Chia Sẻ Phúc Âm Phục Hồi
Điều chúng ta gọi là “công việc truyền giáo của người tín hữu” không phải là một chương trình mà là một thái độ yêu thương và tiếp cận để giúp đỡ những người xung quanh.
I.
Gần cuối giáo vụ trần thế của Ngài, Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, đã truyền lệnh cho các môn đồ của Ngài: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân” (Ma Thi Ơ 28:19) và “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15). Tất cả các Ky Tô hữu phải tuân theo các lệnh truyền này để chia sẻ phúc âm với mọi người. Nhiều người gọi đây là “nhiệm vụ trọng đại.”
Như Anh Cả Neil L. Andersen đã mô tả trong phiên họp buổi sáng này, các Thánh Hữu Ngày Sau chắc chắn thuộc vào trong số những người cam kết nhất với trách nhiệm nặng nề này. Chúng ta nên có lòng cam kết vì chúng ta biết rằng Thượng Đế yêu thương tất cả con cái của Ngài và rằng trong những ngày sau cùng này Ngài đã phục hồi thêm sự hiểu biết thiết yếu và quyền năng để ban phước cho tất cả họ. Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người là anh chị em của chúng ta, và chúng ta làm vinh hiển lời dạy đó bằng cách chia sẻ lời chứng và sứ điệp về phúc âm phục hồi “với tất cả các quốc gia, sắc ngữ, sắc tộc, và dân tộc” (GLGƯ 112:1). Đây là một phần thiết yếu của ý nghĩa của việc làm một Thánh Hữu Ngày Sau. Chúng ta xem điều này như là một đặc ân vui mừng. Có điều gì có thể vui hơn việc chia sẻ những lẽ thật vĩnh cửu với con cái của Thượng Đế?
Ngày nay chúng ta có nhiều phương tiện để chia sẻ phúc âm mà không có sẵn trong các thế hệ trước đây. Chúng ta có truyền hình, Internet, và các kênh truyền thông xã hội. Chúng ta có nhiều sứ điệp quý giá để giúp giới thiệu phúc âm phục hồi. Giáo Hội có ưu thế đáng kể ở nhiều quốc gia. Chúng ta có con số đang càng ngày càng gia tăng của những người truyền giáo. Nhưng chúng ta có đang sử dụng tất cả các phương tiện này để đạt được hiệu quả tối đa không? Tôi tin rằng hầu hết chúng ta sẽ nói là không. Chúng ta mong muốn được hữu hiệu hơn trong việc làm tròn trách nhiệm thiêng liêng đã được chỉ định để rao giảng phúc âm phục hồi trên khắp thế giới.
Có rất nhiều ý kiến hay về cách chia sẻ phúc âm mà sẽ mang lại hiệu quả riêng trong mỗi giáo khu hoặc quốc gia. Tuy nhiên, vì chúng ta là một Giáo Hội toàn cầu nên tôi muốn nói về những ý kiến mà sẽ mang lại hiệu quả ở khắp mọi nơi, từ các đơn vị mới nhất cho đến các đơn vị lâu đời nhất, từ các nền văn hóa hiện đang tiếp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho đến các nền văn hóa và quốc gia càng ngày càng thù địch với tôn giáo. Tôi muốn nói về những ý kiến mà anh chị em có thể chia sẻ với những người là các tín đồ đầy cam kết của Chúa Giê Su Ky Tô cũng như những người chưa từng bao giờ nghe danh Ngài, với những người hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình cũng như những người đang tuyệt vọng tìm cách cải thiện bản thân mình.
Tôi có thể nói về điều gì mà sẽ rất hữu ích trong việc chia sẻ phúc âm của anh chị em, bất kể hoàn cảnh của anh chị em ra sao đi nữa? Chúng ta cần sự giúp đỡ của mỗi tín hữu, và mỗi tín hữu đều có thể giúp đỡ, vì có nhiều công việc phải thực hiện khi chúng ta chia sẻ phúc âm phục hồi với mỗi quốc gia, sắc ngữ, sắc tộc và dân tộc.
