2010–2019
Nhìn vào Sách, Tin Cậy vào Chúa
Tháng Mười năm 2016


15:6

Nhìn vào Sách, Tin Cậy vào Chúa

Các em có thể xem Sách Mặc Môn là nền tảng, trọng tâm của sức mạnh thiêng liêng của mình không?

Mary Elizabeth Rollins

Trong tâm trí mình, tôi tưởng tượng rằng các em, là những người thuộc vào các thế hệ đang vươn lên, đang xem hoặc lắng nghe phiên họp này của đại hội ở đâu đó trên thế giới. Tôi muốn chia sẻ với các em một câu chuyện có thật, một câu chuyện mà có thể là một tấm gương lẫn bài học. Câu chuyện này có thể cho các em thấy cách đến gần Chúa hơn và tiếp cận được quyền năng lớn lao hơn để chống lại cám dỗ.

Đây là câu chuyện về một thiếu nữ sống ở New York, cô bé ấy mồ côi cha từ lúc chưa đầy ba tuổi khi thuyền của ông bị chìm trong một hồ nước lớn. Cô bé cùng mẹ, anh trai và em gái dọn nhà đến một thành phố mới ở tiểu bang khác để sống với dì và dượng của cô bé. Một thời gian sau khi gia đình này đến đó, những người truyền giáo và các tín hữu của một tôn giáo mới được tổ chức đến thị trấn của họ với tin tức vinh quang về Sự Phục Hồi phúc âm. Họ kể câu chuyện phi thường về một thiên sứ giao một biên sử cổ xưa cho một thanh niên tên là Joseph Smith, là biên sử mà anh ta đã phiên dịch bởi quyền năng của Thượng Đế. Hai trong số những người khách, Oliver Cowdery và John Whitmer, đều đã thực sự tận mắt nhìn thấy các trang bằng kim loại được khắc chữ của biên sử cổ xưa này, và ông Whitmer đã làm chứng là ông đã tận tay cầm các bảng khắc bằng vàng. Biên sử này mới vừa được xuất bản, và Anh Whitmer đã mang theo quyển sách đó. Dĩ nhiên, tên của quyển sách là Sách Mặc Môn.

Khi cô bé Mary 12 tuổi nghe những người truyền giáo nói về quyển sách đó, cô đã có một cảm giác đặc biệt trong lòng. Mặc dù Sách Mặc Môn rất dày với nhiều trang, nhưng Mary khao khát được đọc sách đó. Khi Anh Whitmer ra về, ông đã đưa một quyển sách quý báu cho Anh Isaac Morley, là một người bạn với dượng của Mary và một vị lãnh đạo địa phương trong giáo hội mới.

Về sau Mary ghi lại: “Tôi đi đến nhà của [Anh Morley] ... và xin phép được xem quyển sách đó; [Ông ấy] đặt sách đó vào tay tôi, [và] khi nhìn sách đó, tôi cảm thấy có một ước muốn để đọc sách đó, đến mức tôi không thể kiềm chế được nên đã xin ông cho tôi mang sách ấy về nhà để đọc. ... Ông ấy nói ... bản thân ông hầu như không có thời gian để đọc một chương trong sách đó, chỉ có một ít anh em đã thấy sách đó, nhưng tôi đã khẩn nài thiết tha nên cuối cùng ông nói: ‘bé con, nếu cháu chịu mang trả cuốn sách này trước giờ ăn sáng vào ngày mai thì cháu có thể mang về.’”

Mary Elizabeth Rollins đang đọc sách

Mary chạy về nhà và được thu hút bởi cuốn sách nên đã thức gần suốt đêm để đọc. Sáng hôm sau khi cô bé trở lại với quyển sách, Anh Morley nói: “Tôi đoán là cháu không đọc được nhiều trong sách đó” và “Tôi không tin rằng cháu có thể kể cho tôi nghe một chữ trong đó.” Mary đứng thẳng dậy và lặp lại từ trí nhớ câu đầu tiên của Sách Mặc Môn. Rồi cô bé kể cho ông nghe câu chuyện về tiên tri Nê Phi. Về sau, Mary viết: “Ông nhìn tôi ngạc nhiên, và nói: ‘bé con, lấy quyển sách này về nhà và đọc hết đi, tôi có thể chờ được.’”

Một thời gian ngắn sau đó, Mary đã đọc xong sách và là người đầu tiên trong thị trấn của mình đã đọc hết cả cuốn sách. Cô bé biết sách đó là chân chính và đến từ Cha Thiên Thượng. Khi nhìn vào cuốn sách, cô bé tin cậy vào Chúa.

