Sự Chuộc Tội và Hành Trình trên Trần Thế
Từ bài nói chuyện trong buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University vào ngày 23 tháng Mười năm 2001. Để có được toàn bộ bài nói chuyện này bằng tiếng Anh, xin vào trang mạng speeches.byu.edu.
Quyền năng phụ giúp của Sự Chuộc Tội củng cố chúng ta để làm điều tốt và làm người tốt cùng phục vụ vượt quá uớc muốn cá nhân và khả năng tự nhiên của mình.
Mục tiêu chính của phúc âm của Đấng Cứu Rỗi được Chủ Tịch David O. McKay (1873–1970) tóm gọn như sau: “Mục đích của phúc âm là … làm cho người xấu thành tốt và người tốt thành tốt hơn, và thay đổi bản tính của con người.”1 Do đó, cuộc hành trình trên trần thế là sự tiến bộ từ xấu thành tốt, thành tốt hơn và trải qua sự thay đổi lớn lao trong lòng để bản tính sa ngã của chúng ta được thay đổi (xin xem Mô Si A 5:2).
Sách Mặc Môn là quyển sách hướng dẫn khi chúng ta hành trình trên lối đi từ xấu đến tốt đến tốt hơn và cố gắng thay đổi tấm lòng của mình. Vua Bên Gia Min giảng dạy về cuộc hành trình trên trần thế và vai trò của Sự Chuộc Tội trong việc hoàn tất cuộc hành trình đó một cách thành công: “Vì con người thiên nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế, và từ lúc sự sa ngã của A Đam đến nay, và sẽ mãi mãi là kẻ thù của Ngài, trừ phi người ấy chịu theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh, cởi bỏ con người thiên nhiên của mình, và trở nên một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa” (Mô Si A 3:19; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Tôi xin lưu ý các anh chị em về hai cụm từ cụ thể. Thứ nhất—“cởi bỏ con người thiên nhiên của mình.” Cuộc hành trình từ xấu đến tốt là tiến trình của việc cởi bỏ con người thiên nhiên của mình trong mỗi người chúng ta. Trên trần thế chúng ta đều bị cám dỗ bởi dục vọng của xác thịt. Thể xác của chúng ta được tạo ra từ chính các yếu tố có bản tính sa ngã và dễ bị ảnh hưởng bởi sự lôi kéo của tội lỗi, sự hư nát và cái chết. Nhưng chúng ta có thể gia tăng khả năng của mình để khắc phục những dục vọng của xác thịt và cám dỗ “nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô.” Khi làm điều lầm lỗi trong khi phạm giới và phạm tội, chúng ta có thể hối cải và trở nên trong sạch qua quyền năng cứu chuộc của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Thứ hai—“trở nên một thánh hữu.” Cụm từ này mô tả sự tiếp tục và giai đoạn thứ hai của cuộc sống để làm cho “người tốt trở nên tốt hơn” hoặc, nói cách khác, trở nên giống như một thánh hữu hơn. Phần thứ hai này của cuộc hành trình, tiến trình này đi từ tốt đến tốt hơn, là một đề tài chúng ta không được học hay giảng dạy thường xuyên cũng như không am hiểu một cách thích hợp.
Tôi không tin rằng nhiều tín hữu Giáo Hội quen thuộc với tính chất cứu chuộc và quyền năng phụ giúp của Sự Chuộc Tội nhiều hơn là họ quen thuộc với quyền năng củng cố và trợ giúp. Đó là một điều để biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô đến thế gian để chết cho chúng ta—đó là nền tảng và giáo lý căn bản của Đấng Ky Tô. Nhưng chúng ta cũng cần biết ơn rằng Qua Sự Chuộc Tội của Ngài và bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, Chúa muốn sống trong chúng ta—không những để hướng dẫn chúng ta mà còn ban quyền năng cho chúng ta nữa.
