Kế Hoạch Cứu Chuộc Vĩ Đại
Tôi biết rằng khi chúng ta chân thành hối cải, thì tội lỗi của chúng ta thực sự không còn nữa—không còn dấu vết gì cả!
Một vài tháng trước khi Chủ Tịch Boyd K. Packer qua đời, các vị lãnh đạo chức tư tế và tổ chức bổ trợ trung ương đã có cơ hội quý báu để nghe ông nói chuyện. Tôi đã không thể không nghĩ đến những lời ông nói. Ông chia sẻ rằng ông đã suy nghĩ về tất cả những gì ông đã làm trong suốt cuộc đời, tìm kiếm bằng chứng về các tội lỗi mà ông đã phạm phải và chân thành hối cải, nhưng không thể tìm ra dấu vết gì của những tội lỗi đó cả. Nhờ sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, và qua sự hối cải chân thành, nên tội lỗi của ông đã hoàn toàn không còn nữa, như thể những tội lỗi đó chưa bao giờ xảy ra. Sau đó Chủ Tịch Packer ra lệnh cho chúng tôi với tư cách là những người lãnh đạo vào ngày hôm đó là phải làm chứng rằng điều này là đúng với mỗi người trong chúng tôi mà biết chân thành hối cải.
Tôi có biết một người đàn ông phạm tội đạo đức cách đây vài năm. Trong một thời gian dài, anh ta cảm thấy quá xấu hổ và lo âu để thú tội với vợ và các vị lãnh đạo chức tư tế của mình. Anh ấy muốn hối cải hoàn toàn nhưng đã thực sự nói rằng mình sẵn lòng từ bỏ sự cứu rỗi vĩnh cửu của mình chứ không muốn làm cho vợ con mình rơi vào cảnh buồn phiền, xấu hổ, hoặc các hậu quả khác mà có thể đến vì lời thú tội của mình.
Khi chúng ta phạm tội, Sa Tan thường cố gắng thuyết phục chúng ta rằng chúng ta nên làm điều vị tha bằng cách phải bảo vệ người khác khỏi bị đau khổ khi họ biết về tội lỗi của chúng ta, kể cả việc tránh thú tội với vị giám trợ, là người có thể ban phước cho cuộc sống của chúng ta qua các chìa khóa của chức tư tế với tư cách là một phán quan thông thường ở Y Sơ Ra Ên. Tuy nhiên, sự thật là điều vị tha và giống như Đấng Ky Tô mà chúng ta phải làm là thú tội và hối cải. Đây là kế hoạch cứu chuộc vĩ đại của Cha Thiên Thượng.
Cuối cùng, người đàn ông này đã thú tội với người vợ trung thành và các vị lãnh đạo Giáo Hội của mình, bày tỏ sự hối hận chân thành. Mặc dù đó là điều khó nhất mà anh ấy đã từng làm, nhưng cảm giác nhẹ nhõm, bình an, biết ơn, yêu thương đối với Đấng Cứu Rỗi, và sự hiểu biết rằng Chúa đã nâng gánh nặng của anh ấy và nâng anh ấy lên đã mang đến niềm vui khôn tả, bất kể kết quả và tương lai sẽ ra sao.
Anh ấy biết chắc rằng vợ con của mình sẽ đau khổ—vâng họ đã đau khổ; và sẽ có biện pháp kỷ luật và sự giải nhiệm khỏi chức vụ kêu gọi của anh ấy—và điều đó đã xảy ra. Anh ấy biết chắc rằng vợ mình sẽ rất đau khổ, bị tổn thương, và tức giận—vâng chị ấy đã có những cảm giác đó. Và anh ấy tin rằng chị ấy sẽ bỏ đi, mang theo mấy đứa con—nhưng chị ấy đã không làm thế.
Đôi khi sự phạm giới nghiêm trọng dẫn đến ly dị, và tùy vào hoàn cảnh, điều đó có thể là cần thiết. Nhưng người đàn ông này đã rất ngạc nhiên khi vợ anh ta đã chấp nhận anh và hết lòng giúp đỡ anh trong bất cứ cách nào mà chị ấy có thể giúp đỡ được. Cuối cùng, chị ấy đã có thể hoàn toàn tha thứ cho anh. Chị đã cảm nhận được quyền năng chữa lành của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi dành cho chị. Nhiều năm sau, cặp vợ chồng này cùng ba đứa con của họ đều vững mạnh và trung tín. Vợ chồng họ phục vụ trong đền thờ và có được một hôn nhân tuyệt vời và tràn đầy yêu thương. Mức độ trung tín trong chứng ngôn của người đàn ông này và tình yêu thương cùng lòng biết ơn của anh ta đối với Đấng Cứu Rỗi là rất hiển nhiên trong cuộc sống của anh ta.
