Đại Hội Trung Ương
Ngôi Nhà Có Tuần Tự
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2021


9:49

Ngôi Nhà Có Tuần Tự

“Sự tuần tự” là một phương thức đơn giản, tự nhiên, và hiệu quả để Chúa phán dạy chúng ta, các con cái của Ngài, những nguyên tắc quan trọng.

Trong nghề nghiệp và trong sự phục vụ của mình trong Giáo Hội, tôi đã làm điều này cả ngàn lần—nhưng chưa bao giờ trước 15 người đàn ông đang ngồi ngay sau lưng tôi. Tôi cảm nhận được lời cầu nguyện của anh chị em và của họ.

Thưa các anh chị em, tôi là người bản xứ từ Vương Quốc Tonga ở Nam Thái Bình Dương nhưng lớn lên ở Bắc Mỹ. Cơn đại dịch đã khiến hàng trăm, có lẽ hàng ngàn người truyền giáo trẻ từ Tonga phục vụ trên khắp thế giới đã không thể trở về quê hương yêu dấu của họ bởi vì biên giới đóng cửa. Một số anh cả từ Tonga đã phục vụ truyền giáo trong ba năm và một số chị truyền giáo đã phục vụ hơn hai năm! Họ chờ đợi kiên nhẫn với đức tin, là điều mà dân tôi thường được biết đến. Trong khi đó, đừng quá lo lắng nếu một số người trong bọn họ đang phục vụ trong tiểu giáo khu và giáo khu của anh chị em ngày càng trông giống tôi—già nua và bạc tóc. Chúng tôi biết ơn những người truyền giáo khắp nơi vì sự phục vụ tận tâm của họ, ngay cả khi thời gian phục vụ dài hoặc ngắn hơn dự định do cơn đại dịch.

Một ngày Chủ Nhật nọ khi còn là một thầy trợ tế, tôi đang cầm một khay nước để chuyền Tiệc Thánh ở ngoài sảnh chờ khi một chị phụ nữ vừa bước vào tòa nhà. Theo bổn phận, tôi bước đến và đưa khay nước cho chị ấy. Chị ấy gật đầu, mỉm cười, và lấy một ly nước. Chị ấy đã đến quá trễ để được dự phần bánh. Không lâu sau kinh nghiệm này, thầy giảng tại gia của tôi, Ned Brimley, đã dạy tôi rằng nhiều khía cạnh và phước lành của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô được ban cho chúng ta theo tuần tự.

Sau đó trong tuần, Ned và người bạn đồng hành của anh ấy đã đến nhà chúng tôi để chia sẻ một bài học đáng nhớ. Ned đã nhắc nhở chúng tôi rằng Thượng Đế đã sáng tạo thế gian theo trình tự. Chúa đã rất cẩn thận khi giải thích cho Môi Se về trình tự mà Ngài sáng tạo thế gian. Đầu tiên, Ngài bắt đầu bằng cách phân chia ánh sáng ra khỏi bóng tối, sau đó phân chia mặt nước ra khỏi đất liền. Ngài đã thêm vào đời sống thực vật và động vật trước khi giới thiệu thế gian mới tạo dựng này cho tạo vật vĩ đại nhất của Ngài: loài người, bắt đầu với A Đam và Ê Va.

“Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. …

“Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành” (Sáng Thế Ký 1:27, 31).

Chúa đã rất hài lòng. Và Ngài nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy.

Sự tuần tự mà qua đó thế gian được tạo dựng cho chúng ta không chỉ cái nhìn sơ lược về điều quan trọng nhất đối với Thượng Đế, mà còn cho biết lý do tại sao và vì ai mà Ngài đã sáng tạo thế gian.

