Đại Hội Trung Ương
Bằng Tất Cả Tấm Chân Tình của Chúng Ta
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


14:16

Bằng Tất Cả Tấm Chân Tình của Chúng Ta

Nếu chúng ta muốn Đấng Cứu Rỗi nâng chúng ta hướng lên trời, thì cam kết của chúng ta với Ngài và phúc âm của Ngài không thể là ngẫu nhiên hoặc không thường xuyên.

Một Của Lễ Dâng lên Ngài

Chỉ vài ngày trước khi phó mạng sống của Ngài cho chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô đã ngồi tại đền thờ ở Giê Ru Sa Lem xem mọi người bỏ tiền hiến tặng vào rương bạc trong đền thờ. “Có lắm người giàu bỏ nhiều tiền,” nhưng rồi có một mụ góa nghèo kia “đến bỏ hai đồng tiền.” Đó là một số tiền quá nhỏ nên sẽ không đáng để ghi lại.

Người đàn bà góa dâng hai đồng tiền

Tuy nhiên, khoản hiến tặng dường như nhỏ nhặt này đã làm cho Đấng Cứu Rỗi chú ý. Thực ra, điều đó đã gây ấn tượng sâu sắc với Ngài đến mức “Ngài kêu môn đồ mà phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ tiền vào rương nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào:

“Vì mọi kẻ khác lấy của dư mình bỏ vào, còn mụ nầy nghèo cực lắm, đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi mình.”1

Với sự quan sát đơn giản này, Đấng Cứu Rỗi đã dạy chúng ta cách đo lường các của lễ dâng trong vương quốc của Ngài—và nó hoàn toàn khác với cách chúng ta thường đo lường những đồ vật. Đối với Chúa, giá trị của khoản hiến tặng không được đo lường bởi hiệu quả của nó đối với rương bạc mà bởi hiệu quả của nó đối với tấm lòng của người hiến tặng.

Khi ca ngợi người đàn bà góa trung thành này, Đấng Cứu Rỗi đã ban cho chúng ta một tiêu chuẩn để đo lường vai trò môn đồ của chúng ta trong tất cả các khía cạnh của nó. Chúa Giê Su dạy rằng của lễ hiến dâng của chúng ta có thể lớn hoặc có thể nhỏ, nhưng dù thế nào đi nữa, thì đó cũng phải là bằng tất cả tấm chân tình của chúng ta.

Nguyên tắc này được lặp lại trong lời khẩn nài của tiên tri A Ma Lê Ki trong Sách Mặc Môn: “Hãy đến cùng Đấng Ky Tô, là Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên, và chia sẻ sự cứu rỗi của Ngài cùng quyền năng cứu chuộc của Ngài. Phải, các người hãy đến cùng Ngài, và hãy dâng tất cả tâm hồn mình như một của lễ hiến dâng lên Ngài.”2

Nhưng làm thế nào điều này có thể thực hiện được? Đối với nhiều người chúng ta, một tiêu chuẩn về sự cam kết hoàn toàn như vậy dường như không thể đạt được. Chúng ta đã có rất nhiều điều đòi hỏi sự chú ý và nỗ lực của mình. Làm thế nào chúng ta có thể cân bằng nhiều đòi hỏi của cuộc sống với ước muốn của chúng ta được dâng hiến cả linh hồn mình lên Chúa?

Có lẽ thử thách của chúng ta là chúng ta nghĩ rằng sự cân bằng có nghĩa là chia đều thời gian của chúng ta cho các lợi ích cạnh tranh. Khi được nhìn theo cách này, sự cam kết của chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô sẽ là một trong nhiều điều chúng ta cần phải làm để thích nghi với lịch trình bận rộn của mình. Nhưng có lẽ có một cách nhìn khác về điều đó.

Sự Thăng Bằng: Giống như Đi Xe Đạp

Vợ tôi Harriet và tôi thích cùng nhau đi xe đạp. Thật là một cách tuyệt vời để tập thể dục đồng thời cũng dành thời gian cho nhau. Trong khi chúng tôi đang đi xe đạp và nếu tôi không thở phì phò quá nhiều, thì chúng tôi tận hưởng thế giới xinh đẹp xung quanh mình và thậm chí còn có cuộc trò chuyện vui vẻ. Hiếm khi chúng tôi để ý nhiều đến việc giữ thăng bằng trên xe đạp của mình. Giờ đây chúng tôi đã đạp xe đủ lâu nên thậm chí chúng tôi còn không nghĩ về điều đó nữa—nó đã trở thành bình thường và tự nhiên đối với chúng tôi.

