2010–2019
Tôi Có Là Người Đủ Tốt để Vào Được Thượng Thiên Giới Không?
Tháng Mười năm 2016


9:51

Tôi Có Là Người Đủ Tốt để Vào Được Thượng Thiên Giới Không?

Nếu anh chị em thực sự cố gắng và sẽ không biện minh hoặc phản nghịch—mà thường xuyên hối cải và khẩn cầu ân điển—thì anh chị em rõ ràng sẽ là “người đủ tốt rồi.”

Anh chị em thân mến, thật là một phước lành đối với chúng ta để quy tụ lại và được các tôi tớ của Chúa giảng dạy. Không phải là điều tuyệt vời về bao nhiêu cách mà Cha Thiên Thượng nhân từ hướng dẫn và ban phước cho chúng ta sao? Ngài thực sự muốn chúng ta trở về với Ngài.

Khi tôi còn là một bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp trường y, nhờ rất nhiều lòng thương xót dịu dàng mà tôi đã được chấp nhận vào khóa huấn luyện nội trú khoa nhi trong một chương trình có danh tiếng và rất khó vào. Khi tôi gặp các bác sĩ thực tập nội trú khác, tôi cảm thấy mình là người kém thông minh và thiếu khả năng nhất trong số tất cả các bác sĩ đó. Tôi nghĩ rằng không có cách nào tôi có thể sánh ngang với các bác sĩ nội trú khác trong nhóm.

Vào đầu tháng thứ ba theo học chương trình nội trú, một đêm khuya nọ, tôi đang ngồi ở trạm y tá trong bệnh viện, lúc thì khóc than cho bản thân mình, lúc thì ngủ gật trong khi cố gắng điền vào hồ sơ nhập viện cho một cậu bé bị viêm phổi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy chán nản như vậy trong cuộc đời mình. Tôi không hề biết cách chữa trị bệnh viêm phổi của một đứa bé 10 tuổi. Tôi bắt đầu tự hỏi mình đang làm gì ở đây vậy.

Đúng lúc đó, một trong số các bác sĩ nội trú thâm niên đặt tay lên vai tôi. Anh ấy hỏi tôi ra sao rồi, và tôi đã trút hết nỗi thất vọng và sợ hãi của mình. Phản ứng của anh ấy đã thay đổi cuộc đời tôi. Anh ấy nói với tôi rằng anh ấy và tất cả các bác sĩ nội trú thâm niên khác đã hãnh diện biết bao về tôi và họ nghĩ rằng tôi sẽ trở thành một bác sĩ tuyệt vời. Tóm lại, anh ấy tin tưởng tôi vào lúc mà tôi còn không tin tưởng bản thân mình.

Giống như kinh nghiệm của tôi, các tín hữu của chúng ta thường hỏi: “Tôi có phải là một người đủ tốt không?” hoặc “Tôi sẽ thực sự vào được thượng thiên giới không?” Dĩ nhiên, là không có chuyện “một người đủ tốt.” Không ai trong chúng ta có thể bao giờ “giành được” hoặc “xứng đáng” với sự cứu rỗi của mình, nhưng thật là điều bình thường để tự hỏi liệu chúng ta có thể được chấp nhận trước mặt Chúa không, đó là cách mà tôi hiểu những câu hỏi này.

Đôi khi chúng ta đi nhà thờ, chúng ta trở nên chán nản thậm chí bởi lời mời chân thành để hoàn thiện bản thân mình. Chúng ta nghĩ thầm: “Tôi không thể làm tất cả những điều đã được giảng dạy này” hay “Tôi sẽ không bao giờ trở thành người tốt như tất cả những người này.” Có lẽ chúng ta cảm thấy rất giống như tôi trong bệnh viện đêm hôm đó.

Anh chị em thân mến, chúng ta phải ngừng so sánh mình với người khác. Chúng ta tự hành hạ mình một cách vô ích qua việc ganh đua và so sánh. Chúng ta xét đoán sai giá trị của bản thân mình qua những điều chúng ta làm hoặc không có và bởi ý kiến ​​của người khác. Nếu phải so sánh, thì chúng ta hãy so sánh mình như thế nào trong quá khứ với con người chúng ta ngày hôm nay—và còn cả con người chúng ta muốn trong tương lai. Điều mà Cha Thiên Thượng nghĩ về chúng ta mới là ý kiến duy nhất quan trọng đối với chúng ta mà thôi. Xin hãy chân thành cầu vấn Ngài để biết Ngài nghĩ gì về anh chị em. Ngài sẽ yêu thương và sửa đổi nhưng không bao giờ làm chúng ta nản lòng; Sa Tan mới là kẻ muốn làm chúng ta nản lòng.

