Đại Hội Trung Ương
Vì Thượng Đế Thương Yêu Chúng Ta
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


9:58

Vì Thượng Đế Thương Yêu Chúng Ta

Đức Chúa Trời thương yêu chúng ta, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài—chẳng phải để xét đoán mà để cứu chuộc chúng ta.

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Lần đầu tiên tôi chú ý đến câu thánh thư này, tôi không ở trong nhà thờ hoặc trong buổi họp tối gia đình. Tôi đang xem một sự kiện thể thao trên truyền hình. Bất kể là tôi đang xem đài nào, và bất kể là đang có trận đấu nào, ít nhất có một người cầm tấm biển có ghi “Giăng 3:16.”

Tôi cũng yêu thích câu 17 không kém: “Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu.”

Thượng Đế đã phái Chúa Giê Su Ky Tô, Con Một của Ngài trong xác thịt, để phó mạng sống Ngài cho mỗi người chúng ta. Ngài làm điều này bởi vì Ngài yêu thương chúng ta và tạo ra một kế hoạch để mỗi người chúng ta trở về cùng Ngài.

Nhưng đây không phải là một kế hoạch chung chung, áp dụng cho tất cả mọi người và không phải lúc nào cũng hiệu quả. Kế hoạch này mang tính cá nhân, được đặt ra bởi một Cha Thiên Thượng nhân từ, Đấng hiểu thấu tấm lòng và danh tính chúng ta, và những điều Ngài cần chúng ta làm. Tại sao chúng ta tin vào điều đó? Bởi vì chúng ta được dạy điều đó trong thánh thư.

Môi Se đã nhiều lần nghe Cha Thiên Thượng phán những lời này: “Hỡi Môi Se, con trai của ta” (xin xem Môi Se 1:7, 40; xin xem thêm các câu 7, 40). Áp Ra Ham đã biết rằng ông là một người con của Thượng Đế, được chọn để thực hiện sứ mệnh của ông ngay cả trước khi ông chào đời (xin xem Áp Ra Ham 3:12, 23). Ê Xơ Tê đã được Thượng Đế sắp đặt vào vị thế có ảnh hưởng để cứu chuộc dân của bà (xin xem Ê Xơ Tê 4). Và Thượng Đế đã tin cậy vào một thiếu nữ, một tôi tớ, để làm chứng về một vị tiên tri tại thế để Na A Man có thể được chữa lành (xin xem 2 Các Vua 5:1–15).

Tôi đặc biệt yêu mến người đàn ông thấp bé nhưng trung tín ấy, người đã leo lên cây để nhìn thấy Chúa Giê Su. Đấng Cứu Rỗi biết rằng ông ấy ở đó, Ngài đã dừng lại, nhìn lên những cành cây, và phán những lời này: “Hỡi Xa Chê, … hãy xuống cho mau” (Lu Ca 19:5). Và chúng ta không thể quên được cậu bé 14 tuổi, người đã đi vào một khu rừng và biết được rằng kế hoạch này thực sự mang tính cá nhân đến dường nào: “[Joseph,] đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:17).

Thưa các anh chị em, chúng ta là trọng tâm trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng và là lý do cho sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi. Cá nhân mỗi người chúng ta chính là công việc và sự vinh quang của Hai Ngài.

Đối với tôi, không có cuốn sách thánh thư nào minh họa điều này rõ ràng hơn là điều tôi học được trong Kinh Cựu Ước. Hết chương này đến chương khác, chúng ta khám phá ra ví dụ về những cách mà Cha Thiên Thượng và Đức Giê Hô Va tham gia mật thiết vào cuộc sống chúng ta.

Gần đây, chúng ta đã học được về Giô Sép, con trai yêu quý của Gia Cốp. Từ thời niên thiếu, Giô Sép đã được Chúa ưu ái, nhưng ông ấy đã trải qua nhiều thử thách lớn lao bởi các anh em của ông gây nên. Cách đây hai tuần, nhiều người trong chúng ta đã động lòng bởi cách mà Giô Sép đã tha thứ cho các anh em của ông. Trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta, chúng ta đọc được rằng: “Trong nhiều phương diện, cuộc đời của Giô Sép tương tự như cuộc đời của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngay cả khi những tội lỗi của chúng ta gây nỗi đau khổ lớn lao cho Ngài, Đấng Cứu Rỗi vẫn tha thứ, giải thoát cho tất cả chúng ta khỏi một kết cục tồi tệ hơn nhiều so với nạn đói. Cho dù chúng ta cần được tha thứ hoặc cần tỏ lòng tha thứ—vào một thời điểm nào đó tất cả chúng ta đều cần phải làm cả hai việc này—thì tấm gương của Giô Sép hướng chúng ta đến Đấng Cứu Rỗi, nguồn gốc thật sự cho sự chữa lành và hòa giải.”1

Bài học mà tôi yêu thích từ câu chuyện đó đến người anh trai của Giô Sép là Giu Đa, người đóng một vai trò trong kế hoạch riêng của Thượng Đế cho Giô Sép. Khi Giô Sép bị các anh em của ông phản bội, Giu Đa đã thuyết phục họ đừng lấy đi mạng sống của Giô Sép mà hãy bán Giô Sép làm nô lệ (xin xem Sáng Thế Ký 37:26–27).