Nhưng bất cứ khi nào tôi nhìn ai đó đang tập đi xe đạp lần đầu tiên, tôi đều nhớ rằng không dễ dàng tự mình giữ thăng bằng trên hai bánh xe mỏng manh đó. Cần phải có thời gian. Cần phải có sự tập luyện. Cần phải có sự kiên nhẫn. Thậm chí còn phải té ngã một hai lần nữa.

Hơn hết, những người thành công trong việc giữ thăng bằng trên xe đạp đều học được các mẹo quan trọng này:

Đừng nhìn vào chân mình.

Hãy nhìn về phía trước.

Hãy luôn nhìn vào con đường trước mặt mình. Hãy tập trung vào điểm đến của mình. Hãy tiếp tục đạp bàn đạp. Việc giữ thăng bằng là phải tiến về phía trước.

Các nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng khi nói đến việc tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống của chúng ta với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Việc phân phối thời gian và năng lượng của anh chị em cho nhiều nhiệm vụ quan trọng của mình sẽ khác nhau tùy mỗi người và các gian đoạn khác nhau trong cuộc sống. Nhưng mục tiêu chung, tổng thể của chúng ta là đi theo Con Đường của Đấng Chủ Tể, Chúa Giê Su Ky Tô, và trở về nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng yêu dấu của chúng ta. Mục tiêu này phải bất biến và nhất quán, cho dù chúng ta là ai và bất cứ điều gì khác đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta.3

Lực Nâng: Giống như Lái Máy Bay

Giờ đây, đối với những người mê đi xe đạp, sự so sánh vai trò môn đồ với việc đi xe đạp có thể là một phép loại suy hữu ích. Đối với những người không thích đi xe đạp thì cũng đừng lo lắng. Tôi có một phép loại suy khác mà tôi chắc chắn rằng mỗi người nam, người nữ và trẻ em sẽ có thể liên quan đến.

Vai trò môn đồ, giống như hầu hết mọi điều trong cuộc sống, cũng có thể được so sánh với việc lái máy bay.

Anh chị em có bao giờ ngừng lại để nghĩ rằng thật là tuyệt vời như thế nào khi một chiếc máy bay khổng lồ chở hành khách có thể thực sự cất cánh và bay lên? Điều gì đã giúp những chiếc máy bay này lượn ngang qua bầu trời, băng qua các đại dương và lục địa?

Nói một cách giản dị, một chiếc máy bay chỉ bay được khi không khí di chuyển trên đôi cánh của nó. Chuyển động đó tạo ra những khác biệt về áp suất không khí mà tạo ra lực nâng cho máy bay. Và làm thế nào anh chị em có đủ không khí di chuyển trên đôi cánh để tạo ra lực nâng? Câu trả lời là lực đẩy về phía trước.

Chiếc máy bay không bay cao khi ngồi trên đường băng. Ngay cả trong một ngày có gió, lực nâng đủ cũng không được tạo ra trừ khi máy bay đang di chuyển về phía trước, với đủ lực đẩy để chống lại các lực đang giữ nó lại.

Cũng giống như động lượng về phía trước giữ cho một chiếc xe đạp được thăng bằng và thẳng đứng, việc di chuyển về phía trước giúp chiếc máy bay vượt qua lực kéo của trọng lực và lực cản.

Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô? Nó có nghĩa là nếu chúng ta muốn tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống và nếu chúng ta muốn Đấng Cứu Rỗi nâng chúng ta hướng lên trời, thì cam kết của chúng ta với Ngài và phúc âm của Ngài không thể là ngẫu nhiên hoặc không thường xuyên. Giống như người đàn bà góa ở Giê Ru Sa Lem, chúng ta phải dâng lên Ngài tất cả tâm hồn mình. Của lễ dâng của chúng ta có thể là nhỏ, nhưng nó phải xuất phát từ tấm lòng và tâm hồn của mình.

Việc trở thành môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô không phải là một trong nhiều điều chúng ta làm. Đấng Cứu Rỗi là quyền năng thúc đẩy đằng sau tất cả những gì chúng ta làm. Ngài không phải là điểm dừng chân trong cuộc hành trình của chúng ta. Ngài không phải là một danh lam thắng cảnh hay thậm chí là một cột mốc quan trọng. Ngài là “đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi [Chúa Giê Su Ky Tô] thì không ai được đến cùng Cha.”4 Đó là Đường Đi và điểm đến cuối cùng của chúng ta.

Sự cân bằng và lực nâng đến khi chúng ta “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức xán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người.”5

Sự Hy Sinh và Dâng Hiến

Và còn rất nhiều nhiệm vụ và trách nhiệm khiến cuộc sống của chúng ta trở nên bận rộn thì sao? Dành thời gian cho những người thân yêu, đi học hoặc chuẩn bị cho một nghề nghiệp, kiếm sống, chăm sóc gia đình, phục vụ trong cộng đồng—tất cả những việc này phải được thích nghi ở đâu? Đấng Cứu Rỗi trấn an chúng ta:

“Vì Cha thiên thượng của các ngươi biết các ngươi cần tất cả những thứ đó.

