Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 1–7 tháng Một: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô. Các Trang Mở Đầu của Sách Mặc Môn


“Ngày 1–7 tháng Một: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô. Các Trang Mở Đầu của Sách Mặc Môn,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)

“Ngày 1–7 tháng Một. Các Trang Mở Đầu của Sách Mặc Môn,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)

Mặc Môn viết trên các bảng khắc bằng vàng

Ngày 1–7 tháng Một: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô

Các Trang Mở Đầu của Sách Mặc Môn

Thậm chí trước khi đọc đến 1 Nê Phi chương 1, anh chị em sẽ nhận thấy rằng Sách Mặc Môn không phải là một quyển sách bình thường. Các trang mở đầu của sách mô tả một bối cảnh lịch sử không giống với bất kỳ bối cảnh nào khác—gồm những cuộc viếng thăm của các thiên sứ, một biên sử cổ xưa được chôn giấu suốt hàng thế kỷ trên một ngọn đồi, và một thanh niên trẻ tuổi phiên dịch biên sử đó bằng quyền năng của Thượng Đế. Sách Mặc Môn không chỉ là về lịch sử của các nền văn minh của cư dân Châu Mỹ cổ đại. Sách tìm cách thuyết phục tất cả mọi người “rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô” (trang tựa của Sách Mặc Môn), và chính Thượng Đế đã hướng dẫn cách để sách được viết ra, được bảo tồn, và dành sẵn cho chúng ta. Trong năm nay, khi anh chị em đọc Sách Mặc Môn, cầu nguyện về sách đó, và áp dụng những lời giảng dạy trong sách thì anh chị em sẽ mời quyền năng của Đấng Cứu Rỗi vào trong cuộc sống của mình. Và anh chị em có thể cảm thấy được thôi thúc để nói, như Ba Nhân Chứng đã nói trong chứng ngôn của họ: “Nó rất kỳ diệu trước mắt [tôi].”

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

Trang tựa của Sách Mặc Môn

Việc học Sách Mặc Môn có thể củng cố đức tin của tôi nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Trang tựa của Sách Mặc Môn không chỉ cung cấp một tựa đề. Ngoài những điều khác, nó còn liệt kê một vài mục đích của biên sử thiêng liêng này. Hãy tìm kiếm những mục đích này trong trang tựa. Những câu hỏi như thế này có thể giúp anh chị em khi suy ngẫm về câu hỏi: Tại sao chúng ta có Sách Mặc Môn? Sách Mặc Môn khác với các sách khác như thế nào?

Bây giờ có thể là thời điểm tốt để lập một kế hoạch cho cá nhân hoặc gia đình để đọc Sách Mặc Môn trong năm nay. Anh chị em sẽ đọc vào lúc nào và ở đâu? Anh chị em sẽ làm thế nào để mời Thánh Linh vào việc học của mình? Có bất kỳ điều gì cụ thể mà anh chị em sẽ tìm kiếm trong khi học không? Ví dụ, anh chị em có thể tìm các đoạn thánh thư giúp hoàn thành các mục đích mà anh chị em tìm thấy trên trang tựa. Anh chị em có thể giữ một bản liệt kê các câu thánh thư giúp xây đắp đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Xin xem 2 Nê Phi 25:26; Mô Si A 3:5–8; An Ma 5:48; 7:10–13; Hê La Man 5:12; 3 Nê Phi 9:13–18; 11:6–14; Mô Rô Ni 10:32–33.

Một lời hứa của vị tiên tri. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói rằng: “Tôi hứa rằng khi các anh chị em suy ngẫm những gì mình học hỏi [trong Sách Mặc Môn], các cửa sổ trên trời sẽ mở ra, và các anh chị em sẽ nhận được câu trả lời cho những câu hỏi của mình và nhận được sự chỉ dẫn cho cuộc sống của mình” (“Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 62–63).

hình biểu tượng lớp giáo lý

Lời Giới Thiệu Sách Mặc Môn; “Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng”; “Chứng Ngôn của Tám Nhân Chứng

Tôi có thể là một nhân chứng cho Sách Mặc Môn.

Đức Thánh Linh có thể làm chứng với anh chị em rằng Sách Mặc Môn là chân chính, mặc dù anh chị em chưa từng thấy các bảng khắc bằng vàng như Ba Nhân Chứng và Tám Nhân Chứng. Khi anh chị em đọc những lời của họ, hãy nghĩ về cách mà chứng ngôn của họ củng cố chứng ngôn của anh chị em.

