Những Người Đại Diện của Giáo Hội
Chúng tôi yêu cầu các anh em là các thầy giảng tại gia hãy làm những người đại diện của Thượng Đế cho con cái Ngài, để yêu thương, chăm sóc và cầu nguyện cho những người mà mình được chỉ định giảng dạy.
Cách đây không lâu một chị phụ nữ độc thân, mà tôi sẽ gọi là Molly, đi làm về và thấy cả sàn nhà ở tầng hầm của mình bị ngập nước (cao đến 5 centimét). Ngay lập tức chị ấy nhận ra rằng hàng xóm của chị, mà có cùng chung những đường ống thoát nước với nhà chị, chắc hẳn đã giặt đồ và tắm rửa quá mức nên nhà chị đã bị ngập nước như vậy.
Sau khi Molly gọi điện thoại cho một người bạn để đến giúp đỡ, hai người bắt đầu tát nước và lau sàn nhà. Ngay lúc đó thì có tiếng chuông cửa. Người bạn của chị kêu lên: “Đó là mấy thầy giảng tại gia của bạn đấy!”
Molly cười. Chị đáp: “Hôm nay là ngày cuối tháng, nhưng tôi có thể bảo đảm với bạn là không phải mấy thầy giảng tại gia của tôi đâu.”
Với đôi chân trần, quần thì ướt, đầu quấn khăn, và đôi găng tay cao su, Molly ra mở cửa. Nhưng cách ăn mặc lạ lùng của chị đã không so sánh được với cảnh tượng khác thường trước mắt chị. Đó là các thầy giảng tại gia của chị!
Về sau, chị nói với tôi : “Tôi quá đỗi sửng sốt! Đây thật là một phép lạ của việc giảng dạy tại gia—loại phép lạ mà Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương đã chia sẻ trong các bài nói chuyện tại đại hội trung ương!” Chị nói tiếp: “Nhưng trong khi tôi đang cố gắng quyết định xem có nên cho họ một nụ hôn hay giao cho họ cái cây lau nhà thì họ nói: ‘Ồ Molly, chúng tôi xin lỗi. Chúng tôi có thể thấy là chị đang bận. Chúng tôi không muốn làm phiền chị, chúng tôi sẽ đến lần khác vậy.’ Và họ ra về.”
Người bạn của chị ấy kêu vọng lên từ dưới tầng hầm: “Ai vậy?”
Molly thú nhận: “Tôi đã rất muốn nói: ‘Chắc chắn không phải là Ba Người Nê Phi rồi’, nhưng tôi đã kìm lòng và điềm tĩnh nói: ‘Đó là mấy thầy giảng tại gia của tôi, nhưng họ cảm thấy đây không phải là một thời điểm thuận tiện để chia sẻ sứ điệp của họ.’”1
Thưa các anh em, chúng ta có thể xem xét ngắn gọn bổn phận của chức tư tế mà đã được mô tả là “nguồn giúp đỡ đầu tiên của Giáo Hội” đối với các cá nhân và gia đình trong Giáo Hội.2 Có rất nhiều tài liệu đã được xuất bản để tổ chức và tái tổ chức chương trình giảng dạy tại gia. Hàng ngàn lời động viên đã được đưa ra để cố gắng khuyến khích chương trình giảng dạy tại gia. Chắc chắn là không có nhà tâm lý học hoặc sinh hoạt nào có thể làm cho một người cảm thấy có tội về bất cứ điều gì như việc giảng tại gia có thể làm cho ta cảm thấy có tội. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn gặp khó khăn để đạt được bất cứ mức độ nào gần với tiêu chuẩn làm việc có thể chấp nhận được liên quan đến lệnh truyền của Chúa là phải “luôn luôn trông coi giáo hội”3 qua chương trình giảng dạy tại gia của chức tư tế.
