Mối Quan Hệ của Chúng Ta với Thượng Đế
Bất kể kinh nghiệm trần thế của chúng ta có thể gồm có điều gì đi nữa, thì chúng ta cũng có thể tin cậy Thượng Đế và tìm thấy niềm vui nơi Ngài.
Giống như Gióp trong Kinh Cựu Ước, trong lúc hoạn nạn, một số người có thể cảm thấy Thượng Đế đã bỏ rơi họ. Bởi vì chúng ta biết rằng Thượng Đế có quyền năng để ngăn chặn hoặc loại bỏ bất kỳ nỗi đau khổ nào, nên chúng ta có thể dễ bị cám dỗ để phàn nàn nếu Ngài không làm điều đó, có lẽ còn thắc mắc là “Nếu Thượng Đế không ban cho tôi sự giúp đỡ mà tôi cầu xin, thì làm sao tôi có thể có đức tin nơi Ngài?” Vào một thời điểm nào đó giữa những thử thách nặng nề của mình, Gióp, người công chính, đã nói:
“Vậy, hãy biết rằng ấy Đức Chúa Trời đã đánh đổ ta. Và giang lưới Ngài chung quanh ta.
“Này, tôi kêu la về sự hung bạo, song tôi chẳng đặng nhậm lời. Tôi kêu cầu tiếp cứu, bèn không có sự công bình.”1
Để đáp lại Gióp, Thượng Đế đòi hỏi: “Hãy giấu chúng nó chung nhau trong bụi đất, và lấp mặt họ trong chốn kín đáo?”2 Hay nói theo cách khác: “Thậm chí ngươi sẽ đổ lỗi cho ta chăng? Ngươi sẽ lên án ta để ngươi có thể được chính đáng không?”3 Đức Giê Hô Va mạnh mẽ nhắc nhở Gióp về sự toàn tri và toàn năng của Ngài, và Gióp với lòng khiêm nhường sâu thẳm nhất thừa nhận rằng ông không có gì để sánh bằng sự hiểu biết, quyền năng, và sự ngay chính của Thượng Đế và không thể nào đứng trước ghế phán xét của Đấng Toàn Năng:
“Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, Chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm.
“Tôi đã nói những điều tôi không hiểu đến; tức các sự lạ lùng quá cho tôi, mà tôi chẳng thông biết. …
“Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi.”4
Cuối cùng, Gióp đã có đặc ân được thấy Chúa, và “[Chúa] ban phước cho buổi già của Gióp nhiều hơn lúc đang thì.”5
Khi chúng ta, với cái nhìn thiển cận của con người trần thế, dám xét đoán Thượng Đế, chẳng hạn như suy nghĩ là: “Tôi không hạnh phúc, vì thế nên Thượng Đế chắc hẳn đang làm điều gì sai,” thì thật là ngu xuẩn biết bao. Đối với chúng ta, các con cái trần thế của Ngài trong một thế giới sa ngã, những người biết rất ít về quá khứ, hiện tại, và tương lai, Ngài phán: “Tất cả mọi sự vật đều hiện diện với ta, vì ta biết tất cả chúng.”6 Gia Cốp khôn ngoan cảnh báo: “Chớ tìm cách khuyên dạy Chúa, mà phải nhận lãnh những lời khuyên dạy từ Ngài. Vì này, chính các anh em cũng biết rằng, Ngài khuyên dạy với sự khôn ngoan, sự công bình, và lòng thương xót bao la đối với tất cả những công việc của Ngài.”7
Một số người hiểu sai rằng những lời hứa của Thượng Đế có nghĩa là sự vâng lời Ngài sẽ mang đến kết quả cụ thể vào một thời điểm cụ thể. Họ có thể nghĩ: “Nếu tôi siêng năng phục vụ truyền giáo toàn thời gian, thì Thượng Đế sẽ ban cho tôi một cuộc hôn nhân hạnh phúc và con cái,” hoặc “Nếu tôi tránh không làm bài tập vào ngày Sa Bát, thì Thượng Đế sẽ ban cho tôi điểm tốt,” hoặc “Nếu tôi đóng tiền thập phân thì Thượng Đế sẽ ban cho tôi công việc mà tôi mong muốn.” Nếu cuộc sống không diễn ra chính xác như vậy hoặc theo một thời gian biểu đã được dự kiến, họ có thể cảm thấy bị Thượng Đế phản bội. Nhưng với Thượng Đế thì mọi việc không tự động diễn ra theo như kế hoạch. Chúng ta không nên nghĩ về kế hoạch của Thượng Đế như là cái máy bán hàng tự động khổng lồ nơi mà chúng ta (i) chọn một phước lành mong muốn, (ii) bỏ vào một số lượng công việc tốt lành cần thiết, và (iii) món hàng nhanh chóng được giao cho.8