Nhiều năm sau đó, Giu Đa và các anh em của ông cần mang đứa em út của họ, Bên Gia Min, đến xứ Ai Cập. Thoạt đầu, cha của họ không đồng ý. Nhưng Giu Đa đã hứa với Gia Cốp—rằng ông sẽ mang Bên Gia Min về nhà.

Ở Ai Cập, lời hứa của Giu Đa đã bị thử thách. Cậu bé Bên Gia Min đã bị buộc tội oan. Giu Đa, để giữ lời hứa, đã chịu vào tù thay cho Bên Gia Min. Ông nói: “Vì, nếu đứa trẻ không theo về, làm sao tôi dám về cùng cha tôi?” (xin xem Sáng Thế Ký 44:33–34). Giu Đa đã quyết định giữ lời hứa của ông và đưa Bên Gia Min trở về an toàn. Anh chị em có bao giờ cảm nhận về người khác như cách Giu Đa cảm nhận về Bên Gia Min không?

Đây có phải là cách mà các bậc cha mẹ cảm nhận về con cái của họ? Những người truyền giáo cảm thấy thế nào về những người mà họ phục vụ? Những người lãnh đạo giới trẻ và Hội Thiếu Nhi cảm thấy thế nào về những người mà họ giảng dạy và thương yêu?

Bất kể anh chị em là ai hoặc hiện đang ở trong hoàn cảnh nào, một ai đó cũng đang cảm thấy như vậy về anh chị em. Một ai đó muốn trở về với Cha Thiên Thượng cùng anh chị em.

Tôi biết ơn những người chưa từng mất lòng tin vào chúng ta, những người vẫn tiếp tục dâng hết tâm hồn họ để cầu nguyện cho chúng ta, và những người tiếp tục giảng dạy và giúp chúng ta hội đủ điều kiện để trở về nhà cùng Cha Thiên Thượng.

Gần đây, một người bạn thân của tôi đã nằm bệnh viện 233 ngày vì COVID-19. Trong thời gian đó, anh ấy đã được người cha đã mất đến viếng thăm và nhờ anh ấy chuyển một thông điệp đến những đứa cháu của ông ấy. Thậm chí khi ở bên kia bức màn che, người ông tốt bụng này vẫn muốn giúp những đứa cháu của mình trở về mái nhà thiên thượng.

Càng ngày, các môn đồ của Đấng Ky Tô càng nhớ đến “những Bên Gia Min” trong cuộc sống của họ. Trên khắp thế gian, họ đã nghe được lời kêu gọi từ vị tiên tri tại thế của Thượng Đế, Chủ Tịch Russell M. Nelson. Các thiếu niên và thiếu nữ đang tham gia vào đội quân trẻ tuổi của Chúa. Các cá nhân và gia đình đang tìm đến những người khác trong tinh thần phục sự—thương yêu, chia sẻ, và mời gọi bạn bè và những người lân cận đến cùng Đấng Ky Tô. Giới trẻ và những người thành niên đang ghi nhớ và cố gắng tuân giữ các giao ước của họ—tham dự đền thờ của Thượng Đế, tìm kiếm tên của những người thân đã qua đời, và tiếp nhận các giáo lễ thay cho họ.

Tại sao kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho cá nhân chúng ta bao gồm việc giúp đỡ người khác trở về cùng Ngài? Bởi vì đây là cách để chúng ta trở thành giống như Chúa Giê Su Ky Tô. Cuối cùng, câu chuyện về Giu Đa và Bên Gia Min dạy chúng ta về sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta. Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Ngài đã phó mạng sống mình để mang chúng ta về nhà. Những lời của Giu Đa bày tỏ tình thương yêu của Đấng Cứu Rỗi: “Làm sao tôi dám về cùng cha tôi, nếu [anh chị em] không theo về?” Là những người quy tụ Y Sơ Ra Ên, đây cũng có thể là lời nói của chúng ta.

