2010–2019
“Hãy Đến Mà Theo Ta” bằng cách Thực Hành Tình Yêu Thương và Sự Phục Vụ như Người Ky Tô Hữu
Tháng Mười năm 2016


13:29

“Hãy Đến Mà Theo Ta” bằng cách Thực Hành Tình Yêu Thương và Sự Phục Vụ như Người Ky Tô Hữu

Là môn đồ ngày sau của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta đến cùng Ngài bằng cách yêu thương và phục vụ con cái của Thượng Đế.

Elie Wiesel là người đoạt giải thưởng Nobel. Đứa cháu nội trai năm tuổi đã đến thăm ông khi ông đang bình phục trong bệnh viện sau cuộc phẫu thuật tim hở. Trong khi nhìn vào đôi mắt của ông nội, thì đứa bé đã thấy được rằng ông đang rất đau. Nó hỏi: “Ông nội ơi, nếu cháu thương ông nhiều hơn, thì ông sẽ [bớt đau hơn] không?”1 Hôm nay tôi xin hỏi một câu hỏi tương tự cho mỗi người chúng ta: “Nếu chúng ta yêu mến Đấng Cứu Rỗi nhiều hơn thì chúng ta có bớt khổ đau hơn không?”

Khi Đấng Cứu Rỗi kêu gọi các môn đồ của Ngài đi theo Ngài, thì họ đang sống theo luật Môi Se, kể cả điều luật “Mắt đền mắt, răng đền răng,”2 nhưng Đấng Cứu Rỗi đến để làm tròn luật pháp đó với Sự Chuộc Tội của Ngài. Ngài dạy một giáo lý mới: “hãy yêu kẻ thù nghịch mình, chúc phước cho kẻ nguyền rủa mình, làm điều tốt cho kẻ ghét bỏ mình, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và ngược đãi mình.”3

Các môn đồ đã được dạy để thay đổi từ những đường lối của con người thiên nhiên đến những đường lối đầy yêu thương và chăm sóc của Đấng Cứu Rỗi bằng cách thay thế sự tranh chấp với sự tha thứ, lòng nhân từ và trắc ẩn. Không phải luôn luôn dễ dàng để tuân theo lệnh truyền mới là phải “yêu nhau”4. Khi các môn đồ lo lắng về việc kết giao với những người phạm tội và một vài nhóm người khác, Đấng Cứu Rỗi đã kiên nhẫn dạy: “Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”5 Hoặc, như một vị tiên tri trong Sách Mặc Môn đã giải thích: “Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy.”6

Là môn đồ ngày sau của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta đến cùng Ngài bằng cách yêu thương và phục vụ con cái của Thượng Đế. Khi làm như vậy, chúng ta có thể không tránh được đau khổ, hoạn nạn, đau đớn trong thể xác, nhưng chúng ta sẽ đau khổ ít hơn về phần thuộc linh. Ngay cả giữa những thử thách, chúng ta cũng có thể cảm nhận được niềm vui và sự bình an.

Tình yêu thương và sự phục vụ của người Ky Tô hữu chúng ta đương nhiên là bắt đầu trong nhà. Thưa các bậc cha mẹ, anh chị em được mời gọi để làm giảng viên và những người truyền giáo nhân từ cho con cái và giới trẻ của mình. Họ là những người tầm đạo của anh chị em. Anh chị em có trách nhiệm phải giúp họ trở nên được cải đạo. Thật ra, tất cả chúng ta đều đang tìm cách để được cải đạo—có nghĩa là được tràn đầy tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi.

Vì chúng ta noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, nên tình yêu thương của Ngài thúc đẩy chúng ta phải hỗ trợ cho nhau trong cuộc sống trên trần thế. Chúng ta không thể một mình làm điều đó được.7 Anh chị em đã nghe tôi chia sẻ câu châm ngôn của người Quaker này trước đây rồi: “Bạn nâng tôi lên và tôi sẽ nâng bạn lên, và chúng ta sẽ cùng thăng tiến [đến vĩnh cửu].”8 Là môn đồ, chúng ta bắt đầu làm điều này khi chúng ta chịu phép báp têm để cho thấy sự sẵn lòng của mình để “mang gánh nặng lẫn cho nhau để cho gánh nặng ấy được nhẹ nhàng.”9

Việc “giảng dạy lẫn nhau về giáo lý của vương quốc”10 là một cách để yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Thưa các bậc ông bà và cha mẹ, chúng ta thường hay than thở về những tình trạng trên thế giới—rằng trường học đã không dạy về tính cách đạo đức. Nhưng có nhiều điều chúng ta có thể làm. Chúng ta có thể tận dụng những khoảnh khắc giảng dạy trong gia đình của mình—điều đó có nghĩa là ngay bây giờ. Đừng đánh mất cơ hội giảng dạy đó. Khi có cơ hội để chia sẻ những ý nghĩ của mình về phúc âm và những bài học về cuộc sống, thì hãy ngừng việc mình đang làm, ngồi xuống và nói chuyện với con cháu của mình.