Thượng Đế quả thật sẽ tôn trọng các giao ước và lời hứa của Ngài dành cho mỗi chúng ta. Chúng ta không cần phải lo lắng về điều đó.9 Quyền năng chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô—Đấng đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật, và rồi thăng lên trên cao;10 và Đấng nắm mọi quyền năng trên trời cũng như dưới đất11—bảo đảm rằng Thượng Đế có thể và sẽ làm tròn những lời hứa của Ngài. Điều quan trọng là chúng ta tôn trọng và tuân theo các luật pháp của Ngài, nhưng không phải mọi phước lành căn cứ vào việc vâng theo luật pháp12 đều được tạo ra, thiết kế, và tính toán giờ giấc theo đúng như những kỳ vọng của chúng ta. Chúng ta làm hết sức mình nhưng cần phải để cho Ngài là Đấng cai quản các phước lành, cả vật chất lẫn tinh thần.
Chủ Tịch Brigham Young đã giải thích rằng đức tin của ông không phải dựa trên một số kết quả hoặc phước lành nhất định mà là lời chứng và mối quan hệ của ông với Chúa Giê Su Ky Tô. Ông nói: “Đức tin của tôi không phải được đặt trên những điều Chúa thực hiện trên các hải đảo, trên việc Ngài đưa mọi người tới đây, … hoặc những ân huệ Ngài ban cho dân này hay dân khác, cũng không phải việc chúng ta có được phước hay không, mà đức tin của tôi được đặt trên Chúa Giê Su Ky Tô, và sự hiểu biết mà tôi nhận được từ Ngài.”13
Sự hối cải và vâng lời của chúng ta, sự phục vụ và hy sinh của chúng ta mới là quan trọng. Chúng ta muốn được thuộc vào trong số những người như Ê The đã miêu tả là: “luôn luôn dồi dào những việc làm tốt đẹp.”14 Nhưng không phải luôn luôn dồi dào vì những con số thống kê được lưu giữ trong các sổ sách thượng thiên. Những điều này quan trọng vì chúng thu hút chúng ta tham gia vào công việc của Thượng Đế và là phương thức mà nhờ đó chúng ta hợp tác với Ngài trong tiến trình thay đổi của riêng mình từ con người thiên nhiên thành một thánh hữu.15 Những gì mà Cha Thiên Thượng ban cho chúng ta chính là Bản Thân Ngài, và Vị Nam Tử của Ngài, một mối quan hệ mật thiết và bền bỉ với Hai Ngài qua ân điển và sự trung gian hòa giải của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.
Chúng ta là con cái của Thượng Đế, được biệt riêng cho cuộc sống bất diệt và vĩnh cửu. Sứ mệnh của chúng ta là trở thành người thừa hưởng của Ngài, trở thành “đồng kế tự với Đấng [Ky Tô].”16 Đức Chúa Cha của chúng ta sẵn lòng hướng dẫn mỗi chúng ta trên con đường giao ước của Ngài với những bước đã được thiết kế cho nhu cầu riêng của chúng ta và phù hợp với kế hoạch của Ngài dành cho hạnh phúc tột bậc của chúng ta với Ngài. Chúng ta có thể lường trước được sự tin cậy và đức tin đang ngày càng gia tăng nơi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, gia tăng sự cảm nhận về tình yêu thương của Hai Ngài, cũng như sự an ủi và hướng dẫn liên tục của Thánh Linh.
