Một Phần Trăm Tốt Hơn
Mỗi nỗ lực để thay đổi—dù là nhỏ nhặt đến dường nào—cũng đều có thể mang lại sự khác biệt lớn lao nhất trong cuộc sống chúng ta.
Trong hơn một thế kỷ, các đội đua xe đạp của vương quốc Anh đã trở thành trò cười của làng đua xe đạp thế giới. Với phong độ sa sút, các tay đua người Anh chỉ dành được một vài huy chương vàng trong 100 năm thi đấu Thế Vận Hội và ngày càng thua kém trong sự kiện đua xe đạp quan trọng nhất, cuộc đua Vòng Quanh Nước Pháp kéo dài 3 tuần—nơi mà chưa tay đua người Anh nào chiến thắng trong 110 năm qua. Đáng thương hại hơn nữa cho hoàn cảnh của các tay đua người Anh là một số công ty sản xuất xe đạp thậm chí đã từ chối bán xe đạp cho họ vì sợ rằng điều đó sẽ mãi mãi làm lu mờ danh tiếng quý báu của các công ty đó. Và mặc dù đã dành nguồn lực khổng lồ vào công nghệ tiên tiến và chế độ tập luyện mới, nhưng không có gì đạt hiệu quả.
Không có gì cho đến năm 2003, khi một sự thay đổi nhỏ hầu như không ai chú ý đến đã xảy ra mà mãi mãi thay đổi làng xe đạp nước Anh. Cách tiếp cận mới đó cũng đồng thời tiết lộ một nguyên tắc vĩnh cửu—với một lời hứa—liên quan đến nhiệm vụ đôi khi phức tạp của chúng ta để cải thiện bản thân mình. Vậy điều gì đã xảy ra trong làng xe đạp nước Anh mà quan trọng đến như vậy đối với mục tiêu cá nhân của chúng ta để trở thành các con trai và con gái tốt hơn của Thượng Đế?
Vào năm 2003, Sir Dave Brailsford đã được thuê. Không giống như các huấn luyện viên trước đây là những người cố gắng xoay chuyển mọi thứ một cách nhanh chóng và kịch tính, thay vào đó Sir Brailsford đã cam kết theo một chiến lược mà ông gọi là “sự tổng hợp các bước tiến nhỏ.” Điều này có nghĩa là thực hiện những cải tiến nhỏ trong mọi thứ. Điều đó có nghĩa là liên tục đo lường, theo dõi các số liệu thống kê chính và tập trung vào những khuyết điểm cụ thể.
Việc này gần giống như điều mà Sa Mu Ên người La Man đã nói là “bước đi một cách thận trọng.” 1 Tầm nhìn bao quát và tổng thể hơn này tránh được cái bẫy của việc thường tập trung quá nhiều vào vấn đề hoặc tội lỗi rõ ràng trước mắt. Brailsford đã nói: “Toàn bộ nguyên tắc này đến từ ý tưởng rằng nếu bạn chia nhỏ mọi thứ mà bạn nghĩ có liên quan đến việc đi xe đạp, và sau đó cải thiện chúng thêm 1 phần trăm, thì bạn sẽ nhận được sự gia tăng đáng kể khi tổng hợp mọi thứ lại.” 2
Cách tiếp cận của ông phù hợp với cách của Chúa, là Đấng đã phán dạy chúng ta về tầm quan trọng của 1 phần trăm—ngay cả khi phải trả giá bằng 99 phần trăm còn lại. Tất nhiên, Ngài giảng dạy về điều bắt buộc trong phúc âm là phải tìm đến những người hoạn nạn. Nhưng điều gì xảy ra nếu chúng ta áp dụng cùng nguyên tắc đó vào nguyên tắc phúc âm thứ nhì, sự hối cải? Thay vì bị lúng túng bởi việc dường như không ngừng phạm lỗi và rồi phải hối cải, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thu hẹp sự tập trung của mình để mang đến những cải thiện to lớn hơn? Thay vì cố gắng hoàn thiện mọi thứ, điều gì xảy ra nếu chúng ta giải quyết chỉ một điều?
