Đại Hội Trung Ương
Sự Bình An của Đấng Ky Tô Xóa Bỏ Hận Thù
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2021


12:51

Sự Bình An của Đấng Ky Tô Xóa Bỏ Hận Thù

Khi tình yêu thương của Đấng Ky Tô tràn ngập trong cuộc sống, chúng ta sẽ tiếp cận những bất đồng với sự nhu mì, kiên nhẫn, và lòng nhân từ.

Các anh chị em thân mến, trong xét nghiệm gắng sức, cường độ làm việc của trái tim dần được tăng lên. Những trái tim hoạt động tốt khi đi bộ có thể gặp khó khăn để hỗ trợ cho nhu cầu chạy bộ lên đồi. Bằng cách này, xét nghiệm gắng sức có thể tìm ra bệnh tiềm ẩn mà xét nghiệm khác không cho kết quả rõ ràng. Nhờ vậy mà bất kỳ vấn đề nào được xác định có thể được điều trị trước khi chúng gây ra các vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống hàng ngày.

Đại dịch COVID-19 chắc chắn là một xét nghiệm gắng sức toàn cầu! Xét nghiệm đã cho ra nhiều kết quả khác nhau. Các loại vắc-xin an toàn và hiệu quả đã được phát triển. 1 Các chuyên gia y tế, giáo viên, những người chăm sóc, và những người khác đã hy sinh một cách anh hùng—và tiếp tục làm như vậy. Nhiều người đã thể hiện sự rộng lượng và tử tế—và tiếp tục làm như vậy. Tuy nhiên, những nhược điểm tiềm ẩn đã được tìm ra. Những người dễ bị tổn thương đã phải chịu đựng đau khổ—và tiếp tục bị như vậy. Những người cố gắng giải quyết những bất công tiềm ẩn này đều phải được khích lệ và cảm ơn.

Đại dịch cũng là một xét nghiệm gắng sức về phần thuộc linh đối với Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi và các tín hữu của Giáo Hội. Các kết quả cũng khác nhau. Cuộc sống của chúng ta đã được ban phước bởi việc phục sự theo một “cách thức cao quý và thánh thiện hơn,” 2 chương trình giảng dạy Hãy Đến Mà Theo Ta, và việc học hỏi phúc âm đặt trọng tâm vào mái gia đình và được Giáo Hội hỗ trợ. Nhiều người đã mang đến sự giúp đỡ và an ủi đầy lòng trắc ẩn trong những lúc khó khăn này và tiếp tục làm như vậy. 3

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, xét nghiệm gắng sức về phần thuộc linh cho thấy khuynh hướng tranh chấp và chia rẽ. Điều này cho thấy rằng chúng ta có việc phải làm để thay đổi tấm lòng và hiệp một với tư cách là những môn đồ chân chính của Đấng Cứu Rỗi. Đây không phải là một thử thách mới, mà là một thử thách thiết yếu. 4

Khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng dân Nê Phi, Ngài đã dạy: “Và sẽ không còn có sự tranh luận nào giữa các ngươi. … Kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta mà thuộc về quỷ dữ, vì quỷ dữ là cha của sự tranh chấp, nó khích động trái tim loài người để họ tức giận tranh chấp lẫn nhau.” 5 Khi chúng ta tranh chấp với nhau trong cơn tức giận, Sa Tan cười đắc thắng và Thượng Đế của thiên thượng thì khóc. 6

Sa Tan cười đắc thắng và Thượng Đế khóc, ít nhất là vì hai lý do. Trước hết, sự tranh chấp làm suy yếu việc làm chứng của tập thể chúng ta với thế gian về Chúa Giê Su Ky Tô và sự cứu chuộc đến qua “công lao của Ngài, … sự thương xót, và ân điển.” 7 Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau. … Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.” 8 Nghĩa ngược lại cũng đúng—mọi người sẽ nhận biết rằng chúng ta không phải là môn đồ của Ngài khi chúng ta không bày tỏ tình yêu thương lẫn nhau. Công việc ngày sau của Ngài bị ảnh hưởng khi có sự tranh chấp hoặc thù hận 9 giữa các môn đồ của Ngài. 10 Thứ hai, tranh chấp là không lành mạnh về mặt tinh thần đối với cá nhân chúng ta. Chúng ta bị lấy đi sự bình an, niềm vui và sự thanh thản, và khả năng cảm nhận Thánh Linh của chúng ta bị ảnh hưởng.