Một tháng sau, một vị khách đặc biệt đến nhà cô bé. Đây là điều mà Mary đã viết về cuộc gặp gỡ đáng nhớ của mình ngày hôm đó: “Khi [Joseph Smith] thấy tôi, ông nghiêm nghị nhìn tôi.  ... Sau một lúc, ông ... ban cho tôi một phước lành tuyệt diệu, ... và tặng cho tôi một quyển sách, và nói rằng ông sẽ tặng cho Anh Morley một [quyển sách] khác. ... Chúng tôi đều cảm thấy rằng ông là người của Thượng Đế, vì ông đã nói với quyền năng, và với tư cách là người có thẩm quyền.”

Cô thiếu nữ này, Mary Elizabeth Rollins, đã thấy nhiều phép lạ khác trong cuộc đời mình và luôn luôn tuân giữ chứng ngôn của mình về Sách Mặc Môn. 1 Câu chuyện này có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi vì cô thiếu nữ ấy chính là bà cố cô của tôi. Qua tấm gương của Mary, cùng với những kinh nghiệm khác trong cuộc đời của mình, tôi đã biết được rằng một người không bao giờ là quá trẻ để tìm kiếm và nhận được một chứng ngôn cá nhân về Sách Mặc Môn.

Nền Tảng Chứng Ngôn của Anh Chị Em

Có một bài học cá nhân cho các em trong câu chuyện về Mary. Mỗi em thiếu niên, thiếu nữ, và trẻ em có thể có cùng những cảm giác giống như cô ấy có. Khi đọc Sách Mặc Môn và cầu nguyện với ước muốn để biết được sách đó là chân chính, thì các em cũng có thể nhận được trong lòng của mình ấn tượng mà Mary đã nhận được. Các em cũng có thể thấy rằng khi đứng lên và làm chứng về Sách Mặc Môn, thì các em sẽ cảm nhận được cùng một tinh thần xác nhận đó. Đức Thánh Linh sẽ nói với tấm lòng của các em. Các em cũng có thể cảm nhận được tinh thần xác nhận này khi nghe người khác chia sẻ chứng ngôn của họ về Sách Mặc Môn. Mỗi một lời chứng thiêng liêng này có thể làm cho Sách Mặc Môn trở thành nền tảng chứng ngôn của các em.

Tôi xin giải thích. Tiên Tri Joseph Smith, người đã phiên dịch Sách Mặc Môn nhờ vào ân tứ và quyền năng của Thượng Đế, đã mô tả Sách Mặc Môn là “một cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian, và là nền tảng của tôn giáo chúng ta.”2

Kể từ khi Sách Mặc Môn được in ra lần đầu tiên vào năm 1830, đã có hơn 174 triệu bản đã được xuất bản bằng 110 ngôn ngữ khác nhau, cho thấy rằng Sách Mặc Môn vẫn là nền tảng của tôn giáo chúng ta. Nhưng điều này có nghĩa là gì đối với mỗi em?

Nền tảng ở ngay chính giữa

Theo thuật ngữ kiến trúc, một nền tảng là một yếu tố chính trong một cái cổng vòm. Nó là viên đá hình nêm ở ngay chính giữa và nằm ở điểm cao nhất của một cái vòm. Nó là viên đá quan trọng nhất trong số những viên đá vì nó giữ cho hai bên của cái vòm được vững vàng, tránh bị sụp xuống. Và nó là yếu tố của cấu trúc mà bảo đảm cho cánh cổng, hoặc cửa ở bên dưới, để có thể đi qua lại được.

Đá đỉnh trong một vòm

Theo thuật ngữ phúc âm, đó là một ân tứ và phước lành từ Chúa vì nền tảng của tôn giáo chúng ta là một điều gì đó hữu hình và có thể cầm trong tay được như Sách Mặc Môn và các em có thể cầm và đọc nó. Các em có thể xem Sách Mặc Môn là nền tảng, trọng tâm của sức mạnh thiêng liêng không?

Chủ Tịch Ezra Taft Benson giải thích về những lời dạy của Joseph Smith. Ông nói: “Có ba cách thức mà trong đó Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta. Sách đó là nền tảng trong sự làm chứng của chúng ta về Đấng Ky Tô, là nền tảng của giáo lý chúng ta, là nền tảng của chứng ngôn.”

Chủ Tịch Benson dạy thêm: “Sách Mặc Môn dạy chúng ta lẽ thật [và] làm chứng về Đấng Ky Tô. ... Nhưng còn có thêm một điều gì đó nữa. Có một quyền năng trong sách đó mà sẽ bắt đầu tuôn chảy vào cuộc sống của anh chị em ngay lúc anh chị em bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu sách đó. Anh chị em sẽ tìm thấy quyền năng lớn lao hơn để chống lại cám dỗ. ... Anh chị em sẽ tìm thấy quyền năng để ở trên con đường chật và hẹp.”3

