“Ngày 22 tháng Mười. Làm Thế Nào Tôi Có Thể Giữ Vững Cam Kết Của Mình Với Chúa Giê Su Ky Tô? 1 và 2 Tê Sa Lô Ni Ca,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 22 tháng Mười. Làm Thế Nào Tôi Có Thể Giữ Vững Cam Kết Của Mình Với Chúa Giê Su Ky Tô?,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý năm 2023
Ngày 22 tháng Mười
Làm Thế Nào Tôi Có Thể Giữ Vững Cam Kết Của Mình Với Chúa Giê Su Ky Tô?
1 và 2 Tê Sa Lô Ni Ca
Cùng Nhau Hội Ý
Được hướng dẫn bởi một thành viên trong chủ tịch đoàn lớp học hoặc nhóm túc số; khoảng 10–20 phút
Vào đầu buổi họp, hãy cùng nhau lặp lại Chủ Đề của Hội Thiếu Nữ hoặc Chủ Đề của Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn. Sau đó, hãy hướng dẫn thảo luận về công việc cứu rỗi và tôn cao bằng cách sử dụng một hoặc nhiều câu hỏi dưới đây hoặc câu hỏi của riêng anh chị em (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, mục 10.2, 11.2). Hoạch định cách để hành động theo những gì anh chị em thảo luận.
-
Sống theo phúc âm. Những kinh nghiệm nào gần đây đã củng cố chứng ngôn của chúng ta?
-
Chăm sóc cho những người hoạn nạn. Ai cần sự giúp đỡ và lời cầu nguyện của chúng ta? Chúng ta cảm thấy có ấn tượng phải làm điều gì để giúp họ?
-
Mời tất cả mọi người tiếp nhận phúc âm. Làm cách nào chúng ta có thể là ánh sáng cho mọi người trong gia đình hoặc bạn bè là những người không có cùng niềm tin với chúng ta?
-
Kết hợp các gia đình cho thời vĩnh cửu. Làm cách nào chúng ta có thể cho thấy tình yêu thương và sự hỗ trợ nhiều hơn dành cho gia đình và tạo ra sự khác biệt tích cực trong nhà mình?
Vào cuối buổi học, hãy làm những điều sau đây khi thích hợp:
-
Làm chứng về các nguyên tắc đã được giảng dạy.
-
Nhắc các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số nhớ về những kế hoạch và lời mời được đưa ra trong buổi họp.
Giảng Dạy Giáo Lý
Được hướng dẫn bởi một em giới trẻ hoặc một người lãnh đạo thành niên; khoảng 25–35 phút
Tự Chuẩn Bị về Phần Thuộc Linh
Hầu hết chúng ta đều biết một người nào đó dường như từng hoàn toàn cam kết theo Chúa Giê Su Ky Tô nhưng sau đó đã xa rời đức tin của họ. Là lẽ tự nhiên khi chúng ta tự hỏi: “Điều đó có khi nào xảy ra với tôi không?” Phao Lô đã khen ngợi các Thánh Hữu ở Tê Sa Lô Ni Ca về đức tin của họ nhưng ông cũng được soi dẫn để cảnh báo họ về những lời giảng dạy sai lạc và các ảnh hưởng khác mà có thể làm suy yếu đức tin của họ. Bất kể cam kết của chúng ta theo Đấng Cứu Rỗi có vững mạnh đến mức nào vào lúc này, chúng ta luôn có nhiều việc cần làm để “gia thêm cho đức tin [chúng ta] điều chi còn kém” (1 Tê Sa Lô Ni Ca 3:10).
Khi anh chị em cầu nguyện về những người trong lớp học hoặc nhóm túc số của mình, hãy lắng nghe những thúc giục mà Chúa ban cho anh chị em. Anh chị em cảm thấy điều gì sẽ giúp họ luôn trung thành với Đấng Cứu Rỗi mặc cho sự đối nghịch mà họ sẽ gặp? Điều gì đã giúp anh chị em? Khi chuẩn bị giảng dạy, anh chị em có thể ôn lại sứ điệp của Anh Cả Dale G. Renlund “Sự Cam Kết Không Lay Chuyển đối với Chúa Giê Su Ky Tô” (Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 22–25) bên cạnh việc nghiên cứu 1 và 2 Tê Sa Lô Ni Ca.