Tuy vậy, con đường này không hề dễ dàng đối với bất kỳ ai trong chúng ta. Chúng ta cần phải tôi luyện rất nhiều để cho con đường của mình được dễ dàng. Chúa Giê Su phán:
“Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho.
“Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì [Cha] chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn.”17
Tiến trình thanh lọc và thánh hóa do Thượng Đế hướng dẫn đôi khi sẽ rất đau khổ và đau đớn mà không thể tránh được. Hãy nhớ lại lời của Phao Lô, chúng ta đều là “kẻ đồng kế tự với Đấng [Ky Tô]; miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài.”18
Do đó, ở giữa đám lửa của thợ luyện này, thay vì tức giận Thượng Đế, hãy lại gần Thượng Đế hơn. Hãy cầu vấn Đức Chúa Cha trong danh của Vị Nam Tử. Hãy đi cùng với Hai Ngài trong Thánh Linh, từng ngày một. Qua thời gian, hãy cho phép Hai Ngài thể hiện lòng trung thành của Hai Ngài với anh chị em. Hãy thực sự tiến đến việc biết Hai Ngài và thực sự hiểu bản thân mình.19 Hãy để cho Thượng Đế ngự trị.20 Đấng Cứu Rỗi trấn an chúng ta:
“Hãy lắng nghe người là Đấng biện hộ với Đức Chúa Cha, là Đấng bênh vực lý lẽ của các ngươi trước mặt Ngài—
“Nói rằng: Thưa Cha, xin hãy nhìn những sự đau khổ và cái chết của người mà không hề phạm tội, người mà Cha rất hài lòng; xin hãy nhìn máu Con của Cha đã đổ ra, máu của người mà Cha đã ban cho để Cha có thể được vinh hiển;
“Vậy con xin Cha hãy tha cho những người anh [chị] em này của con, là những người tin vào danh con, để họ có thể đến cùng con và được cuộc sống vĩnh viễn.”21
Hãy xem xét một số tấm gương của những người nam và nữ trung thành tin cậy nơi Thượng Đế, tin tưởng rằng các phước lành đã được hứa của Ngài sẽ được ban cho họ trong lúc còn sống hay khi đã chết. Đức tin của họ không dựa trên những điều Thượng Đế đã làm hoặc không làm trong một hoàn cảnh hoặc thời điểm cụ thể mà dựa trên việc biết Ngài là Đức Chúa Cha nhân từ và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc trung thành của họ.
Khi Áp Ra Ham sắp bị thầy tư tế của En Kê Na người Ai Cập lấy mạng sống, ông đã kêu cầu Thượng Đế giải cứu ông, và Thượng Đế đã làm như vậy.22 Áp Ra Ham đã sống để trở thành tổ phụ của những người trung tín, và qua dòng dõi của họ mà tất cả các gia đình trên thế gian sẽ được ban phước.23 Trước đó, cũng trên chính bàn thờ này, cũng người thầy tư tế đó của En Kê Na đã dâng hiến ba người trinh nữ mà “vì đức hạnh của họ … không chịu cúi đầu thờ phượng những thần bằng gỗ hay bằng đá.”24 Họ đã tử vì đạo ở đó.
Giô Sép thời xưa, lúc tuổi niên thiếu bị chính các anh trai của mình bán làm nô lệ, đã tìm đến Thượng Đế trong nỗi thống khổ. Dần dần, ông trở nên nổi bật trong nhà của chủ mình ở Ai Cập nhưng về sau tất cả những tiến bộ của ông đã bị phá hủy vì những lời vu cáo từ vợ của Phô Ti Pha. Giô Sép có thể đã nghĩ: “Vậy tôi bị đi tù vì đã tuân giữ luật trinh khiết sao.” Thay vào đó, ông tiếp tục tìm đến Thượng Đế và được thịnh vượng ngay cả ở trong tù. Giô Sép còn phải chịu đựng một nỗi thất vọng não nề hơn nữa khi một tù nhân mà ông đã kết bạn, mặc cho lời hứa của mình với Giô Sép, đã quên bẵng về ông sau khi được phục chức vào vị trí của mình trong triều đình của Pha Ra Ôn. Với thời gian, như anh chị em biết đấy, Chúa đã can thiệp để đặt Giô Sép vào vị trí đáng tin cậy và có quyền hành cao nhất bên cạnh Pha Ra Ôn, tạo điều kiện cho Giô Sép cứu gia tộc Y Sơ Ra Ên. Chắc chắn Giô Sép đã có thể chứng thực “rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Thượng Đế.”25
A Bi Na Đi đã quyết tâm làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của mình. “Nhưng ta sẽ nói xong sứ điệp của ta,” ông nói, “và rồi [chuyện gì xảy ra cho tôi], điều đó không quan trọng, dù ta được cứu hay không cũng chẳng sao.”26 Ông đã không tránh được cái chết của một người tuẫn đạo, nhưng ông chắc chắn đã được cứu trong vương quốc của Thượng Đế, và An Ma, người cải đạo quý báu của ông, đã thay đổi diễn biến lịch sử của dân Nê Phi cho đến khi sự ra đời của Đấng Ky Tô.