“Nhưng trước tiên các ngươi hãy tìm kiếm vương quốc của Thượng Đế và sự ngay chính của Ngài, rồi tất cả những thứ kia sẽ được ban thêm cho các ngươi.”6

Nhưng điều đó không có nghĩa là dễ dàng.7 Nó đòi hỏi sự hy sinh lẫn sự dâng hiến.

Nó đòi hỏi phải từ bỏ một số điều và để cho những điều khác phát triển.

Sự hy sinh và dâng hiến là hai luật pháp thiêng liêng mà chúng ta giao ước phải tuân theo trong đền thờ thánh. Hai luật pháp này tương tự nhưng không giống nhau. Hy sinh có nghĩa là từ bỏ một điều gì đó vì một điều nào khác có giá trị hơn. Ngày xưa, dân của Thượng Đế đã hy sinh những con vật đầu lòng trong đàn gia súc của họ để tôn vinh Đấng Mê Si sắp đến. Trong suốt lịch sử, các Thánh Hữu trung tín đã hy sinh những ước muốn, tiện nghi cá nhân và thậm chí cả mạng sống của họ cho Đấng Cứu Rỗi.

Chúng ta đều có những thứ dù lớn hay nhỏ mà cần phải hy sinh để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô một cách trọn vẹn hơn.8 Những sự hy sinh của chúng ta cho thấy những gì chúng ta thực sự quý trọng. Những sự hy sinh là thiêng liêng và được Chúa tôn trọng.9

Sự dâng hiến khác với sự hy sinh trong ít nhất một cách quan trọng. Khi dâng hiến một vật gì đó, chúng ta không bỏ lửng cho nó bị thiêu hóa trên bàn thờ. Thay vì thế, chúng ta sử dụng nó để phục vụ Chúa. Chúng ta dâng hiến nó lên Ngài và cho các mục đích thiêng liêng của Ngài.10 Chúng ta nhận được các tài năng mà Chúa đã ban cho chúng ta và cố gắng gia tăng chúng gấp nhiều lần hơn để trở nên hữu ích hơn nữa trong việc xây đắp vương quốc của Chúa.11

Rất ít người trong chúng ta sẽ được yêu cầu phải hy sinh mạng sống của mình cho Đấng Cứu Rỗi. Nhưng chúng ta đều được mời gọi dâng hiến mạng sống của chúng ta lên Ngài.

Một Việc Làm, Một Niềm Vui, Một Mục Đích

Khi chúng ta tìm cách thanh tẩy cuộc sống của mình và hướng về Đấng Ky Tô trong mọi ý nghĩ,12 thì mọi điều khác bắt đầu trở nên ăn khớp với nhau. Cuộc sống không còn giống như một bản liệt kê dài các nỗ lực riêng biệt được tổ chức trong sự cân bằng không ổn định.

Theo thời gian,tất cả điều đó trở thành một việc làm.

Một niềm vui.

Một mục đích thiêng liêng.

Đó là công việc yêu thương và phục vụ Thượng Đế. Đó là yêu thương và phục vụ con cái của Thượng Đế.13

Khi nhìn vào cuộc sống của mình và thấy hàng trăm việc phải làm thì chúng ta cảm thấy bị choáng ngợp. Khi chúng ta thấy một điều—yêu thương và phục vụ Thượng Đế và con cái Ngài, trong một trăm cách khác nhau—thì chúng ta có thể vui mừng tập trung vào những điều đó.

Đây là cách chúng ta dâng tất cả tâm hồn mình—bằng cách hy sinh bất cứ điều gì đang ngăn giữ chúng ta và dâng phần còn lại lên Chúa và các mục đích của Ngài.

Một Lời Khích Lệ và Chứng Ngôn

Thưa anh chị em và các bạn thân mến, sẽ có những lúc mà anh chị em mong ước mình có thể làm được nhiều hơn nữa. Cha Thiên Thượng nhân từ của anh chị em biết tấm lòng của anh chị em. Ngài biết rằng anh chị em không thể làm tất cả mọi điều mà tấm lòng anh chị em muốn làm. Nhưng anh chị em có thể yêu mến và phục vụ Thượng Đế. Anh chị em có thể làm hết sức mình để tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Anh chị em có thể yêu mến và phục vụ con cái của Ngài. Và các nỗ lực của anh chị em đang thanh tẩy tâm hồn của anh chị em và chuẩn bị cho anh chị em một tương lai huy hoàng.