Hầu hết chúng ta đều biết rằng khi làm điều sai, chúng ta cần được giúp đỡ để khắc phục những hậu quả của tội lỗi trong cuộc sống. Đấng Cứu Rỗi đã trả cái giá và làm cho chúng ta có thể trở nên trong sạch qua quyền năng cứu chuộc của Ngài. Hầu hết chúng ta hiểu rõ rằng Sự Chuộc Tội là dành cho những người phạm tội. Tuy nhiên, tôi không chắc là chúng ta hiểu biết rằng Sự Chuộc Tội cũng dành cho các thánh hữu—dành cho những người nam và người nữ tốt lành, là những người biết vâng lời, xứng đáng, tận tâm cũng như cố gắng sống tốt hơn và phục vụ một cách trung tín hơn. Chúng ta có thể nhầm lẫn tin là mình cần phải sống từ cuộc sống tốt đến tốt hơn và tự mình trở thành một thánh hữu, qua lòng dũng cảm tuyệt đối, ý chí mạnh mẽ và kỷ luật cùng với khả năng hạn chế hiển nhiên của mình.
Phúc âm của Đấng Cứu Rỗi không phải chỉ là tránh điều xấu trong cuộc sống của mình mà còn chủ yếu là làm điều tốt và trở thành người tốt. Và Sự Chuộc Tội giúp đỡ chúng ta khắc phục và tránh điều xấu, làm điều tốt và trở thành người tốt. Có sẵn sự giúp đỡ từ Đấng Cứu Rỗi cho suốt cuộc hành trình trên trần thế—từ xấu đến tốt đến tốt hơn và thay đổi bản tính của chúng ta.
Tôi không đưa ra giả thuyết rằng quyền năng cứu chuộc và trợ giúp của Sự Chuộc Tội là riêng rẽ và khác nhau. Thay vì thế, hai yếu tố này của Sự Chuộc Tội liên kết và bổ sung cho nhau; cả hai yếu tố này cần phải được hoạt động trong tất cả các giai đoạn của cuộc hành trình trong đời sống. Và thật là điều quan trọng vĩnh viễn cho tất cả chúng ta để nhận ra rằng cả hai yếu tố thiết yếu này của cuộc hành trình trên trần thế—việc cả hai yếu tố này cởi bỏ con người thiên nhiên và trở thành một thánh hữu, việc cả hai yếu tố này khắc phục điều xấu và trở nên tốt—đều được thực hiện nhờ vào quyền năng của Sự Chuộc Tội. Ý chí mạnh mẽ, quyết tâm và động lực của cá nhân, việc hoạch định và đặt mục tiêu một cách hữu hiệu đều cần thiết nhưng cuối cùng không đủ cho chúng ta để hoàn tất cuộc hành trình trên trần thế này một cách thành công. Thật vậy, chúng ta cần phải tiến đến việc trông cậy vào “công lao, lòng thương xót và ân điển của Đấng Mê Si Thánh” (2 Nê Phi 2:8).
Ân Điển và Quyền Năng Trợ Giúp của Sự Chuộc Tội
Trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, chúng ta biết được rằng từ ân điển thường được dùng trong các câu thánh thư để định nghĩa quyền năng trợ giúp:
“[Ân điển là] một từ được thường xuyên thấy trong Kinh Tân Ước, nhất là những bài viết của Phao Lô. Ý chính của từ này là phương tiện giúp đỡ hay sức mạnh thiêng liêng, được ban cho qua lòng thương xót và tình yêu thương bao la của Chúa Giê Su Ky Tô.
“Chính là nhờ vào ân điển của Chúa Giê Su, đã làm cho sự hy sinh chuộc tội của Ngài có thể thực hiện được, để loài người sẽ được nâng lên vào cuộc sống bất diệt, mỗi người sẽ nhận được thể xác của mình từ mộ phần trong tình trạng của cuộc sống trường cửu. Tương tự như thế qua ân điển của Chúa nên các cá nhân, qua đức tin nơi sự chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải các tội lỗi của họ, nhận được sức mạnh và sự trợ giúp để làm những việc tốt lành mà nếu không có ân điển đó, họ sẽ không thể duy trì với chỉ khả năng riêng của mình. Ân điển này là quyền năng trợ giúp cho phép những người nam và người nữ đạt được cuộc sống vĩnh cửu và sự tôn cao sau khi họ đã tận dụng các nỗ lực tốt nhất của mình.”2
Ân điển là sự phụ giúp thiêng liêng hay sự giúp đỡ của thiên thượng mà mỗi người chúng ta rất cần để được hội đủ điều kiện cho thượng thiên giới. Do đó, quyền năng trợ giúp của Sự Chuộc Tội củng cố chúng ta để làm điều tốt và sống tốt lành cùng phục vụ vượt xa hơn ước muốn và khả năng tự nhiên của cá nhân mình.