Chúng ta đừng nên lo lắng rằng mình không phải là giảng viên phúc âm được huấn luyện chuyên môn. Không có lớp huấn luyện hoặc sách hướng dẫn nào hữu ích bằng việc tự mình nghiên cứu thánh thư, cầu nguyện, suy ngẫm, và tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Thánh Linh sẽ hướng dẫn anh chị em. Tôi hứa với anh chị em rằng: sự kêu gọi để làm cha mẹ gồm có ân tứ để giảng dạy trong những cách đúng đắn cho anh chị em và cho con cái của mình. Hãy nhớ rằng, quyền năng của Thượng Đế để ảnh hưởng đến chúng ta một cách ngay chính là tình yêu thương của Ngài. “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước.”11

Các em trẻ tuổi thân mến, các em là một trong số các giảng viên phúc âm hiệu quả nhất của chúng tôi. Các em đến nhà thờ để học hỏi để có thể về nhà giảng dạy và phục vụ gia đình, hàng xóm và bạn bè của mình. Đừng sợ. Hãy có đức tin để làm chứng về điều các em biết là chân chính. Hãy nghĩ là những người truyền giáo toàn thời gian đã tăng trưởng biết bao vì họ trung thành sống một cuộc sống thánh thiện—bằng cách sử dụng thời giờ và tài năng của họ cùng chia sẻ chứng ngôn để phục vụ và ban phước cho người khác. Khi các em chia sẻ chứng ngôn của mình về phúc âm, thì đức tin của các em sẽ phát triển và sự tin tưởng của các em sẽ gia tăng!

Một số sự phục vụ có tác động mạnh mẽ nhất giống như Ky Tô hữu của chúng ta được thực hiện bằng cách tổ chức học thánh thư, cầu nguyện chung gia đình và các buổi họp hội đồng gia đình. Trong hơn một trăm năm, các vị lãnh đạo Giáo Hội đã khuyên nhủ chúng ta nên dành ra thời gian không bị gián đoạn mỗi tuần cho những điều đó. Nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn đang thiếu các phước lành đó. Buổi họp tối gia đình không phải là lúc mà Cha và Mẹ diễn thuyết. Đó là thời gian mà gia đình của chúng ta chia sẻ các khái niệm và kinh nghiệm thuộc linh đơn giản, để giúp con cái học cách quan tâm và chia sẻ, vui chơi với nhau, chia sẻ chứng ngôn với nhau, và tăng trưởng cùng tiến triển với nhau. Khi chúng ta tổ chức buổi họp tối gia đình mỗi tuần, tình yêu thương của chúng ta dành cho nhau sẽ tăng trưởng mạnh hơn, và chúng ta sẽ bớt khổ đau.

Chúng ta nên nhớ rằng: công việc quan trọng nhất mà chúng ta làm trong gia đình là qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Bất cứ khi nào chúng ta lớn tiếng trong khi tức giận, thì Thánh Linh sẽ rời bỏ vợ chồng chúng ta và gia đình chúng ta. Khi chúng ta nói lời yêu thương, thì Thánh Linh có thể ở cùng chúng ta. Chúng ta nên nhớ rằng con cháu thường đo lường tình yêu thương của chúng ta bằng bao nhiêu thời gian chúng ta dành cho chúng. Quan trọng hơn hết, đừng để mất kiên nhẫn và đừng bỏ cuộc!

Thánh thư cho chúng ta biết rằng khi một số con cái linh hồn của Cha Thiên Thượng đã chọn không tuân theo kế hoạch của Ngài, thì các tầng trời đã khóc cho họ.12 Một số cha mẹ yêu thương và dạy dỗ con cái của họ cũng đã khóc khi con cái trưởng thành đã chọn không tuân theo kế hoạch của Chúa. Cha mẹ có thể làm gì? Chúng ta không thể cầu nguyện để quyền tự quyết của người khác bị cất đi. Hãy nhớ câu chuyện về người cha của đứa con trai hoang phí. Ông ta đã kiên nhẫn chờ đợi đứa con trai của mình “tỉnh ngộ,” và đồng thời trông chờ nó. Và “khi nó còn ở đàng xa” ông ta đã chạy lại nó.13 Chúng ta có thể cầu nguyện để được hướng dẫn khi nào phải nói, điều gì phải nói, và vâng, trong một vài dịp, khi nào thì phải yên lặng không nói. Hãy nhớ rằng con cái và những người trong gia đình chúng ta đã chọn đi theo Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống tiền dương thế của họ. Đôi khi đó chỉ là qua kinh nghiệm sống của họ mà họ có lại những cảm nghĩ thiêng liêng đó. Cuối cùng, sự lựa chọn để yêu thương và đi theo Chúa phải là sự lựa chọn của chính họ.