Ví dụ, điều gì xảy ra nếu trong góc nhìn mới bao quát hoàn cảnh của mình, anh chị em khám phá rằng mình đã bỏ bê việc đọc Sách Mặc Môn hằng ngày? Thật vậy, thay vì tuyệt vọng đọc hết 531 trang trong một đêm, điều gì xảy ra nếu chúng ta cam kết đọc chỉ 1 phần trăm trong số đó—chỉ năm trang một ngày—hoặc một mục tiêu khác có thể thực hiện được trong hoàn cảnh của anh chị em? Có thể nào việc tổng hợp các bước tiến nhỏ nhưng vững chắc trong cuộc sống chúng ta cuối cùng là cách để chiến thắng ngay cả những thiếu sót nhỏ nhặt nhất của cá nhân? Liệu phương pháp cải thiện nhiều việc nhỏ này có thể thực sự khắc phục những khuyết điểm của chúng ta không?
Tác giả nổi tiếng James Clear đã nói rằng chiến lược này có lợi cho chúng ta về mặt số liệu. Ônh ấy khẳng định rằng: “các thói quen là ‘lãi suất kép đến từ việc tự cải thiện.’ Nếu bạn chỉ cần cải thiện một phần trăm ở một việc gì đó mỗi ngày, thì đến cuối năm … bạn sẽ tốt hơn trước gấp 37 lần.” 3
Những bước tiến nhỏ của Brailsford bắt đầu với những thứ hiển nhiên, chẳng hạn như thiết bị, vải đồng phục, và mô hình tập luyện. Nhưng đội của ông ấy không ngừng ở đó. Họ tiếp tục tìm cách cải thiện 1 phần trăm ở các lĩnh vực bị bỏ qua và ít mong đợi như dinh dưỡng và thậm chí là những phương pháp bảo trì khác nhau. Dần dần, rất nhiều những cải tiến nhỏ này đã tổng hợp lại thành những kết quả tuyệt vời nhanh hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng. Quả thật, họ đã tuân theo nguyên tắc vĩnh cửu “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít.” 4
Những sự điều chỉnh nhỏ nhặt này có mang lại “sự thay đổi lớn lao” 5 mà anh chị em mong muốn không? Tôi chắc chắn đến 99 phần trăm là có nếu chúng được thực hiện đúng cách! Nhưng một điều cần lưu ý trong phương pháp này là để những bước tiến nhỏ có thể tập hợp lại, cần phải có nỗ lực liên tục hằng ngày. Và mặc dù chúng ta có thể sẽ không hoàn hảo, chúng ta phải quyết tâm để có cả sự kiên nhẫn lẫn sự bền bỉ. Khi làm như vậy, thì phần thưởng ngọt ngào của sự ngay chính ngày càng tăng sẽ mang lại cho anh chị em niềm vui và sự bình an mà mình tìm kiếm. Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Không có gì là tự do, cao quý, hoặc quan trọng đối với sự tiến bộ của cá nhân chúng ta hơn là một sự tập trung thường xuyên, hằng ngày vào sự hối cải. Sự hối cải không phải là một sự kiện mà là một tiến trình. Đó là bí quyết để có được hạnh phúc và sự an tâm. Khi được kết hợp với đức tin, sự hối cải cho chúng ta khả năng tiếp cận với quyền năng Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.” 6
Về đức tin, điều kiện tiên quyết của sự hối cải, thánh thư đã viết rõ ràng. Tất cả những gì cần thiết ban đầu chỉ là “một chút ít đức tin.” 7 Và nếu có thể tập hợp những điều nhỏ “bằng một hột cải” 8 , thì chúng ta cũng có thể mong đợi có được những cải thiện bất ngờ trong cuộc sống của mình. Nhưng hãy nhớ rằng, cũng như việc không thể từ Bạo Chúa Attila trở thành Mẹ Teresa chỉ trong một đêm, chúng ta phải định hướng khuôn mẫu cải thiện của mình theo từng bước nhỏ. Ngay cả khi những thay đổi cần thiết trong cuộc sống của anh chị em là rất to lớn, thì hãy bắt đầu với quy mô nhỏ. Điều này đặc biệt đúng nếu anh chị em đang cảm thấy choáng ngợp hoặc nản lòng.
Quá trình này không phải lúc nào cũng thực hiện theo kiểu tuyến tính. Ngay cả trong số những người kiên quyết nhất cũng có thể có những thất bại. Vì đã từng trải qua sự thất vọng này trong chính cuộc sống của mình, nên tôi biết rằng điều đó đôi lúc có thể cảm thấy như tiến lên 1 phần trăm và lùi về 2 phần trăm. Tuy nhiên, nếu chúng ta quyết tâm không nản lòng để liên tục đạt được các bước tiến 1 phần trăm ấy, thì Ngài là Đấng đã “gánh sự buồn bực của chúng ta” 9 chắc chắn sẽ nâng đỡ chúng ta.