Chúa Giê Su Ky Tô giải thích rằng giáo lý của Ngài không phải “để khích động trái tim loài người tức giận, để người này chống lại với người kia, mà giáo lý của [Ngài] là những việc như vậy phải được hủy bỏ.” 11 Nếu tôi nhanh chóng bị phật lòng hoặc phản ứng với những quan điểm khác biệt bằng cách trở nên tức giận hoặc phê phán, thì tôi đã “thất bại” trong xét nghiệm gắng sức về phần thuộc linh. Xét nghiệm thất bại này không có nghĩa là tôi vô vọng. Thay vào đó, nó chỉ ra rằng tôi cần phải thay đổi. Thật tốt để biết điều đó.

Sau khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến Mỹ Châu, dân chúng đã hiệp một; “không có sự tranh chấp nào xảy ra trong toàn xứ.” 12 Anh chị em có nghĩ rằng dân chúng đã hiệp một vì tất cả mọi người đều giống nhau, hoặc vì họ không có quan điểm khác nhau không? Tôi không nghĩ vậy. Thay vào đó, sự tranh chấp và thù hận biến mất bởi vì họ đặt vai trò môn đồ của họ nơi Đấng Cứu Rỗi lên hết thảy mọi điều khác. Những sự khác biệt của họ lu mờ trước tình yêu thương chung dành cho Đấng Cứu Rỗi, và họ hiệp một với tư cách là “những người thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế.” 13 Kết quả là “chẳng có một dân tộc nào … do bàn tay Thượng Đế tạo ra mà được hạnh phúc hơn dân này.” 14

Việc hiệp một đòi hỏi nỗ lực. 15 Nó phát triển khi chúng ta nuôi dưỡng tình yêu thương Thượng Đế trong lòng mình 16 và chúng ta tập trung vào số mệnh vĩnh cửu của mình. 17 Chúng ta được hiệp một bởi nguồn gốc chung, chính yếu là con cái của Thượng Đế 18 và cam kết của chúng ta đối với các lẽ thật của phúc âm phục hồi. Đổi lại, tình yêu thương của chúng ta đối với Thượng Đế và vai trò môn đồ của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta quan tâm chân thành đến người khác. Chúng ta quý trọng sự đa dạng của cá tính, quan điểm, và tài năng của người khác. 19 Nếu chúng ta không thể đặt vai trò môn đồ của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô lên trên những sở thích và quan điểm cá nhân, thì chúng ta nên xem xét lại các ưu tiên của mình và thay đổi.

Chúng ta có thể sẵn lòng nói: “Dĩ nhiên là chúng ta có thể đoàn kết—chỉ cần bạn đồng ý với tôi!” Một cách tốt hơn là hỏi: “Tôi có thể làm gì để thúc đẩy sự đoàn kết? Tôi có thể trả lời như thế nào để giúp người này đến gần Đấng Ky Tô hơn? Tôi có thể làm gì để giảm bớt sự tranh chấp và xây dựng một cộng đồng Giáo Hội đầy lòng trắc ẩn và quan tâm?”

Khi tình yêu thương của Đấng Ky Tô tràn ngập trong cuộc sống của mình, 20 chúng ta sẽ tiếp cận những bất đồng với sự nhu mì, kiên nhẫn, và lòng nhân từ. 21 Chúng ta sẽ bớt lo lắng về sự nhạy cảm của chính mình và quan tâm nhiều hơn nữa về sự nhạy cảm của người lân cận mình. Chúng ta “tìm cách để hòa giải và đoàn kết.” 22 Chúng ta không tham gia vào các cuộc “cãi lẫy về sự nghi ngờ,” phán xét những người bất đồng với chúng ta, hoặc cố gắng làm cho họ vấp ngã. 23 Thay vì thế, hãy cho là những người bất đồng với chúng ta đang cố gắng hết sức có thể với những kinh nghiệm sống mà họ có.

