Trở Nên Tốt Hơn trong Đấng Ky Tô: Truyện Ngụ Ngôn về Đường Dốc
Trong kỳ định của Chúa, điều quan trọng nhất không phải là nơi chúng ta bắt đầu, mà là nơi chúng ta đang hướng tới.
Lúc còn nhỏ, tôi có rất nhiều khát vọng. Một ngày nọ sau khi đi học về, tôi hỏi: “Mẹ ơi, khi lớn lên con nên làm nghề gì: một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp hay là một ngôi sao nhạc rock?” Tiếc thay, kỳ đồng “Clark sún răng” không cho thấy dấu hiệu tài năng nào về tương lai trong lĩnh vực thể thao hay âm nhạc. Và dù đã cố gắng rất nhiều, tôi đã nhiều lần bị từ chối được nhận vào chương trình học nâng cao ở trường. Cuối cùng thầy cô giáo của tôi gợi ý là tôi cứ nên theo học các lớp học cơ bản. Qua thời gian, tôi đã phát triển những thói quen học tập để bù lại. Mãi cho đến sau khi phục vụ truyền giáo ở Nhật Bản, tôi mới cảm thấy rằng khả năng của tôi về trí tuệ và thuộc linh bắt đầu xuất hiện. Tôi tiếp tục học hành chăm chỉ. Nhưng lần đầu tiên trong đời, tôi đã để Chúa tham gia vào việc phát triển của bản thân tôi một cách có hệ thống, và điều đó đã hoàn toàn tạo ra sự khác biệt.
Thưa anh chị em, trong Giáo Hội này, chúng ta tin vào tiềm năng thiêng liêng của tất cả con cái Thượng Đế và vào khả năng của chúng ta để trở nên tốt hơn trong Đấng Ky Tô. Trong kỳ định của Chúa, điều quan trọng nhất không phải là nơi chúng ta bắt đầu, mà là nơi chúng ta đang hướng tới. 1
Để minh họa nguyên tắc này, tôi sẽ đưa ra một bài toán đơn giản. Giờ đây, xin đừng hoảng hốt khi nghe nói đến toán học trong đại hội trung ương. Các giáo sư khoa toán của chúng tôi ở trường đại học BYU-Idaho bảo đảm với tôi rằng ngay cả người mới học cũng sẽ nắm bắt được khái niệm chính này. Bài toán bắt đầu với công thức cho một đường thẳng. Cho mục đích của chúng ta, tung độ gốc là điểm bắt đầu của đường thẳng. Tung độ gốc có thể cao hoặc thấp ở điểm bắt đầu trên đồ thị. Sau đó hệ số góc có thể làm cho đường thẳng đi lên hoặc đi xuống.
Chúng ta đều có những tung độ gốc khác nhau trong cuộc đời—chúng ta bắt đầu ở những vị thế khác nhau với môi trường sinh trưởng khác nhau. Một số người sinh ra với tung độ gốc cao, đầy dẫy cơ hội. Những người khác trải qua những hoàn cảnh khởi đầu đầy khó khăn và dường như bất công. 2 Rồi chúng ta tiến triển dọc theo đường dốc của sự tiến triển cá nhân. Tương lai của chúng ta sẽ được xác định rất ít bởi điểm bắt đầu và nhiều hơn bởi mức độ tiến triển của chúng ta. Chúa Giê Su Ky Tô nhìn thấy tiềm năng thiêng liêng bất kể chúng ta bắt đầu ở đâu. Ngài nhìn thấy điều đó ở người ăn xin, kẻ phạm tội, và người yếu đuối. Ngài nhìn thấy điều đó ở người đánh cá, người thâu thuế, và thậm chí cả người cuồng tín. Bất kể chúng ta bắt đầu ở đâu đi nữa, Đấng Ky Tô đều xem xét những gì chúng ta làm với những gì chúng ta được ban cho. 3 Trong khi thế gian tập trung vào lợi thế khi bắt đầu, Thượng Đế tập trung vào mức độ tiến triển của chúng ta trong cuộc sống. Theo cách tính toán của Chúa, Ngài sẽ làm mọi việc Ngài có thể để giúp chúng ta tiến triển theo mức độ tích cực hướng đến thiên thượng.