Hiển nhiên, nếu chúng ta dính líu đến những tội lỗi trầm trọng, thì Chúa đã rất rõ ràng và dứt khoát; chúng ta phải dừng lại, xin vị giám trợ giúp đỡ, và từ bỏ những việc làm ấy ngay lập tức. Nhưng như Anh Cả David A. Bednar đã hướng dẫn: “Những sự tiến bộ thuộc linh nhỏ, đều đặn, càng ngày càng gia tăng là những bước mà Chúa muốn chúng ta có. Việc chuẩn bị bước đi vô tội trước mặt Thượng Đế là một trong những mục đích chính yếu của cuộc sống trần thế và sự theo đuổi suốt đời chứ không phải là những nỗ lực rời rạc của sinh hoạt thuộc linh mạnh mẽ mà ra.” 10
Vì vậy, cách tiếp cận theo mức độ nhỏ này có thực sự hiệu quả trong việc hối cải và thay đổi thực sự không? Hay nói cách khác, chúng ta có cần thêm bằng chứng không? Hãy xem xét điều đã xảy ra cho làng xe đạp của nước Anh trong hai thập kỷ qua từ khi thực hiện triết lý này. Những tay đua người Anh giờ đây đã vô địch cuộc đua Vòng Quanh Nước Pháp sáu lần. Trong bốn kỳ Thế Vận Hội vừa qua, nước Anh là quốc gia thành công nhất trong tất cả các môn đua xe đạp. Và trong Thế Vận Hội Tokyo vừa kết thúc, Vương Quốc Anh đã giành được nhiều huy chương vàng ở môn đua xe đạp hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Nhưng hơn cả vàng bạc của thế gian, lời hứa quý giá cho chúng ta trên đường đến thời kỳ vĩnh cửu là chúng ta thực sự sẽ “thắng trong Đấng Ky Tô.” 11 Và khi cam kết đưa ra những thay đổi nhỏ nhưng liên tục này, chúng ta được hứa ban cho ”mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo.” 12 Để hưởng được vinh quang ấy, tôi mời anh chị em nhìn lại cuộc sống của mình để thấy điều gì đang trì hoãn hoặc níu chân anh chị em trên con đường giao ước. Sau đó hãy nhìn bao quát hơn. Hãy tìm kiếm những thay đổi khiêm tốn nhưng khả thi trong cuộc sống để dẫn đến niềm vui khi trở nên tốt hơn chỉ một chút.
Hãy nhớ rằng, Đa Vít đã sử dụng chỉ một hòn đá nhỏ để hạ gục một người khổng lồ dường như bất khả chiến bại. Nhưng ông đã có sẵn bốn hòn đá khác. Tương tự như vậy, tính cách tà ác và số mệnh vĩnh cửu của An Ma Con đã được thay đổi bởi một ý nghĩ đơn giản và nổi bật—nhớ lại những lời giảng dạy của cha mình về ân điển cứu rỗi của Chúa Giê Su Ky Tô. Và cũng giống như vậy với Đấng Cứu Rỗi, mặc dù vô tội, “lúc đầu, Ngài không nhận được sự trọn vẹn, nhưng … tiếp tục nhận được từ ân điển này đến ân điển khác, cho đến khi Ngài nhận được sự trọn vẹn.” 13
Ngài là Đấng biết khi nào con chim sẻ rơi xuống đất, là Đấng tập trung vào từng khoảng khắc và giây phút trong cuộc sống chúng ta, và cũng là Đấng luôn sẵn sàng hỗ trợ anh chị em trong bất kỳ nhiệm vụ một phần trăm nào sau đại hội này. Bởi vì mỗi nỗ lực của chúng ta để thay đổi—dù có vẻ nhỏ nhặt đến dường nào—cũng đều có thể mang lại sự khác biệt lớn lao nhất trong cuộc đời anh chị em.
Về điều này, Anh Cả Neal A. Maxwell đã dạy: “Mỗi ước muốn chính đáng, mỗi hành động phục vụ, và mỗi hoạt động thờ phượng, dù nhỏ nhặt đến mức nào, đều tăng thêm động lực thuộc linh của chúng ta.” 14 Thật vậy, chính qua những điều nhỏ bé, giản dị, phải, thậm chí chỉ là 1 phần trăm mà những việc lớn lao mới thành được. 15 Chiến thắng cuối cùng là chắc chắn 100 phần trăm, “sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm,” 16 qua sức mạnh, công lao, và lòng thương xót của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.