Chúng ta đều biết rằng việc tín hữu tham gia vào công việc truyền giáo là điều rất quan trọng trong việc đạt được sự cải đạo lẫn giữ chân người cải đạo. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói: “Bây giờ là thời gian cho các tín hữu và những người truyền giáo cùng đến với nhau, ... lao nhọc trong vườn nho của Chúa để đem loài người về cùng Ngài. Ngài đã chuẩn bị các phương tiện cho chúng ta để chia sẻ phúc âm trong vô số cách thức, và Ngài sẽ giúp chúng ta nếu chúng ta chịu hành động trong đức tin để làm tròn công việc của Ngài.”1
Việc chia sẻ phúc âm phục hồi là nhiệm vụ suốt đời và đặc ân của người Ky Tô hữu chúng ta. Anh Cả Quentin L. Cook nhắc nhở chúng ta, “Công việc truyền giáo không phải chỉ là một khía cạnh của phúc âm mà thỉnh thoảng chúng ta tập trung vào, mà là một khía cạnh quan trọng của phúc âm cần phải được liên tục tập trung vào trong suốt cuộc đời của chúng ta nếu chúng ta vẫn làm cho sự cam kết của mình hòa hợp với Ky Tô giáo và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.”2
II.
Có ba điều mà tất cả các tín hữu có thể làm để giúp chia sẻ phúc âm, bất kể họ đang sống và làm việc trong hoàn cảnh như thế nào. Tất cả chúng ta cần phải làm tất cả những điều này.
Trước hết, chúng ta đều có thể cầu nguyện để có được ước muốn giúp đỡ với phần quan trọng này của công việc cứu rỗi. Tất cả các nỗ lực đều bắt đầu với ước muốn.
Thứ hai, chúng ta có thể tự mình tuân giữ các giáo lệnh. Các tín hữu trung thành, biết vâng lời là các nhân chứng đầy thuyết phục nhất về lẽ thật và giá trị của phúc âm phục hồi. Càng quan trọng hơn nữa, các tín hữu trung thành sẽ luôn có được Thánh Linh của Đấng Cứu Rỗi ở cùng họ, hướng dẫn họ khi họ tìm cách tham gia vào công việc vĩ đại để chia sẻ phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.
Thứ ba, chúng ta có thể cầu nguyện để có được sự soi dẫn về điều chúng ta có thể làm trong hoàn cảnh cá nhân của mình để chia sẻ phúc âm với những người khác. Điều này khác với việc cầu nguyện cho những người truyền giáo hay cầu nguyện về điều mà người khác có thể làm. Chúng ta nên cầu nguyện về điều mà cá nhân chúng ta có thể làm. Khi cầu nguyện, chúng ta nên nhớ rằng những lời cầu nguyện để có được loại soi dẫn này sẽ được đáp ứng nếu đi kèm với một sự cam kết—là điều mà thánh thư gọi là chủ ý thật sự hoặc một cách hết lòng. Hãy cầu nguyện với lòng cam kết để hành động theo sự soi dẫn mà anh chị em nhận được, để hứa với Chúa rằng nếu Ngài chịu soi dẫn anh chị em để nói chuyện với một ai đó về phúc âm, thì anh chị em sẽ làm theo.
Chúng ta cần sự hướng dẫn của Chúa vì vào bất cứ thời gian cụ thể nào cũng có một số người sẵn sàng và một số người không sẵn sàng để nhận thêm các lẽ thật của phúc âm phục hồi. Chúng ta đừng bao giờ tự mình phê phán người nào sẽ sẵn sàng và người nào không sẵn sàng. Chúa biết tấm lòng của tất cả con cái của Ngài, và nếu chúng ta cầu nguyện để xin được soi dẫn thì Ngài sẽ giúp chúng ta tìm thấy những người Ngài biết là “sẵn sàng để nghe giảng lời của Thượng Đế” (An Ma 32:6).
