Đại Hội Trung Ương
Bằng Quyền Năng của Thượng Đế trong Vinh Quang Vĩ Đại
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2021


13:16

Bằng Quyền Năng của Thượng Đế trong Vinh Quang Vĩ Đại

(1 Nê Phi 14:14)

Chúng ta sẽ được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại khi chúng ta tôn trọng các giao ước của mình.

Tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ soi sáng và gây dựng tất cả chúng ta khi chúng ta cùng nhau suy nghĩ về công việc kỳ diệu của sự cứu rỗi và sự tôn cao trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn.

Lần Viếng Thăm Joseph Smith Đầu Tiên của Mô Rô Ni

Khoảng ba năm sau Khải Tượng Thứ Nhất, vào đêm 21 tháng Chín năm 1823, thiếu niên Joseph Smith đang cầu nguyện để nhận được sự xá miễn các tội lỗi của ông và để biết được về tình trạng và vị thế của ông trước mặt Thượng Đế. 1 Một nhân vật đã hiện đến bên giường, gọi tên Joseph và nói rằng “ông là sứ giả từ chốn hiện diện của Thượng Đế … và tên ông là Mô Rô Ni.” Vị ấy giải thích “rằng Thượng Đế có một công việc giao cho [Joseph] thực hiện” 2 rồi chỉ dẫn ông về sự ra đời của Sách Mặc Môn. Đáng chú ý rằng Sách Mặc Môn là một trong các đề tài đầu tiên được đề cập đến trong sứ điệp của Mô Rô Ni.

Sách Mặc Môn là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô và một công cụ hữu hiệu cho sự cải đạo trong những ngày sau. Mục đích của chúng ta trong việc chia sẻ phúc âm là mời gọi tất cả mọi người đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô, 3 tiếp nhận các phước lành của phúc âm phục hồi, và kiên trì đến cùng qua đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi. 4 Các mục tiêu cơ bản của việc thuyết giảng phúc âm là giúp các cá nhân nhận thấy được sự thay đổi lớn lao trong lòng 5 và tự ràng buộc mình với Chúa qua các giao ước và các giáo lễ thiêng liêng.

Lời giới thiệu của Mô Rô Ni cho Joseph Smith về Sách Mặc Môn đã khởi xướng công việc cứu rỗi và tôn cao cho các cá nhân ở bên này của bức màn che trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn.

Khi tiếp tục chỉ dẫn cho Joseph, Mô Rô Ni đã trích dẫn từ sách Ma La Chi trong Kinh Cựu Ước, được thay đổi chút ít từ lời lẽ được sử dụng trong phiên bản King James:

“Này, nhờ tay tiên tri Ê Li, ta sẽ tiết lộ cho các ngươi Chức Tư Tế trước khi đến ngày trọng đại và khủng khiếp của Chúa.

“… Và ông sẽ gieo vào lòng con cái những lời hứa đã được lập với những người cha, và lòng con cái sẽ trở lại cùng những người cha mình. Bằng không thì cả thế gian này sẽ bị tận diệt khi Ngài đến.” 6

Mục đích của chúng ta trong việc xây cất đền thờ là tạo điều kiện để có sẵn những nơi thánh thiện, là nơi mà các giao ước và các giáo lễ thiêng liêng cần thiết cho sự cứu rỗi và sự tôn cao của gia đình nhân loại có thể được thực hiện, cho cả người sống lẫn người chết. Chỉ dẫn của Mô Rô Ni cho Joseph Smith về vai trò thiết yếu của Ê Li và thẩm quyền chức tư tế đã mở rộng công việc cứu rỗi và tôn cao ở bên này của bức màn che và khởi xướng trong gian kỳ này công việc cho người chết ở bên kia bức màn che.

Tóm lại, những lời giảng dạy của Mô Rô Ni vào tháng Chín năm 1823 về Sách Mặc Môn và sứ mệnh của Ê Li đã thiết lập nền tảng giáo lý cho công việc cứu rỗi và tôn cao ở cả hai bên bức màn che.