Trong khi học thánh thư riêng, tôi thường thêm vào từ “quyền năng trợ giúp” bất cứ lúc nào tôi gặp từ ân điển. Chẳng hạn, hãy xem xét câu này mà chúng ta đều quen thuộc: “Vì chúng ta biết rằng nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” (2 Nê Phi 25:23). Tôi tin rằng chúng ta có thể học được nhiều điều về khái niệm thiết yếu này của Sự Chuộc Tội nếu chúng ta chịu thêm vào “quyền năng trợ giúp và củng cố” mỗi lần thấy từ ân điển trong thánh thư.
Hình Minh Họa và Những Ngụ Ý
Cuộc hành trình trên trần thế là đi từ điều xấu đến điều tốt đến điều tốt hơn và thay đổi bản tính của chúng ta. Sách Mặc Môn ghi đầy những tấm gương của các môn đồ và các vị tiên tri là những người đã biết, hiểu và được thay đổi bởi quyền năng trợ giúp của Sự Chuộc Tội trong việc thực hiện cuộc hành trình đó. Khi chúng ta tiến đến việc hiểu rõ hơn quyền năng thiêng liêng này, quan điểm về phúc âm của chúng ta sẽ được nới rộng và trở nên phong phú hơn. Một quan điểm như vậy sẽ thay đổi chúng ta trong những cách thức đáng kể
Nê Phi là một tấm gương của một người đã biết, hiểu và trông cậy vào quyền năng trợ giúp của Đấng Cứu Rỗi. Hãy nhớ rằng các con trai của Lê Hi đã trở lại Giê Ru Sa Lem để mời Ích Ma Ên và gia đình ông tham gia vào chính nghĩa của họ. La Man và những người khác trong nhóm hành trình với Nê Phi từ Giê Ru Sa Lem trở lại vùng hoang dã đã nổi loạn, và Nê Phi khuyên nhủ các anh em của mình phải có đức tin nơi Chúa. Chính vào thời điểm này trong cuộc hành trình của họ mà các anh của Nê Phi đã trói ông lại bằng dây thừng và trù tính giết chết ông. Xin hãy lưu ý đến lời cầu nguyện của Nê Phi: “Hỡi Chúa, thể theo đức tin con đặt nơi Ngài, xin Ngài giải thoát con ra khỏi tay các anh con; phải, xin Ngài ban cho con sức mạnh để con có thể bứt được những mối dây này đang trói buộc con” (1 Nê Phi 7:17; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Các anh chị em có biết điều gì có lẽ tôi sẽ cầu nguyện nếu tôi bị các anh của tôi trói? “Xin hãy giải cứu con ra khỏi tình thế tệ hại này NGAY BÂY GIỜ!” Điều đặc biệt thú vị đối với tôi là Nê Phi đã không cầu nguyện để tình thế của ông được thay đổi. Thay vì thế, ông đã cầu nguyện để có được sức mạnh để thay đổi tình thế của mình. Và tôi tin rằng ông đã cầu nguyện theo cách đó vì ông biết, hiểu và có kinh nghiệm với quyền năng trợ giúp của Sự Chuộc Tội.
Tôi không nghĩ rằng các sợi dây trói Nê Phi đã rơi xuống khỏi tay và cổ tay của ông một cách nhiệm mầu. Thay vì thế, tôi nghĩ rằng ông đã được ban phước với sự kiên trì lẫn sức mạnh cá nhân vượt xa hơn khả năng thiên nhiên của ông, để rồi “trong sức mạnh của Chúa” (Mô Si A 9:17) ông đã cố gắng vặn vẹo và giật mạnh các sợi dây thừng, và cuối cùng đã thật sự có thể bứt đứt các sợi dây.
