứu và cầu nguyện. Tôi có một người bạn đọc Sách Mặc Môn và tìm cách để biết sách đó có chân chính không. Anh ta đã áp dụng lời mời trong sách Mô Rô Ni để cầu vấn Thượng Đế với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thực sự và đức tin nơi Đấng Ky Tô, xem Sách Mặc Môn có chân chính không.6 Nhưng anh ta đã không nhận được ngay câu trả lời thiêng liêng đã được hứa. Tuy nhiên, một hôm, khi anh đang suy nghĩ miên man và lái xe trên đường, thì Thánh Linh làm chứng với anh về lẽ thật của Sách Mặc Môn. Lòng anh ta vui mừng khôn xiết đến mức anh quay kiếng xe xuống và hét lên, không phải với một người cụ thể nào mà với cả thế giới: “Sách đó là chân chính!”

Cho dù chúng ta nhận được chứng ngôn về Sách Mặc Môn khi lần đầu tiên mở sách đó ra hoặc trong một khoảng thời gian, thì chứng ngôn đó cũng sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta trong suốt cuộc sống của mình nếu chúng ta tiếp tục đọc sách đó và áp dụng những giáo lý của sách đó. Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy: “Có một quyền năng trong quyển sách đó mà sẽ bắt đầu tuôn chảy vào cuộc sống của các anh [chị] em ngay giây phút mà các anh [chị] em bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc về sách đó. Các anh em sẽ tìm thấy quyền năng lớn lao hơn để chống lại cám dỗ. Các anh [chị] em sẽ tìm thấy quyền năng để tránh bị lừa gạt. Các anh [chị] em sẽ tìm thấy quyền năng để được ở trên con đường chật và hẹp.”7

Tôi khuyến khích mọi người nhận được sứ điệp này, kể cả những người mang Chức Tư Tế A Rôn đã quy tụ lại trong cuộc họp này buổi tối hôm nay, hãy khám phá ra quyền năng của Sách Mặc Môn. Như Chủ Tịch Thomas S. Monson đã khuyến khích: “Hãy đọc Sách Mặc Môn. Suy ngẫm về lời dạy của sách. Hãy cầu vấn Cha Thiên Thượng xem sách đó có chân chính không.”8 Trong tiến trình đó, các anh em sẽ cảm nhận được Thánh Linh của Thượng Đế trong cuộc sống của mình. Thánh Linh đó sẽ là một phần chứng ngôn của các anh em rằng Sách Mặc Môn là chân chính, rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế, và rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là Giáo Hội chân chính của Thượng Đế trên thế gian ngày nay. Chứng ngôn đó sẽ giúp các anh em chống lại cám dỗ.9 Chứng ngôn đó sẽ giúp các anh em chuẩn bị cho “lời kêu gọi vĩ đại ... cho con người phải làm việc cần mẫn trong vườn nho của Chúa.”10 Chứng ngôn đó sẽ là một cái neo chắc chắn khi những lời buộc tội hoặc lời vu khống được sử dụng để thách thức đức tin của các anh em và sẽ là một nền tảng vững chắc khi các anh em được thử thách với những câu hỏi mà mình không thể trả lời được, ít nhất là ngay lập tức. Các anh em sẽ có thể phân biệt được lẽ thật với lỗi lầm, và các anh em sẽ cảm thấy được sự bảo đảm của Đức Thánh Linh tái khẳng định chứng ngôn của các anh em nhiều lần khi các anh em tiếp tục đọc Sách Mặc Môn trong suốt cuộc đời của mình.

Tôi cũng khuyến khích tất cả các bậc cha mẹ đang nghe hoặc đọc sứ điệp này hãy làm cho Sách Mặc Môn là một phần quan trọng trong nhà của anh chị em. Khi con cái của chúng tôi lớn lên, chúng tôi đọc Sách Mặc Môn trong khi ăn sáng. Đây là phần đánh dấu sách mà chúng tôi sử dụng. Ở mặt trước là một lời trích dẫn từ Chủ Tịch Benson hứa rằng Thượng Đế sẽ trút một phước lành xuống cho chúng ta khi chúng ta đọc Sách Mặc Môn.11 Ở mặt sau là lời hứa này từ Chủ Tịch Marion G. Romney, một cựu cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn: “Tôi cảm thấy chắc chắn rằng nếu trong nhà của chúng ta, cha mẹ chịu đọc Sách Mặc Môn một cách thành tâm và thường xuyên, chung cả hai cha mẹ lẫn với con cái của họ, thì tinh thần của quyển sách tuyệt vời đó sẽ đến tràn ngập nhà cửa của chúng ta và tất cả những người sống trong đó. ... Tinh thần tranh chấp sẽ không còn nữa. Cha mẹ sẽ hội ý với con cái của họ trong tình yêu thương và sự khôn ngoan lớn lao. Con cái sẽ đáp ứng và phục tùng hơn đối với lời khuyên dạy của cha mẹ chúng. Sự ngay chính sẽ gia tăng. Đức tin, hy vọng và lòng bác ái—tình yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô—sẽ đầy dẫy trong nhà và cuộc sống của chúng ta, theo sau là sự bình an, niềm vui và hạnh phúc.”12

Giờ đây, nhiều năm sau khi con cái chúng tôi đã rời nhà và đang nuôi dạy gia đình riêng của chúng, thì chúng tôi có thể thấy rõ sự ứng nghiệm của lời hứa của Chủ Tịch Romney. Gia đình chúng tôi không được hoàn hảo, nhưng chúng tôi có thể làm chứng về quyền năng của Sách Mặc Môn và các phước lành mà việc đọc sách đó đã mang lại và tiếp tục mang vào cuộc sống của cả gia đình chúng tôi.

