2012
Hy Vọng nơi Sự Chuộc Tội
Tháng Tư năm 2012


Cho Đến Khi Chúng Ta Gặp Lại Nhau

Hy Vọng vào Sự Chuộc Tội

Từ một bài nói chuyện được đưa ra trong buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University vào ngày 4 tháng Mười Một năm 2008. Để có được bản tiếng Anh đầy đủ, xin vào trang mạng speeches.byu.edu.

Giám Trợ Richard C. Edgley

Hy vọng không những phải được dựa vào sự hiểu biết và chứng ngôn mà còn phải được dựa vào việc làm cho Sự Chuộc Tội được thật sự áp dụng vào cuộc sống cá nhân của chúng ta.

Tôi đã gặp những người đánh mất mọi hy vọng. Họ cảm thấy rằng sự hối cải vượt quá tầm tay của họ và sự tha thứ không dành cho họ. Những người đó không hiểu quyền năng thanh tẩy của Sự Chuộc Tội. Hoặc, nếu có hiểu đi chăng nữa, thì họ đã không tiếp thu ý nghĩa về nỗi đau đớn của Chúa Giê Su Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự. Đối với bất cứ người nào trong chúng ta, việc từ bỏ hy vọng về sự thanh tẩy cuộc sống của mình tức là chối bỏ sự sâu sắc, quyền năng và mức độ đau khổ của Ngài thay cho chúng ta.

Cách đây vài năm, trong khi đang ở tại một đại hội giáo khu, tôi được chỉ định phỏng vấn một người 21 tuổi để xem xét xem người ấy có xứng đáng trong việc phục vụ truyền giáo không. Lúc bấy giờ, Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương thường không phỏng vấn những người truyền giáo tương lai. Nên đây là một việc bất thường. Trong khi tôi đọc một số quá trình kinh nghiệm về lý do cho cuộc phỏng vấn của mình, lòng tôi rất đau đớn. Người này đã vi phạm vào những sự phạm giới nghiêm trọng. Tôi tự hỏi tại sao tôi được yêu cầu đến hỏi han một người với một quá khứ như vậy, và kết luận rằng thật là khó đối với tôi để giới thiệu người ấy được chấp nhận làm một người truyền giáo.

Sau phiên họp đại hội vào tối thứ Bảy, tôi lui vào trong văn phòng của chủ tịch giáo khu để thực hiện cuộc phỏng vấn. Trong khi tôi đang chờ, thì một thanh niên đẹp trai với diện mạo tuyệt vời đến gần tôi. Tôi tự hỏi làm thế nào tôi có thể cáo lỗi không tiếp chuyện vì hiển nhiên là người ấy muốn nói chuyện và tôi đã có hẹn với một thanh niên đang gặp nhiều rắc rối. Rồi người ấy tự giới thiệu. Người ấy chính là người thanh niên mà tôi đến để nói chuyện.

Trong văn phòng kín đáo, tôi chỉ hỏi có một câu hỏi: “Tại sao tôi phỏng vấn em vậy?

Người ấy thuật lại quá khứ của mình. Khi nói xong, người ấy bắt đầu giải thích những giai đoạn và nỗi đau khổ riêng mình đã trải qua. Người ấy nói về Sự Chuộc Tội—quyền hạn vô tận của Sự Chuộc Tội. Người ấy chia sẻ chứng ngôn của mình và bày tỏ tình yêu mến của mình đối với Đấng Cứu Rỗi. Và rồi người ấy nói: “Tôi tin rằng nỗi đau khổ riêng của Đấng Cứu Rỗi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và sự hy sinh của Ngài trên cây thập tự đủ mạnh mẽ để giải cứu một người như tôi đây.”

Cảm động trước lòng khiêm nhường và bởi Thánh Linh, tôi nói: “Tôi sẽ giới thiệu em đi phục vụ với tư cách là người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô.” Và rồi tôi nói: “Tôi sẽ yêu cầu em chỉ một điều thôi. Tôi muốn em phải là người truyền giáo giỏi nhất trong toàn thể Giáo Hội. Chỉ có vậy thôi.”

Ba hay bốn tháng sau, Chị Edgley và tôi đang nói chuyện tại trung tâm huấn luyện truyền giáo. Vào lúc kết thúc buổi họp đặc biệt devotional, tôi đang ngồi với những người truyền giáo thì tôi thấy một thanh niên với gương mặt quen thuộc.

Người ấy hỏi: “Ông còn nhớ tôi không ạ?”

Có hơi bối rối, tôi nói: “Xin lỗi. Tôi biết là tôi phải nhớ nhưng thật sự tôi không nhớ.”

Rồi người ấy nói: “Tôi xin nói cho ông biết tôi là ai nhé. Tôi là người truyền giáo giỏi nhất trong trung tâm huấn luyện truyền giáo.” Và tôi tin lời người ấy.

Hy vọng của người thanh niên này không những được dựa vào sự hiểu biết và chứng ngôn về Sự Chuộc Tội mà còn dựa vào việc thật sự áp dụng ân tứ này nữa. Người ấy đã hiểu rằng điều đó dành riêng cho mình! Người ấy biết được quyền năng của Sự Chuộc Tội và hy vọng mà Sự Chuộc tội mang đến khi tất cả mọi điều dường như đã mất hay tuyệt vọng.