Lời Chứng Cá Nhân của Tôi

Trong trường hợp của tôi, Sách Mặc Môn đã trở thành nền tảng chứng ngôn của tôi trong nhiều năm và qua một số kinh nghiệm. Một kinh nghiệm mạnh mẽ trong việc hình thành chứng ngôn của tôi xảy ra trong khi tôi là người truyền giáo trẻ tuổi phục vụ tại khu vực đầu tiên của tôi—ở Kumamoto, Nhật Bản. Người bạn đồng hành của tôi và tôi đang đi đến từng nhà để giảng đạo. Tôi đã gặp một bà cụ tử tế mời chúng tôi vào nhà bà, được gọi là genkan ở Nhật Bản. Bà mời chúng tôi uống nước lạnh vào một ngày nóng nực. Lúc bấy giờ, tôi mới tới Nhật Bản không bao lâu, và tôi mới vừa đọc xong Sách Mặc Môn và đã cầu nguyện để biết chắc rằng sách đó là chân chính.

Vì còn mới lạ ở Nhật Bản, nên tôi đã không nói giỏi tiếng Nhật. Thực ra, tôi không nghĩ rằng người phụ nữ này hiểu nhiều về điều tôi nói. Tôi bắt đầu dạy bà về Sách Mặc Môn, mô tả bằng cách nào Joseph Smith đã nhận được từ một thiên sứ một biên sử cổ xưa được khắc trên các bảng khắc và làm thế nào ông đã dịch các bảng khắc này bởi quyền năng của Thượng Đế.

Khi tôi chia sẻ với bà ấy chứng ngôn của tôi rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế và là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô, thì tôi nhận được ấn tượng mạnh mẽ nhất, kèm theo một cảm giác ấm áp thoải mái và thanh thản bên trong lồng ngực của tôi, mà thánh thư mô tả là “tâm can ngươi hừng hực trong ngươi.”4 Cảm giác này tái khẳng định với tôi một cách mạnh mẽ rằng Sách Mặc Môn thực sự là lời của Thượng Đế. Lúc đó, cảm giác của tôi mạnh mẽ đến mức nước mắt tôi trào ra trong khi nói chuyện với bà cụ người Nhật này. Tôi đã không bao giờ quên được cảm giác đặc biệt của ngày hôm đó.

Lời Chứng Cá Nhân của Các Em

Mỗi người trong các em cũng có thể nhận được một lời chứng cá nhân về sách này! Các em có nhận thấy rằng Sách Mặc Môn đã được viết cho các em—và cho thời kỳ của các em không? Sách này là một trong những phước lành của việc sống trong thời kỳ mà chúng ta gọi là gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn. Mặc dù Sách Mặc Môn được các tác giả đầy soi dẫn thời xưa—nhiều người trong số họ là các vị tiên tri—viết ra nhưng họ và dân họ trong thời kỳ của họ không hưởng được lợi ích khi sở hữu trọn sách đó. Bây giờ các em dễ dàng có được trong tầm tay của mình biên sử thiêng liêng mà các vị tiên tri, các thầy tư tế, và các vua quý trọng, chấp nhận, và giữ gìn! Các em hưởng được lợi ích khi giữ trong tay trọn Sách Mặc Môn. Điều thú vị là một trong các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn, là Mô Rô Ni, đã nhìn thấy thời kỳ của chúng ta—thời kỳ của các em. Ông thậm chí còn nhìn thấy các em trong khải tượng, cách đây hàng trăm năm! Mô Rô Ni đã viết:

“Này, Chúa đã cho tôi thấy những điều vĩ đại và kỳ diệu có liên hệ tới ... vào ngày mà những điều này,” có nghĩa là Sách Mặc Môn, “sẽ đến với các người.

“Này, tôi nói với các người như thể các người có trước mặt tôi, tuy rằng các người chưa có. Nhưng này, Chúa Giê Su Ky Tô đã cho tôi thấy được các người, và tôi biết việc làm của các người.”5

Để giúp Sách Mặc Môn trở thành nền tảng chứng ngôn của các em, tôi xin đưa ra một lời yêu cầu cho các em. Mới đây tôi đã biết rằng ở nhiều người trẻ tuổi dành ra trung bình gần 7 tiếng một ngày để xem truyền hình, máy tính, và màn hình của điện thoại thông minh.6 Với điều này trong tâm trí, các em sẽ có một sự thay đổi nhỏ không? Các em sẽ thay thế một số thời gian trước màn hình hàng ngày—đặc biệt là dành cho các phương tiện truyền thông xã hội, Internet, chơi trò chơi điện tử, hoặc xem truyền hình—bằng việc đọc Sách Mặc Môn không? Nếu những cuộc nghiên cứu mà tôi nói đến là chính xác, thì các em có thể dễ dàng tìm thấy thời gian để học Sách Mặc Môn hàng ngày cho dù chỉ 10 phút mỗi ngày thôi. Và các em có thể học theo một cách mà cho phép các em vui hưởng và hiểu sách đó—trên thiết bị điện tử của mình hoặc dưới dạng sách. Chủ tịch Russell M. Nelson mới đây đã cảnh báo: “Chúng ta không nên xem việc đọc Sách Mặc Môn như là bổn phận nặng nề được so sánh với việc uống thuốc không ngon cho thật nhanh và đánh dấu là xong.” 7

