Đại Hội Trung Ương
Chuẩn Bị cho Sự Tái Lâm của Đấng Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2021


8:52

Chuẩn Bị cho Sự Tái Lâm của Đấng Ky Tô

Hơn bao giờ hết, chúng ta được đòi hỏi phải đối diện với sự thật rằng chúng ta ngày càng gần hơn đến Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Như được ghi lại trong Sách Mặc Môn, sáu năm trước khi Chúa Giê Su Ky Tô giáng sinh, Sa Mu Ên, một người La Man ngay chính, đã tiên tri cho dân tộc Nê Phi mà hầu hết đã bội giáo,1 về các điềm triệu đi kèm với sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi. Đáng thương thay, hầu hết dân Nê Phi đã chối bỏ các điềm triệu đó bởi vì “thật là một điều phi lý khi bảo rằng có một Đấng Ky Tô như thế [sẽ] đến.”2

Tiếc thay, theo những điều ghi lại trong thánh thư, nhiều người Do Thái, cũng giống như vậy, không thể chấp nhận rằng một người tên là Giê Su, từ một tỉnh nhỏ ít người quan tâm gọi là Ga Li Lê, thực sự lại là Đấng Mê Si đã được mong đợi từ lâu.3 Chúa Giê Su, Đấng thực sự đã đến để làm ứng nghiệm nhiều lời tiên tri từ các vị tiên tri Hê Bơ Rơ, đã bị chối bỏ và thậm chí bị đóng đinh bởi vì, như vị tiên tri Gia Cốp trong Sách Mặc Môn đã dạy, dân Do Thái đã “nhìn quá xa điểm nhắm.” Do đó, Gia Cốp đã làm chứng rằng “Thượng Đế đã cất đi sự minh bạch của Ngài khỏi họ, và trao cho họ nhiều điều mà họ không thể hiểu thấu được, vì họ muốn vậy. Và cũng vì họ muốn, nên Thượng Đế đã làm như vậy, để họ vấp ngã.”4

Có vẻ lạ lùng rằng, không có lời giảng dạy nào, không có phép lạ nào, và không có sự hiện đến nào ngay cả của một thiên sứ, như đã được chứng kiến bởi La Man và Lê Mu Ên,5 dường như có đủ sức mạnh để thuyết phục một số người để thay đổi đường lối, quan điểm, hoặc niềm tin rằng một điều gì đó là đúng. Điều này đặc biệt đúng khi những lời giảng dạy hoặc phép lạ không phù hợp với những định kiến, ước muốn, hoặc ý tưởng cá nhân.

Xin hãy dành ra giây lát để đối chiếu hai câu thánh thư sau đây, câu đầu tiên từ Sứ Đồ Phao Lô nói về những ngày sau cùng để miêu tả đường lối của loài người, và câu thứ hai từ tiên tri An Ma để chia sẻ cách thức Thượng Đế thực hiện công việc của Ngài giữa loài ngoài. Đầu tiên là từ Phao Lô:

“Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn.

“Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính,

“Vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành,

“Lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời; …

“Vẫn học luôn mà không hề thông biết lẽ thật được.”6

Và giờ đây từ An Ma, nói lên nguyên tắc căn bản trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô: “Giờ đây con có thể cho rằng đó là điều điên rồ của cha; nhưng này, cha nói cho con hay rằng, chính do những chuyện nhỏ nhặt tầm thường mà những chuyện lớn mới thành được; và trong nhiều trường hợp, chính những phương tiện nhỏ bé làm bối rối kẻ khôn ngoan.”7

Chúng ta sống trong một thế giới hiện đại chứa đầy những kiến thức và năng lực lớn lao. Tuy nhiên, những điều này rất thường xuyên che đậy cho nền móng không vững vàng mà chúng được xây dựng trên đó. Do đó, chúng không dẫn đến lẽ thật thực sự và giúp hướng về Thượng Đế cùng quyền năng để tiếp nhận mặc khải, đạt được hiểu biết thuộc linh, và phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để dẫn đến sự cứu rỗi.8

Chúng ta được nhắc nhở sâu sắc về những lời Chúa phán cùng Thô Ma và các Sứ Đồ khác vào đêm trước sự hy sinh chuộc tội của Ngài: “Vậy Đức Chúa Giê Su đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.”9

Đối với những ai có mắt để nhìn, tai để nghe, và tấm lòng để cảm nhận, hơn bao giờ hết, chúng ta được đòi hỏi phải đối diện với sự thật rằng chúng ta ngày càng gần hơn đến Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Đúng vậy, những thử thách to lớn vẫn chờ đợi dân cư trên thế gian khi Ngài trở lại, nhưng về mặt này, những người trung tín không cần phải sợ hãi.

