Sự Bình An Cá Nhân trong Những Thời Kỳ Thử Thách
Chưa bao giờ việc tìm kiếm sự bình an cá nhân lại quan trọng đến thế.
Gần đây, tôi được chỉ định để làm lễ cung hiến một phần của thành phố Nauvoo lịch sử. Là một phần của sự chỉ định, tôi đã đến thăm Ngục Thất Liberty ở Missouri. Khi tham quan ngục thất, tôi suy tưởng về những sự kiện mà đã khiến nó trở thành một phần quan trọng trong lịch sử Giáo Hội. Cuộc sống của các Thánh Hữu đã bị đe dọa vì lệnh tiêu diệt do thống đốc tiểu bang Missouri ban hành. Thêm vào đó, Tiên Tri Joseph và một số cộng sự trung thành nhất đã bị giam cầm một cách bất công ở Ngục Thất Liberty. Một trong những lý do của sự phản đối đầy bạo lực với các tín hữu của chúng ta là vì đa số họ chống đối việc chiếm hữu nô lệ. 1 Sự ngược đãi dữ dội này lên Joseph Smith và những người đi theo ông là một ví dụ cực đoan về việc thực hành quyền tự quyết một cách bất chính mà có thể tác động lên những người ngay chính. Khoảng thời gian Joseph ở trong Ngục Thất Liberty cho thấy rằng nghịch cảnh không phải là bằng chứng về việc Thượng Đế ghét bỏ hay rút lại các phước lành của Ngài.
Tôi đã vô cùng xúc động khi đọc những lời Tiên Tri Joseph Smith thốt lên khi bị giam cầm trong Ngục Thất Liberty: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu? Và đâu là lều bao phủ chốn ẩn náu của Ngài?” 2 Joseph đã cầu vấn xem dân của Chúa còn phải “chịu đựng sự áp bức sai trái và bất hợp pháp này bao lâu nữa.” 3
Khi đứng trong Ngục Thất Liberty, tôi đã vô cùng xúc động khi đọc lời đáp ứng của Chúa: “Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn ngươi; nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi; và rồi, nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao.” 4 Rõ ràng là sự tương phản có thể tôi luyện chúng ta cho một số mệnh vĩnh cửu, thiên thượng. 5
Những lời quý báu của Đấng Cứu Rỗi, “Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn ngươi,” 6 có ý nghĩa đặc biệt mạnh mẽ đối với tôi và có tầm quan trọng lớn lao trong thời kỳ của chúng ta. Chúng nhắc nhở tôi về những lời Ngài giảng dạy cho các môn đồ trong giáo vụ trần thế của Ngài.
Trước khi chịu đau khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá, Ngài truyền lệnh cho các Sứ Đồ phải “yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi” 7 và sau đó an ủi họ với những lời này: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.” 8
Một trong những tôn danh được trân quý nhất của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, là “Hoàng Tử Bình An.” 9 Cuối cùng, vương quốc của Ngài sẽ được thiết lập cùng với sự bình an và tình yêu thương. 10 Chúng ta trông chờ sự cai trị nghìn năm của Đấng Mê Si.
Bất kể viễn cảnh về sự cai trị nghìn năm, chúng ta biết rằng sự bình an và hòa hợp thế giới không tồn tại trong thời kỳ của chúng ta. 11 Trong đời mình, tôi chưa từng thấy sự lễ độ lại thiếu thốn đến như thế. Chúng ta đang bị tấn công dữ dội bởi ngôn từ đầy tức giận và gây tranh chấp, cùng những hành động gây hấn, tàn phá mà hủy diệt sự bình an và thanh bình.
Sự bình an trên thế giới không được cam đoan hay đảm bảo cho đến Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Đấng Cứu Rỗi đã chỉ dẫn Các Sứ Đồ của Ngài rằng sứ mệnh trần thế của Ngài sẽ không đạt đến sự bình an chung. Ngài dạy rằng: “Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian.” 12 Sự bình an chung không phải là một phần trong sứ mệnh trần thế đầu tiên của Đấng Cứu Rỗi. Sự bình an chung không tồn tại ngày nay.