Cùng Nhau Học Hỏi
Để giúp giới trẻ ôn lại điều họ đã đọc trong 1 và 2 Tê Sa Lô Ni Ca và giới thiệu chủ đề về việc giữ vững cam kết của chúng ta với Đấng Cứu Rỗi, anh chị em có thể cùng đọc với các em 2 Tê Sa Lô Ni Ca 2:1–3. Thảo luận xem cụm từ “sự bỏ đạo” có nghĩa là gì. Đặc biệt, việc một người rời bỏ Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là gì? Anh chị em có thể so sánh sự tương phản giữa cụm từ này với những cụm từ khác mà Phao Lô sử dụng, như “đứng vững trong Chúa” (1 Tê Sa Lô Ni Ca 3:8) và “chớ nên chán mệt làm sự lành” (2 Tê Sa Lô Ni Ca 3:13). Sau đó anh chị em và các em có thể ôn lại 1 Tê Sa Lô Ni Ca 5:15–23. Làm thế nào mà việc tuân theo lời khuyên dạy của Phao Lô trong những câu này có thể giúp chúng ta không bị mất đi đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô—ngay cả khi chúng ta đối mặt với sự chống đối? Hãy sử dụng các sinh hoạt như sau để giúp các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số giữ vững cam kết của họ với Đấng Cứu Rỗi.
-
Họ có thể được soi dẫn khi học hỏi từ tấm gương của những người đã trở nên vững vàng trong đức tin nơi Đấng Ky Tô. Ví dụ, anh chị em và các em có thể cùng nhau học hỏi tấm gương của dân An Ti Nê Phi Lê Hi, những người từng là “một dân tộc man dã, chai đá và tàn bạo” nhưng sau khi “đã cải đạo theo Chúa”, họ đã “không hề bỏ đạo” (An Ma 17:14; 23:6–8). An Ma 24:8–18 gợi ý điều gì về lý do tại sao họ tiếp tục trung tín? Họ đã đưa ra những lựa chọn then chốt nào? Đấng Cứu Rỗi đã giúp họ như thế nào? Các ví dụ bổ sung có thể được tìm thấy trong sứ điệp của Anh Cả Dale G. Renlund “Sự Cam Kết Không Lay Chuyển đối với Chúa Giê Su Ky Tô.” Có lẽ một vài em giới trẻ có thể đọc một số ví dụ này và chia sẻ điều các em học được về việc trung thành với Đấng Ky Tô. Chúng ta đã giữ vững cam kết với Chúa như thế nào mặc cho những thiếu sót của mình?
-
Khi chúng ta nỗ lực củng cố đức tin của mình, sẽ hữu ích khi chúng ta nhận thức được các thế lực đang cố gắng làm suy yếu đức tin chúng ta. Khải tượng của Lê Hi về cây sự sống miêu tả một số trong các thế lực này. Có lẽ anh chị em có thể cho thấy bức tranh của khải tượng này (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm [năm 2009], số 69) và cùng nhau ôn lại các chi tiết của nó trong 1 Nê Phi 8:10–34. Trong khải tượng này, điều gì ngăn cản mọi người tận hưởng trái của cây ấy? Điều gì đã giúp mọi người tới được cây ấy và ở lại đó? Những điều này tượng trưng cho điều gì trong cuộc sống chúng ta?
-
Trong sứ điệp “Sức Mạnh để Khắc Phục Kẻ Nghịch Thù” (Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 110–112), Anh Cả Peter M. Johnson đã liệt kê ba cách mà Sa Tan cố gắng làm suy yếu chúng ta. Anh chị em có thể chỉ định mỗi em giới trẻ đọc một trong những cách này và chia sẻ với lớp học hoặc nhóm túc số các ví dụ về cách Sa Tan cố gắng dùng công cụ này tấn công giới trẻ ngày nay. Sau đó, mỗi em có thể đọc một trong bốn gợi ý của Anh Cả Johnson về cách vượt qua chiến thuật của kẻ nghịch thù và chia sẻ điều họ học được.
Hành Động theo Đức Tin
Hãy khuyến khích các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số suy ngẫm và ghi lại những điều họ sẽ làm để hành động theo những ấn tượng mà họ nhận được hôm nay. Nếu muốn, họ có thể chia sẻ ý kiến của họ. Mời họ suy nghĩ xem việc hành động theo các ấn tượng của họ sẽ củng cố mối quan hệ của họ với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào.
Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ
-
Jeffrey R. Holland, “Thưa Chúa, Tôi Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 93–95
-
Neil L. Andersen, “Đừng Bao Giờ Lìa Bỏ Ngài,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 39–42
-
Becky Craven, “Cẩn Thận so với Tùy Tiện,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 9–11