Đại Hội Trung Ương
Lòng Trắc Ẩn Vĩnh Cửu của Đấng Cứu Rỗi
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2021


13:12

Lòng Trắc Ẩn Vĩnh Cửu của Đấng Cứu Rỗi

Việc bày tỏ lòng trắc ẩn đối với người khác là bản chất của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Một trong những nguyên tắc nổi bật nhất được Đấng Cứu Rỗi giảng dạy trong giáo vụ trần thế của Ngài là việc đối xử với người khác bằng lòng trắc ẩn. Chúng ta hãy suy ngẫm về nguyên tắc này và cách áp dụng thực tiễn của nguyên tắc này bằng cách xem xét câu chuyện về sự viếng thăm của Chúa Giê Su đến nhà của Si Môn, người Pha Ri Si.

Sách Phúc Âm của Lu Ca thuật lại rằng một người đàn bà, được coi là một người phạm tội, bước vào nhà của Si Môn trong khi Chúa Giê Su đang ở đó. Với sự khiêm nhường, người đàn bà đến gần Chúa Giê Su, rửa chân Ngài bằng nước mắt của mình, lau chân Ngài bằng tóc của mình, và sau đó hôn và xức vào chân Ngài một loại dầu thơm đặc biệt. 1 Người chủ nhà kiêu ngạo, tự cho mình là cao hơn về mặt đạo đức so với người đàn bà, đã tự nghĩ với vẻ trách móc và ngạo mạn: “Nếu người nầy là đấng tiên tri, chắc biết người đàn bà rờ đến mình đó là ai, cùng biết ấy là người đàn bà xấu nết.” 2

Thái độ thánh thiện hơn người của người Pha Ri Si đã làm cho ông xét đoán Chúa Giê Su lẫn người đàn bà một cách bất công. Nhưng trong sự toàn tri của Ngài, Đấng Cứu Rỗi biết tâm trí của Si Môn và, trong sự thông sáng lớn lao, đã thách thức thái độ bề trên của Si Môn, cũng như khuyên bảo ông vì ông không lễ độ khi tiếp một vị khách đặc biệt như Đấng Cứu Rỗi vào nhà của mình. Thật ra, lời quở trách trực tiếp của Chúa Giê Su đối với người Pha Ri Si đã làm chứng rằng Chúa Giê Su quả thật đã có được ân tứ tiên tri và rằng người đàn bà này, với một tấm lòng khiêm nhường và thống hối, đã hối cải và được tha thứ các tội lỗi của mình. 3

Cũng như nhiều sự kiện khác trong giáo vụ trần thế của Chúa Giê Su, lời tường thuật này một lần nữa cho thấy rằng Đấng Cứu Rỗi đã hành động với lòng trắc ẩn đối với tất cả những người sẽ đến cùng Ngài—không có sự phân biệt—và đặc biệt là đối với những người cần Ngài giúp đỡ nhất. Với tình yêu thương thống hối và sự tôn kính, người đàn bà đã cho Chúa Giê Su thấy được bằng chứng về sự hối cải chân thành và ước muốn của người ấy để nhận được sự xá miễn các tội lỗi của mình. Tuy nhiên, tính thượng đẳng của Si Môn, cùng với tấm lòng chai đá của ông, 4 đã ngăn cản ông biểu lộ sự đồng cảm đối với người đàn bà đã biết hối cải đó, và ông còn đối xử với Đấng Cứu Rỗi của thế gian một cách thờ ơ và khinh thường. Thái độ của ông cho thấy rằng lối sống của ông không có gì khác hơn là việc tuân thủ các luật lệ một cách nghiêm khắc và trống rỗng, và biểu hiện niềm tin bề ngoài thông qua sự tự cao và thánh thiện giả tạo. 5

Việc phục sự đầy trắc ẩn và được cá nhân hóa của Chúa Giê Su trong câu chuyện này cho thấy một mẫu mực hoàn hảo về cách chúng ta nên giao tiếp với những người lân cận mình. Thánh thư có vô số ví dụ về cách Đấng Cứu Rỗi, vì cảm động bởi lòng trắc ẩn sâu sắc và vĩnh cửu của Ngài, đã giao tiếp với những người trong thời của Ngài và giúp đỡ những người đang đau khổ và những người “mòn mỏi, và bị phân tán khắp nơi, chẳng khác chi chiên không có người chăn.” 6 Ngài đã dang cánh tay thương xót của mình ra với những người cần được làm nhẹ gánh nặng của họ, về mặt thể chất lẫn thuộc linh. 7

Thái độ trắc ẩn của Chúa Giê Su bắt nguồn từ lòng bác ái, 8 tức là từ tình yêu thương thanh khiết và hoàn hảo của Ngài, đó là bản chất của sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Lòng trắc ẩn là một đặc điểm cơ bản của những người cố gắng được thánh hóa và đức tính thiêng liêng này liên kết với các đặc điểm khác của Ky Tô Hữu chẳng hạn như than khóc với những ai than khóc và có lòng cảm thông, lòng thương xót, và lòng nhân từ. 9 Thực ra, việc bày tỏ lòng trắc ẩn đối với người khác là bản chất của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và là một bằng chứng rõ ràng về sự gần gũi thuộc linh và tình cảm của chúng ta với Đấng Cứu Rỗi. Hơn nữa, nó cho thấy mức độ ảnh hưởng của Ngài lên lối sống của chúng ta và cho thấy tầm quan trọng của linh hồn chúng ta.