Ngụ ý của đoạn này cho chúng ta thấy rất minh bạch. Trong khi các anh chị em và tôi tiến đến việc hiểu và sử dụng quyền năng trợ giúp của Sự Chuộc Tội trong cuộc sống cá nhân, chúng ta sẽ cầu nguyện và tìm kiếm sức mạnh để thay đổi tình thế của mình thay vì cầu nguyện để tình thế của mình được thay đổi. Chúng ta sẽ trở thành các tác nhân để hành động thay vì là những vật bị tác động (xin xem 2 Nê Phi 2:14).
Hãy xem xét ví dụ trong Sách Mặc Môn khi An Ma và dân của ông bị A Mu Lôn ngược đãi. Tiếng nói của Chúa đến với những người dân tốt lành này trong cơn hoạn nạn của họ và phán rằng:
“Và ta cũng sẽ làm nhẹ gánh nặng trên vai các ngươi, đến đỗi các ngươi không còn cảm thấy gì hết trên vai mình. …
“Và giờ đây chuyện rằng, những gánh nặng trên vai An Ma cùng những người anh em của ông đều được làm cho nhẹ đi; phải, Chúa đã ban thêm sức mạnh cho họ để họ có thể mang những gánh nặng ấy một cách dễ dàng, và họ đã tuân phục tất cả ý muốn của Chúa một cách vui vẻ và đầy kiên nhẫn” (Mô Si A 24:14–15; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Điều gì đã được thay đổi trong tình thế này? Không phải gánh nặng đó được thay đổi; những thử thách và khó khăn của sự ngược đãi đã không được loại bỏ ngay khỏi dân chúng. Nhưng An Ma và những tín đồ của ông đã được củng cố, và khả năng cùng sức mạnh được gia tăng của ông đã làm cho gánh nặng mà họ đang mang được nhẹ nhàng hơn. Những người tốt được làm cho có khả năng nhờ vào Sự Chuộc Tội để hành động với tư cách là những người đại diện và sửa đổi ảnh hưởng hoàn cảnh của họ. Và “trong sức mạnh của Chúa” An Ma và dân của ông lúc bấy giờ được hướng dẫn đến nơi an toàn trong xứ Gia Ra Hem La.
Các anh chị em có thể đang tự hỏi một cách chính đáng: “Điều gì làm cho câu chuyện về An Ma và dân của ông thành một ví dụ về quyền năng trợ giúp của Sự Chuộc Tội?” Câu trả lời được tìm thấy trong việc so sánh Mô Si A 3:19 và Mô Si A 24:15.
“Cởi bỏ con người thiên nhiên của mình, và trở nên một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa, và trở thành như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy” (Mô Si A 3:19; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Khi chúng ta tiến bước trong cuộc hành trình trên trần thế từ điều xấu đến điều tốt đến tốt hơn, khi cởi bỏ con người thiên nhiên bên trong mỗi chúng ta, và khi chúng ta cố gắng trở thành các thánh hữu cùng thay đổi bản tính của mình, thì thuộc tính được chỉ rõ trong câu này càng ngày càng cần phải mô tả loại người các anh chị em và tôi đang trở thành. Chúng ta sẽ trở thành như trẻ nhỏ hơn, phục tùng hơn, kiên nhẫn hơn, và sẵn lòng tuân phục hơn.
Giờ đây, hãy so sánh những cá tính này trong Mô Si A 3:19 với các cá tính được sử dụng để mô tả An Ma và dân của ông: “Và họ đã tuân phục tất cả ý muốn của Chúa một cách vui vẻ và đầy kiên nhẫn” (Mô Si A 24:15; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Tôi thấy điểm tương đồng giữa các thuộc tính được mô tả trong những câu này thật nổi bật và chỉ rõ rằng những người dân tốt lành của An Ma đã trở thành một dân tộc tốt hơn nhờ vào quyền năng trợ giúp của Sự Chuộc Tội của Chúa Ky Tô.