Nguyên tắc này sẽ đem niềm an ủi đến cho những người đang gặp khó khăn, và làm cho những người dường như có mọi lợi thế phải ngừng lại suy ngẫm. Cho phép tôi bắt đầu bằng cách tập trung vào những cá nhân có hoàn cảnh khởi đầu khó khăn, kể cả cảnh nghèo khó, ít cơ hội học hành, và tình cảnh gia đình khó khăn. Những người khác đối phó với những khó khăn về thể chất, hạn chế về mặt sức khỏe tâm thần, hoặc khuynh hướng di truyền mạnh. 4 Đối với bất cứ ai đang vất vả với những khởi đầu khó khăn, xin hãy nhận ra rằng Đấng Cứu Rỗi biết những nỗi vất vả của chúng ta. Ngài “[nhận lấy] những sự yếu đuối của [chúng ta] để cho lòng Ngài [có thể] tràn đầy sự thương xót … để Ngài [có thể] … biết được cách giúp đỡ [chúng ta] theo những sự yếu đuối của [chúng ta].” 5
Cho phép tôi chia sẻ hai lĩnh vực để khuyến khích cho những ai đang đối phó với những hoàn cảnh khởi đầu khó khăn. Thứ nhất, tập trung vào mục tiêu anh chị em muốn đạt được chứ không vào quá khứ của mình. Sẽ là sai lầm nếu anh chị em lờ đi hoàn cảnh của mình—chúng là có thật và cần được chú ý. Nhưng việc tập trung quá nhiều vào một khởi đầu khó khăn có thể khiến cho nó quyết định anh chị em và thậm chí còn kiềm chế khả năng lựa chọn của anh chị em. 6
Cách đây nhiều năm, tôi phục vụ cùng với một nhóm giới trẻ ở khu vực gần trung tâm Boston, Massachusetts, mà hầu hết còn mới mẻ đối với phúc âm và những kỳ vọng của Giáo Hội. Thật dễ để khiến cho lòng cảm thông và mối quan tâm của tôi đối với tình cảnh của họ bị lẫn lộn với mong muốn để hạ thấp các tiêu chuẩn của Thượng Đế. 7 Cuối cùng tôi đã nhận ra rằng cách thức hiệu quả nhất để bày tỏ tình yêu thương của tôi là không bao giờ hạ thấp kỳ vọng của mình. Với tất cả những gì tôi biết mình phải làm, chúng tôi đã cùng tập trung vào tiềm năng của họ, và mỗi em trong số đó đã bắt đầu tiến triển theo hướng tích cực. Sự phát triển của các em ấy trong phúc âm đã diễn ra một cách dần dần và đều đặn. Ngày nay, họ đã phục vụ truyền giáo, tốt nghiệp đại học, kết hôn trong đền thờ, và có đời sống cá nhân và nghề nghiệp thật đáng chú ý.
Thứ hai, hãy để Chúa tham gia vào tiến trình của anh chị em để tiến triển theo hướng tích cực. Trong khi phục vụ với tư cách là chủ tịch của chương trình BYU–Pathway Toàn Cầu, tôi nhớ đã ngồi trong một buổi họp đông đảo đặc biệt ở Lima, Peru, trong đó người nói chuyện là Anh Cả Carlos ó khăn tương tự, Anh Cả Godoy đã xúc động nói: Chúa sẽ “giúp đỡ các em nhiều hơn các em có thể tự giúp bản thân mình. [Vậy] hãy để Chúa tham gia trong tiến trình này.” 8 Tiên tri Nê Phi đã dạy rằng “nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm.” 9 Chúng ta cần phải làm hết sức mình, 10 bao gồm cả việc hối cải, nhưng chỉ qua ân điển của Chúa mà chúng ta mới có thể nhận thấy được tiềm năng thiêng liêng của mình. 11
Cuối cùng, cho phép tôi chia sẻ lời khuyên bảo trong hai lĩnh vực cho những ai sinh ra với nhiều lợi thế. Trước hết, chúng ta có thể cho thấy tinh thần khiêm tốn đối với những hoàn cảnh mà mình có thể không tự tạo ra không? Như cựu chủ tịch trường đại học BYU Rex E. Lee đã trích dẫn cho các sinh viên của ông: “Chúng ta đều uống từ giếng nước mà chúng ta đã không đào và sưởi ấm bằng những ngọn lửa chúng ta đã không nhóm lên.” 12 Sau đó, ông đã kêu gọi các sinh viên của mình hãy đền đáp và đổ đầy những cái giếng của hệ thống giáo dục mà những người đi trước đã tạo dựng cho chúng ta. Nếu không tạo cho người khác những cơ hội tương tự mà chúng ta nhận được thì có thể giống như chúng ta trả lại đồng ta lâng mà đã không kiếm được lời gì.