Một phần thử thách mà chúng ta gặp phải là sự thay đổi về số liệu thống kê dân số của Giáo Hội. Chúng ta biết rằng với con số tín hữu của chúng ta hiện lan rộng trong 30.000 tiểu giáo khu và chi nhánh, nằm trong khoảng 188 quốc gia và lãnh thổ, thì thật là điều rất khó để đến thăm nhà của các anh chị em chúng ta hơn là trong những ngày đầu của Giáo Hội khi hàng xóm giảng dạy lẫn nhau mà được gọi là “việc giảng dạy trong khu phố.”
Hơn nữa, trong nhiều đơn vị của Giáo Hội, số người mang chức tư tế có thể đi giảng dạy tại gia là hạn chế, bắt buộc những người có thể phục vụ với số gia đình để trông nom chăm sóc có thể lên tới 18 hoặc 20 gia đình. Cũng có thể có vấn đề về đường xá xa xôi, chi phí đi lại tốn kém và phương tiện giao thông ít có sẵn, cùng thời gian làm việc trong ngày và trong tuần tại địa phương. Thêm vào những điều này là ở một số nơi văn hóa cấm kỵ việc đến nhà thăm nếu không được mời và các vấn đề an toàn mà hiện đang có trong nhiều khu xóm trên thế giới—vâng, chúng ta bắt đầu thấy mức độ phức tạp của vấn đề.
Thưa các anh em, trong những hoàn cảnh tốt nhất và trong những hoàn cảnh mà việc giảng dạy tại gia có thể thực hiện được thì việc giảng dạy tại gia hàng tháng trong mỗi nhà vẫn là lý tưởng, là điều Giáo Hội cố gắng để đạt được. Nhưng vì nhận biết rằng ở nhiều nơi trên thế giới, rất khó để có thể được lý tưởng như vậy và các anh em cảm thấy giống như thất bại khi chúng ta yêu cầu họ làm điều mà trong thực tế không thể thực hiện được, nên vào tháng Mười Hai năm 2001, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã viết thư cho các vị lãnh đạo chức tư tế của Giáo Hội và đưa ra lời khuyên bảo đầy soi dẫn và rất hữu ích này: “Ở một số địa điểm trong Giáo Hội nơi mà … việc giảng dạy tại gia cho mỗi nhà mỗi tháng có thể không thực hiện được vì không đủ các anh em chức tư tế tích cực và nhiều thử thách khác nhau ở địa phương.” Chúng ta đã đề cập đến một số thử thách đó. Họ nói tiếp: “Khi hoàn cảnh như vậy xảy ra, thì các vị lãnh đạo nên cố gắng hết sức sử dụng các phương tiện họ có sẵn để trông nom chăm sóc và củng cố mỗi tín hữu.”4
Thưa các anh em, nếu tôi gặp phải những hoàn cảnh khó khăn này trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của tôi, thì người bạn đồng hành Chức Tư Tế A Rôn của tôi và tôi thường áp dụng lời khuyên bảo của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn (nay là chính sách trong sách hướng dẫn) theo cách này: Thứ nhất, cho dù có mất bao nhiêu tháng để đạt được thì chúng tôi cũng sẽ làm theo lệnh truyền trong thánh thư để “đi thăm viếng tư gia của mỗi tín hữu,”5 lập ra một lịch trình mà sẽ buộc chúng tôi đi đến những ngôi nhà đó theo lịch mà có thể thực hiện được lẫn thiết thực. Việc tuân theo lịch trình đó sẽ là đặt ưu tiên hàng đầu cho thời gian có sẵn và số lần tiếp xúc với những người cần đến chúng tôi nhiều nhất—những người tầm đạo mà những người truyền giáo đang giảng dạy, những người cải đạo mới chịu phép báp têm, những người bị bệnh, cô đơn, kém tích cực, những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ với con cái vẫn còn ở nhà, và vân vân.