Là một Sứ Đồ của Chúa, tôi khuyên nhủ mọi tín hữu và gia đình trong Giáo Hội nên cầu nguyện lên Chúa để giúp họ tìm thấy những người sẵn sàng tiếp nhận sứ điệp của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Anh Cả M. Russell Ballard đã đưa ra lời khuyên quan trọng này, mà tôi cũng đồng ý: “Hãy tin cậy Chúa. Ngài là Đấng Chăn Lành. Ngài biết chiên của Ngài. ... Nếu chúng ta không tham gia thì nhiều người sẽ nghe sứ điệp về Sự Phục Hồi và sẽ bỏ qua. ... Các nguyên tắc này khá giản dị—đó là cầu nguyện riêng cá nhân và chung với gia đình để có các cơ hội truyền giáo.”3 Khi chúng ta cho thấy đức tin của mình thì những cơ hội này sẽ đến mà không có bất cứ “đòi hỏi bắt buộc phải đáp ứng hoặc trả lời một cách giả tạo. Những cơ hội này sẽ tuôn chảy như một kết quả tự nhiên của tình yêu thương của chúng ta dành cho các anh chị em của mình.”4
Tôi biết điều này là sự thật. Tôi thêm lời hứa của mình rằng với đức tin về sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta sẽ được hướng dẫn, được soi dẫn, và tìm thấy niềm vui lớn lao trong công việc quan trọng vĩnh viễn do tình yêu thương thúc đẩy này. Chúng ta sẽ dần dần hiểu rằng sự thành công có được trong việc chia sẻ phúc âm gồm có mời gọi những người khác với tình yêu thương và giúp đỡ họ với ý định thực sự, bất kể phản ứng của họ ra sao.
III.
Dưới đây là một số những điều khác chúng ta có thể làm để chia sẻ phúc âm một cách hiệu quả:
-
Chúng ta cần nhớ rằng “người ta sẽ học khi nào họ sẵn sàng học, chứ không phải khi nào chúng ta sẵn sàng giảng dạy cho họ.”5 Những gì chúng ta quan tâm đến, chẳng hạn như những lời giảng dạy quan trọng thêm về giáo lý trong Giáo Hội phục hồi, thường không phải là điều mà người khác quan tâm đến. Những người khác thường muốn có kết quả của giáo lý, chứ không phải là giáo lý. Khi họ quan sát hoặc có được hiệu quả của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống của mình, thì họ cảm nhận được Thánh Linh và bắt đầu chú ý đến giáo lý. Họ cũng có thể chú ý khi nào họ đang tìm kiếm thêm hạnh phúc, sự gần gũi với Thượng Đế, hoặc một sự hiểu biết rõ hơn về mục đích của cuộc sống.6 Do đó, chúng ta phải cẩn thận và thành tâm tìm cách nhận ra cách hỏi người khác về mối quan tâm của người khác để tìm hiểu thêm. Điều này sẽ tùy thuộc vào nhiều điều khác nhau, chẳng hạn như hoàn cảnh hiện tại của một người khác và mối quan hệ của chúng ta với người này. Đây là một đề tài hay để thảo luận trong các hội đồng, các nhóm túc số, và Hội Phụ Nữ.
-
Khi nói chuyện với những người khác, chúng ta cần phải nhớ rằng một lời mời để tìm hiểu thêm về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài là thích hợp hơn một lời mời để tìm hiểu thêm về Giáo Hội của chúng ta.7 Chúng ta muốn người khác được cải đạo theo phúc âm. Đó là vai trò trọng đại của Sách Mặc Môn. Những cảm nghĩ về Giáo Hội chúng ta tuân theo sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô; những cảm nghĩ đó không xảy ra trước khi sự cải đạo. Nhiều người nghi ngờ về các giáo hội nhưng vẫn có một tình yêu mến dành cho Đấng Cứu Rỗi. Điều nào cần làm trước thì phải làm trước.
-
Khi tìm cách giới thiệu người khác với phúc âm phục hồi, chúng ta nên làm điều này một cách chân thật và cho thấy mối quan tâm đầy yêu thương đối với người ấy. Điều này xảy ra khi chúng ta cố gắng giúp đỡ người khác với những vấn đề họ đã nhận ra hoặc khi chúng ta làm việc với họ trong các sinh hoạt phục vụ cộng đồng, chẳng hạn như làm giảm bớt nỗi đau khổ, chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu, hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống của người khác.