A Mu Léc đã làm chứng: “Tôi mong rằng các người hãy tiến đến và đừng chai đá trong lòng nữa; ... nếu các người hối cải ... , thì tức thời kế hoạch cứu chuộc vĩ đại sẽ được mang lại cho các người.”1
Một buổi sáng nọ khi tôi đang phục vụ với chồng tôi trong khi anh chủ tọa một phái bộ truyền giáo, chúng tôi đi đến sân bay để đón một nhóm đông người truyền giáo. Có một thanh niên làm chúng tôi đặc biệt chú ý. Anh ta có vẻ buồn, dường như lòng đang trĩu nặng vì đau khổ. Chúng tôi cẩn thận quan sát anh ta vào buổi chiều hôm đó. Đến tối, người thanh niên này đã đưa ra một lời thú tội muộn màng, và các vị lãnh đạo của anh đã quyết định rằng anh ấy cần phải trở về nhà. Mặc dù chúng tôi đã rất buồn thấy anh ta đã không thành thật và không hối cải trước khi đi truyền giáo, nhưng trên đường đến sân bay, chúng tôi cũng chân thành và tử tế khen ngợi anh ta đã có can đảm để thú tội, và chúng tôi hứa sẽ giữ liên lạc với anh.
Người thanh niên tuyệt vời này đã được phước có cha mẹ tuyệt vời, các vị lãnh đạo chức tư tế tận tâm, và một tiểu giáo khu đầy hỗ trợ và yêu thương. Sau một năm làm việc chăm chỉ để hối cải hoàn toàn và dự phần vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, anh ta đã có thể quay trở lại phái bộ truyền giáo của chúng tôi. Thật là khó đối với tôi để mô tả cảm giác vui mừng của chúng tôi khi đón người thanh niên này ở sân bay. Anh ta tràn đầy Thánh Linh, vui vẻ, hạnh phúc, tự tin trước mặt Chúa, và thiết tha hoàn thành một công việc truyền giáo một cách trung tín. Anh ấy trở thành một người truyền giáo xuất sắc, và về sau vợ chồng tôi đã có đặc ân tham dự lễ gắn bó của anh trong đền thờ.
Ngược lại, tôi có biết một người truyền giáo khác là người đã biết là tội lỗi của mình chưa được thú nhận trước khi đi truyền giáo và điều này sẽ chắc chắn làm cho chị bị gửi về nhà sớm, nên đã dự định làm việc rất siêng năng trong lúc truyền giáo và thú tội với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo chỉ vài ngày trước khi hoàn thành công việc truyền giáo của mình. Chị ấy đã thiếu đi nỗi buồn rầu theo ý Chúa và đã cố gắng tránh né kế hoạch mà Đấng Cứu Rỗi nhân từ đã ban cho mỗi người chúng ta.
Trong thời gian phục vụ truyền giáo của vợ chồng tôi, có lần tôi đã đi theo chồng tôi khi anh ấy đi phỏng vấn một người đang chuẩn bị chịu phép báp têm. Trong khi chồng tôi tiến hành cuộc phỏng vấn, thì tôi chờ đợi bên ngoài với các chị truyền giáo đã giảng dạy cho người này. Khi phỏng vấn xong, chồng tôi báo cho những người truyền giáo biết rằng người ấy có thể được làm phép báp têm. Người này đã khóc rất nhiều khi giải thích rằng ông ta đã chắc chắn là các tội nghiêm trọng mà ông ta đã phạm phải trong cuộc đời mình sẽ ngăn cản ông ta được làm báp têm. Tôi ít khi được chứng kiến niềm vui và hạnh phúc của một người bước ra khỏi bóng tối và bước vào ánh sáng như tôi đã chứng kiến ngày hôm đó.
Anh Cả D. Todd Christofferson đã làm chứng:
“Với đức tin nơi Đấng Cứu Chuộc đầy lòng thương xót và nơi quyền năng của Ngài, nỗi thất vọng sẽ biến thành hy vọng. Chính tấm lòng và ước muốn của một người sẽ thay đổi, và tội lỗi mà có lúc trông hấp dẫn bây giờ trở nên càng ngày càng ghê tởm. ...
“... Dù sự hối cải gây ra đau đớn đến đâu đi nữa, thì nỗi đau đớn đó cũng được đền bù với niềm vui được tha thứ.”2
Những kinh nghiệm này nhắc nhở tôi về Ê Nót trong Sách Mặc Môn. Ông đã “kêu cầu [Chúa] với lời cầu nguyện mãnh liệt,” và rồi đã nghe một tiếng nói vọng đến: “Ê Nót, ngươi đã được tha tội. ...