Có lẽ quyền năng lớn nhất của Sách Mặc Môn là ảnh hưởng của sách đó trong việc mang chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Đó là một bằng chứng mạnh mẽ về Ngài và sứ mệnh cứu chuộc của Ngài.13 Qua sách đó, chúng ta tiến đến việc hiểu vẻ uy nghi và quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài.14 Sách dạy rõ ràng giáo lý của Ngài.15 Và nhờ vào các chương tuyệt vời mô tả sự hiện đến của Đấng Ky Tô phục sinh cùng dân Nê Phi, nên chúng ta thấy và cảm nhận được việc Ngài yêu thương, ban phước, và giảng dạy dân đó và tiến đến việc hiểu rằng Ngài sẽ làm như vậy cho chúng ta nếu chúng ta đến cùng Ngài bằng cách sống theo phúc âm của Ngài.16

Thưa các anh em, tôi làm chứng về quyền năng trong Sách Mặc Môn. Cho dù là đọc sách đó bằng tiếng Anh, tiếng Ý, hoặc tiếng Pháp, trên bản in hoặc trên một thiết bị điện tử, thì tôi cũng thấy được cùng một tinh thần tuyệt vời tuôn tràn vào cuộc đời tôi từ các chương sách và các câu của sách. Tôi làm chứng rằng sách đó có khả năng để giúp chúng ta đến gần Đấng Ky Tô hơn. Tôi cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta sẽ tận dụng quyền năng trong quyển thánh thư tuyệt vời này. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem “‘You Can’t Close My Heart’: Ghanaian Saints and the Freeze,” ngày 6 tháng Giêng năm 2016, history.lds.org.

  2. 2 Nê Phi 25:26.

  3. Email từ Nicholas Ofosu-Hene, ngày 27 tháng Mười năm 2015.

  4. Xin xem Angelo Scarpulla, “My Search for the Restoration,” Tambuli, tháng Sáu năm 1993, 16–20; email từ Ezio Caramia, ngày 16 tháng Chín năm 2016.

  5. Autobiography of Parley P. Pratt, do Parley P. Pratt Jr. (1938) biên soạn, 37.

  6. Xin xem Mô Rô Ni 10:4–5.

  7. Teachings of Presidents of the Church: Ezra Taft Benson (2014), 141.

  8. Thomas S. Monson, “Dám Đứng Một Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 62; Xin xem thêm Thomas S. Monson, “Quyền Năng của Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Năm năm 2011, 66; A Prophet’s Voice: Messages from Thomas S. Monson (2012), 490–94.

  9. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy: “Mỗi người nắm giữ chức tư tế cần nên tham gia vào việc học thánh thư hằng ngày. ... Tôi hứa với các anh em rằng, dù các anh em đang nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn hay Mên Chi Xê Đéc, nếu các anh em chịu siêng năng học thánh thư, thì quyền năng của các anh em để tránh cám dỗ và nhận được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh trong tất cả những gì mà các anh em làm sẽ được gia tăng” (“Hãy Cố Gắng Là Người Tốt Nhất,” Liahona, tháng Năm năm 2009, 68).

  10. An Ma 28:14.

  11. “Tôi hứa với anh chị em rằng từ lúc này trở đi, nếu hàng ngày chúng ta chịu đọc các trang [Sách Mặc Môn] và tuân theo điều giảng dạy của sách đó, thì Thượng Đế sẽ trút xuống trên mỗi con cái của Si Ôn và Giáo Hội một phước lành mà cho đến nay vẫn chưa biết được” (Teachings: Ezra Taft Benson, 127).

  12. Marion G. Romney, “The Book of Mormon,” Ensign, tháng Năm năm 1980, 67.

  13. Muốn có ví dụ, xin xem trang tựa của Sách Mặc Môn; 1 Nê Phi 11; 2 Nê Phi 25; Mô Si A 16; 18; An Ma 5; 12; Hê La Man 5; 3 Nê Phi 9; Mặc Môn 7.

  14. Muốn có ví dụ, xin xem 2 Nê Phi 2; 9; Mô Si A 3; An Ma 7; 34.

  15. Muốn có ví dụ, xin xem, 2 Nê Phi 31; 3 Nê Phi 11; 27.

  16. Xin xem 3 Nê Phi 11–28.