Trong khi xem xét lịch trình của mình để đi thăm viếng tất cả các gia đình, mà có thể mất vài tháng để hoàn thành, chúng tôi sẽ có những cách tiếp xúc khác với các cá nhân và gia đình trong danh sách của chúng tôi qua bất cứ phương tiện nào mà Chúa đã cung cấp. Chắc chắn là chúng tôi sẽ trông nom các gia đình mà mình giảng dạy ở nhà thờ và như thánh thư dạy, sẽ “nói với nhau về sự an lạc của tâm hồn mình.”6 Ngoài ra, chúng tôi sẽ gọi điện thoại, gửi email và tin nhắn điện thoại, kể cả gõ lời thăm hỏi qua một trong số nhiều hình thức truyền thông xã hội có sẵn cho chúng tôi. Để giúp giải quyết những nhu cầu đặc biệt, chúng tôi có thể gửi một câu trích dẫn từ thánh thư hay từ một bài nói chuyện trong đại hội trung ương hoặc một Sứ Điệp của Người Mặc Môn có được từ nguồn tài liệu dồi dào trên trang mạng LDS.org. Bằng cách diễn giải lời của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức với những phương tiện có sẵn trong các hoàn cảnh mà chúng tôi gặp phải.
Thưa các anh em, lời kêu gọi tôi đưa ra buổi tối hôm nay là dành cho các anh em để gia tăng sự hiểu biết của mình về việc giảng dạy tại gia. Trong những cách mới mẻ và tốt hơn, xin hãy xem mình như là những người đại diện của Chúa cho con cái của Ngài. Điều đó có nghĩa là thay đổi truyền thống của một luật pháp chặt chẽ, khắt khe như Luật Môi Se, lịch trình thăm viếng vào cuối tháng mà các anh em vội vã đưa ra một sứ điệp do người khác viết từ các tạp chí Giáo Hội mà gia đình các anh em đi thăm đã đọc rồi. Thay vì thế, chúng tôi hy vọng rằng các anh em sẽ thiết lập một truyền thống đầy quan tâm thật sự, định hướng theo phúc âm dành cho các tín hữu, trông nom chăm sóc cho nhau, giải quyết các nhu cầu thuộc linh và vật chất bằng bất cứ cách nào có thể được.
Giờ đây, còn về điều “xứng đáng” để được tính là giảng dạy tại gia, thì mọi điều tốt lành mà các anh em làm đều “xứng đáng”, vậy thì hãy báo cáo tất cả nhé! Thật vậy, bản báo cáo quan trọng nhất là cách các anh em đã được ban phước biết bao và chăm sóc cho những người mà mình trông nom, mà hầu như không liên quan gì đến một lịch trình hoặc một địa điểm cụ thể. Điều quan trọng là các anh em yêu thương những người mà mình giảng dạy tại gia và đang làm tròn lệnh truyền phải “luôn luôn trông coi giáo hội.”7
Ngày 30 tháng 5 năm ngoái, người bạn của tôi là Troy Russell lái từ từ chiếc xe tải nhỏ của anh ra khỏi ga-ra trên đường đi tặng đồ cho cửa hàng đồ cũ Deseret Industries ở địa phương. Anh cảm thấy bánh xe sau của mình đang cán lên một vật gì đó. Vì nghĩ rằng một số đồ đã rơi ra khỏi xe, nên anh xuống xe và bắt gặp đứa con trai quý báu chín tuổi của mình tên Austen nằm úp mặt xuống vỉa hè. Mặc dù một phước lành chức tư tế đã được ban cho, nhóm nhân viên cấp cứu đã đến nơi rất nhanh và nhân viên bệnh viện đã cố gắng hết sức để cứu đứa bé, nhưng cũng không thành công. Austen đã qua đời.
Vì bị mất ngủ, không thể tìm thấy được bình an nên Troy không thể cảm thấy nguôi ngoai. Anh ta nói là anh không thể chịu đựng nổi điều này và anh không thể nào hoàn toàn sống nổi nữa. Nhưng có ba sức mạnh cứu chuộc đã xảy đến trong thời gian đau khổ đó.