Thật là ý nghĩa để nhận thấy rằng những hành động trắc ẩn của Chúa Giê Su không phải là những biểu hiện thỉnh thoảng hay bắt buộc, dựa trên một bản liệt kê các nhiệm vụ cần phải hoàn thành, mà là những sự biểu lộ hằng ngày về tính chân thật của tình yêu thương thanh khiết của Ngài dành cho Thượng Đế và con cái của Ngài, và ước muốn vĩnh cửu của Ngài để giúp đỡ họ.

Chúa Giê Su có thể nhận ra nhu cầu của dân chúng ngay cả ở một khoảng cách xa. Như vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên rằng ngay sau khi chữa lành một người tôi tớ của một thầy đội, 10 Chúa Giê Su đã đi từ Ca Bê Na Um đến thành phố gọi là Na In. Chính đó là nơi mà Chúa Giê Su đã thực hiện một trong những phép lạ xúc động nhất trong giáo vụ trần thế của Ngài khi Ngài truyền lệnh cho một chàng trai trẻ đã chết, là con trai duy nhất của một người mẹ góa bụa, hãy sống lại. Chúa Giê Su không những cảm nhận được nỗi đau khổ mãnh liệt của người mẹ nghèo khó đó mà còn cảm thấy những hoàn cảnh khó khăn của cuộc đời bà, và Ngài đã xúc động bởi lòng trắc ẩn chân thành đối với bà. 11

Giống như người đàn bà tội lỗi và người đàn bà góa ở Na In, nhiều người trong phạm vi ảnh hưởng của chúng ta cũng đang tìm kiếm sự an ủi, sự chú ý, sự hòa nhập, và bất cứ sự giúp đỡ nào mà chúng ta có thể mang đến cho họ. Tất cả chúng ta đều có thể là công cụ trong tay của Chúa và hành động với lòng trắc ẩn đối với những người hoạn nạn, giống như Chúa Giê Su đã làm.

Tôi biết một bé gái sinh ra đã bị sứt môi và hở hàm ếch rất nghiêm trọng. Bé gái đó đã phải trải qua cuộc phẫu thuật đầu tiên trong một loạt các ca phẫu thuật vào ngày thứ hai của cuộc đời mình. Cảm động bởi lòng trắc ẩn chân thành đối với những người cũng trải qua thử thách này, bé gái ấy và cha mẹ của em tìm cách trợ giúp, thấu hiểu và hỗ trợ cảm xúc cho những người khác mà đang đối mặt với thực tế khó khăn này. Gần đây, họ đã viết cho tôi và chia sẻ: “Qua thử thách của con gái, chúng tôi đã có cơ hội để gặp những người tuyệt vời là những người cần được an ủi, hỗ trợ và khích lệ. Cách đây một thời gian, con gái của chúng tôi, bây giờ 11 tuổi, đã nói chuyện với cha mẹ của một đứa bé có cùng thử thách. Trong cuộc trò chuyện này, con gái chúng tôi đã tạm thời cởi bỏ chiếc khẩu trang đang đeo do đại dịch để hai người cha mẹ đó thấy rằng có hy vọng, mặc dù đứa bé đó vẫn còn một chặng đường dài phía trước để khắc phục vấn đề. Chúng tôi cảm thấy rất biết ơn về cơ hội để mở rộng sự cảm thông của mình với những người đau khổ, như Đấng Cứu Rỗi đã làm cho chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy giảm bớt nỗi đau đớn mỗi khi làm nhẹ bớt nỗi đau đớn của người khác.”

