Kế Hoạch Có Hiệu Quả Không?
Tôi làm chứng rằng kế hoạch hạnh phúc thực sự hiệu quả. Kế hoạch đó được tạo ra bởi Cha Thiên Thượng, Đấng thương yêu anh chị em.
Kế hoạch có hiệu quả không?
Gần đây tôi đã trò chuyện với một người thành niên trẻ tuổi vừa phục vụ truyền giáo vài năm trước đó và hiện đang theo đuổi nghề nghiệp của anh ấy. Ở một khía cạnh nào đó, thì cuộc sống của anh ấy đang diễn ra tốt đẹp. Nhưng đức tin của anh ấy đang suy giảm. Anh ấy đang đắm chìm trong sự nghi ngờ về Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội của Ngài. Anh ấy giải thích rằng anh ấy đã không nhận được các phước lành mà mình mong đợi từ phúc âm phục hồi. Anh ấy không cảm thấy rằng kế hoạch hạnh phúc có hiệu quả trong cuộc sống của anh ấy.
Sứ điệp của tôi hôm nay dành cho tất cả những ai có cùng những cảm nhận như vậy. Tôi xin gửi lời đến những ai đã từng “muốn hát lên một bài ca về tình yêu cứu chuộc” nhưng không “cảm thấy như vậy ngay giờ phút này.”1
Cha Thiên Thượng đã chuẩn bị một kế hoạch tuyệt vời để chúng ta có được hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng khi cuộc sống không diễn ra theo cách chúng ta kỳ vọng, thì dường như kế hoạch này không hiệu quả.
Có lẽ chúng ta cảm thấy giống như các môn đồ của Chúa Giê Su khi họ ở trên một chiếc thuyền “đã ra giữa biển rồi, vì gió ngược, nên bị sóng vỗ.”2
Sau đó, vào lúc sáng sớm:
“Chúa Giê Su đi bộ trên mặt biển mà đến cùng môn đồ.
“Khi thấy Ngài đi bộ trên mặt biển, thì môn đồ bối rối, … rồi sợ hãi mà la lên.
“Nhưng Đức Chúa Giê Su liền phán rằng: Các ngươi hãy yên lòng; ấy là ta đây, đừng sợ.
“Phi E Rơ bèn thưa rằng: Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa.
“Ngài phán rằng: Hãy lại đây. Phi E Rơ ở trên thuyền bước xuống, đi bộ trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giê Su.
Song khi thấy gió thổi, thì Phi E Rơ sợ hãi, hòng sụp xuống nước, bèn la lên rằng, … Chúa ơi, xin cứu lấy tôi.
“Tức thì Chúa Giê Su giơ tay ra nắm lấy người, mà nói rằng: Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?”3
Tôi có thể chia sẻ với anh chị em ba nguyên tắc mà tôi học được từ Phi E Rơ không? Tôi cầu mong rằng các nguyên tắc này có thể giúp bất kỳ ai đang cảm thấy rằng kế hoạch hạnh phúc không có hiệu quả trong cuộc sống của họ.
Trước tiên, hãy hành động trong đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
Tôi ngạc nhiên trước đức tin của Phi E Rơ. Trước lời mời đơn giản từ Chúa Giê Su là “hãy lại đây,” ông đã rời khỏi chiếc thuyền đang bị bão tố vùi dập. Ông dường như biết rằng nếu Chúa Giê Su Ky Tô mời ông làm điều gì đó, thì ông có thể làm được.4 Phi E Rơ đã tin cậy Đấng Cứu Rỗi hơn là ông tin vào chiếc thuyền. Và niềm tin đó đã cho ông sức mạnh để can đảm hành động trong một tình huống căng thẳng và đáng sợ.
Đức tin của Phi E Rơ nhắc tôi nhớ về một kinh nghiệm mà tôi nghe được từ Anh Cả José L. Alonso. Không lâu sau khi con trai của Anh Cả Alonso qua đời, để lại một gia đình với đàn con thơ, Anh Cả Alonso tình cờ nghe được bọn trẻ nói chuyện.
Chúng hỏi: “Chúng ta sẽ làm gì bây giờ?”.
Đứa bé gái chín tuổi trả lời: “Bố không sao đâu. Bố đang giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.”