Tôi xin được nói thẳng thắn và rõ ràng. Những câu trả lời cho các câu hỏi “Tôi có phải là người đủ tốt không?” và “Tôi có vào được Thượng Thiên Giới không?” sẽ là “Vâng! Anh chị em là người đủ tốt” và “Có chứ, anh chị em sẽ vào được Thượng Thiên Giới miễn là anh chị em tiếp tục hối cải và không biện minh hoặc phản nghịch.” Thượng Đế trên trời không phải là trọng tài vô tâm và tìm kiếm bất cứ lý do gì để loại chúng ta ra khỏi Thượng Thiên Giới. Ngài là Đức Chúa Cha nhân từ trọn vẹn của chúng ta, là Đấng khao khát hơn bất cứ điều gì khác để có được tất cả con cái của Ngài trở về nhà và sống với Ngài với tư cách là gia đình vĩnh viễn. Ngài thực sự ban cho Con Trai Độc Sinh của Ngài để chúng ta có thể không bị hư mất mà có được cuộc sống đời đời!1 Xin hãy tin, hãy hy vọng và được an ủi từ lẽ thật vĩnh cửu này. Cha Thiên Thượng của chúng ta có ý định để cho chúng ta vào được Thượng Thiên Giới! Đó là công việc và sự vinh quang của Ngài.2

Tôi thích cách Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã sử dụng để dạy nguyên tắc này. Tôi đã nghe ông nói nhiều lần: “Thưa anh chị em, điều mà Chúa chỉ kỳ vọng nơi chúng ta để làm là cố gắng, nhưng anh chị em phải thật sự cố gắng!”3

“Thật sự cố gắng” có nghĩa là làm hết sức mình, và nhận ra mình phải cải thiện về mặt nào, và rồi cố gắng lại. Bằng cách liên tục làm điều này, chúng ta càng đến gần Chúa hơn; chúng ta càng cảm nhận Thánh Linh của Ngài nhiều hơn nữa;4 và chúng ta nhận được nhiều ân điển của Ngài, hoặc nhiều giúp đỡ hơn.5

Đôi khi, tôi nghĩ rằng, chúng ta không nhận thấy là Chúa muốn giúp đỡ chúng ta biết bao. Tôi thích những lời của Anh Cả David A. Bednar:

“Hầu hết chúng ta hiểu rõ rằng Sự Chuộc Tội là dành cho người phạm tội. Tuy nhiên, tôi không chắc là chúng ta hiểu biết rằng Sự Chuộc Tội là cũng dành cho người thánh thiện. ...

“... Sự Chuộc Tội giúp đỡ chúng ta khắc phục và tránh điều xấu, làm điều tốt và trở thành người tốt.  ...

“‘... Chính là nhờ vào ân điển của Chúa Giê Su, ... [mà] mỗi người sẽ nhận được ... sức mạnh và sự trợ giúp để làm những việc tốt lành mà nếu không có ân điển đó, họ sẽ không thể [làm được]. ... Ân điển này là quyền năng trợ giúp...’ [Bible Dictionary, “Grace”; sự nhấn mạnh được thêm vào] ... hoặc sự giúp đỡ của thiên thượng mà mỗi người chúng ta rất cần để hội đủ điều kiện bước vào thượng thiên giới.”6

Và điều chúng ta chỉ cần phải làm để nhận được sự giúp đỡ của thiên thượng này là cầu xin có được sự giúp đỡ đó và sau đó hành động theo những thúc giục ngay chính mà chúng ta nhận được.

Tin vui là nếu chúng ta đã chân thành hối cải, thì các tội lỗi trước đây của chúng ta sẽ không ngăn cản chúng ta được tôn cao. Mô Rô Ni nói với chúng ta về những kẻ phạm giới trong thời kỳ của ông: “Nhưng một khi họ hối cải và chân thành xin được tha thứ thì họ sẽ được tha thứ.”7

Và chính Chúa cũng phán về người phạm tội:

“Nếu kẻ đó thú tội trước mặt ngươi và ta, và biết hối cải một cách chân thật trong lòng, thì ngươi hãy tha thứ cho kẻ đó, và ta cũng sẽ tha thứ cho kẻ đó.

“Phải, và bất cứ lúc nào dân của ta biết hối cải, thì ta sẽ tha thứ cho họ về những điều họ đã xúc phạm cùng ta.”8

Nếu chúng ta chịu chân thành hối cải, Thượng Đế sẽ thực sự tha thứ cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta tái phạm đi tái phạm lại cùng một tội. Như Anh Cả Jeffrey R. Holland đã nói: “Cho dù anh chị em nghĩ mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội rồi, cho dù anh chị em nghĩ mình đã phạm phải nhiều lỗi lầm rồi ... , thì tôi cũng làm chứng rằng anh chị em không hành trình một mình vượt quá tầm với của tình yêu thương thiêng liêng. Anh chị em không thể nào chìm sâu hơn ánh sáng vô tận của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô mà ánh sáng đó không tới được.”9

