Noi Theo Chúa Giê Su: Làm Một Người Hòa Giải
Người hòa giải không sống thụ động; họ dùng cách thức của Đấng Cứu Rỗi để thuyết phục.
Các anh chị em thân mến, khi chúng ta trải qua những ngày hỗn loạn, tranh chấp nghiêm trọng, và đối với nhiều người, là đang chìm đắm trong đau khổ, tấm lòng chúng ta tràn ngập sự biết ơn khôn xiết đối với Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và các phước lành vĩnh cửu của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta yêu mến và tin cậy Ngài, và chúng ta cầu xin rằng chúng ta sẽ mãi mãi noi theo Ngài.
Thử Thách từ Truyền Thông Xã Hội
Tác động mạnh mẽ của mạng internet vừa là một phước lành và vừa là một thử thách, đặc biệt trong thời kỳ của chúng ta.
Trong một thế giới của truyền thông xã hội và siêu xa lộ thông tin, tiếng nói của một người có thể được biết đến nhanh chóng theo cấp số nhân. Tiếng nói đó, dù đúng hay sai, dù công bằng hay định kiến, dù tử tế hay tàn nhẫn, đều ngay lập tức đi khắp thế giới.
Các bài đăng sâu sắc và tử tế trên các phương tiện truyền thông xã hội thường chẳng mấy khi được chú ý, trong khi những lời khinh miệt và giận dữ cứ liên tục vang bên tai chúng ta, dù là về triết lý chính trị, các nhân vật trên tin tức, hoặc ý kiến về đại dịch. Không ai hay đề tài nào, kể cả Đấng Cứu Rỗi và phúc âm phục hồi của Ngài, được miễn khỏi những ý kiến chống đối trong xã hội.
Trở Thành một Người Hòa Giải
Bài Giảng trên Núi là một sứ điệp dành cho tất cả mọi người nhưng được đặc biệt ban cho các môn đồ của Đấng Cứu Rỗi, là những người đã chọn noi theo Ngài.
Chúa đã dạy cách để sống, ở khi ấy và bây giờ, trong một thế giới đầy sự khinh miệt. Ngài đã tuyên phán: “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!”1
Nhờ tấm khiên đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta trở thành những người hòa giải, dập tắt—tức là làm dịu, làm nguội, hay làm tiêu tan—mọi mũi tên rực lửa của kẻ nghịch thù.2
Khi chúng ta làm phần vụ của mình, Chúa hứa rằng chúng ta sẽ được gọi là “con Đức Chúa Trời.” Mỗi người trên thế gian này đều là “dòng dõi”3 của Thượng Đế, nhưng để được gọi là “con Đức Chúa Trời” thì có ý nghĩa hơn rất, rất nhiều. Khi chúng ta đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô và lập giao ước với Ngài, chúng ta trở thành “dòng dõi của Ngài” và là “những người sẽ thừa hưởng vương quốc,”4 “con cái của Đấng Ky Tô, các con trai và con gái của Ngài.”5
Một người hòa giải làm dịu và làm nguội các mũi tên rực lửa bằng cách nào? Chắc chắn không phải bằng cách thoái lui trước những kẻ miệt thị chúng ta. Thay vì vậy, chúng ta vẫn tin tưởng vào tín ngưỡng của mình, chia sẻ niềm tin bằng sự tin chắc của mình, nhưng không tức giận hay có ác ý.6
Gần đây, sau khi thấy một ý kiến chỉ trích gay gắt Giáo Hội, Đức Cha Amos C. Brown, một vị lãnh đạo quốc gia về nhân quyền và là mục sư của giáo hội Third Baptist tại San Francisco, đã đáp lại:
“Tôi tôn trọng kinh nghiệm và quan điểm của người đã viết ra những lời đó. Thật sự, tôi không có cùng quan điểm với người đó.”
“Tôi xem việc quen biết những vị lãnh đạo này [của Giáo Hội] là một trong những niềm vui lớn nhất của cuộc đời mình. Tôi kính mến họ, những tấm gương lãnh đạo tuyệt vời nhất của đất nước chúng ta.”
Rồi ông nói thêm: “Chúng ta có thể kêu ca về tình hình hiện tại. Chúng ta có thể phủ nhận tất cả những điều tốt đẹp đang xảy ra. … Nhưng những cách thức này sẽ không hàn gắn sự chia rẽ của đất nước chúng ta. … Như Chúa Giê Su đã dạy, chúng ta đừng diệt trừ cái ác bằng cái ác hơn. Chúng ta hãy rộng lòng yêu thương và sống khoan dung, kể cả đối với những người mà chúng ta cho là kẻ thù của mình.”7
Đức Cha Brown là một người hòa giải. Ông đã làm dịu và làm nguội các mũi tên rực lửa. Người hòa giải không sống thụ động; họ dùng cách thức của Đấng Cứu Rỗi để thuyết phục.8
Điều gì ban cho chúng ta sức mạnh nội tâm để làm nguội, làm dịu, và chiến thắng các mũi tên rực lửa nhắm vào những lẽ thật mà chúng ta yêu mến? Sức mạnh đó đến từ đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và lời của Ngài.
“Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc … và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước.
“ … Vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.”9
Tầm Quan Trọng của Quyền Tự Quyết
Có hai nguyên tắc quan trọng dẫn dắt mong muốn của chúng ta để trở thành người hòa giải.
Thứ nhất, Cha Thiên Thượng của chúng ta đã ban cho mỗi cá nhân quyền tự quyết về mặt đạo đức, cùng khả năng để lựa chọn con đường cho chính mình.10 Quyền tự quyết này là một trong các ân tứ vĩ đại nhất của Thượng Đế.
Thứ hai, với quyền tự quyết này, Cha Thiên Thượng của chúng ta cho phép có “sự tương phản trong mọi sự việc.”11 Chúng ta “nếm mùi cay đắng, để [chúng ta] có thể hiểu giá trị của điều thiện.”12 Chúng ta không nên bất ngờ về sự đối nghịch. Chúng ta học cách để phân biệt điều tốt với điều xấu.
Chúng ta vui mừng vì có phước lành của quyền tự quyết, khi hiểu rằng sẽ có nhiều người không tin điều chúng ta tin tưởng. Thật ra, rất ít người trong những ngày sau chọn đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô làm trọng tâm trong mọi suy nghĩ và hành động của mình.13
Qua các nền tảng truyền thông xã hội, một tiếng nói hoài nghi có thể trở thành vô số các tiếng nói tiêu cực,14 nhưng ngay cả khi có vô số các tiếng nói tiêu cực thì chúng ta vẫn chọn con đường làm người hòa giải.
Những Vị Lãnh Đạo của Chúa
Một số người cho rằng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ có các động cơ thế gian giống như các nhà lãnh đạo về chính trị, kinh tế, và văn hóa.
Tuy nhiên, chúng tôi được giao phó các trách nhiệm của mình theo một cách thức rất khác biệt. Chúng tôi không được bầu lên hoặc được chọn lựa từ các hồ sơ ứng tuyển. Chẳng có bất kỳ sự chuẩn bị chuyên nghiệp cụ thể nào, chúng tôi được kêu gọi và sắc phong để làm chứng về danh của Chúa Giê Su Ky Tô với khắp thế gian cho đến hơi thở cuối cùng của mình. Chúng tôi nỗ lực để ban phước cho những người ốm đau, cô đơn, nản lòng, nghèo khó và để xây đắp vương quốc của Thượng Đế. Chúng tôi tìm cách để biết và tuyên bố ý muốn của Chúa, đặc biệt cho những người đang tìm kiếm cuộc sống vĩnh cửu.15
Mặc dù mong muốn khiêm nhường của chúng tôi là tất cả mọi người sẽ kính trọng những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi, nhưng những lời của Chúa qua các vị tiên tri của Ngài thường trái ngược với lối suy nghĩ và xu hướng của thế gian. Điều đó đã luôn luôn như vậy.16
Đấng Cứu Rỗi đã phán cùng Các Sứ Đồ của Ngài:
“Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi. …
“… Nhưng vì danh ta họ sẽ lấy mọi điều đó đãi các ngươi, bởi họ không biết Đấng đã sai ta đến.”17
Chăm Sóc cho Tất Cả
Chúng ta chân thành yêu thương và quan tâm đến tất cả những người lân cận mình, cho dù họ có cùng niềm tin với chúng ta hay không. Chúa Giê Su đã dạy chúng ta trong câu chuyện ngụ ngôn về Người Sa Ma Ri Nhân Lành rằng những người thuộc tín ngưỡng khác nhau nên chân thành dang tay giúp đỡ bất kỳ ai khốn khó, để trở thành những người giải hòa, theo đuổi chính nghĩa cao đẹp.
Vào tháng Hai, một dòng tít trên tờ báo Arizona Republic tuyên bố: “Dự luật lưỡng Đảng được Các Thánh Hữu Ngày Sau ủng hộ sẽ bảo vệ những người đồng tính và chuyển giới ở Arizona.”18
Chúng tôi, với tư cách là Các Thánh Hữu Ngày Sau, “vui mừng trở thành một phần trong liên minh các tín ngưỡng, doanh nghiệp, những người LGBTQ và các nhà lãnh đạo trong cộng đồng, những người đã cùng nhau làm việc trong tinh thần tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.”19
Chủ Tịch Russell M. Nelson có lần đã đặt ra một câu hỏi đáng để suy ngẫm: “Những đường ranh giới không thể nào tồn tại mà không trở thành chiến tuyến hay sao?”20
Chúng ta hãy nỗ lực để trở thành “những tín đồ hiền hòa của Đấng Ky Tô.”21
Những Khi Không Nên Phản Ứng
Một số sự tấn công vào Đấng Cứu Rỗi ác ý đến mức Ngài không nói gì. “Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo … cáo Ngài dữ lắm … và nhạo báng Ngài,” nhưng Chúa Giê Su “không trả lời gì hết.”22 Có những lúc việc trở thành một người hòa giải có nghĩa là chúng ta phải kháng cự lại sự thôi thúc để đáp trả, và thay vì thế, nghiêm nghị im lặng.23
Thật đau lòng đối với tất cả chúng ta khi những lời cay nghiệt hay phiến diện về Đấng Cứu Rỗi, các tín đồ của Ngài, và Giáo Hội của Ngài được nói ra hay công bố bởi chính những người từng tích cực trong Giáo Hội, từng dự phần Tiệc Thánh với chúng ta, và làm chứng với chúng ta về sứ mệnh thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô.24
Điều này cũng đã xảy ra trong giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi.