Hãy nhớ lại câu chuyện về An Ma và A Mu Léc trong sách An Ma 14. Trong biến cố này, nhiều Thánh Hữu trung tín đã bị thiêu sống, và hai tôi tớ này của Chúa đã bị cầm tù và đánh đập. Hãy xem xét lời khẩn cầu này do An Ma dâng lên trong khi ông cầu nguyện trong ngục thất: “Hỡi Chúa, xin Ngài ban cho chúng con sức mạnh thể theo đức tin của chúng con hằng có nơi Đấng Ky Tô, để chúng con được giải thoát” (An Ma 14:26; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Ở đây một lần nữa chúng ta thấy sự hiểu biết và tin tưởng của An Ma nơi quyền năng trợ giúp của Sự Chuộc Tội được phản ảnh trong lời khẩn cầu của ông. Và hãy lưu ý đến kết quả của lời cầu nguyện này:
“Và hai ông [An Ma và A Mu Léc] bèn bứt đứt hết các dây thừng đang trói; và khi những người chung quanh trông thấy như vậy, chúng bắt đầu chạy trốn, vì sợ sự hủy diệt đã đến với mình. …
“Rồi An Ma và A Mu Léc bước ra khỏi nhà giam mà không hề hấn gì; vì Chúa đã ban cho họ quyền năng, thể theo đức tin của họ hằng có nơi Đấng Ky Tô” (An Ma 14:26, 28; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Một lần nữa, quyền năng trợ giúp thật hiển nhiên khi những người tốt lành chống lại điều xấu xa và cố gắng trở nên càng tốt hơn và phục vụ một cách hữu hiệu hơn “trong sức mạnh của Chúa.”
Một ví dụ khác để dạy là từ Sách Mặc Môn. Trong An Ma 31, An Ma đang hướng dẫn một công việc truyền giáo để cải đạo lại những người dân Giô Ram bội giáo, những người này đã dâng lên một lời cầu nguyện được quy định trước và đầy kiêu ngạo sau khi xây xong Ra Mê Um Tôm của họ.
Hãy lưu ý lời cầu xin để có được sức mạnh trong lời cầu nguyện cá nhân của An Ma: “Hỡi Chúa, xin Ngài ban cho con có được sức mạnh, để con có thể kiên nhẫn chịu đựng được những nỗi đau khổ sẽ xảy đến vì sự bất chính của dân này” (An Ma 31:31; sự nhấn mạnh được thêm vào).
An Ma cũng cầu nguyện rằng những người bạn đồng hành truyền giáo của ông sẽ nhận được một phước lành tương tự: “Xin Ngài ban cho họ có được sức mạnh, để họ có thể chịu đựng được những nỗi đau khổ sẽ đến với họ vì những điều bất chính của dân này” (An Ma 31:33; sự nhấn mạnh được thêm vào).
An Ma không cầu nguyện để được cởi bỏ những nỗi đau khổ của ông. Ông biết rằng ông là một người đại diện cho Chúa, và ông cầu nguyện để có được quyền năng hành động và có được ảnh hưởng đối với tình thế của mình.
Điểm quan trọng của ví dụ này được ghi trong câu cuối cùng của An Ma 31: “[Chúa] ban cho họ sức mạnh để họ khỏi phải chịu một nỗi đau khổ nào, và sự đau khổ đã bị nuốt trọn trong niềm vui về Đấng Ky Tô. Đây là thể theo lời cầu nguyện của An Ma; và điều này là vì ông đã cầu nguyện trong đức tin” (câu 38; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Những nỗi đau khổ đã không được loại bỏ. Nhưng An Ma và những người bạn đồng hành của ông đã được củng cố và ban phước nhờ vào quyền năng trợ giúp của Sự Chuộc Tội “để họ khỏi phải chịu một nỗi đau khổ nào, và sự đau khổ đã bị nuốt trọn trong niềm vui về Đấng Ky Tô.” Thật là một phước lành kỳ diệu. Và đó thật là một bài học mỗi người chúng ta cần phải học.