Còn có một cách đặc biệt nữa mà các môn đồ cho thấy tình yêu mến của họ đối với Đấng Cứu Rỗi. Hôm nay tôi có lời khen ngợi tất cả những ai phục vụ Chúa với tư cách là người chăm sóc. Chúa yêu thương anh chị em biết bao! Trong sự phục vụ của mình một cách âm thầm và không ai biết tới, anh chị em đang đi theo Ngài là Đấng đã hứa: “Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi một cách công khai.”14

Tôi nghĩ tới người hàng xóm của tôi có vợ mắc bệnh lãng trí. Mỗi Chủ Nhật ông ta thường giúp bà mặc đồ để đi nhà thờ, chải tóc, trang điểm cho bà, và còn đeo bông tai cho bà nữa. Khi phục vụ như vậy, ông ta là một tấm gương cho mỗi người nam và người nữ trong tiểu giáo khu của chúng tôi, thật ra là cho cả thế gian. Một hôm vợ ông nói với ông: “Tôi chỉ muốn thấy chồng tôi một lần nữa và được ở với anh ấy.”

Ông ta đáp: “Anh là chồng của em đây.”

Và bà dịu dàng trả lời: “Ôi vậy thì tốt quá!”

Tôi không thể nói về việc chăm sóc mà không ghi nhận người chăm sóc đặc biệt trong cuộc sống của tôi—một môn đồ đặc biệt mà Đấng Cứu Rỗi đã ban cho tôi—đó là Mary người bạn đời vĩnh cửu của tôi. Bà đã cống hiến tất cả sinh lực, lòng trắc ẩn và tình yêu thương. Đôi tay của bà nhắc tôi nhớ đến cái chạm tay nhẹ nhàng nâng đỡ của Ngài. Tôi sẽ không ở đây đâu nếu không có bà ấy. Và với bà, tôi sẽ có thể kiên trì đến cùng và được ở với bà trong cuộc sống vĩnh cửu.

Nếu anh chị em đang đau khổ cùng cực, với những người khác hoặc một mình, thì tôi khuyên anh chị em nên để cho Đấng Cứu Rỗi chăm sóc anh chị em. Hãy dựa vào cánh tay rộng mở của Ngài.15 Hãy chấp nhận lời trấn an của Ngài. Ngài hứa: “Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi.”16

Thưa anh chị em, nếu chúng ta chưa làm đầy đủ như vậy thì chúng ta hãy thay đổi và tập trung nhiều hơn vào sự tha thứ, lòng nhân từ, và tình yêu thương. Chúng ta hãy từ bỏ những cảm nghĩ cay nghiệt mà thường là một phần bản tính của con người thiên nhiên và hãy rao giảng về tình yêu thương, sự chăm sóc và sự bình an của Đấng Ky Tô.17

Nếu “các người đã đạt tới sự hiểu biết về sự vinh quang [và lòng nhân từ] của Thượng Đế”18 và cũng như “sự chuộc tội đã được chuẩn bị từ lúc thế gian mới được tạo dựng,”19 “các người sẽ không còn ý tưởng làm hại nhau nữa, mà sẽ sống an lành. ... Và các người sẽ không để cho con cái mình ... phạm các luật pháp của Thượng Đế, và gây gổ, kình chống nhau, ... Trái lại, các người sẽ dạy chúng biết thương yêu nhau và phục vụ cho nhau.”20

Ngay trước khi Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh, Ngài dạy Các Sứ Đồ của Ngài: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi”21 và “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.”22

Tôi làm chứng rằng cảm nghĩ chân thật của Đấng Cứu Rỗi đối với chúng ta đã được thể hiện trong bức tượng Chúa Giê Su Christus của nhà điêu khắc Thorvaldsen. Ngài tiếp tục dang rộng hai tay, 23 vẫy gọi: “Hãy đến, mà theo ta.” Chúng ta noi theo Ngài bằng cách yêu thương và phục vụ lẫn nhau và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.

Tôi chia sẻ chứng ngôn đặc biệt của mình rằng Ngài hằng sống và yêu thương chúng ta bằng một tình yêu thương hoàn hảo. Đây là Giáo Hội của Ngài. Thomas S. Monson là vị tiên tri của Ngài trên thế gian ngày nay. Cầu xin cho chúng ta có thể yêu mến Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài hơn, và bớt đau khổ hơn, là lời cầu nguyện của tôi. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.