Giảng Dạy Sự Tự Lực cho Trẻ Em và Giới Trẻ
Chúng ta hãy noi theo Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, tức là Chúa Giê Su Ky Tô, và phúc âm Ngài bằng cách trở nên tự lực trong suốt cuộc đời mình, và bằng cách giảng dạy điều này cho trẻ em và giới trẻ.
Tôi sẽ nói về sự tự lực và cách mà chúng ta có thể giảng dạy sự tự lực cho trẻ em và giới trẻ. Sự tự lực có thể được xem là đề tài dành cho người lớn. Tôi đã nhận ra rằng điều tốt nhất để cho những người thành niên có thể đi trên con đường hướng đến sự tự lực là khi họ được dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và thực hành giáo lý cùng các nguyên tắc phúc âm ở tuổi ấu thơ và niên thiếu trong gia đình.
Ví dụ minh họa hay nhất cho điều này là một tấm gương tuyệt vời và có thật. Wilfried Vanie, cùng bảy anh chị em và người mẹ của mình đã gia nhập Giáo Hội tại Abidjan, Bờ Biển Ngà, khi anh sáu tuổi. Anh chịu phép báp têm khi tám tuổi. Cha anh, người trụ cột của gia đình, đã qua đời khi Wilfried mười một tuổi.
Mặc dù đau buồn vì hoàn cảnh của gia đình, Wilfried đã quyết định tiếp tục đi học với sự khích lệ của người mẹ và sự hỗ trợ của Giáo Hội. Anh tốt nghiệp trung học và đã phục vụ truyền giáo toàn thời gian trong phái bộ Ghana Cape Coast, nơi anh học được tiếng Anh. Sau công việc truyền giáo, anh theo học đại học và có được bằng kế toán và tài chính. Tuy rất khó để tìm được việc làm trong lĩnh vực này, nhưng anh ấy đã tìm được việc trong ngành du lịch và dịch vụ khách sạn.
Anh bắt đầu từ việc làm nhân viên phục vụ tại một khách sạn năm sao, nhưng niềm đam mê để phát triển đã thúc đẩy anh học hỏi thêm cho đến khi trở thành một nhân viên lễ tân biết nói hai ngôn ngữ ở đó. Rồi anh được thuê làm kiểm toán viên buổi tối tại một khách sạn mới khai trương. Sau đó, anh đã ghi danh vào chương trình BYU–Pathway Worldwide và hiện đang theo một khóa học để lấy chứng chỉ quản lý du lịch và khách sạn. Anh mong muốn một ngày nào đó sẽ trở thành quản lý của một khách sạn cao cấp. Wilfried có thể chu cấp cho người bạn đồng hành vĩnh cửu của mình và hai đứa con, cũng như giúp đỡ mẹ và anh chị em của mình. Hiện anh đang phục vụ trong Giáo Hội với tư cách là một thành viên của hội đồng thượng phẩm giáo khu.
Sự tự lực được định nghĩa là “khả năng, sự cam kết và nỗ lực để lo liệu những thứ cần [thiết] về mặt tinh thần và vật chất [trong] cuộc sống cho bản thân và gia đình.”1 Việc cố gắng trở nên tự lực là một phần công việc của chúng ta trên con đường giao ước dẫn chúng ta trở về với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Việc đó sẽ củng cố đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và cho phép chúng ta vui mừng ràng buộc với Ngài qua các giao ước và các giáo lễ của sự cứu rỗi và sự tôn cao. Sự tự lực là một giáo lý trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và không phải là một chương trình. Đó là một tiến trình suốt đời, và không phải là một sự kiện.
Chúng ta trở nên tự lực trong cuộc sống của mình bằng cách phát triển sức mạnh thuộc linh, nâng cao sức khỏe thể chất và cảm xúc, theo đuổi học vấn và việc làm, cùng chuẩn bị về mặt vật chất.2 Bổn phận này có khi nào chấm dứt trong cuộc sống của chúng ta không? Không đâu, nó là một tiến trình suốt đời, để học hỏi, phát triển, và làm việc. Nó không bao giờ kết thúc mà là một tiến trình liên tục, mỗi ngày.
Làm thế nào chúng ta có thể giảng dạy giáo lý và các nguyên tắc về sự tự lực cho các trẻ em và giới trẻ của mình? Một cách quan trọng là thường xuyên áp dụng các nguyên tắc trong chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ. Cha mẹ và con cái học hỏi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, tham gia phục vụ và sinh hoạt, và cùng nhau làm việc trong bốn lĩnh vực phát triển cá nhân dành riêng cho mỗi đứa trẻ. Chúng ta không còn áp dụng cùng một chương trình được viết sẵn cho tất cả trẻ em nữa.
Sách Hướng Dẫn Trẻ Em viết rằng: “Khi Chúa Giê Su bằng tuổi em, Ngài đã học hỏi và phát triển. Em cũng đang học hỏi và phát triển. Thánh thư có ghi: ‘Đức Chúa Giê Su khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta’ (Lu Ca 2:52).”3 Câu thánh thư này nói đến sự khôn lớn và học hỏi về khía cạnh thuộc linh, khi được đẹp lòng Thượng Đế; về khía cạnh xã hội, khi được đẹp lòng con người; về khía cạnh thể chất, khi thân hình càng lớn; và về khía cạnh trí tuệ, khi khôn ngoan càng thêm. Những lĩnh vực phát triển này áp dụng cho tất cả chúng ta bất kể tuổi tác. Khi nào chúng ta giảng dạy chúng? Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:6–7, chúng ta đọc:
“Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi:
“Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy.”
