Nhưng Chúng Tôi Không Lưu Ý Đến Họ
Các giao ước và giáo lễ hướng chúng ta đến và giúp chúng ta luôn nhớ đến mối liên kết của mình với Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta tiến triển trên con đường giao ước.
Vợ tôi, Susan, ba con trai cùng các con dâu, và các cháu của chúng tôi, cũng như Anh Cả Quentin L. Cook, người bạn ngồi cạnh tôi trong Nhóm Túc Số Mười Hai trong gần 15 năm, tất cả họ đều dễ dàng chứng thực rằng tôi hát không hay. Tuy không có năng khiếu thanh nhạc nhưng tôi thích hát những bài thánh ca về Sự Phục Hồi. Việc phối hợp những lời bài hát đầy cảm ứng với giai điệu hùng hồn giúp tôi học các nguyên tắc phúc âm thiết yếu và soi dẫn tâm hồn tôi.
Một bài thánh ca mà đã ban phước cho cuộc sống của tôi trong những cách phi thường là “Nào Cùng Nhau Bước Mạnh.” Gần đây, tôi đã suy ngẫm và tìm hiểu về một cụm từ cụ thể trong điệp khúc của bài thánh ca đó. “Mọi lời dèm pha ta xem thường, vâng theo duy một Ngài thôi.”1
Ta xem thường.
Khi hát bài thánh ca “Nào Cùng Nhau Bước Mạnh,” tôi thường nghĩ đến những người trong khải tượng của Lê Hi đang tiến bước trên con đường dẫn đến cây sự sống là những người không chỉ “bám chặt”2 mà còn “cố sức tiến qua đám sương mù tối đen, cho tới khi họ đến được bên cây và ăn trái cây ấy.”3 Lê Hi đã mô tả đám đông trong tòa nhà rộng lớn vĩ đại đang “chỉ trỏ [ông] và những người … đang ăn trái cây ấy.”4 Phản ứng của ông đối với những lời chế nhạo và lăng mạ thật là tuyệt vời và đáng nhớ: “Nhưng chúng tôi không lưu ý đến họ.”5
Tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ ban phước và soi sáng mỗi chúng ta khi chúng ta cùng nhau suy xét cách chúng ta có thể được củng cố để “không lưu ý đến” những ảnh hưởng xấu xa và những tiếng chế giễu của thế giới đương thời mà chúng ta đang sống.
Không Lưu Ý Đến
Từ lưu ý ám chỉ việc để ý hoặc chú ý đến ai đó hay điều gì đó. Vì vậy, những lời của bài thánh ca “Nào Cùng Nhau Bước Mạnh” khuyên chúng ta nên đưa ra một quyết định khẳng định là không chú ý đến “mọi lời dèm pha.” Và việc Lê Hi và những người đi cùng ông đang ăn trái cây này mang đến một ví dụ mạnh mẽ về việc không chú ý đến những lời chế giễu và khinh miệt mà thường đến từ tòa nhà rộng lớn vĩ đại.
Giáo lý của Đấng Ky Tô được viết “bằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống … trên bảng thịt của [tấm lòng chúng ta]”6 gia tăng khả năng của chúng ta trong việc “không lưu ý” đến nhiều điều sao lãng, chế nhạo và điều làm lạc hướng trong thế giới sa ngã của chúng ta. Ví dụ, đức tin tập trung vào và nơi Chúa Giê Su Ky Tô củng cố chúng ta với sức mạnh thuộc linh. Đức tin nơi Đấng Cứu Chuộc là một nguyên tắc về hành động và về quyền năng. Khi hành động theo các lẽ thật của phúc âm Ngài, chúng ta được ban phước với khả năng thuộc linh để tiến bước vượt qua những thử thách trên trần thế trong khi tập trung vào những niềm vui mà Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta. Thật ra, “Chớ sợ khi quân thù hiệp nhau chống ta, vững lòng vì có Chúa ở bên ta rồi.”7
Một Sự Liên Kết Cá Nhân qua Các Giao Ước
Việc lập các giao ước thiêng liêng và tiếp nhận các giáo lễ của chức tư tế một cách xứng đáng ràng buộc và gắn bó chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng.8 Điều này chỉ có nghĩa là chúng ta tin cậy nơi Đấng Cứu Rỗi với tư cách là Đấng Biện Hộ9 và Đấng Trung Gian của chúng ta10 và trông cậy vào công lao, lòng thương xót và ân điển của Ngài11 trong suốt hành trình của cuộc sống. Khi kiên định đến cùng Đấng Ky Tô và gắn bó với Ngài, chúng ta nhận được sự thanh tẩy, chữa lành và củng cố các phước lành của Sự Chuộc Tội vô hạn và vĩnh cửu của Ngài.12
Việc sống theo và yêu chuộng các cam kết về giao ước tạo ra một mối liên kết với Chúa rất riêng tư và mạnh mẽ về mặt tinh thần. Khi tôn trọng các điều kiện của các giao ước và giáo lễ thiêng liêng, chúng ta dần dần và từng bước một được thu hút đến gần Ngài hơn13 cùng cảm nhận sự tác động của thiên tính và thực tế sinh động của Ngài trong cuộc sống chúng ta. Sau đó, Chúa Giê Su trở thành không chỉ là nhân vật chính trong các câu chuyện thánh thư; tấm gương và những lời dạy của Ngài ảnh hưởng đến mọi ước muốn, suy nghĩ và hành động của chúng ta.