“Và tôi, Ê Nót, biết rằng Thượng Đế không thể nói dối được; vậy nên tội lỗi của tôi đã được tẩy sạch.
“Và tôi thưa rằng: Lạy Chúa, làm sao điều này lại có thể xảy ra được?
“Và Ngài phán cùng tôi rằng: Vì đức tin của ngươi nơi Đấng Ky Tô. ... Hãy đi, đức tin của ngươi làm cho ngươi được trọn lành.”3
Khi chuẩn bị bài nói chuyện này, tôi đã muốn biết các cháu của chúng tôi hiểu được thế nào là sự hối cải và chúng nghĩ như thế nào về Đấng Cứu Rỗi, nên tôi đã yêu cầu con cái chúng tôi hỏi chúng những câu hỏi sau đây. Tôi rất cảm động trước những câu trả lời của các cháu chúng tôi.
Sự hối cải là gì? “Khi ta va phải một ai đó và làm họ ngã, thì ta có thể nói ‘xin lỗi’ và giúp họ đứng lên.”
Con cảm thấy như thế nào khi con hối cải? “Con có thể cảm nhận được Ngài; con có thể cảm nhận được tình yêu thương nồng nàn của Ngài, và những cảm nghĩ buồn bã cũng tiêu tan.”
Con cảm thấy như thế nào về Chúa Giê Su và Cha Thiên Thượng khi con hối cải? “Con cảm thấy rằng Chúa Giê Su cảm thấy Sự Chuộc Tội là điều đáng làm, và Ngài vui mừng khi chúng ta có thể sống với Ngài một lần nữa.”
Tại sao Chúa Giê Su và Cha Thiên Thượng muốn con hối cải? Theo lời của đứa cháu ngoại tuổi niên thiếu của tôi: “Vì hai Ngài yêu thương con! Để tiến triển và trở nên giống như hai Ngài, con cần phải hối cải. Con cũng muốn Thánh Linh ở cùng với con, vì vậy con cần phải hối cải hàng ngày để có được sự đồng hành tuyệt vời của Ngài. Con sẽ không bao giờ có thể bày tỏ đủ lời cám ơn lên hai Ngài cả.”
Khi bé Brynlee gần bốn tuổi nghe những câu hỏi này thì nó nói: “Cha ơi, con không biết. Cha dạy cho con đi.”
Trong đai hội trung ương trước đây, Anh Cả Jeffrey R. Holland đã nói: “Cho dù anh chị em nghĩ là đã trễ rồi, cho dù anh chị em nghĩ mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội rồi, cho dù anh chị em nghĩ mình đã phạm phải nhiều lỗi lầm rồi... , hay cho dù anh chị em cảm thấy mình phải hành trình một quãng đường bao xa từ mái gia đình mình đến Thượng Đế, thì tôi cũng làm chứng rằng anh chị em không hành trình một mình vượt quá tầm với của tình yêu thiêng liêng. Anh chị em không thể nào chìm sâu hơn ánh sáng vô tận của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô mà ánh sáng đó không chiếu tới được.”4
Ôi, tôi rất muốn mỗi người con, cháu, và mỗi người trong anh chị em là các anh chị em của tôi cảm nhận được niềm vui và sự gần gũi với Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta khi chúng ta hối cải tội lỗi và những yếu kém của mình hàng ngày. Mỗi đứa con đến tuổi chịu trách nhiệm của Cha Thiên Thượng đều cần hối cải. Hãy suy nghĩ xem chúng ta cần phải hối cải những tội lỗi nào? Điều gì đang ngăn cản chúng ta hối cải? Chúng ta cần phải cải thiện bằng những cách nào?
Tôi biết, như Chủ Tịch Packer đã trải nghiệm và làm chứng, rằng khi chúng ta chân thành hối cải, thì tội lỗi của chúng ta thực sự không còn nữa—không còn dấu vết gì cả! Cá nhân tôi cảm thấy yêu thương, vui mừng, nhẹ nhõm, và tự tin trước mặt Chúa khi tôi đã chân thành hối cải.
Đối với tôi, những phép lạ nhiệm mầu nhất trong cuộc đời không phải là việc rẽ Biển Đỏ, dời núi, hoặc thậm chí chữa lành thể xác. Phép lạ nhiệm mầu nhất sẽ xảy ra khi chúng ta khiêm nhường đến với Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện, thiết tha khẩn cầu được tha thứ, và sau đó được tẩy sạch khỏi tội lỗi nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.