Để đáp lại lời cầu xin của họ, An Ma và A Mu Léc đã được giải thoát khỏi ngục tù ở Am Mô Ni Ha, và những kẻ ngược đãi bắt bớ họ bị giết chết.27 Tuy nhiên, trước đó, cũng những kẻ bắt bớ đó đã ném các phụ nữ và trẻ em có lòng tin vào lò lửa đang cháy dữ dội. An Ma, khi đau đớn chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp này đã bị Thánh Linh ngăn cản không sử dụng quyền năng của Thượng Đế để “cứu họ thoát khỏi ngọn lửa,”28 để họ có thể được đón về với Thượng Đế trong vinh quang.29
Tiên Tri Joseph Smith đã mòn mỏi đợi chờ trong ngục thất ở Liberty, Missouri, mà chẳng thể giúp gì được Các Thánh Hữu khi họ bị cướp bóc và bị đuổi ra khỏi nhà họ giữa mùa đông lạnh giá. “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu?” Joseph thốt lên. “Tay của Ngài còn dừng lại bao lâu nữa?”30 Đáp lại, Chúa đã hứa: “Nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi; và rồi, nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao. … Ngươi chưa giống như Gióp.”31
Cuối cùng, Joseph đã có thể tuyên bố cùng Gióp: “Dẫu [Thượng Đế] giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài.”32
Anh Cả Brook P. Hales đã kể lại câu chuyện về Chị Patricia Parkinson, là người có thị lực bình thường khi sinh ra nhưng đã bị mù năm 11 tuổi.
Anh Cả Hales kể lại: “Tôi đã biết Pat trong nhiều năm và mới đây đã nói với chị ấy rằng tôi ngưỡng mộ việc chị ấy luôn lạc quan và vui vẻ. Chị ấy đáp: ‘Ôi, anh đâu có ở chung nhà với tôi, phải không nào? Tôi cũng có lúc này, lúc khác. Tôi từng bị trầm cảm khá nặng và tôi đã khóc rất nhiều.’ Tuy nhiên, chị nói thêm: ‘Ngay từ khi tôi bắt đầu mất thị lực, điều đó thật lạ, nhưng tôi biết rằng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi đã ở cùng với gia đình tôi và tôi. … Đối với những người nào hỏi tôi có tức giận vì tôi bị mù không, thì tôi đáp: ‘Tôi tức giận ai đây? Cha Thiên Thượng ở với tôi trong hoàn cảnh này; tôi không đơn độc một mình. Ngài ở bên tôi mọi lúc.’”33
Suy cho cùng, đó là phước lành của một mối quan hệ mật thiết và bền bỉ với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà chúng ta tìm kiếm. Điều này tạo ra mọi sự khác biệt và luôn luôn là đáng giá. Chúng ta sẽ làm chứng cùng với Phao Lô “rằng những sự đau đớn [trong cuộc sống trần thế] bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta.”34 Tôi làm chứng rằng bất kể kinh nghiệm trần thế của chúng ta có thể gồm có điều gì đi nữa, thì chúng ta có thể tin cậy Thượng Đế và tìm thấy niềm vui nơi Ngài.
“Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con.
“Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.”35
Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.