Những Lời Giảng Dạy của Tiên Tri Joseph Smith

Những bài học Joseph Smith học được từ Mô Rô Ni đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong giáo vụ của ông. Ví dụ, tại một buổi họp trọng thể được tổ chức trong Đền Thờ Kirtland vào ngày 6 tháng Tư năm 1837, Vị Tiên Tri đã tuyên bố: “Sau khi tất cả đã được nói ra rồi, bổn phận lớn lao và quan trọng nhất là thuyết giảng Phúc Âm.” 7

Gần đúng bảy năm sau, vào ngày 7 tháng Tư năm 1844, Joseph Smith đã đưa ra một bài giảng mà ngày nay được biết tới là Bài Diễn Thuyết về King Follett. Trong bài nói chuyện đó, ông đã tuyên bố: “Trách nhiệm lớn lao nhất trên thế gian này mà Thượng Đế đặt trên chúng ta là tìm kiếm họ hàng thân thuộc đã qua đời của chúng ta.” 8

Nhưng làm sao mà việc thuyết giảng phúc âm và tìm kiếm họ hàng thân thuộc đã qua đời của chúng ta có thể là bổn phận lẫn trách nhiệm duy nhất và lớn lao nhất mà Thượng Đế giao phó cho chúng ta? Tôi tin rằng trong cả hai câu phát biểu, Tiên Tri Joseph Smith đang nhấn mạnh đến lẽ thật căn bản rằng các giao ước, được lập qua các giáo lễ chức tư tế bởi người có thẩm quyền, có thể ràng buộc chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô và là cốt lõi của công việc cứu rỗi và tôn cao ở cả hai bên bức màn che.

Công việc truyền giáo cùng công việc đền thờ và lịch sử gia đình là những khía cạnh bổ sung và tương quan của một công việc vĩ đại mà tập trung vào các giao ước và các giáo lễ thiêng liêng, là những điều cho phép chúng ta nhận được quyền năng của sự tin kính trong cuộc sống mình, và cuối cùng trở về chốn hiện diện của Cha Thiên Thượng. Như vậy, hai câu phát biểu của Vị Tiên Tri mà thoạt đầu có vẻ như mâu thuẫn, thì thực sự lại nêu bật điểm tập trung của công việc ngày sau vĩ đại này.

Được Ràng Buộc với Đấng Cứu Rỗi qua Các Giao Ước và Các Giáo Lễ

Đấng Cứu Rỗi phán:

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.” 9

Chúng ta mang lấy ách của Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta tìm hiểu, tiếp nhận một cách xứng đáng, và tôn trọng các giao ước và các giáo lễ thiêng liêng. Chúng ta được ràng buộc một cách an toàn với Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta trung tín ghi nhớ và cố gắng hết sức sống theo các bổn phận mà mình đã chấp nhận. Và mối liên kết đó với Ngài là nguồn sức mạnh thuộc linh trong mỗi thời kỳ của cuộc sống chúng ta.

Dân Giao Ước của Chúa

Tôi mời anh chị em hãy suy nghĩ về các phước lành đã được hứa với các môn đồ tuân giữ giao ước của Chúa Giê Su Ky Tô. Ví dụ, Nê Phi “trông thấy giáo hội của Chiên Con của Thượng Đế [trong những ngày sau], và con số người thuộc giáo hội rất ít, … các thánh đồ của Thượng Đế, cũng hiện diện khắp trên mặt đất; và quyền thống trị của họ trên mặt đất rất nhỏ nhoi.” 10

Ông cũng “thấy quyền năng của Chiên Con của Thượng Đế giáng xuống trên các thánh hữu trong giáo hội của Chiên Con, và trên dân giao ước của Chúa, … và họ được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại.” 11

Cụm từ “được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại” không phải chỉ đơn thuần là một ý tưởng hay, hoặc là một ví dụ về lời lẽ tuyệt đẹp trong thánh thư. Nói đúng hơn, các phước lành này đều dễ dàng thấy được trong cuộc sống của vô số môn đồ ngày sau của Chúa.

Những chỉ định của tôi với tư cách là một thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị đã mang tôi đi khắp thế giới. Và tôi đã được ban phước để gặp gỡ và học được những bài học đáng nhớ từ nhiều người trong số các anh chị em. Tôi làm chứng rằng dân giao ước của Chúa ngày nay quả thật đều được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại. Tôi đã chứng kiến đức tin, lòng can đảm, quan điểm, sự kiên trì, và niềm vui vượt quá khả năng trần thế—mà chỉ Thượng Đế mới có thể ban cho.