Đây là điều mà người đàn bà góa tại rương bạc trong đền thờ dường như đã hiểu được. Bà ấy biết chắc rằng của lễ dâng của bà sẽ không thay đổi của cải của Y Sơ Ra Ên, nhưng nó có thể thay đổi và ban phước cho —vì, dù nhỏ bé nhưng đó là tất cả của cải của bà.

Vì vậy, hỡi các bạn thân mến và các bạn đồng môn đồ yêu dấu của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta “chớ mệt mỏi khi làm điều thiện, vì [chúng ta] đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao.” Và từ những việc nhỏ sẽ đưa lại “những việc lớn.”14

Tôi làm chứng rằng điều này là đúng thật, tôi cũng làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đức Thầy, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, và là Đường Đi độc nhất và duy nhất của chúng ta để trở về với Cha Thiên Thượng yêu dấu của chúng ta. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Mác 12:41–44.

  2. Ôm Ni 1:26.

  3. Các trẻ em và thanh thiếu niên của chúng ta được mời tăng trưởng trong một cách thăng bằng khi các em noi theo Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng khi còn thiếu niên “khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu Ca 2:52).

  4. Giăng 14:6.

  5. 2 Nê Phi 31:20.

  6. 3 Nê Phi 13:32–33; xin xem thêm Ma Thi Ơ 6:32–33. Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 6:38 mang đến sự hiểu biết thêm: “Chớ có tìm kiếm những điều của thế gian mà trước hết hãy tìm kiếm để xây đắp vương quốc của Thượng Đế, và thiết lập sự ngay chính của Ngài” (trong Ma Thi Ơ 6:33, cước chú a).

  7. Một tấm gương đến từ vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson. Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp của mình là bác sĩ phẫu thuật tim, ông được kêu gọi với tư cách là chủ tịch giáo khu. Các Anh Cả Spencer W. Kimball và LeGrand Richards đã đưa ra sự kêu gọi đó. Khi nhận ra những đòi hỏi trong cuộc sống chuyên nghiệp của ông, thì họ nói với ông: “Nếu anh cảm thấy rằng mình quá bận rộn và không nên chấp nhận sự kêu gọi này, thì đó là đặc ân của anh.” Ông đáp rằng quyết định của ông đã được đưa ra từ lâu về việc có nên phục vụ hay không khi được kêu gọi, khi vợ chồng ông đã lập các giao ước trong đền thờ với Chúa. Ông nói: “Lúc đó, chúng tôi đã cam kết là “phải ‘trước hết … tìm kiếm vương quốc của Thượng Đế và sự ngay chính của Ngài’ [Ma Thi Ơ 6:33], cảm thấy tin tưởng rằng mọi điều khác nữa sẽ được ban thêm cho chúng ta, như Chúa đã hứa” (Russell Marion Nelson, From Heart to Heart: An Autobiography [năm 1979], trang 114).

  8. Mới gần đây, Chủ Tịch Nelson đã nói về “việc mỗi người chúng ta cần loại bỏ những mảnh vụn cũ trong cuộc sống của mình với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi.” Ông nói: “Tôi mời anh chị em nên cầu nguyện để nhận ra những trở ngại mà cần phải được loại bỏ ra khỏi cuộc sống của mình để anh chị em có thể trở nên xứng đáng hơn” (“Sứ Điệp Chào Mừng,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 7).

  9. Thánh thư nói rằng đối với Thượng Đế, những hy sinh của chúng ta là thiêng liêng hơn những thành quả của chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 117:13). Đây có thể là một lý do mà Chúa đã quý trọng hai đồng tiền của người đàn bà góa hơn sự đóng góp của những người giàu có. Của lễ dâng đầu tiên là một sự hy sinh, có hiệu quả thanh tẩy cho người hiến tặng. Của lễ dâng thứ hai, mặc dù nó có thể đạt được nhiều thành tựu hơn về mặt tiền bạc, nhưng không phải là một sự hy sinh, và nó không thay đổi cho người hiến tặng.

  10. Rất ít người trong chúng ta sẽ được yêu cầu phải hy sinh mạng sống của mình cho Đấng Cứu Rỗi. Nhưng chúng ta đều được mời gọi dâng hiến cuộc sống của chúng ta lên Ngài.

  11. Xin xem Ma Thi Ơ 25:14–30.

  12. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:36.

  13. Theo cách này, chúng ta thấy trong đời mình sự ứng nghiệm lời tiên tri của Sứ Đồ Phao Lô: “để làm sự định trước đó trong khi kỳ mãn, [Thượng Đế sẽ] hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Ky Tô, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất” (Ê Phê Sô 1:10).

  14. Giáo Lý và Giao Ước 64:33.