Cũng như Phi E Rơ, cô gái bé nhỏ này đã nhìn thấu những thử thách của em ấy để tin cậy nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi mang lại sự bình an và sức mạnh để tiến bước.
Nếu anh chị em nhìn lại cuộc đời mình, tôi tin rằng anh chị em sẽ thấy rằng mình đã sử dụng đức tin nhiều lần. Việc gia nhập Giáo Hội là một hành động trong đức tin. Việc trò chuyện cùng Cha Thiên Thượng trong lúc cầu nguyện là một hành động trong đức tin. Việc đọc thánh thư là một hành động trong đức tin. Việc lắng nghe sứ điệp của tôi trong đại hội trung ương này là một hành động trong đức tin. Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Đừng tối thiểu hóa đức tin mà anh chị em đã có.”5
Một bài học khác tôi học được từ Phi E Rơ là:
Khi gặp khó khăn, hãy hướng đến Chúa Giê Su Ky Tô ngay lập tức.
Khi bước về hướng Đấng Cứu Rỗi, Phi E Rơ đã bị gió làm cho sợ hãi, và đã bắt đầu chìm. Nhưng khi Phi E Rơ nhận ra điều đang xảy ra, ông đã không cố gắng tự nổi trên mặt nước hoặc bơi trở lại chiếc thuyền. Thay vì từ bỏ đức tin của ông nơi Đấng Ky Tô, ông lại giữ chặt hơn và kêu lên rằng: “Chúa ơi, xin cứu lấy tôi.”
“Tức thì Chúa Giê Su giơ tay ra nắm lấy người.”6
Tất cả chúng ta đều phải đương đầu với những cơn gió mạnh đến nỗi có thể lay chuyển đức tin và làm chúng ta chìm xuống. Khi điều này xảy ra, xin hãy nhớ rằng kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng còn có một cái tên khác—kế hoạch cứu chuộc. Kế hoạch này không phải để chúng ta lướt qua cuộc đời một cách dễ dàng, không bao giờ vấp ngã, không bao giờ chìm, và lúc nào cũng tươi cười. Cha Thiên Thượng biết rằng chúng ta sẽ cần được cứu chuộc. Đây là lý do tại sao Ngài chuẩn bị kế hoạch cứu chuộc.7 Đây là lý do tại sao Ngài đã phái một Đấng Cứu Chuộc đến. Khi chúng ta gặp khó khăn—vì bất kỳ lý do gì—điều đó không có nghĩa là kế hoạch này không hiệu quả. Mà đó chính là lúc chúng ta cần kế hoạch này nhất!
Trong những lúc ấy, hãy noi theo tấm gương của Phi E Rơ. Hãy hướng đến Đấng Cứu Rỗi ngay lập tức.
“Giờ đây là lúc và là ngày cứu rỗi của các người. … Các người chớ nên trì hoãn ngày hối cải của mình.”8
Bất kể trước đây chúng ta như thế nào và hiện tại ra sao, sự hối cải là cách tiến về phía trước. Chủ Tịch Nelson đã dạy:
“Không có gì là tự do, cao quý, hoặc quan trọng đối với sự tiến bộ của cá nhân chúng ta hơn là một sự tập trung thường xuyên, hằng ngày vào sự hối cải. …
“Cho dù các anh em đang siêng năng đi theo con đường giao ước, đã bị vấp ngã hay bước ra khỏi con đường giao ước, hoặc thậm chí còn không có thể nhìn thấy con đường đó từ nơi các anh em hiện đang ở, thì tôi nài xin các anh em hãy hối cải. Hãy cảm nhận quyền năng củng cố của sự hối cải hằng ngày—để mỗi ngày làm tốt hơn và trở nên tốt hơn một chút.”9
Việc đến cùng Đấng Ky Tô có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ suy nghĩ hoặc nói về Ngài hoặc thậm chí là chỉ thương yêu Ngài. Việc đó có nghĩa là noi theo Ngài. Việc đó có nghĩa là sống theo cách Ngài phán dạy chúng ta sống. Và đối với tất cả chúng ta, việc đó có nghĩa là hối cải mà không trì hoãn.