Vợ tôi đã hành nghề luật sư hơn 20 năm. Là một luật sư, vợ tôi thường làm việc với những người ủng hộ các quan điểm đối lập một cách rõ ràng. Nhưng vợ tôi đã học cách phản đối một cách lịch sự hay không tức giận. Vợ tôi có thể nói với luật sư đối lập: “Tôi thấy rằng chúng ta không đồng quan điểm về vấn đề này. Tôi yêu mến bạn. Tôi tôn trọng ý kiến của bạn. Tôi hy vọng bạn cũng có thể lịch sự với tôi như vậy.” Thông thường, điều này mang đến sự tôn trọng lẫn nhau và thậm chí là tình bạn bất chấp những sự khác biệt.

Ngay cả những kẻ thù trước đây cũng có thể hiệp một trong vai trò môn đồ của họ nơi Đấng Cứu Rỗi. 24 Vào năm 2006, tôi tham dự lễ cung hiến Đền Thờ Helsinki Finland để tôn vinh cha và ông bà của tôi là những người đầu tiên cải đạo vào Giáo Hội ở Phần Lan. Những người Phần Lan, kể cả cha tôi, đã mơ ước có một đền thờ ở Phần Lan trong nhiều thập niên. Vào lúc đó, khu vực đền thờ sẽ bao gồm Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, Belarus, và Nga.

Tại buổi lễ cung hiến, tôi đã biết được một điều đáng ngạc nhiên. Ngày đầu tiên hoạt động chung đã được dành ra cho các tín hữu Nga thực hiện các giáo lễ đền thờ. Thật khó để giải thích điều này đáng kinh ngạc như thế nào. Nga và Phần Lan đã xảy ra nhiều cuộc chiến trong hàng thế kỷ. Cha tôi không tin tưởng và không thích không chỉ nước Nga mà tất cả người Nga nữa. Ông đã bày tỏ những cảm xúc đó một cách mạnh mẽ, và cảm xúc của ông là điển hình cho sự thù hận của Phần Lan đối với Nga. Ông đã thuộc lòng các bài thơ sử thi mà đã ghi chép lại cuộc chiến tranh trong thế kỷ 19 giữa người Phần Lan và người Nga. Những kinh nghiệm của ông trong Chiến Tranh Thế giới lần Thứ Hai, khi Phần Lan và Nga lại đối địch nhau, không giúp thay đổi quan điểm của ông.

Một năm trước lễ cung hiến Đền Thờ Helsinki Finland, ủy ban đền thờ, chỉ gồm các tín hữu Phần Lan, đã họp để thảo luận về các kế hoạch cho lễ cung hiến. Trong buổi họp, một người nói rằng Các Thánh Hữu người Nga sẽ đi vài ngày để tham dự lễ cung hiến và có thể hy vọng nhận được các phước lành đền thờ trước khi trở về nhà. Chủ tịch ủy ban, Anh Sven Eklund, đề nghị rằng người Phần Lan có thể đợi lâu hơn một chút, rằng người Nga có thể là các tín hữu đầu tiên thực hiện các giáo lễ đền thờ trong đền thờ. Tất cả các thành viên trong ủy ban đều đồng ý. Những Thánh Hữu Ngày Sau Phần Lan trung tín trì hoãn các phước lành đền thờ của họ để nhường cho Các Thánh Hữu người Nga.

Anh Cả Dennis B. Neuenschwander, Chủ Tịch Giáo Vùng đã có mặt tại buổi họp ủy ban đền thờ đó, về sau đã viết: “Tôi chưa bao giờ hãnh diện về người Phần Lan nhiều như lúc này. Lịch sử khó khăn của Phần Lan với nước láng giềng phía đông … và sự phấn khởi của họ khi cuối cùng có một [đền thờ] được xây dựng trên đất nước của mình đều bị gạt sang một bên. Việc cho phép người Nga bước vào đền thờ trước tiên [là] một lời tuyên bố về tình yêu thương và sự hy sinh.” 25

