Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 22–28 tháng Một: “Được Trang Bị bằng Sự Ngay Chính và bằng Quyền Năng của Thượng Đế.” 1 Nê Phi 11–15


“Ngày 22–28 tháng Một: ‘Được Trang Bị bằng Sự Ngay Chính và bằng Quyền Năng của Thượng Đế.’ 1 Nê Phi 11–15,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học Tập ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)

“Ngày 22–28 tháng Một. 1 Nê phi 11–15,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học Tập ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)

Hình Ảnh
mọi người đang ăn trái của cây sự sống

The Love of God (Tình Thương Yêu của Thượng Đế), tranh do Sabrina Squires họa

Ngày 22–28 tháng Một: “Được Trang Bị bằng Sự Ngay Chính và bằng Quyền Năng của Thượng Đế”

1 Nê Phi 11–15

Khi Thượng Đế có một công việc vĩ đại cho vị tiên tri của Ngài để làm, Ngài thường ban cho vị tiên tri đó một khải tượng phi thường. Môi Se, Giăng, Lê Hi, và Joseph Smith đều có những khải tượng như thế—những khải tượng mở rộng tâm trí của họ và giúp họ thấy công việc của Thượng Đế thật sự vĩ đại và đầy soi dẫn đến thế nào.

Nê Phi cũng có một trong những khải tượng thay đổi cuộc sống này. Ông đã thấy giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi, tương lai dòng dõi của Lê Hi trên đất hứa, và vận mệnh ngày sau của công việc của Thượng Đế. Sau khải tượng này, Nê Phi đã được chuẩn bị kỹ hơn cho công việc trước mắt. Và việc đọc về khải tượng này cũng có thể giúp chuẩn bị anh chị em—vì Thượng Đế cũng có công việc cho anh chị em để làm trong vương quốc của Ngài. Anh chị em ở trong số “các thánh hữu trong giáo hội của Chiên Con” mà Nê Phi đã thấy, là những người “đã bị phân tán khắp mặt đất; và họ được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại” (1 Nê Phi 14:14).

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

1 Nê Phi 11

Thượng Đế gửi Chúa Giê Su Ky Tô xuống như là một cách biểu lộ tình yêu thương của Ngài.

Khi Nê Phi hỏi vị thiên sứ về ý nghĩa của cái cây trong khải tượng của Lê Hi, vị thiên sứ chỉ cần nói rằng: “Nó tượng trưng cho tình yêu thương của Thượng Đế.” Thế nhưng, vị ấy lại cho Nê Phi thấy một loạt các biểu tượng và sự kiện từ cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi. Hãy tìm kiếm những biểu tượng và sự kiện này khi anh chị em đọc và suy ngẫm 1 Nê Phi 11. Anh chị em tìm thấy điều gì giúp mình hiểu lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô là sự biểu lộ tột bậc tình yêu thương của Thượng Đế?

Đấng Cứu Rỗi đã giúp anh chị em cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng bằng cách nào?

Xin xem thêm Susan H. Porter, “Tình Yêu Thương của Thượng Đế: Niềm Vui Sướng Nhất cho Tâm Hồn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 33–35.

1 Nê Phi 12–14

Tôi có thể được “trang bị bằng sự ngay chính” và quyền năng.

Nê Phi sẽ không còn sống để chứng kiến được nhiều điều ông đã thấy trong khải tượng của mình. Anh chị em nghĩ tại sao việc biết được những điều này lại có giá trị với Nê Phi? Tại sao việc biết những điều này lại có giá trị với anh chị em? Hãy đặt những câu hỏi này mỗi lần anh chị em đọc về điều mà Nê Phi đã thấy trong khải tượng của ông (xin xem 1 Nê Phi 12–14). Anh chị em nhận được những ấn tượng nào về vai trò của mình trong “công việc vĩ đại và kỳ diệu” của Chúa? (1 Nê Phi 14:7). Ngài đã làm một số điều vĩ đại và kỳ diệu nào cho anh chị em?

Hãy đặc biệt suy ngẫm lời hứa trong 1 Nê Phi 14:14. Đấng Cứu Rỗi đã làm tròn lời hứa này như thế nào trong cuộc sống của anh chị em? (Để có một vài ví dụ, xin xem David A. Bednar, “Bằng Quyền Năng của Thượng Đế trong Vinh Quang Vĩ Đại,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 28–28, đặc biệt là hai phần cuối cùng.)

1 Nê Phi 13:1–9; 14:9–11

“Giáo hội vĩ đại và khả ố” mà Nê Phi đã thấy là gì?

Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã giải thích rằng “giáo hội vĩ đại và khả ố” mà Nê Phi đã mô tả tượng trưng cho “bất cứ triết lý hay tổ chức nào chống lại niềm tin vào Thượng Đế. Và ‘cảnh tù đày’ mà ‘giáo hội’ này tìm cách đẩy các thánh hữu vào không phải là sự giam hãm thể chất mà sẽ là việc bị giam cầm trong những ý kiến sai lạc” (“Stand as Witnesses of God,” Ensign, tháng Ba năm 2015, trang 32). Làm thế nào Đấng Cứu Rỗi giúp anh chị em tránh—và thoát khỏi—sự giam cầm bởi những ý nghĩ sai lạc?

1 Nê Phi 15:1–11

Thượng Đế sẽ trả lời tôi nếu tôi cầu xin trong đức tin.

Anh chị em có từng cảm thấy như mình không nhận được sự mặc khải cá nhân—tức là Thượng Đế không phán bảo với mình không? Nê Phi đã khuyên các anh ông điều gì khi họ cảm thấy như vậy? (Xin xem 1 Nê Phi 15:1–11.) Anh chị em có thể áp dụng lời khuyên của Nê Phi như thế nào trong cuộc sống của mình?