Kinh Cựu Ước chứa đựng nhiều phép lạ và lòng nhân từ dịu dàng đặc trưng cho kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Trong sách 2 Các Vua 4, cụm từ “một ngày kia” được sử dụng ba lần để nhấn mạnh rằng các sự kiện quan trọng thường xảy ra theo kỳ định của Thượng Đế, và Ngài chú ý đến từng chi tiết nhỏ.

Một người bạn mới của tôi là Paul làm chứng về lẽ thật này. Paul lớn lên trong một gia đình mà thỉnh thoảng hay xảy ra bạo hành và luôn không chấp nhận tôn giáo. Trong lúc đang theo học ở một căn cứ quân sự ở Đức, anh ấy để ý thấy hai chị phụ nữ mà dường như có ánh sáng thuộc linh. Khi anh ấy hỏi tại sao họ khác biệt thì nhận được câu trả lời rằng họ thuộc về Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Không lâu sau, Paul bắt đầu gặp gỡ những người truyền giáo và được mời đi nhà thờ. Ngày Chủ Nhật tiếp theo, khi vừa xuống xe buýt, anh ấy để ý thấy hai người mặc áo sơ mi trắng và thắt cà vạt. Anh ấy hỏi họ xem họ có phải là các anh cả của Giáo Hội không. Họ trả lời là có, nên Paul đi theo họ.

Trong buổi lễ, một người thuyết giáo chỉ vào những người trong giáo đoàn và mời họ làm chứng. Khi mỗi chứng ngôn kết thúc, người đánh trống đánh một tiếng trống chào và giáo đoàn hô to: “A Men.”

Khi người thuyết giáo chỉ vào Paul, anh ấy đứng lên và nói: “Tôi biết rằng Joseph Smith là một vị tiên tri và Sách Mặc Môn là chân chính.” Không có tiếng trống chào hoặc tiếng A Men nào cả. Paul cuối cùng đã nhận ra rằng anh ấy đã đến nhầm nhà thờ. Không lâu sau, Paul đã tìm được đến đúng chỗ và được làm phép báp têm.

Vào ngày báp têm của Paul, một tín hữu không quen biết nói với anh ấy rằng: “Anh đã cứu mạng tôi.” Trước đó vài tuần, người này đã quyết định đi tìm một Giáo Hội khác và tham dự một buổi lễ có những tiếng trống và tiếng A Men. Khi người này nghe Paul chia sẻ chứng ngôn của anh ấy về Joseph Smith và Sách Mặc Môn, anh ấy nhận ra rằng Thượng Đế biết anh ấy, công nhận những khó khăn của anh ấy, và có một kế hoạch cho anh ấy. Đối với cả Paul lẫn người đàn ông này, những điều này thực sự xảy ra vào “một ngày kia”!

Chúng ta cũng biết rằng Cha Thiên Thượng có một kế hoạch hạnh phúc cá nhân cho mỗi người chúng ta. Bởi vì Thượng Đế đã gửi Con Trai Yêu Dấu của Ngài đến cho chúng ta, các phép lạ chúng ta cần sẽ “[đến] vào [đúng] ngày” cần thiết để kế hoạch của Ngài được làm trọn.

Tôi làm chứng rằng trong năm nay chúng ta có thể học hỏi thêm về kế hoạch của Thượng Đế cho chúng ta trong Kinh Cựu Ước. Cuốn sách thiêng liêng ấy dạy về vai trò của các vị tiên tri trong những thời điểm bấp bênh và ảnh hưởng của Thượng Đế trong một thế giới đầy hoang mang và hay tranh chấp. Sách này cũng viết về những tín đồ khiêm nhường, những người trung tín trông đợi ngày giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi, cũng như chúng ta đang trông đợi và chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài—sự trở lại đầy vinh quang của Ngài như đã được tiên tri từ lâu.

Trước ngày đó, chúng ta có thể không thấy được bằng những cặp mắt thường của mình về ý định của Thượng Đế trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 58:3). Nhưng chúng ta có thể nhớ đến phản ứng của Nê Phi khi gặp điều gì đó mà ông không hiểu: mặc dù ông không hiểu được ý nghĩa của mọi sự việc, nhưng ông biết rằng Thượng Đế yêu thương con cái của Ngài (xin xem 1 Nê Phi 11:17).

Đây là chứng ngôn của tôi vào buổi sáng Sa Bát đẹp trời này. Cầu mong rằng chúng ta ghi nhớ điều này và để nó làm tâm hồn chúng ta tràn đầy hy vọng, bình an, và niềm vui vĩnh cửu: Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài—chẳng phải để xét đoán mà để cứu chuộc chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.