Tôi đã chứng kiến sự ngay chính và quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại, nhận được qua sự trung tín với các giao ước và các giáo lễ trong cuộc sống của một tín hữu trẻ tuổi của Giáo Hội đã bị liệt nửa người trong một tai nạn xe hơi khủng khiếp. Sau khi người tín hữu trẻ tuổi đầy can đảm này trải qua nhiều tháng hồi phục đầy gian nan và thích nghi với lối sống mới là phải hạn chế di chuyển, tôi đã gặp và trò chuyện với em ấy. Trong khi trò chuyện, tôi hỏi: “Kinh nghiệm này giúp em học hỏi được điều gì?” Ngay lập tức, câu trả lời là: “Em không buồn. Em không tức giận. Và mọi việc rồi sẽ ổn thôi.”

Tôi đã chứng kiến sự ngay chính và quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại, nhận được bằng cách trung tín với các giao ước và các giáo lễ, trong cuộc sống của các tín hữu Giáo Hội mới vừa được báp têm và làm lễ xác nhận. Những người cải đạo này đều sốt sắng học hỏi và phục vụ, sẵn sàng nhưng cũng thường không biết chắc cách bỏ qua một bên những thói quen cũ và truyền thống mạnh mẽ, tuy vậy vẫn hân hoan trở thành “người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời.” 12

Tôi đã chứng kiến sự ngay chính và quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại, nhận được bằng cách trung tín với các giao ước và các giáo lễ, trong cuộc sống của một gia đình chăm sóc chu đáo cho một người vợ, người chồng, và cha mẹ với một căn bệnh nan y. Các môn đồ dũng cảm này mô tả những lúc mà gia đình họ cảm thấy quá cô đơn—và những lúc mà họ biết bàn tay của Chúa đang nâng đỡ và củng cố họ. Gia đình này đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với những kinh nghiệm trần thế đầy khó khăn mà cho phép chúng ta phát triển và trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Thượng Đế giúp đỡ và ban phước cho gia đình này với sự đồng hành của Đức Thánh Linh và làm cho nhà họ thành một nơi trú ẩn thiêng liêng như đền thờ.

Tôi đã chứng kiến sự ngay chính và quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại, nhận được bằng cách trung tín với các giao ước và các giáo lễ, trong cuộc sống của một tín hữu Giáo Hội trải qua nỗi đau buồn vì ly dị. Nỗi đau khổ về mặt thuộc linh và cảm xúc của chị phụ nữ này càng gia tăng vì cảm giác bất công liên quan đến việc người chồng cũ của chị ấy vi phạm các giao ước và hôn nhân tan vỡ của họ. Chị ấy khát khao công lý và muốn anh ta phải chịu trách nhiệm.

Trong khi chị phụ nữ trung tín này vật lộn với tất cả những gì đã xảy ra với mình, chị ấy đã chăm chú và sốt sắng học hỏi cùng suy ngẫm về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi nhiều hơn bao giờ hết. Dần dần, một sự hiểu biết sâu đậm hơn về sứ mệnh cứu chuộc của Đấng Ky Tô đã nhỏ giọt xuống tâm hồn chị ấy—nỗi thống khổ của Ngài vì tội lỗi, và cả nỗi đau đớn, yếu kém, thất vọng, và buồn khổ của chúng ta nữa. Và chị ấy đã được soi dẫn để tự hỏi một câu hỏi sâu sắc: vì cái giá đã được trả cho những tội lỗi này rồi, Ngài có đòi hỏi cái giá đó phải được trả hai lần không? Chị ấy nhận thấy rằng một đòi hỏi như vậy sẽ không công bằng và không khoan dung.

Chị phụ nữ này đã học được rằng việc tự ràng buộc mình với Đấng Cứu Rỗi qua các giao ước và các giáo lễ có thể chữa lành các vết thương gây ra bởi việc sử dụng bất chính quyền tự quyết về mặt đạo đức và cho phép chị tìm thấy được khả năng để tha thứ và nhận được sự bình an, lòng thương xót và tình yêu thương.

Lời Hứa và Chứng Ngôn

Những lời hứa và các phước lành của giao ước chỉ có thể có được nhờ Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta hãy hướng về Ngài, 13 đến cùng Ngài, 14 học hỏi nơi Ngài, 15 và tự ràng buộc mình với Ngài 16 qua các giao ước và các giáo lễ của phúc âm phục hồi của Ngài. Tôi làm chứng và hứa rằng việc tôn trọng các giao ước sẽ trang bị cho chúng ta bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại. Và tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Tôi hân hoan làm chứng về các lẽ thật này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.