Thật ra, tôi không có khả năng để mô tả đầy đủ tính chất chính xác và quyền năng của mối liên kết về giao ước của chúng ta với Con Trai phục sinh và hằng sống của Thượng Đế. Nhưng tôi làm chứng rằng các mối liên kết với Ngài và Cha Thiên Thượng là có thật và là nguồn tối thượng của sự bảo đảm, bình an, niềm vui và sức mạnh thuộc linh mà cho phép chúng ta “chớ sợ khi quân thù hiệp nhau chống ta.”14 Là các môn đồ lập giao ước và tuân giữ giao ước của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được ban phước vì “vững lòng khi có Chúa ở bên ta”15 và không chú ý đến những ảnh hưởng xấu xa và những lời chế giễu của người đời.
Khi đi thăm các tín hữu của Giáo Hội trên khắp thế giới, tôi thường hỏi họ câu hỏi này: điều gì giúp anh chị em “không lưu ý” đến những ảnh hưởng, chế giễu và khinh miệt của thế gian? Các câu trả lời của họ đều mang tính hướng dẫn nhất.
Các tín hữu dũng cảm thường nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc mời quyền năng của Đức Thánh Linh vào cuộc sống của họ qua việc nghiêm túc nghiên cứu thánh thư, nhiệt thành cầu nguyện và chuẩn bị thích hợp để tham dự giáo lễ Tiệc Thánh. Họ cũng thường đề cập đến sự hỗ trợ tinh thần của những người trung tín trong gia đình và bạn bè đáng tin cậy, các bài học quan trọng học được qua việc phục sự và phục vụ trong Giáo Hội phục hồi của Chúa, và khả năng phân biệt tính chất trống rỗng tuyệt đối của bất cứ điều gì ở trong hoặc đến từ tòa nhà rộng lớn vĩ đại.
Tôi đã nhận thấy một mẫu mực đặc biệt quan trọng trong các câu trả lời của các tín hữu này. Trước hết và quan trọng nhất, các môn đồ này có chứng ngôn mạnh mẽ về kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng và vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô với tư cách là Đấng Cứu Chuộc và Cứu Rỗi của chúng ta. Và thứ hai, sự hiểu biết thuộc linh và sự tin chắc của họ là riêng tư, mang tính cá nhân và cụ thể, chứ không tổng quát và trừu tượng. Tôi lắng nghe những người tận tụy này nói về các giao ước mà mang đến sức mạnh để vượt qua sự chống đối và mối liên kết của họ với Chúa hằng sống là Đấng hỗ trợ họ trong những lúc hạnh phúc lẫn khó khăn. Đối với những cá nhân này, Chúa Giê Su Ky Tô quả thật là một Đấng Cứu Rỗi của riêng cá nhân.
Các giao ước và giáo lễ Phúc Âm tác động trong cuộc sống của chúng ta giống như một chiếc la bàn. La bàn là một thiết bị được sử dụng để chỉ các phương hướng chính là bắc, nam, đông và tây cho các mục đích điều hướng và định hướng địa lý. Tương tự như vậy, các giao ước và giáo lễ của chúng ta hướng chúng ta đến và giúp chúng ta luôn nhớ đến mối liên kết của mình với Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta tiến triển trên con đường giao ước.