Khi tôi kể lại hành động tốt đẹp này với cha tôi, tâm hồn ông cảm động và ông khóc, một điều rất hiếm khi xảy ra với người Phần Lan cứng rắn đó. Từ lúc đó cho đến khi qua đời vào ba năm sau, ông không bao giờ bày tỏ một ý nghĩ tiêu cực nào khác về Nước Nga. Được soi dẫn bởi tấm gương của đồng bào Phần Lan, cha tôi đã chọn đặt vai trò môn đồ của ông nơi Chúa Giê Su Ky Tô lên trên tất cả mọi lý do khác. Người Phần Lan vẫn là người Phần Lan; người Nga vẫn là người Nga; không có nhóm người nào phải từ bỏ văn hóa, lịch sử hay kinh nghiệm của họ để xóa đi thù hận. Họ không cần phải làm vậy. Thay vào đó, họ chọn việc làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô là mối quan tâm chính của họ. 26

Nếu họ làm được thì chúng ta cũng làm được. Chúng ta có thể mang di sản, văn hóa và kinh nghiệm của mình đến với Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sa Mu Ên không chối bỏ di sản của mình với tư cách là một người La Man, 27 Mặc Môn cũng không phủ nhận tư cách là người Nê Phi của mình. 28 Mà mỗi người đều đặt vai trò môn đồ của mình nơi Đấng Cứu Rỗi lên trên hết.

Nếu chúng ta không hiệp một, chúng ta không thuộc về Ngài. 29 Lời mời gọi của tôi là hãy can đảm đặt tình yêu thương dành cho Thượng Đế và tư cách môn đồ nơi Đấng Cứu Rỗi lên trên tất cả những lý do khác. 30 Chúng ta hãy giữ vững giao ước vốn có trong tư cách môn đồ của mình—giao ước để hiệp làm một.

Chúng ta hãy noi theo gương của Các Thánh Hữu từ khắp nơi trên thế giới đã thành công trở thành môn đồ của Đấng Ky Tô. Chúng ta có thể trông cậy vào Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài “là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài … phá đổ bức tường ngăn cách, là sự thù nghịch đã phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem [sự hy sinh chuộc tội của] mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ.” 31 Sự làm chứng của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô với thế gian sẽ được củng cố, và chúng ta sẽ vẫn vững chắc về phần thuộc linh. 32 Tôi làm chứng rằng khi chúng ta “tránh sự tranh chấp” và trở nên “đồng tâm với Chúa trong tình yêu thương và hiệp một với Ngài trong đức tin,” sự bình an của Ngài sẽ thuộc về chúng ta. 33 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem “The First Presidency Urges Latter-day Saints to Wear Face Masks When Needed and Get Vaccinated Against COVID-19,” Newsroom, ngày 12 tháng Tám năm 2021, newsroom.ChurchofJesusChrist.org; “Vaccines Explained,” World Health Organization, who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/covid-19-vaccines/explainers; “Safety of COVID-19 Vaccines,” Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Chặn Dịch Bệnh, ngày 27 tháng Chín năm 2021, cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/safety/safety-of-vaccines.html; “COVID-19 Vaccine Effectiveness and Safety,” Morbidity and Mortality Weekly Report, Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Chặn Dịch Bệnh, cdc.gov/mmwr/covid19_vaccine_safety.html.

  2. Chủ Tịch Russell M. Nelson, “Sự Tham Gia của Các Chị Em Phụ Nữ trong Việc Quy Tụ Y Sơ Ra Ên,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 69.

  3. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 81:5.

  4. Nhiều vị sứ đồ và tiên tri đã đề cập đến sự đoàn kết và sự tranh chấp trong những năm qua. Xin xem, ví dụ: Marvin J. Ashton, “No Time for Contention,” Ensign, tháng Năm năm 1978, trang 7–9; Marion G. Romney, “Unity,” Ensign, tháng Năm năm 1983, trang 17–18; Russell M. Nelson, “The Canker of Contention,” Ensign, tháng Năm năm 1989, trang 68–71; Russell M. Nelson, “Children of the Covenant,” Ensign, tháng Năm năm 1995 trang 32–35; Henry B. Eyring, “That We May Be One,” Ensign, tháng Năm năm 1998, trang 66–68; D. Todd Christofferson, “Hãy Đến Với Si Ôn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 37–40; Jeffrey R. Holland, “Chức Vụ Giảng Hòa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 77–79; Quentin L. Cook, “Đồng Tâm trong Sự Ngay Chính và Đoàn Kết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 18–22; Gary E. Stevenson, “Đồng Tâm,” Liahona, Tháng Năm năm 2021, trang 19–23.