Thứ hai, việc tập trung vào một điểm khởi đầu đầy lợi thế thường có thể khiến chúng ta rơi vào cái bẫy của cảm giác là mình đang tiến triển tốt, nhưng thực ra thì sự tiến triển thuộc linh của chúng ta khá là trì trệ. Giáo sư đại học Harvard Clayton M. Christensen đã dạy rằng phần lớn những người thành đạt nhất đều là người khiêm tốn nhất vì họ có đủ tự tin để chịu bị sửa sai và học hỏi từ mọi người. 13 Anh Cả D. Todd Christofferson khuyên chúng ta hãy “sẵn lòng [tìm cách] chấp nhận và ngay cả tìm kiếm sự sửa đổi.” 14 Thậm chí khi mọi việc có vẻ như suôn sẻ, chúng ta cũng cần phải tìm kiếm cơ hội để cải thiện bằng lời cầu nguyện khẩn thiết.
Dù cho chúng ta có bắt đầu trong những hoàn cảnh dư dật hay khó khăn, thì chúng ta sẽ nhận ra tiềm năng tột bậc của mình chỉ khi chúng ta đồng hành cùng Thượng Đế. Gần đây, tôi có trò chuyện với một nhà giáo dục nổi tiếng trên toàn quốc, là người đã hỏi về sự thành công của chương trình BYU–Pathway. Ông ấy rất thông minh và đã đưa ra câu hỏi chân thành, nhưng rõ ràng là ông ấy muốn một câu trả lời thiết thực. Tôi chia sẻ với ông ấy các chương trình giữ chân sinh viên và những nỗ lực cố vấn của chúng tôi. Nhưng tôi kết thúc bằng cách nói: “Tất cả đều là những phương pháp tốt, nhưng lý do thực sự mà sinh viên của chúng tôi đang tiến bộ là vì chúng tôi dạy cho họ về tiềm năng thiêng liêng của họ. Hãy tưởng tượng nếu suốt cuộc đời mình, bạn được cho biết là bạn sẽ không bao giờ thành công. Rồi hãy xem xét tác động của việc được dạy rằng bạn là một người con trai hoặc con gái thực sự của Thượng Đế với khả năng thiêng liêng.” Ông ta ngừng lại, rồi trả lời ngắn gọn: “Điều đó thật là mạnh mẽ.”
Thưa các anh chị em, một trong các phép lạ của Giáo Hội này, Giáo Hội của Chúa, là mỗi chúng ta đều có thể trở nên thành công hơn bằng cách noi theo Đấng Ky Tô. Tôi biết không có tổ chức nào khác tạo cho các thành viên của nó nhiều cơ hội hơn để phục vụ, đền đáp, hối cải, và trở thành người tốt hơn. Dù có bắt đầu trong những hoàn cảnh dư dật hay khó khăn, thì chúng ta cũng hãy giữ lấy quan điểm của mình và tiến triển hướng tới thiên thượng. Khi chúng ta làm như vậy, Đấng Ky Tô sẽ nâng đỡ chúng ta lên một nơi cao quý hơn. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.