Các ví dụ về quyền năng trợ giúp không phải chỉ được tìm thấy trong thánh thư mà thôi. Daniel W. Jones sinh ra năm 1830 ở Missouri, và ông đã gia nhập Giáo Hội ở California vào năm 1851. Vào năm 1856 ông tham gia vào việc giải cứu các đoàn xe kéo tay đang lâm nạn ở Wyoming trong những trận bão tuyết khốc liệt. Sau khi đoàn người đi giải cứu đã tìm ra Các Thánh Hữu khổ sở, mang đến cho những người thánh hữu đó sự an ủi ngay lập tứcmà họ có thể làm được, và sắp xếp để cho người bệnh và yếu đuối được chở đến thành phố Salt Lake City, Daniel và vài thanh niên khác tình nguyện ở lại và bảo vệ của cải của đoàn xe kéo tay đó. Daniel và các bạn đồng sự của ông được để lại rất ít thức ăn và đồ tiếp liệu và họ đã dùng hết rất nhanh. Phần trích dẫn sau đây từ nhật ký cá nhân của Daniel Jones mô tả những sự kiện tiếp theo sau đó.
“Chẳng bao lâu, thú săn trở nên hiếm đến nỗi chúng tôi không thể săn được gì cả. Chúng tôi ăn tất cả số thịt hiếm hoi còn lại nhưng vẫn còn đói sau khi ăn số thịt đó. Cuối cùng tất cả cả mọi thức ăn đều cạn sạch, bây giờ không còn lại gì ngoại trừ da thú. Chúng tôi thử ăn da thú. Rất nhiều da thú được nấu lên và ăn mà không có gia vị gì cả và loại thức ăn này đã làm cả nhóm bị bệnh. …
“Tình thế trở nên tuyệt vọng, vì không còn lại thứ gì ngoại trừ da thú sống lấy từ các con gia súc chết đói. Chúng tôi cầu xin Chúa hướng dẫn chúng tôi phải làm gì. Các anh em không ta thán mà cảm thấy cần phải tin tưởng nơi Thượng Đế. … Cuối cùng tôi có ấn tượng về cách làm thức ăn và đưa ra ý kiến cho nhóm, cho họ biết cách nấu; cách thui và cạo sạch lông; điều này nhằm diệt và rửa sạch cái mùi vị hôi hám nhờ đun sôi. Sau khi cạo lông, đun sôi với nhiều nước trong một giờ đồng hồ, chắt ra nước chứa tất cả chất nhựa, rồi rửa và cạo sạch da, rửa lại trong nước lạnh, rồi đun sôi thành thạch và để đông lạnh, và rồi ăn với một chút đường rắc lên đó. Đây là một việc phiền toái một cách đáng kể, nhưng chúng tôi không có gì khác để làm và thức ăn đó còn tốt hơn là bị chết đói.
“Chúng tôi cầu xin Chúa ban phước cho dạ dày chúng tôi và tiêu hóa được thức ăn này. … Mọi người ăn thức ăn đó mà như là thưởng thức yến tiệc. Chúng tôi đã không ăn ba ngày trước khi thử ăn thức ăn này lần thứ nhì. Chúng tôi vui hưởng bữa ăn ngon lành này trong khoảng sáu tuần.”3
Trong hoàn cảnh như thế, có lẽ tôi sẽ cầu nguyện về một thứ gì khác để ăn: “Thưa Cha Thiên Thượng, xin gửi cho con một con chim cút hay một con trâu.” Có lẽ tôi sẽ không cầu nguyện để dạ dày của tôi được làm cho mạnh mẽ và thích nghi với thức ăn chúng tôi có. Daniel W. Jones đã biết được gì? Ông đã biết về quyền năng trợ giúp của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Ông đã không cầu nguyện để tình thế của ông sẽ được thay đổi. Ông đã cầu nguyện để ông sẽ được tăng thêm sức mạnh nhằm đối phó với tình thế của mình. Cũng giống như An Ma và dân của ông, A Mu Léc, và Nê Phi đã được tăng thêm sức mạnh, Daniel W. Jones đã có sự hiểu biết thuộc linh để biết điều gì phải cầu xin trong lời cầu nguyện đó.