Ned Brimley và gia đình

Ned Brimley nhấn mạnh bài học đầy soi dẫn của anh ấy bằng một câu đơn giản: “Vai, nhà của Thượng Đế là ngôi nhà có trật tự. Ngài trông đợi em sống một cuộc sống có trật tự. Theo đúng trình tự. Ngài muốn em phục vụ truyền giáo trước khi kết hôn.” Về điểm này, các vị lãnh đạo trong Giáo Hội hiện đang dạy rằng “Chúa kỳ vọng mỗi thanh niên có năng lực nên chuẩn bị phục vụ. … Các thiếu nữ … mong muốn phục vụ cũng nên chuẩn bị” (Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, mục 24.0, ChurchofJesusChrist.org). Anh Brimley nói tiếp: “Thượng Đế muốn em phải kết hôn trước khi có con cái. Và Ngài muốn em tiếp tục phát triển tài năng của mình khi được học hành.” Nếu chọn sống cuộc sống của mình không theo trình tự, anh chị em sẽ cảm thấy cuộc sống khó khăn và xáo trộn hơn.

Anh Brimley cũng dạy chúng tôi rằng qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta phục hồi trật tự trong cuộc sống của mình mà trước đó đã bị xáo trộn hoặc sai trình tự vì những lựa chọn sai lầm của người khác hoặc của chính chúng ta.

Từ đó trở đi, tôi đã có niềm đam mê đối với “sự tuần tự.” Tôi phát triển thói quen tìm kiếm các mẫu mực có tuần tự trong cuộc sống và trong phúc âm.

Anh Cả David A. Bednar đã dạy nguyên tắc này: “Khi chúng ta nghiên cứu, học hỏi, và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, trình tự của những sự việc thường là để chỉ dạy. Ví dụ, hãy suy xét các bài học chúng ta học về những ưu tiên thuộc linh từ thứ tự của những sự kiện trọng đại đã xảy ra khi phúc âm trọn vẹn của Đấng Cứu Rỗi được phục hồi trong những ngày sau này.”

Anh Cả Bednar liệt kê ra Khải Tượng Đầu Tiên và việc Mô Rô Ni lần đầu tiên hiện đến với Joseph Smith để dạy người thiếu niên tiên tri, trước tiên về bản chất và thiên tính của Thượng Đế, sau đó là về vai trò của Sách Mặc Môn và Ê Li trong việc quy tụ Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che trong gian kỳ cuối cùng này.

Anh Cả Bednar kết luận: “Trình tự đầy cảm ứng này là để chỉ dạy về những vấn đề thuộc linh ưu tiên cao nhất đối với Thượng Đế.” (“Lòng Con Cái Sẽ Trở Lại,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 24).

Tôi đã nhận thấy rằng “sự tuần tự” là một phương thức đơn giản, tự nhiên, và hiệu quả để Chúa phán dạy chúng ta, các con cái của Ngài, những nguyên tắc quan trọng.

Chúng ta đến thế gian để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm mà đáng lẽ ra chúng ta đã không thể có được. Sự phát triển của mỗi cá nhân trong chúng ta là độc nhất vô nhị và là một thành phần thiết yếu trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Sự phát triển về mặt thể xác và thuộc linh của chúng ta bắt đầu theo từng giai đoạn và phát triển từ từ trong khi chúng ta đạt được kinh nghiệm theo tuần tự.

An Ma đã đưa ra một bài giảng hùng hồn về đức tin—sử dụng phép so sánh với một hạt giống mà, nếu được chăm sóc và nuôi dưỡng đúng cách, sẽ nảy mầm từ một cây con thành một cây trưởng thành, phát triển đầy đủ và sinh ra trái ngon (xin xem An Ma 32:28–43). Bài học ở đây là đức tin của anh chị em sẽ gia tăng khi anh chị em nhường chỗ và nuôi dưỡng hạt giống—hay là lời của Thượng Đế—trong lòng mình. Đức tin của anh chị em sẽ gia tăng khi lời của Thượng Đế bắt đầu “nảy nở trong lồng ngực [mình]” (câu 28). Việc hạt giống ấy “nở ra, nẩy mầm và bắt đầu mọc” (câu 30) vừa mang tính hình tượng lẫn tính hướng dẫn. Việc ấy cũng theo tuần tự.