Chúng ta giảng dạy những điều này cho con cái qua tấm gương của mình, khi làm việc và phục vụ cùng với chúng, khi học hỏi thánh thư, và khi tuân theo những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô do các vị tiên tri đưa ra.
Tôi vừa nhắc đến trong chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ, trẻ em được chọn những mục tiêu khác nhau trong mỗi lĩnh vực phát triển. Điều quan trọng là chúng tạo ra những mục tiêu của riêng chúng trong mỗi lĩnh vực. Cha mẹ và các lãnh đạo có thể giảng dạy, khuyên bảo, và hỗ trợ.
Ví dụ, cháu gái Miranda của chúng tôi rất quyết tâm phát triển về mặt thuộc linh bằng cách tham gia lớp giáo lý mỗi sáng sớm. Con bé trở nên hứng thú nhờ nghe những lời nhận xét tích cực từ các học viên khác của lớp giáo lý trong tiểu giáo khu của mình. Mẹ nó không phải đánh thức nó dậy để học. Rất tự giác, con bé thức dậy và kết nối với lớp học bằng cuộc gọi video vào thời gian đã định lúc 6:20 sáng bởi vì nó đã phát triển được những thói quen tốt mà giúp nó làm được như vậy. Gần đây, chính cha mẹ tôi đã kể với tôi rằng Miranda bây giờ nói nhiều hơn khi con bé thăm họ, bởi vì nó tự tin hơn. Đây là những bài học về cuộc sống và sự phát triển với kết quả đáng kể.
Cha mẹ, ông bà, các lãnh đạo, và bạn bè hỗ trợ trong sự phát triển và tăng trưởng của trẻ em. Các anh em và chị em phục sự mà phục vụ hết lòng, cùng với các lãnh đạo trong chức tư tế và các tổ chức của tiểu giáo khu cung cấp sự hỗ trợ. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” nói rằng: “Qua kế hoạch thiêng liêng, những người cha phải chủ tọa gia đình mình trong tình thương yêu và sự ngay chính và có trách nhiệm cung cấp cho những nhu cầu cần thiết của cuộc sống và bảo vệ gia đình mình. Những người mẹ có trách nhiệm chính yếu để nuôi dưỡng con cái mình. Trong các trách nhiệm thiêng liêng này, những người cha và người mẹ có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng. … Các thân quyến xa gần nên giúp đỡ khi cần thiết.”4 Dòng cuối cùng đó có ý nói đến ông bà, cùng những người khác.
Trong khi chúng tôi phục vụ tại Tây Phi, Nuria vợ tôi đã xuất sắc khi phục sự và duy trì sự gắn kết với gia đình và con cháu chúng tôi ở bên kia đại dương. Cô ấy làm được điều này nhờ sử dụng công nghệ. Cô ấy đọc sách cho mấy đứa cháu nhỏ. Cô ấy dạy những đứa cháu gái lớn các chủ đề như câu chuyện gia đình chúng tôi, khoa học, lịch sử Puerto Rico, Các Tín Điều, và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Khoảng cách ngày nay không làm hạn chế việc kết nối, thuộc về, và phục sự cùng giảng dạy thế hệ đang vươn lên của các gia đình chúng ta. Tôi cũng tham gia cùng Nuria mỗi khi có thể để dạy dỗ mấy đứa cháu quý báu của mình, yêu thương chúng, nuông chiều chúng, và làm chúng cười phá lên.
Anh chị em nên nhận thấy những điểm giống nhau đầy soi dẫn giữa chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ và việc trở nên tự lực. Bốn lĩnh vực phát triển ở mỗi chương trình đều rất giống nhau. Sức mạnh thuộc linh trong sự tự lực liên quan đến thuộc linh trong Trẻ Em và Giới Trẻ. Sức khỏe thể chất và cảm xúc trong sự tự lực liên kết với thể chất và xã hội trong Trẻ Em và Giới Trẻ. Học vấn, việc làm, và sự chuẩn bị vật chất trong sự tự lực thì giống với trí tuệ trong chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ.
Để kết lại, chúng ta hãy noi theo Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta, và phúc âm Ngài bằng cách trở nên tự lực trong suốt cuộc đời mình, và bằng cách giảng dạy điều này cho trẻ em và giới trẻ. Chúng ta có thể làm điều này tốt nhất bằng cách
-
nêu gương tốt trong việc phục vụ người khác,
-
sống theo và giảng dạy giáo lý và các nguyên tắc về sự tự lực, và
-
vâng theo lệnh truyền trở nên tự lực như một phần của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Giáo Lý và Giao Ước 104:15–16 nói rằng:
“Mục đích của ta là lo liệu cho các thánh hữu của ta, vì tất cả mọi vật đều là của ta.
“Nhưng việc đó cần phải được thực hiện theo cách thức riêng của ta; và này, đây là cách thức mà ta là Chúa đã định ra để lo liệu cho các thánh hữu của ta, rằng người nghèo sẽ được tôn lên, trong khi đó người giàu bị hạ xuống.”
Đây là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Phúc âm của Ngài ban phước cho các gia đình nơi đây trên thế gian và trong suốt thời vĩnh cửu. Phúc âm hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống này khi chúng ta cố gắng trở thành các gia đình vĩnh cửu. Tôi biết điều này là sự thật. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.