Giới trẻ đang đọc Sách Mặc Môn
Đứa trẻ đang đọc Sách Mặc Môn

Đối với một số các em còn nhỏ, các em có thể đọc sách đó với cha mẹ, ông bà, hoặc người thân. Nếu một chương, một câu, hoặc một phần trở nên khó đến mức làm các em nản lòng không muốn đọc, thì hãy chuyển sang chương khác, câu khác hay phần kế tiếp. Tôi hình dung ra các em đang noi theo gương của Mary. Tôi hình dung ra các em đang phấn khởi tìm ra thời gian và một nơi yên tĩnh để đọc Sách Mặc Môn. Tôi thấy các em khám phá ra những câu trả lời, cảm thấy được hướng dẫn, và đạt được chứng ngôn riêng của mình về Sách Mặc Môn và một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô. Khi nhìn vào quyển sách, các em tin cậy vào Chúa.

Nhìn vào sách

Các em sẽ đọc qua các đoạn trong quyển sách quý giá này và sẽ thấy Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của mình, Chúa Giê Su Ky Tô, hầu như ở mọi trang. Người ta ước tính rằng một số hình thức của danh Ngài được sử dụng trung bình một lần trong mỗi 1,7 câu thánh thư.8 Ngay cả chính Đấng Ky Tô cũng đã làm chứng về lẽ trung thực của sách đó trong những ngày sau này khi Ngài phán: “Như Chúa của các ngươi và Thượng Đế của các ngươi hằng sống, quyển sách này là thật.”9

Tôi biết ơn về lời mời và lời hứa mà Chúa đã ban qua tiên tri Mô Rô Ni cho mỗi em—và cho tất cả mọi người đọc Sách Mặc Môn. Tôi kết thúc bằng cách đọc lời mời và lời hứa này và tôi xin thêm vào chứng ngôn của mình: “Và khi nào các người nhận được những điều này [Sách Mặc Môn], tôi khuyên nhủ các người hãy cầu vấn Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, để xem những điều này có thật không; và nếu các người cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì Ngài sẽ biểu lộ lẽ thật của điều này cho các người biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.”10

Tôi làm chứng về Sự Phục Hồi của phúc âm trong những ngày sau này và về Sách Mặc Môn chính là bằng chứng xác thực về Sự Phục Hồi đó. Cũng như những lời của sách này đã soi dẫn một thiếu nữ 12 tuổi để chấp nhận Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô gần hai thế kỷ trước, những lẽ thật các em sẽ tìm thấy ở đó sẽ nâng đỡ và soi dẫn các em trong một cách tương tự. Những lẽ thật này sẽ củng cố đức tin của các em, làm chan hòa tâm hồn của các em với ánh sáng, và chuẩn bị một tương lai cho các em mà các em khó có khả năng để thấu hiểu.

Ở bên trong các trang sách này, các em sẽ khám phá ra tình yêu thương vô hạn và ân điển không thể hiểu nổi của Thượng Đế. Khi cố gắng tuân theo những lời dạy các em tìm thấy ở đó, thì niềm vui của các em sẽ gia tăng, sự hiểu biết của các em sẽ tăng lên, và những câu trả lời mà các em đang tìm cho nhiều thử thách ở trên trần thế sẽ được mở ra cho các em. Khi các em nhìn vào sách đó, các em tin cậy vào Chúa. Sách Mặc Môn là lời mặc khải của Thượng Đế. Tôi hết lòng và hết linh hồn mình mà làm chứng về điều này, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem “Mary Elizabeth Rollins Lightner,” Utah Genealogical and Historical Magazine, tháng Bảy năm 1926, 193–95.

  2. Lời Giới Thiệu Sách Mặc Môn.

  3. Ezra Taft Benson, “The Book of Mormon—Keystone of Our Religion,” Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 5, 7.

  4. Giáo Lý và Giao Ước9:8.

  5. Mặc Môn 8:34–35.

  6. Xin xem American Academy of Pediatrics, “Media and Children,” aap.org.

  7. Russell M. Nelson, “Strengthen the Shepherds” (bài nói chuyện được đưa ra tại các buổi họp lãnh đạo tại đại hội trung ương, ngày 28 tháng Chín năm 2016).

  8. Xin xem Susan Easton Black, Finding Christ through the Book of Mormon (1987), 16–18.

  9. Giáo Lý và Giao Ước17:6.

  10. Mô Rô Ni 10:4; xin xem thêm các câu 3, 5.