-
Những nỗ lực của chúng ta để chia sẻ phúc âm không nên giới hạn trong vòng bạn bè và người mình quen biết. Trong thời gian Thế Vận Hội vừa rồi, chúng tôi biết được một Thánh Hữu Ngày Sau lái taxi ở Rio de Janeiro đã mang theo những quyển Sách Mặc Môn trong bảy ngôn ngữ khác nhau và tặng một quyển cho người nào muốn nhận. Người này tự gọi mình là “người truyền giáo lái taxi.” Người này nói: “Đường phố của Rio de Janeiro ... là nơi truyền giáo [của tôi].”8
Clayton M. Christensen, là người có kinh nghiệm đầy ấn tượng với tư cách là một người tín hữu truyền giáo, nói rằng: “Trong hai mươi năm qua, chúng ta đã nhận xét rằng mối quan hệ sâu sắc giữa hai người không có liên quan gì tới việc một trong hai người đó có thể sẽ thích tìm hiểu về phúc âm từ người kia.”9
-
Giám trợ đoàn tiểu giáo khu có thể hoạch định một buổi lễ Tiệc Thánh đặc biệt mà các tín hữu được khuyến khích mang tới những người quan tâm đến phúc âm. Các tín hữu tiểu giáo khu sẽ ít do dự hơn trong việc mang những người quen của họ tới một buổi họp như vậy vì họ sẽ được an tâm hơn rằng nội dung của buổi họp sẽ được hoạch định tốt để khơi dậy mối quan tâm và tiêu biểu đúng cho Giáo Hội.
-
Có rất nhiều cơ hội khác để chia sẻ phúc âm. Ví dụ, mới mùa hè vừa rồi, tôi nhận được một lá thư báo tin vui từ một tín hữu mới. Chị ấy đã học về phúc âm phục hồi khi một người bạn học cũ gọi điện thoại cho chị ấy để hỏi về một căn bệnh mà chị ấy đã mắc phải. Chị ấy viết: “Tôi đã có được ấn tượng bởi cách mà anh ta tự giới thiệu mình với tôi. Sau [một] vài tháng học hỏi từ những người truyền giáo, tôi đã chịu phép báp têm. Cuộc sống của tôi đã được cải thiện kể từ đó.”10 Chúng ta đều biết cuộc sống của nhiều người đã được cải thiện nhờ phúc âm phục hồi. Chúng ta có đang tìm đến họ không?
-
Niềm đam mê và khả năng tinh thông của các tín hữu trẻ tuổi của chúng ta đối với phương tiện truyền thông xã hội mang đến cho họ các cơ hội độc đáo để tiếp cận với những người khác đang quan tâm đến phúc âm. Khi mô tả sự hiện đến của Đấng Cứu Rỗi cùng dân Nê Phi, Mặc Môn viết: “Ngài còn dạy dỗ và phục sự các con trẻ ..., Ngài nới lưỡi chúng để chúng nói” (3 Nê Phi 26:14). Ngày nay, tôi thiết tưởng chúng ta sẽ nói “hãy nới [ngón tay gõ tin nhắn] để giới trẻ có thể nói.” Hỡi giới trẻ, hãy tiến lên!
Việc chia sẻ phúc âm không phải là một gánh nặng mà là một niềm vui. Điều chúng ta gọi là “công việc của người tín hữu truyền giáo” không phải là một chương trình mà là một thái độ yêu thương và tiếp cận để giúp đỡ những người xung quanh mình. Đây cũng là cơ hội để làm chứng về cảm nghĩ của chúng ta về phúc âm phục hồi của Đấng Cứu Rỗi. Như Anh Cả Ballard đã dạy: “Một bằng chứng hiển nhiên nhất về sự cải đạo của chúng ta và cảm nghĩ của chúng ta về phúc âm trong cuộc sống của mình là sự sẵn lòng để chia sẻ phúc âm với người khác.”11
Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, là Sự Sáng và Sự Sống của Thế Gian (xin xem 3 Nê Phi 11:11). Phúc âm phục hồi của Ngài soi sáng con đường của chúng ta trên trần thế. Sự Chuộc Tội của Ngài mang đến cho chúng ta sự bảo đảm về cuộc sống sau khi chết và sức mạnh để kiên trì hướng tới sự bất diệt. Và Sự Chuộc Tội của Ngài mang đến cho chúng ta cơ hội để được tha thứ tội lỗi của mình, và theo kế hoạch cứu rỗi vinh quang của Thượng Đế, có thể được xứng đáng với cuộc sống vĩnh cửu, là “ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế” (GLGƯ 14:7). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.