Các bạn thân mến, khi chúng ta cố gắng kết hợp một thái độ trắc ẩn vào lối sống của mình, như tấm gương của Đấng Cứu Rỗi, thì chúng ta sẽ trở nên nhạy cảm hơn đối với nhu cầu của mọi người. Với sự nhạy cảm gia tăng đó, những cảm nghĩ về mối quan tâm và tình yêu thương chân thành sẽ ngày càng gia tăng trong mỗi hành động của chúng ta. Chúa sẽ ghi nhận những nỗ lực của chúng ta, và chắc chắn chúng ta sẽ được ban phước với cơ hội để trở thành công cụ trong tay Ngài trong việc làm mềm lòng và mang lại sự nhẹ nhõm cho “những bàn tay rũ rượi.” 12

Lời khuyên dạy của Chúa Giê Su dành cho Si Môn người Pha Ri Si cũng nói rõ rằng chúng ta không bao giờ nên đưa ra sự xét đoán gay gắt và tàn nhẫn đối với người lân cận mình bởi vì tất cả chúng ta đều cần sự thấu hiểu và lòng thương xót từ Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta cho những điều không hoàn hảo của mình. Đây chính xác là những gì Đấng Cứu Rỗi đã dạy vào một dịp khác khi Ngài phán: “Sao ngươi dòm thấy hạt bụi trong mắt anh em mình mà lại không thấy cây đà trong mắt mình?” 13

Chúng ta cần phải lưu ý rằng không dễ dàng để hiểu tất cả mọi hoàn cảnh tạo nên thái độ hoặc phản ứng của một người nào đó. Vẻ bề ngoài có thể lừa gạt chúng ta và thường không thể hiện cho việc xác định chính xác hành vi của họ. Không giống như anh chị em và tôi, Đấng Ky Tô có khả năng nhìn thấy rõ ràng tất cả mọi mặt của một tình huống nhất định. 14 Ngay cả khi Ngài biết được tất cả những yếu kém của chúng ta, Đấng Cứu Rỗi cũng không đoán phạt chúng ta mà tiếp tục đồng hành với chúng ta với lòng trắc ẩn theo thời gian, giúp chúng ta lấy cây đà ra khỏi mắt mình. Chúa Giê Su luôn nhìn vào tấm lòng chứ không phải vẻ bề ngoài. 15 Chính Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Đừng cứ bề ngoài mà xét đoán.” 16

Giờ đây, hãy suy ngẫm lời khuyên dạy thông sáng của Đấng Cứu Rỗi cho mười hai môn đồ Nê Phi về câu hỏi này:

“Và các ngươi phải biết rằng, các ngươi sẽ là những phán quan xét xử dân này, dựa theo sự xét xử mà ta sẽ ban cho các ngươi là sự xét xử rất công bình. Vậy nên, các ngươi nên là những người như thế nào? Quả thật, ta nói cho các người hay, các ngươi phải giống như ta vậy.” 17

“Vậy nên, ta muốn các ngươi phải được toàn hảo như ta, hay như Cha các ngươi trên trời là toàn hảo vậy.” 18

Trong văn cảnh này, Chúa ấn định sự xét đoán đối với những người tự mình xét đoán những khuyết điểm được cho là của người khác một cách không công bình. Để có đủ tư cách đưa ra những lời xét đoán ngay chính, chúng ta phải cố gắng trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi và nhìn vào những khuyết điểm của người khác một cách trắc ẩn, chính là nhìn qua đôi mắt của Ngài. Xét rằng chúng ta còn một chặng đường dài phía trước để đạt đến sự hoàn hảo, có lẽ tốt hơn nếu chúng ta đến gần Chúa Giê Su và khẩn nài lòng thương xót cho những khuyết điểm của mình, giống như người phụ nữ biết hối cải trong nhà của người Pha Ri Si đã làm, và không nên dành quá nhiều thời gian và sức lực để khắc phục những khuyết điểm được nhận thấy từ người khác.

Các bạn thân mến, tôi làm chứng rằng khi chúng ta cố gắng áp dụng tấm gương trắc ẩn của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của mình, khả năng của chúng ta để khen ngợi đức hạnh của người lân cận sẽ gia tăng và sẽ giảm bớt bản năng tự nhiên của chúng ta để xét đoán những điều không hoàn hảo của họ. Sự giao tiếp của chúng ta với Thượng Đế sẽ phát triển, và chắc chắn là cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tuyệt vời hơn, những cảm nghĩ của chúng ta nhẹ nhàng hơn, và chúng ta sẽ tìm thấy một nguồn hạnh phúc bất tận. Chúng ta sẽ được biết đến là những người hòa giải, 19 là những người có lời lẽ dịu dàng như giọt sương của buổi sáng mùa xuân.

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ trở nên nhẫn nhịn và hiểu biết nhiều hơn về người khác và lòng thương xót của Chúa, trong sự nhu mì trọn vẹn, giúp làm cho sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta với những điều không hoàn hảo của họ được trở nên trọn vẹn hơn. Đây là lời mời gọi của Thượng Đế dành cho chúng ta. Tôi làm chứng rằng Ngài hằng sống. Ngài là tấm gương hoàn hảo về vai trò môn đồ đầy lòng thương xót và kiên nhẫn. Tôi làm chứng về những lẽ thật này trong thánh danh của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.