Điều này không hề có nghĩa là tội lỗi được chấp nhận. Tội lỗi luôn luôn có hậu quả. Tội lỗi luôn luôn gây tai hại cho người phạm tội lẫn người bị ảnh hưởng bởi tội lỗi của người kia. Và sự hối cải thật sự không bao giờ là dễ dàng.10 Ngoài ra, xin hãy hiểu rằng mặc dù Thượng Đế cất đi tội lỗi và vết nhơ tội lỗi của chúng ta khi chúng ta chân thành hối cải nhưng Ngài cũng có thể không cất đi ngay tức khắc tất cả những hậu quả của tội lỗi chúng ta. Đôi khi, những hậu quả này ở lại với chúng ta trong suốt cuộc đời còn lại của mình. Và loại tội lỗi tồi tệ nhất là tội lỗi có suy tính trước, mà như người ta nói: “Tôi có thể phạm tội bây giờ và hối cải sau.” Tôi tin rằng đây là một cách nhạo báng nghiêm trọng về sự hy sinh và nỗi đau khổ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chính Chúa đã phán: “Vì ta là Chúa chẳng nhìn tội lỗi với một mảy may chấp nhận.”11

Và An Ma tuyên bố: “Này, cha nói cho con hay, sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu.”12

Một trong những lý do mà lời tuyên bố của An Ma đặc biệt đúng là, khi lầm lỗi nhiều lần, chúng ta tự mình xa rời Thánh Linh, trở nên nản lòng, và sau đó ngừng hối cải. Nhưng tôi xin lặp lại, nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể hối cải và được hoàn toàn tha thứ, miễn là chúng ta chân thành hối cải.

Điều chúng ta không thể làm là biện minh thay vì hối cải. Chúng ta không thể tự biện minh cho tội lỗi của mình bằng cách nói: “Thượng Đế biết điều đó thật là quá khó đối với tôi, nên Ngài chấp nhận con người của tôi như vậy.” “Cố gắng thật nhiều” có nghĩa là chúng ta tiếp tục cố gắng trong khi đạt trọn vẹn tiêu chuẩn của Chúa, mà đã được ghi rõ trong những câu hỏi chúng ta được hỏi để có được giấy giới thiệu đi đền thờ.

Một điều khác nữa mà chắc chắn sẽ ngăn cản chúng ta bước vào thiên thượng và tách rời chúng ta khỏi sự giúp đỡ chúng ta cần bây giờ chính là sự phản nghịch. Từ sách Môi Se, chúng ta biết được rằng Sa Tan bị đuổi ra khỏi thiên thượng vì phản nghịch.13 Chúng ta đang phản nghịch bất cứ lúc nào chúng ta nói trong lòng: “Tôi không cần Thượng Đế, và tôi không cần phải hối cải.”

Là một bác sĩ nhi khoa hồi sức, tôi biết rằng nếu một người từ chối một cách không thích hợp sự điều trị để cứu mạng sống, thì điều đó có thể dẫn đến cái chết thể xác một cách không cần thiết. Tương tự như vậy, khi chúng ta chống lại Thượng Đế, chúng ta từ chối sự giúp đỡ và hy vọng duy nhất của mình, tức là Chúa Giê Su Ky Tô, và điều này dẫn đến cái chết thuộc linh. Không ai trong chúng ta có thể làm điều này bằng khả năng của chính mình. Không ai trong chúng ta sẽ có bao giờ là “người đủ tốt” cả, ngoại trừ nhờ vào công lao và lòng thương xót của Chúa Giê Su Ky Tô,14 nhưng vì Thượng Đế tôn trọng quyền tự quyết của chúng ta, nên chúng ta cũng không thể được cứu nếu không cố gắng. Đó là cách hoạt động của sự cân bằng giữa ân điển và sự làm việc. Chúng ta có thể hy vọng nơi Đấng Ky Tô vì Ngài muốn giúp đỡ và thay đổi chúng ta. Thực ra, Ngài đã giúp đỡ anh chị em rồi. Anh chị em chỉ cần dừng lại, suy ngẫm và nhận thấy sự giúp đỡ của Ngài trong cuộc sống của mình.

Tôi làm chứng với anh chị em rằng nếu anh chị em thực sự cố gắng và sẽ không biện minh hoặc phản nghịch, mà thường xuyên hối cải và khẩn cầu ân điển, hoặc sự giúp đỡ của Đấng Ky Tô, thì anh chị em rõ ràng sẽ là “người đủ tốt”, tức là có thể được chấp nhận trước mặt Chúa; anh chị em sẽ vào được thượng thiên giới, được hoàn hảo trong Đấng Ky Tô; và anh chị em sẽ nhận được các phước lành và vinh quang cùng niềm vui mà Thượng Đế mong muốn ban cho mỗi con cái quý báu của Ngài—cụ thể là anh chị em và tôi. Tôi làm chứng rằng Thượng Đế hằng sống và muốn chúng ta trở về nhà, tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su hằng sống. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.