Hình Ảnh
hình biểu tượng lớp giáo lý

1 Nê Phi 15:23–25

Việc bám chắc vào lời của Thượng Đế giúp tôi chống lại ảnh hưởng của Sa Tan.

Nê Phi thường có những điều cấp bách cần nói với các anh của ông. Nhưng ông dường như đặc biệt nhiệt thành với điều ông nói với họ trong 1 Nê Phi 15:23–25. Sứ điệp của Nê Phi là gì, và tại sao anh chị em nghĩ rằng ông đã cảm thấy rất mạnh mẽ về sứ điệp đó?

Anh Cả David A. Bednar dạy rằng “lời của Thượng Đế” có thể ngụ ý nói đến thánh thư, những lời của các vị tiên tri tại thế, và cả chính Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em nghĩ việc “bám chắc vào” thánh thư và lời của các vị tiên tri tại thế có nghĩa là gì? “Bám chắc vào” Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là gì? Anh chị em có thể tìm kiếm những câu trả lời khả thi cho những câu hỏi này trong sứ điệp của Anh Cả Bednar “Nhưng Chúng Tôi Không Lưu Ý Đến Họ” (Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 14–16).

Làm thế nào việc bám chắc vào lời của Thượng Đế giúp anh chị em chống lại kẻ nghịch thù? Việc điền vào một bảng như sau có thể giúp sắp xếp những suy nghĩ của anh chị em:

 … giúp tôi vượt qua bóng tối của cám dỗ không? (xin xem 1 Nê Phi 12:17)

 … giúp tôi “không lưu ý đến” sự phù phiếm và kiêu ngạo của thế gian không? (1 Nê Phi 12:18)

Làm thế nào việc bám chắc vào thánh thư và những lời của các vị tiên tri tại thế …

Làm thế nào việc bám chắc vào Đấng Cứu Rỗi …

Xin xem thêm “Xây Dựng Một Cuộc Sống Có Thể Kháng Lại Kẻ Nghịch Thù,” Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 50–52.

Hình Ảnh
gia đình đang đọc thánh thư

Thánh thư giống như một thanh sắt dẫn chúng ta đến cây sự sống.

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm trong tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

1 Nê Phi 11:16–33

Cha Thiên Thượng gửi Chúa Giê Su Ky Tô đến bởi vì Ngài yêu thương tôi.

  • Để giảng dạy cho Nê Phi về tình yêu thương của Thượng Đế, một thiên sứ đã cho Nê Phi thấy những sự kiện từ cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi. Anh chị em có thể làm như vậy cho các bé—đưa cho chúng hình ảnh về các sự kiện mà Nê Phi đã thấy trong 1 Nê Phi 11:20, 24, 27, 31, và 33 (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 30, 35, 39, 4257). Khi anh chị em đọc những câu này, hãy giúp các bé tìm bức hình phù hợp với câu thánh thư. Chúng ta học được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô từ các câu thánh thư và hình ảnh này?

  • Chúng ta còn học được điều gì nữa về tình yêu thương của Thượng Đế từ 1 Nê Phi 11:22–23?

Dùng nghệ thuật để giúp trẻ em học hỏi. Khi anh chị em giảng dạy cho trẻ em một câu chuyện thánh thư, hãy giúp chúng hình dung ra câu chuyện. Anh chị em có thể sử dụng hình ảnh, đoạn video, các con rối, đồ hóa trang, và vân vân.

1 Nê Phi 13:26–29, 35–36, 40

Sách Mặc Môn giảng dạy các lẽ thật quý báu.

  • Để giúp các bé quý trọng các lẽ thật “minh bạch và quý báu” trong Sách Mặc Môn, anh chị em có thể vẽ một bức tranh và mời các bé thay đổi hoặc bỏ đi những phần của bức tranh để làm cho bức tranh trông khác biệt. Anh chị em có thể sử dụng điều này để giảng dạy rằng, theo thời gian, những điều trong Kinh Thánh đã bị thay đổi và bị lấy đi. Hãy cùng nhau đọc trong 1 Nê Phi 13:40 và nói về cách Sách Mặc Môn (“những biên sử cuối cùng này”) giúp chúng ta hiểu “những điều minh bạch và quý giá” đã bị mất đi trong Kinh Thánh (các biên sử “đầu tiên”). Anh chị em đã học được các lẽ thật “minh bạch và quý báu” nào từ Sách Mặc Môn?

Hình Ảnh
các quyển Sách Mặc Môn bằng những ngôn ngữ khác nhau

Sách Mặc Môn phục hồi những lẽ thật phúc âm đã bị mất đi trong Sự Bội Giáo.

1 Nê Phi 15:23–24

Việc bám chắc vào lời của Thượng Đế giúp tôi chống lại cám dỗ.

  • Hãy cho các bé một cơ hội để chia sẻ điều chúng nhớ về khải tượng của Lê Hi. Có thể hữu ích để sử dụng một bức hình, như bức hình trong đề cương của tuần trước. Điều gì đã ngăn chặn người ta đến được cái cây? Điều gì đã giúp họ đến được chỗ cây đó? Anh chị em có thể yêu cầu chúng tìm thanh sắt trong bức hình. Hãy cùng nhau đọc 1 Nê Phi 15:23–24 để tìm hiểu xem thanh sắt tượng trưng cho điều gì và nó có thể giúp đỡ chúng ta như thế nào.

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Hình Ảnh
Khải tượng của Nê Phi về Ma Ri và hài đồng Giê Su

Nephi’s Vision of Mary (Khải Tượng của Nê Phi về Ma Ri), tranh do James Johnson họa

In