Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Sử dụng tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ


“Sử dụng tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)

“Sử dụng tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024

gia đình đang học tập thánh thư

Sử dụng tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

Tài Liệu Này Dành Cho Ai?

Tài liệu này dành cho bất cứ ai muốn học hỏi từ Sách Mặc Môn—cá nhân, gia đình và các lớp học của Giáo Hội. Nếu trước đây anh chị em chưa học hỏi thánh thư thường xuyên, thì tài liệu này có thể giúp anh chị em bắt đầu. Nếu anh chị em đã có một thói quen tốt trong việc học hỏi thánh thư rồi, thì tài liệu này có thể giúp anh chị em có những kinh nghiệm có ý nghĩa hơn.

Các Cá Nhân và Gia Đình ở Nhà

Nơi lý tưởng để học hỏi phúc âm là mái gia đình. Các giảng viên của anh chị em ở nhà thờ có thể hỗ trợ anh chị em, và anh chị em có thể nhận được sự khích lệ từ các tín hữu khác trong tiểu giáo khu. Nhưng để luôn giữ được phần thuộc linh, anh chị em và gia đình mình cần được nuôi dưỡng hằng ngày từ “lời nói tốt lành của Thượng Đế” (Mô Rô Ni 6:4, xin xem thêm Russell M. Nelson, “Lời Mở Đầu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 6–8).

Hãy sử dụng tài liệu này theo bất cứ cách thức nào hữu ích cho anh chị em. Các đề cương nhấn mạnh đến một số lẽ thật vĩnh cửu được tìm thấy trong Sách Mặc Môn và gợi ý những ý kiến và sinh hoạt để giúp anh chị em học thánh thư riêng cá nhân, chung với gia đình hoặc với bạn bè. Khi anh chị em học, hãy tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Linh để tìm ra các lẽ thật vĩnh cửu mà có ý nghĩa đối với mình. Hãy tìm kiếm các sứ điệp của Thượng Đế dành cho anh chị em, và tuân theo những thúc giục anh chị em nhận được.

Các Giảng Viên và Học Viên ở Nhà Thờ

Nếu anh chị em giảng dạy lớp học Hội Thiếu Nhi, lớp học Trường Chủ Nhật dành cho giới trẻ hoặc người thành niên, nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn hoặc lớp học Hội Thiếu Nữ, thì anh chị em được khuyến khích sử dụng các đề cương trong tài liệu này khi chuẩn bị để giảng dạy. Tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ là chương trình giảng dạy cho lớp học trong ngày Chủ Nhật của anh chị em. Các ý kiến học tập trong tài liệu này được thiết kế để học ở nhà và ở nhà thờ. Khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy, hãy bắt đầu bằng việc có được những kinh nghiệm riêng của mình trong thánh thư. Sự chuẩn bị quan trọng nhất của anh chị em sẽ xảy ra khi anh chị em tìm hiểu thánh thư và tìm kiếm sự soi dẫn của Đức Thánh Linh. Hãy tìm kiếm những lẽ thật vĩnh cửu mà sẽ giúp anh chị em trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta có thể giúp anh chị em nhận ra một số lẽ thật này và hiểu văn cảnh của thánh thư.

Hãy nhớ rằng cách tốt nhất để học hỏi phúc âm là đặt trọng tâm vào mái gia đình và được Giáo Hội hỗ trợ. Nói cách khác, trách nhiệm chính của anh chị em là hỗ trợ những người mình giảng dạy trong nỗ lực của họ để học hỏi và sống theo phúc âm ở nhà. Hãy cho họ cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm, suy nghĩ và những thắc mắc về các đoạn thánh thư. Hãy mời họ chia sẻ những lẽ thật vĩnh cửu mà họ tìm thấy. Điều này quan trọng hơn việc dạy hết một số tài liệu nhất định.

Hội Thiếu Nhi

Sự chuẩn bị của anh chị em để giảng dạy Hội Thiếu Nhi bắt đầu khi anh chị em học Sách Mặc Môn riêng cá nhân và chung với gia đình. Khi anh chị em làm như vậy, hãy mở lòng đón nhận những ấn tượng thuộc linh và những sự hiểu biết sâu sắc từ Đức Thánh Linh về các trẻ em trong lớp Thiếu Nhi của mình. Hãy thành tâm, và Thánh Linh có thể soi dẫn cho anh chị em có những ý tưởng để giúp các bé học hỏi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi chuẩn bị để giảng dạy, anh chị em có thể nhận được thêm sự soi dẫn bằng cách tìm hiểu các ý kiến giảng dạy trong tài liệu này. Mỗi đề cương trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ đều có một phần với tựa đề “Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em.” Hãy nghĩ về những ý kiến này như là những đề nghị để khơi dậy sự soi dẫn cho anh chị em. Anh chị em biết các bé trong lớp học Hội Thiếu Nhi—và anh chị em sẽ càng hiểu chúng hơn khi tương tác với chúng trong lớp. Thượng Đế cũng biết chúng và Ngài sẽ soi dẫn cho anh chị em những cách thức tốt nhất để giảng dạy và ban phước cho chúng.