Một số môn đồ của Chúa Giê Su từng ở cùng Ngài trong những phép lạ tuyệt diệu nhất đã quyết định “không đi với Ngài nữa.”25 Buồn thay, không phải tất cả sẽ tiếp tục vững vàng trong tình yêu thương của họ dành cho Đấng Cứu Rỗi và quyết tâm để tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.26
Chúa Giê Su dạy chúng ta hãy ra khỏi những nơi tồn tại sự giận dữ và tranh chấp. Trong một ví dụ, sau khi người Pha Ri Si đối chất với Chúa Giê Su và bàn nhau cách giết Ngài, thánh thư cho biết Chúa Giê Su đã bỏ đi khỏi chỗ đó,27 và các phép lạ xảy đến khi “nhiều người theo, và Ngài chữa lành cả.”28
Ban Phước cho Cuộc Sống của Người Khác
Chúng ta cũng có thể bước ra khỏi sự tranh chấp và ban phước cho cuộc sống của người khác,29 mà không tự cô lập bản thân trong góc riêng của mình.
Tại Mbuji-Mayi thuộc nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo, ban đầu, một số người chỉ trích Giáo Hội, vì không hiểu niềm tin của chúng ta cũng như không quen biết các tín hữu của chúng ta.
Một thời gian sau, Kathy và tôi tham dự một sinh hoạt phục vụ rất đặc biệt của Giáo Hội tại Mbuji-Mayi. Những đứa trẻ mặc trang phục sạch sẽ tinh tươm với đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ. Tôi đã hy vọng để trò chuyện với chúng về chuyện học hành của chúng, nhưng được biết rằng nhiều em không thể đến trường. Các vị lãnh đạo của chúng ta, với ngân quỹ nhân đạo rất eo hẹp, đã tìm ra cách để giúp đỡ.30 Giờ đây, với hơn 400 học sinh—cả nam lẫn nữ, cả tín hữu cũng như những người không thuộc tín ngưỡng của chúng ta—đều được chào đón và được giảng dạy bởi 16 giảng viên là tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Kalanga Muya, 14 tuổi, đã nói: “[Vì không có đủ tiền,] em đã không được đi học trong bốn năm. … Em rất biết ơn về điều mà Giáo Hội đã làm. … Giờ thì, em đã biết đọc, viết, và nói tiếng Pháp.”31 Nói về sáng kiến này, thị trưởng của Mbuji-Mayi cho biết: “Tôi được truyền cảm hứng nhờ Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô bởi vì trong khi các giáo hội [khác] chỉ quan tâm đến bản thân họ … [các bạn đang làm việc] cùng [những người khác] để giúp đỡ cộng đồng khó khăn.”32
Hãy Yêu Thương Nhau
Mỗi lần đọc Giăng chương 13, tôi đều được nhắc nhở về tấm gương giải hòa hoàn hảo của Đấng Cứu Rỗi. Chúa Giê Su nhân từ đã rửa chân cho Các Sứ Đồ. Rồi chúng ta đọc rằng: “tâm thần Ngài bối rối,”33 khi Ngài nghĩ về người mà Ngài yêu thương sắp sửa phản bội Ngài. Tôi đã cố tưởng tượng ra những suy nghĩ và cảm giác của Đấng Cứu Rỗi khi Giu Đa bỏ đi. Thú vị thay, vào giây phút khó khăn ấy, Chúa Giê Su đã không nói gì thêm về những cảm nghĩ “bối rối” của Ngài hoặc về sự phản bội. Thay vì vậy, Ngài phán bảo với Các Sứ Đồ của mình về tình yêu thương, là những lời vẫn có ảnh hưởng sâu sắc suốt bao thế kỷ:
“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như Ta đã yêu các ngươi. …
“Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ Ta.”34
Cầu xin cho chúng ta yêu thương Ngài và yêu thương nhau. Xin chúng ta trở thành người giải hòa, để chúng ta có thể được gọi là “con Đức Chúa Trời,” là điều tôi nguyện cầu trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.