Một trong những đứa con gái của tôi từng làm việc ở trung tâm huấn luyện truyền giáo. Con bé kể cho tôi nghe về một anh cả mà nó giảng dạy, người đã tâm sự với con bé rằng anh ấy không chắc là Sách Mặc Môn có chân chính không. Anh ấy đã liên tục cầu nguyện để có được bằng chứng thuộc linh, nhưng anh ấy đã không nhận được câu trả lời.
Con gái tôi đã cầu nguyện để biết điều nên làm nhằm giúp đỡ người truyền giáo này. Con bé đã nhận được ấn tượng rằng thánh thư không chỉ được ban cho để chúng ta có thể đọc và đạt được chứng ngôn; mà chúng còn được ban cho để dạy chúng ta cách tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế. Con gái tôi chia sẻ ý nghĩ này với người truyền giáo đó.
Sau này, con bé gặp lại người truyền giáo đó, lúc bấy giờ anh ấy trông vui vẻ hơn nhiều. Anh ấy kể với con bé rằng cuối cùng anh ấy đã nhận được chứng ngôn rằng Sách Mặc Môn là chân chính. Anh ấy biết rằng chứng ngôn này có được là vì anh ấy đã nỗ lực hơn rất nhiều để thực hiện điều mà Sách Mặc Môn dạy.
Chúng ta hãy noi theo tấm gương của Phi E Rơ trong việc hướng về Đấng Cứu Rỗi trong những lúc khó khăn. Hãy noi theo Chúa Giê Su Ky Tô thay vì dựa vào sự khôn ngoan và sức mạnh của chính anh chị em. Bất kể anh chị em đã cố gắng tự nổi trên mặt nước bao lâu mà không cần có Ngài, thì cũng không bao giờ là quá trễ để tìm đến Ngài. Kế hoạch này rất hiệu quả!
Nguyên tắc thứ ba mà tôi học được từ Phi E Rơ và kinh nghiệm của ông là:
Hãy tự khiêm nhường trước mặt Chúa, và Ngài sẽ nâng đỡ anh chị em đến những điều lớn lao hơn.
Phi E Rơ đã thể hiện đức tin, cả trong việc bước đi trên mặt nước lẫn việc tìm đến Đấng Cứu Rỗi khi ông cần giúp đỡ. Mặc dù vậy, Đấng Cứu Rỗi đã thấy rằng Phi E Rơ còn có nhiều tiềm năng hơn thế. Ngài nói: “Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?”10
Phi E Rơ đã có thể phật ý trước lời quở trách này. Nhưng ông đã khiêm nhường chấp nhận nó. Ông tiếp tục tìm kiếm đức tin lớn lao hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Qua nhiều những trải nghiệm khác giúp xây đắp đức tin—một số là rất khó khăn—Phi E Rơ cuối cùng đã trở thành người lãnh đạo vững chắc mà Chúa cần ông trở thành. Ông đã hoàn thành những điều lớn lao trong việc phục vụ Chúa.
Chúa muốn anh chị em hoàn thành những điều lớn lao gì? Trong Giáo Hội và vương quốc của Ngài, có nhiều cơ hội để phục vụ và phục sự người khác như Đấng Cứu Rỗi đã làm. Ngài muốn anh chị em góp phần vào công việc vĩ đại của Ngài. Kế hoạch hạnh phúc sẽ trở nên thực tế hơn bao giờ hết khi anh chị em giúp người khác sống theo kế hoạch đó.
Khi xây đắp đức tin của riêng tôi, những lời này của An Ma đã mang đến bước ngoặc trong cuộc sống: “Phước thay cho những ai biết hạ mình mà không vì bị bó buộc phải khiêm nhường.”11 Chúng ta hãy tự hạ mình xuống nơi mà Chúa Giê Su có thể nâng chúng ta lên, dẫn dắt chúng ta, và giúp chúng ta tận dụng hết khả năng của mình.12
Tôi làm chứng rằng kế hoạch hạnh phúc thực sự hiệu quả. Kế hoạch đó được tạo ra bởi Cha Thiên Thượng, Đấng thương yêu anh chị em. Kế hoạch này có hiệu quả vì Chúa Giê Su Ky Tô đã khắc phục tội lỗi và cái chết qua Sự Chuộc Tội của Ngài. Hãy đến cùng Ngài, noi theo Ngài, và “tức thời kế hoạch cứu chuộc vĩ đại sẽ được mang lại cho các người.”13 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.