Các trẻ em trong lớp của anh chị em có thể đã thực hiện một số sinh hoạt trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta với gia đình của chúng rồi. Điều đó KHÔNG SAO HẾT. Sự lặp lại là điều tốt. Hãy cân nhắc việc mời các bé chia sẻ với nhau điều chúng đã học được ở nhà—mặc dù anh chị em cũng nên hoạch định cách thức cho chúng tham gia kể cả khi chúng không học ở nhà. Trẻ em học hỏi các lẽ thật phúc âm một cách hiệu quả hơn khi các lẽ thật này được dạy đi dạy lại qua những sinh hoạt khác nhau. Nếu anh chị em thấy rằng một sinh hoạt học hỏi có hiệu quả với các bé, thì hãy cân nhắc việc lặp lại sinh hoạt đó, đặc biệt là nếu anh chị em giảng dạy trẻ em ở lứa tuổi nhỏ hơn. Anh chị em cũng có thể ôn lại một sinh hoạt từ bài học trước.

Vào những tháng nào có năm ngày Chủ Nhật, các giảng viên Hội Thiếu Nhi được khuyến khích để thay thế đề cương trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta dành cho ngày Chủ Nhật thứ năm bằng một hoặc nhiều sinh hoạt học hỏi trong phần “Phụ Lục B: Dành cho Thiếu Nhi—Chuẩn Bị cho Trẻ Em Ở trên Con Đường Giao Ước của Thượng Đế Suốt Cuộc Đời.”

Các Lớp Học Trường Chủ Nhật dành cho Giới Trẻ và Người Thành Niên

Một lý do chính mà chúng ta nhóm họp trong các lớp học Trường Chủ Nhật là để hỗ trợ và khuyến khích lẫn nhau khi chúng ta cố gắng noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Một cách đơn giản để thực hiện điều này là đặt ra một câu hỏi như “Đức Thánh Linh đã dạy anh chị em điều gì trong tuần này khi anh chị em học Sách Mặc Môn với tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta?” Câu trả lời cho câu hỏi này có thể dẫn đến những cuộc thảo luận đầy ý nghĩa mà xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.

Sau đó, anh chị em có thể mời mọi người thảo luận dựa trên những đề nghị học tập trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta. Ví dụ, một ý kiến học tập có thể đề nghị tra cứu An Ma 36 và lập một bản liệt kê những từ dạy về vai trò của Đấng Cứu Rỗi trong sự hối cải. Anh chị em có thể yêu cầu các học viên chia sẻ và nói về những từ họ tìm thấy. Hoặc anh chị em có thể dành ra một chút thời gian để cùng cả lớp lập bản liệt kê đó.

Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ

Khi các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn và các lớp học Hội Thiếu Nữ nhóm họp vào ngày Chủ Nhật, thì mục đích của các em có phần khác với một lớp học Trường Chủ Nhật. Ngoài việc giúp nhau học hỏi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, các em cũng nhóm họp để cùng hội ý về việc thực hiện công việc cứu rỗi và tôn cao (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, phần 1.2). Các em làm điều này dưới sự hướng dẫn của các chủ tịch đoàn của các lớp học và các nhóm túc số.

Vì lý do này, mỗi buổi nhóm họp của nhóm túc số hoặc lớp học nên bắt đầu với việc có một thành viên trong chủ tịch đoàn nhóm túc số hoặc chủ tịch đoàn lớp học hướng dẫn một cuộc thảo luận về các nỗ lực, chẳng hạn như, để sống theo phúc âm, phục sự những người hoạn nạn, chia sẻ phúc âm, hoặc tham gia vào công việc đền thờ và lịch sử gia đình.

Sau khoảng thời gian cùng nhau hội ý này, một giảng viên hướng dẫn lớp học hoặc nhóm túc số cùng nhau học hỏi phúc âm. Những người lãnh đạo thành niên hoặc các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số có thể được chỉ định để giảng dạy. Chủ tịch đoàn lớp học hoặc nhóm túc số cần hội ý với những người lãnh đạo thành niên để đưa ra những chỉ định này.

Những người được chỉ định để giảng dạy nên chuẩn bị bằng cách sử dụng những đề nghị học tập trong đề cương hằng tuần của tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta. Trong mỗi đề cương, biểu tượng này biểu tượng lớp giáo lý cho thấy một sinh hoạt đặc biệt liên quan đến giới trẻ. Tuy nhiên, bất cứ đề nghị nào trong đề cương này đều có thể được sử dụng như một sinh hoạt học tập dành cho giới trẻ.

Để có chương trình mẫu cho các buổi họp nhóm túc số và lớp học, xin xem phụ lục D.