Điều gì soi dẫn anh chị em về cách mà các nhân chứng này chia sẻ chứng ngôn của họ về Sách Mặc Môn? Hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể chia sẻ chứng ngôn của mình về Sách Mặc Môn—đặc biệt là lời chứng của sách về Chúa Giê Su Ky Tô. Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng anh chị em đang nói chuyện với một người bạn chưa bao giờ nghe về Sách Mặc Môn. Anh chị em sẽ nói gì với người bạn đó về quyển sách này? Anh chị em sẽ làm như thế nào để cố gắng truyền cảm hứng cho người bạn của mình đọc sách đó? Cân nhắc việc ôn lại Lời Giới Thiệu Sách Mặc Môn. Anh chị em có thể tìm thấy những chi tiết trong đó mà sẽ hữu ích để chia sẻ với người bạn của mình.

Hãy cân nhắc việc lập một bản liệt kê những điều anh chị em sẽ chia sẻ với một người bạn về Sách Mặc Môn. Hãy thử chia sẻ Sách Mặc Môn bằng ứng dụng Sách Mặc Môn.

Xin xem thêm Ronald A. Rasband, “Ngày Hôm Nay,” Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 25–28.

Joseph Smith và Ba Nhân Chứng cầu nguyện cùng nhau

Ba Nhân Chứng chia sẻ chứng ngôn về Sách Mặc Môn.

Chứng Ngôn của Tiên Tri Joseph Smith

Sự ra đời của Sách Mặc Môn là một phép lạ.

Nếu có ai đó hỏi anh chị em rằng Sách Mặc Môn đến từ đâu, thì anh chị em sẽ nói gì? Anh chị em sẽ mô tả như thế nào về sự tham gia của Thượng Đế vào việc ban Sách Mặc Môn cho chúng ta? Khi anh chị em đọc chứng ngôn của Joseph Smith, hãy chú ý đến cách ông mô tả điều đó. Dựa trên điều vừa đọc, anh chị em nghĩ Thượng Đế cảm thấy như thế nào về tầm quan trọng của Sách Mặc Môn?

Xin xem thêm Ulisses Soares, “Sự Ra Đời của Sách Mặc Môn,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 32–35; Các Thánh Hữu, tập 1, Thư Viện Phúc Âm.

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm trong tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

Trang tựa của Sách Mặc Môn

Việc đọc Sách Mặc Môn giúp tôi có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Hãy để cho các bé trông thấy và cầm trong tay một quyển Sách Mặc Môn. Giúp chúng chỉ vào tiêu đề, Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em cũng có thể giúp chúng tìm kiếm, trên trang tựa, cụm từ “Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Thượng Đế Vĩnh Cửu, đã biểu hiện cho tất cả quốc gia biết.” Hãy giúp chúng hiểu rằng điều này có nghĩa là Sách Mặc Môn dạy chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô. Nói ngắn gọn với chúng về cách mà Sách Mặc Môn đã củng cố đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em cũng có thể hỏi về câu chuyện yêu thích của chúng trong Sách Mặc Môn.

Lời Giới Thiệu Sách Mặc Môn

Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta.

  • Trang sinh hoạt của tuần này và hình ảnh dưới đây có thể giúp các bé hiểu những lời này của Joseph Smith trong lời giới thiệu Sách Mặc Môn: “Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta.” Cũng có thể thú vị để dựng hoặc vẽ một cái khung vòm cung có một viên đá đỉnh vòm ở trên cùng. Điều gì có thể xảy ra nếu viên đá đỉnh vòm bị lấy ra? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không có Sách Mặc Môn? Anh chị em có thể cùng nhau đọc đoạn cuối cùng của lời giới thiệu để tìm hiểu xem chúng ta còn học được điều gì khác khi chấp nhận lẽ thật của Sách Mặc Môn. Chúng ta có thể làm gì để Sách Mặc Môn trở thành viên đá đỉnh vòm của đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

một khung vòm cung bằng đá với viên đá đỉnh vòm giúp cố định nó

Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta.

Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng”; “Chứng Ngôn của Tám Nhân Chứng

Tôi có thể là một nhân chứng cho Sách Mặc Môn.

  • Để giúp các bé hiểu ý nghĩa của việc làm một nhân chứng, anh chị em có thể mô tả cho chúng một điều gì đó mà anh chị em đã thấy nhưng chúng chưa thấy. Sau đó hãy cho chúng làm điều tương tự với anh chị em. Việc này có thể dẫn đến cuộc trò chuyện về 11 người đã nhìn thấy các bảng khắc bằng vàng mà từ đó Sách Mặc Môn được phiên dịch ra. Khi cùng nhau đọc các chứng ngôn, anh chị em có thể nói về lý do tại sao các nhân chứng này muốn những người khác biết về chứng ngôn của họ. Chúng ta muốn nói cho ai biết về Sách Mặc Môn?

Chứng Ngôn của Tiên Tri Joseph Smith

Sách Mặc Môn được ban cho chúng ta bởi quyền năng của Thượng Đế.

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Joseph nhận các bảng khắc bằng vàng từ Mô Rô Ni

Moroni Delivers the Golden Plates (Mô Rô Ni Trao Các Bảng Khắc Bằng Vàng), tranh do Gary L. Kapp họa