Phương hướng chính cho tất cả chúng ta trong cuộc sống trần thế là đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài.16 Các giao ước và giáo lễ thiêng liêng giúp chúng ta luôn tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và cố gắng, với ân điển của Ngài,17 để trở nên giống như Ngài hơn. Tất nhiên, “một [quyền năng] vô hình rồi sẽ giúp anh và tôi. Rạng chiếu vinh quang lẽ thật.”18
Giữ Chặt Thanh Sắt
Mối liên kết về giao ước của chúng ta với Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô là cách thức mà qua đó chúng ta có thể nhận được khả năng và sức mạnh để “không lưu ý đến.” Và mối ràng buộc này được củng cố khi chúng ta tiếp tục giữ chặt thanh sắt. Nhưng như các anh em của Nê Phi đã hỏi: “Thanh sắt … mà cha chúng ta đã trông thấy có nghĩa là gì vậy?
“Và [Nê Phi] nói với họ rằng đó là lời của Thượng Đế; và những ai biết nghe theo lời của Thượng Đế, và biết giữ vững lời ấy, thì sẽ không bao giờ bị diệt vong; và họ cũng không bị mù quáng bởi những cám dỗ cùng những tên lửa của kẻ thù nghịch khiến họ phải đi vào con đường hủy diệt.”19
Xin lưu ý rằng khả năng chống lại những cám dỗ và những tên lửa của kẻ nghịch thù đã được hứa ban cho những cá nhân “giữ vững” thay vì chỉ “bám vào” lời của Thượng Đế.
Thú vị thay, Sứ Đồ Giăng đã mô tả Chúa Giê Su Ky Tô là Ngôi Lời.20
“Ban đầu có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. …
“Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài. …
“Và Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, (và chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha,) đầy ân điển và lẽ thật.”21
Do đó, một trong những danh xưng của Chúa Giê Su Ky Tô là “Ngôi Lời.”22
Ngoài ra, tín Điều thứ tám nói rõ rằng: “Chúng tôi tin Kinh Thánh là lời của Thượng Đế khi sách ấy được phiên dịch chính xác; chúng tôi cũng tin Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế.”23
Vì thế, những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi, như được ghi chép trong thánh thư, cũng là “lời dạy.”
Tôi xin đề nghị rằng việc giữ vững lời của Thượng Đế đòi hỏi (1) sự ghi nhớ, tôn vinh và củng cố mối liên kết cá nhân mà chúng ta có với Đấng Cứu Rỗi và Cha Ngài qua các giao ước và giáo lễ của phúc âm phục hồi, và (2) một cách thành tâm, nghiêm túc, và kiên định sử dụng thánh thư và những lời dạy của các vị tiên tri và sứ đồ tại thế làm nguồn lẽ thật chắc chắn đã được mặc khải. Khi chúng ta được ràng buộc và “bám chặt” vào Chúa và được biến đổi qua cách sống theo giáo lý của Ngài,24 tôi hứa rằng chúng ta, riêng từng cá nhân và chung với nhau, sẽ được ban phước để “đứng vững tại những nơi thánh thiện, và sẽ không bị lay chuyển.”25 Nếu chúng ta ở trong Đấng Ky Tô, thì Ngài sẽ ở trong và bước đi với chúng ta.26 Rõ ràng là “trong cơn khốn cùng Ngài sẽ dắt dìu ta. Ban phát vinh quang lẽ thật.”27
Chứng Ngôn
Tiến tới. Bám chặt. Không lưu ý đến.
Tôi làm chứng rằng việc trung thành với các giao ước và giáo lễ của phúc âm phục hồi của Đấng Cứu Rỗi cho phép chúng ta tiến tới trong công việc của Chúa, bám chặt vào Ngài là Ngôi Lời của Thượng Đế, và không lưu ý đến những cám dỗ của kẻ nghịch thù. Trong cuộc chiến vì lẽ phải, cầu xin cho mỗi người chúng ta sử dụng một thanh gươm, thậm chí còn là “ngời sắc bén quyền năng, mang tên lẽ thật,”28 trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.