Trước hết là tình yêu thương và tinh thần trấn an của Cha Thiên Thượng, một sự hiện diện được truyền đạt qua Đức Thánh Linh để an ủi Troy, đã giảng dạy cho anh, yêu thương anh, và mách bảo rằng Thượng Đế biết hết mọi điều về việc mất một Con Trai xinh đẹp và hoàn hảo. Thứ hai là Deedra, vợ của anh, đã ôm Troy vào vòng tay của mình và yêu anh cùng nhắc nhở anh rằng chị cũng đã mất đứa con trai đó và cũng quyết tâm không để mất một người chồng. Thứ ba trong câu chuyện này là John Manning, người thầy giảng tại gia phi thường.
Tôi thật sự không biết về lịch trình mà John và người bạn đồng hành trẻ tuổi của anh đã đến thăm nhà của gia đình Russell là như thế nào, hoặc sứ điệp nào được đưa ra khi họ đến đó, hoặc cách họ báo cáo kinh nghiệm của họ. Tôi chỉ biết là mùa xuân vừa qua, Anh Manning đã cúi xuống và nâng Troy Russell lên khỏi thảm kịch xảy ra trên lối đi vào ga-ra đó cũng giống như khi chính anh đang nâng bé Austen lên. Giống như người thầy giảng tại gia hoặc người canh gác hay người anh em trong phúc âm mà anh được cho là phải như vậy, và với chức tư tế, John đã chăm sóc và giữ gìn Troy Russell. Anh ấy bắt đầu bằng cách nói: “Anh Troy, Austen muốn anh phải tiếp tục—kể cả trên sân bóng rổ—vì vậy tôi sẽ đến đây mỗi buổi sáng vào lúc 5 giờ 15. Hãy sẵn sàng vì tôi không muốn phải đi vào để đánh thức anh dậy—và tôi biết là Deedra cũng không muốn tôi làm như thế.”
Về sau, Troy kể với tôi: “Tôi đã không muốn đi vì tôi thường dẫn theo Austen vào những buổi sáng như thế và tôi biết những kỷ niệm cũng sẽ rất đau đớn. Nhưng vì John nài nỉ nên tôi đã đi. Từ ngày đầu tiên trở lại đó, chúng tôi đã nói chuyện—hay đúng hơn là tôi nói—và John lắng nghe. Tôi đã nói chuyện suốt cả trên đường đi đến nhà thờ và sau đó suốt cả trên đường đi về nhà. Đôi khi tôi nói trong khi chúng tôi đậu xe trên lối đi vào ga-ra và xem mặt trời mọc trên Las Vegas. Lúc đầu thật là khó khăn, nhưng cuối cùng tôi nhận thấy rằng mình đã tìm thấy sức mạnh dưới hình thức của một người cao 1 mét 8 chơi bóng rổ rất dở trong Giáo Hội, với một quả ném bóng ra ngoài rổ, nhưng có những người yêu mến tôi và lắng nghe tôi cho đến khi cuối cùng tôi đã có thể tìm được niềm vui trong cuộc sống.”8
Thưa các anh em của thánh chức tư tế, khi chúng ta nói về việc giảng dạy tại gia hoặc chăm sóc hay giáo vụ chức tư tế của cá nhân—hay các anh em gọi điều đó là gì cũng được—thì đây chính là điều chúng ta đang nói tới. Chúng tôi yêu cầu các anh em là các thầy giảng tại gia hãy làm những người đại diện của Thượng Đế cho con cái Ngài, để yêu thương, chăm sóc và cầu nguyện cho những người mà mình được chỉ định giảng dạy, giống như chúng tôi yêu thương, chăm sóc và cầu nguyện cho các anh em. Cầu xin cho các anh em thận trọng trong khi trông nom chăm sóc đàn chiên của Thượng Đế theo những cách phù hợp với hoàn cảnh của mình, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Đấng Chăn Hiền Lành của tất cả chúng ta, là Đấng mà tôi làm chứng, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.