Quyền năng trợ giúp của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô củng cố chúng ta để làm những điều chúng ta không thể tự mình làm được. Đôi khi tôi tự hỏi là trong thế giới ngày sau đầy tiện nghi của chúng ta—trong thế giới của chúng ta với lò vi ba và điện thoại di động cũng như những cái xe hơi trang bị máy lạnh và các căn nhà tiện nghi—chúng ta có học cách ghi nhận việc mình tùy thuộc vào quyền năng trợ giúp của Sự Chuộc Tội không.
Chị Bednar là một người phụ nữ trung tín và tài giỏi một cách phi thường, bà và tôi đã học được các bài học quan trọng về quyền năng củng cố từ tấm gương thầm lặng của bà. Tôi đã nhìn thấy lòng kiên trì của bà qua những cơn ốm nghén dữ dội và liên tục—thật sự bệnh cả ngày, mỗi ngày trong tám tháng—trong suốt ba lần mang thai. Chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện để bà được ban phước, nhưng thử thách đó không bao giờ được loại bỏ. Thay vì thế, bà đã được ban cho khả năng để làm những gì về phương diện thể chất bà không thể làm bằng chính khả năng của bà. Trong nhiều năm tháng, tôi cũng đã nhìn thấy cách bà đã được củng cố để chịu đựng sự nhạo báng và khinh miệt đến từ một xã hội của thế gian khi một phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau lưu tâm đến lời khuyên của vị tiên tri và đặt gia đình cùng việc nuôi dưỡng con cái thành ưu tiên cao nhất của mình. Tôi cám ơn và muốn ngợi khen Susan đã giúp tôi học được các bài học vô giá như vậy.
Đấng Cứu Rỗi Biết và Hiểu
Trong An Ma chương 7, chúng ta học biết cách và lý do tại sao Đấng Cứu Rỗi có thể cung ứng quyền năng trợ giúp:
“Và Ngài sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; và Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là: Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài.
“Và Ngài sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.” (An Ma 7:11–12; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Đấng Cứu Rỗi đã chịu đau đớn không những về những điều bất chính của chúng ta mà còn về những điều không công bằng, bất công, nỗi đau đớn, thống khổ và những khó khăn về mặt tình cảm thường vây quanh chúng ta. Không có nỗi đau đớn thể xác nào, nỗi thống khổ nào của tâm hồn, nỗi đau khổ nào của tinh thần, sự đau ốm hay yếu đuối nào mà các anh chị em và tôi trải qua trong cuộc hành trình trên trần thế của mình mà Đấng Cứu Rỗi đã không trải qua. Trong một giây phút yếu đuối, các anh chị em và tôi đều có thể kêu lên: “Không một ai hiểu cả. Không một ai biết cả.” Có lẽ không một người trần thế nào biết cả. Nhưng Vị Nam Tử của Thượng Đế hiểu biết trọn vẹn, vì Ngài đã cảm nhận và mang lấy gánh nặng của chúng ta ngay cả trước khi chúng ta làm điều đó. Và vì Ngài đã trả cái giá tột bậc và mang lấy gánh nặng đó, nên Ngài có thể hoàn toàn thấu cảm và có thể ban cho chúng ta vòng tay thương xót của Ngài trong rất nhiều chặng đường của cuộc sống chúng ta. Ngài có thể tìm đến, ảnh hưởng, giúp đỡ—thật sự chạy tới chúng ta—và làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và giúp chúng ta làm điều chúng ta có thể không bao giờ có thể làm được nếu chỉ trông cậy vào khả năng của chính mình.
“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.
“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.
“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Ma Thi Ơ 11:28–30).
Tôi xin đưa ra chứng ngôn và lòng biết ơn của mình về sự hy sinh vô hạn và vĩnh cửu của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi biết Đấng Cứu Rỗi hằng sống. Tôi đã trải qua quyền năng cứu chuộc lẫn quyền năng trợ giúp của Ngài, và tôi làm chứng rằng các quyền năng này có thật và có sẵn cho mỗi chúng ta. Quả thật, “trong sức mạnh của Chúa” chúng ta có thể làm và khắc phục mọi điều khi chúng ta tiến tới với một sự trì chí trong cuộc hành trình trên trần thế của mình.