Giờ đây tôi xin trích dẫn từ tài liệu Các Đề Tài Phúc Âm của Giáo Hội trong mục “Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô”:

“Khi Đấng Cứu Rỗi tái lâm, Ngài sẽ đến trong quyền năng và vinh quang để tuyên phán rằng thế gian là vương quốc của Ngài. Ngày Tái Lâm của Ngài sẽ đánh dấu sự bắt đầu của Thời Kỳ Ngàn Năm.

“Ngày Tái Lâm sẽ là một thời điểm đáng sợ và thê lương cho kẻ tà ác, nhưng đó sẽ là một ngày an bình cho người ngay chính. Chúa đã phán:

“Vì những ai khôn ngoan và đã nhận được lẽ thật, và đã chọn Đức Thánh Linh làm Đấng hướng dẫn của mình, và không bị lừa gạt—thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, những người ấy sẽ không bị đốn đi và ném vào lửa, nhưng sẽ đương nổi ngày ấy.

“Và trái đất này sẽ được ban cho họ để thừa hưởng; và họ sẽ sinh sản thêm nhiều và trở nên hùng mạnh, và con cái của họ sẽ lớn lên mà không phạm tội và sẽ nhận được sự cứu rỗi.

“Vì Chúa sẽ ở giữa họ, và vinh quang của Ngài sẽ ở trên họ, và Ngài sẽ là vua của họ và là Đấng ban hành luật pháp cho họ’ (Giáo Lý và Giao Ước 45:57–59).”10

Khi chúng ta chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi đưa ra một lưu ý quan trọng đầy an ủi cho những người ngay chính từ tiên tri A Mốt trong Kinh Cựu Ước: “Cũng vậy, Chúa Giê Hô Va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các Đấng tiên tri.”11

Trong tinh thần này, vị tiên tri ngày nay của Chúa trên thế gian, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã cho chúng ta lời khuyên dạy đầy soi dẫn gần đây: “Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô phúc âm về sự hối cải. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, phúc âm của Ngài mang đến lời mời gọi phải tiếp tục thay đổi, phát triển và trở nên thanh sạch hơn. Đó là một phúc âm về niềm hy vọng, về sự chữa lành và sự tiến bộ. Do đó, phúc âm là một sứ điệp về niềm vui! Phần thuộc linh của chúng ta vui mừng với mỗi bước tiến nhỏ mà chúng ta thực hiện.”12

Tôi dõng dạc làm chứng và khẳng định về tính xác thực của Thượng Đế và các phép lạ trong cuộc sống hằng ngày của vô số người, trong mọi thăng trầm của cuộc sống. Đúng vậy, nhiều kinh nghiệm thiêng liêng ít khi được nói đến, một phần vì nguồn gốc thiêng liêng của chúng và khả năng có thể bị chế giễu bởi những người không hiểu biết.

Về mặt này, vị tiên tri cuối cùng trong Sách Mặc Môn, Mô Rô Ni, đã nhắc nhở chúng ta:

“Và lại nữa, tôi nói với các người, là những kẻ chối bỏ những sự mặc khải của Thượng Đế và còn bảo rằng những chuyện đó nay đã chấm dứt, không còn mặc khải, không còn các lời tiên tri, không còn các ân tứ hay việc chữa lành bệnh, không còn ân tứ nói nhiều thứ tiếng hay thông dịch các ngôn ngữ nữa;

“Này, tôi nói cho các người hay, kẻ nào chối bỏ những điều này, tức là chẳng biết gì về phúc âm của Đấng Ky Tô; phải, họ không đọc thánh thư bao giờ, và nếu có đọc, thì họ cũng không hiểu được gì.

“Vì chẳng phải chúng ta đã đọc được rằng, Thượng Đế lúc nào cũng vậy, hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi về sau, và nơi Ngài chẳng có gì biến đổi mà cũng không có bóng dáng của sự đổi thay nào hay sao?”13

Tôi kết thúc bài nói chuyện của mình với một lời tiên tri đầy soi dẫn từ Tiên Tri Joseph Smith, được đưa ra vào gần cuối giáo vụ của ông khi ông trông đợi Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô: “Lẽ nào chúng ta không tiếp tục chính nghĩa cao quý như vậy? Hãy tiến bước lên, chớ lùi bước. Hãy can đảm lên, hỡi các anh [chị] em; hãy tiến bước mãi cho đến khi chiến thắng! Hãy để cho tâm hồn mình được hân hoan và hết sức vui vẻ.”14 Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.