  5. 3 Nê Phi 11:28–29.

  6. Xin xem Khải Huyền 7:26, 28, 33. Điều này không gợi ý rằng sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi đang tiếp diễn hoặc Ngài đang tiếp tục chịu đau khổ; Chúa Giê Su Ky Tô đã hoàn tất Sự Chuộc Tội. Tuy nhiên, lòng cảm thông và lòng trắc ẩn vô hạn và hoàn hảo của Ngài mà Ngài đã tuyên bố là kết quả của việc hoàn tất sự hy sinh chuộc tội của Ngài cho phép Ngài cảm thấy thất vọng và buồn bã.

  7. 2 Nê Phi 2:8.

  8. Giăng 13:34, 35.

  9. Thù hận là trạng thái hoặc cảm giác tích cực chống lại ai đó hoặc điều gì đó; nó bao hàm sự thù địch, chống đối, thù oán, độc tài, và sự ghét bỏ hoặc ác ý sâu xa. Là một từ tiếng Hy Lạp được dịch ra như là “thù hận” cũng được dịch là “căm thù.” Nó đối lập với agape, được dịch là “tình yêu thương.” Xin xem James Strong, The New Strong’s Exhaustive Concordance of the Bible (năm2010), phần từ điển tiếng Hy Lạp, số 2189.

  10. Xin xem Giăng 17:21, 23.

  11. 3 Nê Phi 11:30.

  12. 4 Nê Phi 1:18.

  13. 4 Nê Phi 1:17.

  14. 4 Nê Phi 1:16.

  15. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Chúa thích sự nỗ lực”, (trong Joy D. Jones, “Một Sự Kêu Gọi Đặc Biệt Cao Quý,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 16).

  16. Xin xem 4 Nê Phi 1:15. Có những người đã đạt được sự đoàn kết này. Trong thời của Hê Nóc, “Chúa gọi dân Ngài là Si Ôn, vì họ đồng một lòng và một trí, và sống trong sự ngay chính; và không có một người nào nghèo khó trong số họ” (Môi Se 7:18).

  17. Xin xem Mô Si A 18:21.

  18. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 17:29; Thi Thiên 82:6.

  19. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 12:12–27.

  20. Xin xem Mô Rô Ni 7:47–48.

  21. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:30–31.

  22. Xin xem Dallin H. Oaks, “Bảo Vệ Hiến Pháp Được Soi Dẫn từ Thiên Thượng của Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 107.

  23. Xin xem Rô Ma 14:1–3, 13, 21.

  24. Đấng Cứu Rỗi đã phê phán “Các môn đồ của [Ngài], ở thời xưa, [là những người] đã tìm cơ hội chống lẫn nhau và trong lòng không biết tha thứ cho nhau; và vì điều xấu này nên chúng bị đau khổ và bị khiển trách nặng nề. Chúa Giê Su khuyên dạy các môn đồ ngày sau của Ngài: “Vậy nên, ta nói cho các ngươi hay, các ngươi phải biết tha thứ cho nhau” (Giáo Lý và Giao Ước 64:8–9).

  25. Anh Cả Dennis B. Neuenschwander, trao đổi riêng.

  26. Trong một cách thức điển hình của Phần Lan, khi Anh Cả Eklund thảo luận về quyết định này, anh ấy nói nó chỉ đơn giản là hợp lý. Thay vì khen ngợi sự hào hiệp của người Phần Lan, ông bày tỏ lòng biết ơn đối với người Nga. Người Phần Lan biết ơn về sự đóng góp đáng kể của người Nga cho công việc đang được thực hiện trong Đền Thờ Helsinki Finland. (Sven Eklund, trao đổi riêng.)

  27. Xin xem Hê La Man 13:2, 5.

  28. Xin xem 3 Nê Phi 5:13, 20.

  29. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 38:27.

  30. Xin xem Lu Ca 14:25–33.

  31. Ê Phê Sô 2:14–15.

  32. Xin xem Ê Phê Sô 2:19.

  33. Xin xem Russell M. Nelson, “The Canker of Contention,” Ensign, tháng Mười Một năm 1989, trang 71.