Tuy nhiên, sự bình an cá nhân có thể đạt được bất chấp sự tức giận, tranh chấp, và chia rẽ mà tàn phá và làm đồi bại thế giới của chúng ta ngày nay. Chưa bao giờ việc tìm kiếm sự bình an cá nhân lại quan trọng đến thế. Một bài thánh ca mới, rất hay và được yêu thích, do Anh Nik Day viết cho giới trẻ ngày nay, mang tựa đề “Ta Vững Tâm nhờ Ngài” khẳng định: “Khi không có nơi yên bình, ta vững tâm nhờ Ngài.” 13 Chúng ta được phước có bài thánh ca này ngay trước thềm đại dịch COVID-19 toàn cầu.
Bài thánh ca này phản ánh theo một cách thức đẹp đẽ khát vọng về sự bình an và nhấn mạnh một cách hợp lý rằng sự bình an phải được dựa trên cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô. Chủ Tịch Joseph F. Smith đã tuyên bố: “Thế gian sẽ không bao giờ có thể có hòa bình và tình yêu thương … cho đến khi nhân loại nhận được lẽ thật và sứ điệp của Thượng Đế … và thừa nhận quyền năng và thẩm quyền của Ngài là thiêng liêng.” 14
Tuy chúng ta sẽ không bao giờ lùi bước trước những nỗ lực để đạt đến sự bình an chung nhưng chúng ta đã được đảm bảo rằng chúng ta có thể có sự bình an cá nhân, như Đấng Ky Tô giảng dạy. Nguyên tắc này được vạch ra trong sách Giáo Lý và Giao Ước: “Nhưng phải biết rằng kẻ nào làm những việc làm ngay chính thì sẽ nhận được phần thưởng của mình, đó là sự bình an trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau.” 15
Một số những “việc làm ngay chính” nào sẽ giúp chúng ta giải quyết tranh chấp và giảm thiểu những bất hòa cùng tìm kiếm sự bình an trong thế gian này? Tất cả những lời giảng dạy của Đấng Ky Tô sẽ giúp đỡ chúng ta. Tôi sẽ đề cập đến một số lời giảng dạy mà tôi tin là đặc biệt quan trọng.
Thứ Nhất: Yêu Mến Thượng Đế, Sống Theo Các Lệnh Truyền của Ngài, và Tha Thứ cho Mọi Người
Chủ Tịch George Albert Smith trở thành Chủ Tịch của Giáo Hội vào năm 1945. Ông được biết đến trong những năm làm một Vị Sứ Đồ là một vị lãnh đạo yêu hòa bình. Trong 15 năm trước khi ông trở thành Chủ Tịch, những thách thức và thử thách của một cuộc khủng hoảng toàn cầu nặng nề, nối tiếp bằng sự chết chóc và tàn phá của Thế Chiến Thứ Hai, là một thời gian hoàn toàn chẳng có sự bình an.
Khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, trong đại hội trung ương đầu tiên với tư cách là Chủ Tịch vào tháng Mười năm 1945, Chủ Tịch Smith đã nhắc nhở các Thánh Hữu về lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi phải yêu thương người lân cận và tha thứ cho kẻ thù mình và sau đó dạy: “Đó là tinh thần tất cả các Thánh Hữu Ngày Sau nên tìm kiếm để sở hữu nếu họ hy vọng một ngày nào đó được đứng trong sự hiện diện của Ngài và nhận từ tay Ngài một sự chào đón trở về nhà đầy vinh quang.” 16
Thứ Hai: Tìm Kiếm Trái của Thánh Linh
Trong Thư gửi dân Ga La Ti, Sứ Đồ Phao Lô đã chỉ ra sự khác biệt giữa những việc làm ngay chính mà giúp chúng ta hội đủ điều kiện để thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế và những việc làm mà có thể, nếu không có sự hối cải, sẽ tước đi tư cách của chúng ta. Trong số những việc làm mà giúp chúng ta hội đủ điều kiện là các trái của Thánh Linh: “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, nhu mì, [và] tiết độ.” 17 Phao Lô cũng bao gồm cả việc mang lấy gánh nặng cho nhau và chớ mệt nhọc về sự làm lành. 18 Trong những việc làm mà không ngay chính, ông bao gồm thù oán, buồn giận, và bất hòa. 19
Một trong những bài học mạnh mẽ nhất trong thời kỳ Kinh Cựu Ước có liên quan đến Tổ Phụ Áp Ra Ham. Áp Ra Ham và Lót, cháu ông, đều giàu có nhưng lại thấy họ không thể ở chung với nhau. Để loại bỏ bất hòa, Áp Ra Ham đã cho Lót chọn vùng đất ông muốn. Lót chọn cánh đồng bên sông Giô Đanh, là vùng đất vừa có nước chảy tưới lại vừa đẹp đẽ. Áp Ra Ham lấy lùm cây dẻ bộp ít phì nhiêu hơn tại Mam Rê. Thánh thư viết rằng Áp Ra Ham sau đó đã dời trại mình và lập “một bàn thờ cho Đức Giê Hô Va.” 20 Mặt khác, Lót “dời trại mình đến Sô Đôm.” 21 Để có những mối quan hệ bình an, bài học rất rõ ràng: chúng ta nên sẵn lòng thỏa hiệp và loại bỏ cãi lẫy đối với những việc không liên quan đến sự ngay chính. Như Vua Bên Gia Min đã dạy: “Các người sẽ không còn ý tưởng làm hại nhau nữa, mà sẽ sống an lành.” 22 Nhưng với hành vi liên quan đến sự ngay chính và những mệnh lệnh về giáo lý, chúng ta cần phải vững chắc và bền bỉ.
Nếu chúng ta muốn có được sự bình an mà là phần thưởng của những việc làm ngay chính, chúng ta sẽ không dời trại mình đến thế gian. Chúng ta sẽ dời trại mình đến đền thờ.
Thứ Ba: Thực Hành Quyền Tự Quyết để Chọn Sự Ngay Chính
Sự bình an và quyền tự quyết có quan hệ mật thiết như là những yếu tố cần thiết của kế hoạch cứu rỗi. Như được mô tả trong bài Các Đề Tài Phúc Âm về “Quyền Tự Quyết và Trách Nhiệm Giải Trình,” “Quyền tự quyết là khả năng và đặc quyền Thượng Đế ban cho chúng ta để chọn và hành động cho chúng ta.” 23 Vì thế, quyền tự quyết là phần quan trọng nhất trong sự phát triển và kinh nghiệm cá nhân mà ban phước cho chúng ta khi chúng ta noi theo Đấng Cứu Rỗi. 24
Quyền tự quyết là một vấn đề chính yếu tại Hội Đồng Thiên Thượng trong tiền dương thế và trong sự xung đột giữa những người chọn noi theo Đấng Ky Tô và những người đi theo Sa Tan. 25 Việc trút bỏ tính kiêu ngạo và sự kiểm soát và chọn Đấng Cứu Rỗi sẽ cho phép chúng ta có được ánh sáng và sự bình an của Ngài. Nhưng sự bình an cá nhân sẽ bị thử thách khi người ta thực hành quyền tự quyết theo những cách có hại và gây tổn thương.