Chúa phán dạy từng người trong chúng ta tùy theo khả năng và cách thức mà chúng ta học hỏi. Sự phát triển của chúng ta phụ thuộc vào sự sẵn lòng, sự tò mò tự nhiên, mức độ đức tin, và sự hiểu biết của mình.

Nê Phi đã được dạy điều mà Joseph Smith học được ở Kirtland, Ohio, hơn 2.300 năm sau: “Vì này, Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ ban cho con cái loài người từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít; và phước thay cho những ai biết nghe những lời giáo huấn của ta, và để tai nghe lời khuyên răn của ta, vì những kẻ đó sẽ học được sự khôn ngoan” (2 Nê Phi 28:30).

Việc chúng ta học “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít” một lần nữa cũng là theo tuần tự.

Hãy cân nhắc những câu nói sau đây mà chúng ta thường nghe nhiều nhất trong cuộc sống: “Điều gì trước làm trước” hoặc “Cho uống sữa trước khi ăn thịt.” Còn việc “Chúng ta phải biết đi trước khi biết chạy” thì sao? Mỗi câu châm ngôn này đều mô tả một điều gì đó theo tuần tự.

Các phép lạ cũng hoạt động theo tuần tự. Các phép lạ xảy ra khi trước tiên chúng ta thực hành đức tin. Đức tin đi trước phép lạ.

Các em thiếu niên cũng được sắc phong vào các chức phẩm của Chức Tư Tế A Rôn theo tuần tự, tùy theo tuổi tác của người được sắc phong: thầy trợ tế, thầy giảng, và sau đó là thầy tư tế.

Các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao cũng có tính chất tuần tự. Chúng ta chịu phép báp têm trước khi tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh. Các giáo lễ đền thờ cũng theo tuần tự như vậy. Tất nhiên, như người bạn Ned Brimley của tôi đã dạy tôi một cách khôn ngoan, lễ Tiệc Thánh cũng có tuần tự—bắt đầu với bánh, và theo sau đó là nước.

“Khi đương ăn, Đức Chúa Giê Su lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta.

“Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy uống đi;

“Vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Ma Thi Ơ 26:26–28).

Ở Giê Ru Sa Lem và ở Châu Mỹ, Đấng Cứu Rỗi đã cử hành Tiệc Thánh theo cùng trình tự đó.

“Này, nhà của ta là một ngôi nhà có trật tự, lời Đức Chúa Trời phán, và không phải là một ngôi nhà lộn xộn” (Giáo Lý và Giao Ước 132:8).

Sự hối cải cũng có tuần tự. Nó bắt đầu với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thậm chí chỉ là một chút ít. Đức tin đòi hỏi lòng khiêm nhường, là một yếu tố cần thiết để có được một “tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” (2 Nê Phi 2:7).

Thật vậy, bốn nguyên tắc đầu tiên trong phúc âm đều theo tuần tự. “Chúng tôi tin rằng những nguyên tắc và giáo lễ đầu tiên của Phúc Âm là: thứ nhất, Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky tô; thứ nhì, Sự Hối Cải; thứ ba, Phép Báp Têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi; thứ tư, Phép Đặt Tay để tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh” (Những Tín Điều 1:4).

Vua Bên Gia Min đã giảng dạy dân ông lẽ thật quan trọng này: “Và hãy chú tâm làm tất cả những việc ấy một cách sáng suốt và có trật tự; vì không bắt buộc con người phải chạy mau hơn sức mình có thể chạy được. Và lại nữa, con người cần phải chuyên tâm, để nhờ đó mà họ có thể chiếm được phần thưởng; vậy nên, mọi việc cần phải được thi hành một cách trật tự” (Mô Si A 4:27).

Mong sao chúng ta sống cuộc sống của mình theo trật tự và cố gắng noi theo tuần tự mà Chúa đã vạch ra cho chúng ta. Chúng ta sẽ được ban phước khi tìm kiếm và noi theo các mẫu mực và tuần tự mà trong đó Chúa đã phán dạy về điều quan trọng nhất đối với Ngài. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.