Tôi tự tin rằng sự đảm bảo đầy bình an mà chúng ta cảm thấy trong lòng được củng cố bởi sự hiểu biết chúng ta có về điều Đấng Cứu Rỗi của thế gian hoàn thành thay cho chúng ta. Điều này được chỉ ra một cách tuyệt vời trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: “Khi chúng ta trông cậy vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài có thể giúp chúng ta chịu đựng những thử thách, bệnh tật, và đau đớn của chúng ta. Chúng ta có thể được chan hòa niềm vui, sự bình an, và an ủi. Tất cả những gì bất công trong cuộc sống đều có thể được làm cho ngay đúng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.” 26
Thứ Tư: Xây Dựng Si Ôn trong Tấm Lòng và trong Nhà của Chúng Ta
Chúng ta là con cái của Thượng Đế và phần tử của gia đình Ngài. Chúng ta cũng là phần tử của gia đình mà chúng ta được sinh ra. Thể chế gia đình là nền tảng cho cả niềm hạnh phúc lẫn sự bình an. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giảng dạy chúng ta—và chúng ta đã học được trong suốt đại dịch này—rằng lối thực hành tôn giáo được Giáo Hội hỗ trợ và đặt trọng tâm vào mái gia đình có thể “phát động sức mạnh của các gia đình … để biến ngôi nhà của [chúng ta] thành [những] nơi trú ẩn của đức tin.” 27 Nếu có được lối thực hành tôn giáo này trong nhà mình thì chúng ta cũng sẽ có được sự bình an của Đấng Cứu Rỗi. 28 Chúng tôi biết rằng nhiều anh chị em không có các phước lành của một gia đình ngay chính và phải thường xuyên đấu tranh với những người chọn sự không ngay chính. Đấng Cứu Rỗi có thể cung cấp sự bảo vệ và bình an để hướng dẫn anh chị em cuối cùng đạt đến sự an toàn và nơi trú ẩn khỏi những cơn bão táp cuộc đời.
Tôi đảm bảo với anh chị em rằng niềm vui, tình yêu thương, và sự trọn vẹn cảm nhận được trong một gia đình ngay chính và đầy yêu thương mang đến cả sự bình an lẫn niềm hạnh phúc. Tình yêu thương và sự nhân từ là trọng tâm của việc có được Si Ôn trong tấm lòng và trong nhà chúng ta. 29
Thứ Năm: Tuân Theo Những Sự Khuyên Bảo Hiện Tại của Vị Tiên Tri Chúng Ta
Sự bình an của chúng ta được gia tăng đáng kể khi chúng ta noi theo vị tiên tri của Chúa, Chủ Tịch Russell M. Nelson. Chúng ta sẽ sớm có cơ hội được nghe từ ông. Ông đã được chuẩn bị từ lúc sáng thế cho sự kêu gọi này. Sự chuẩn bị cá nhân của ông quả thật rất phi thường. 30
Ông đã giảng dạy chúng ta rằng chúng ta có thể “cảm thấy sự bình an và niềm vui lâu dài, ngay cả trong những thời kỳ hỗn loạn,” trong khi cố gắng trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô hơn. 31 Ông đã khuyên bảo chúng ta hãy “hối cải hằng ngày” để tiếp nhận “quyền năng thanh tẩy, chữa lành và củng cố của Chúa.” 32 Tôi là một nhân chứng riêng rằng vị tiên tri yêu dấu của chúng ta đã tiếp nhận và tiếp tục tiếp nhận sự mặc khải từ thiên thượng.
Tuy chúng ta tôn vinh và tán trợ ông với tư cách là vị tiên tri của mình nhưng chúng ta thờ phượng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta được Đức Thánh Linh phục sự.
Tôi làm chứng và đưa ra lời chứng cá nhân của tôi với tư cách là một Sứ Đồ rằng Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của thế gian, dẫn dắt và hướng dẫn Giáo Hội phục hồi của Ngài. Cuộc đời và sứ vụ chuộc tội của Ngài là nguồn gốc đích thực của sự bình an. Ngài là Hoàng Tử Bình An. Tôi đưa ra lời chứng chắc chắn và trang nghiêm của mình rằng Ngài hằng sống. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.