Hãy Đến cùng Đấng Ky Tô và Đừng Đến Một Mình
Cách tốt nhất để anh chị em cải thiện thế gian là chuẩn bị thế gian cho Đấng Ky Tô bằng cách mời mọi người noi theo Ngài.
Gần đây tôi mới nhận được thư của một thiếu nữ tò mò. Em ấy viết: “Em đang lúng túng. … Em không chắc mình là ai, nhưng em cảm thấy mình có mặt ở đây vì một điều gì đó tối quan trọng.”
Anh chị em có bao giờ có ước muốn tìm kiếm như thế, và tự hỏi liệu Cha Thiên Thượng có biết anh chị em là ai và Ngài có cần anh chị em không? Các em thanh thiếu niên thân mến của tôi và cùng tất cả mọi người, tôi làm chứng rằng câu trả lời là có! Chúa có một kế hoạch cho anh chị em. Ngài đã chuẩn bị anh chị em cho thời kỳ này, ngay bây giờ, để trở thành sức mạnh và lực lượng tốt lành trong công việc vĩ đại của Ngài. Chúng tôi cần anh chị em! Công việc này sẽ không được vĩ đại như vậy nếu không có anh chị em!
Trong những tình huống thiêng liêng, vị tiên tri yêu quý của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã có lần nhắc nhở tôi về hai lẽ thật đơn giản là nền tảng cho công việc vĩ đại và vinh quang của anh chị em.
Khi tôi đang ngồi cùng chồng tôi trên chiếc ghế dài, thì vị tiên tri của chúng ta kéo cái ghế của ông đến gần, hầu như chạm vào đầu gối chúng tôi, và nhìn tôi với đôi mắt xanh biếc của ông. Tôi không chắc là tim tôi có đập loạn xạ hay đã hoàn toàn ngừng đập khi ông kêu gọi tôi phục vụ với tư cách là Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ. Ông đưa ra một câu hỏi mà vẫn còn vang vọng trong lòng tôi: “Bonnie à, điều quan trọng nhất mà [giới trẻ] cần biết là gì?”
Tôi suy ngẫm một lát rồi nói: “Họ cần biết mình là ai.”
Ông kêu lên: “ĐÚNG VẬY! và họ cần phải biết mục đích của họ.”
Danh Tính Thiêng Liêng Của Chúng Ta
Anh chị em là một người con yêu dấu của Cha Thiên Thượng. Ngài yêu thương anh chị em nhiều đến nỗi đã sai Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đến chuộc tội cho anh chị em và cho tôi. 1 Tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta là bền bỉ—thậm chí khi chúng ta vấp ngã! Không có điều gì có thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Thượng Đế. 2 Việc ghi nhớ tình yêu thương này có thể giúp anh chị em đẩy lùi nỗi hoang mang của thế gian mà đang cố gắng làm suy yếu sự tin tưởng vào danh tính thiêng liêng của anh chị em và làm mù quáng tiềm năng của anh chị em.
Tại một đại hội Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, tôi đã gặp hai thiếu nữ đang gặp khó khăn. Hai thiếu nữ này đều nhắc đến việc nghiên cứu phước lành tộc trưởng của mình để khám phá lại tình yêu thương và sự hướng dẫn của Chúa dành cho riêng mình. Hãy tìm tờ giấy phước lành tộc trưởng của anh chị em, phủi bụi đi cho sạch nếu cần, nhưng hãy thường xuyên nghiên cứu nó. Nếu chưa có một phước lành tộc trưởng, thì hãy—nhanh chóng đi xin phước lành đó. Đừng trì hoãn việc tìm hiểu về những gì Chúa muốn cho anh chị em biết vào lúc này anh chị em là ai.
Mục Đích Vĩnh Cửu của Chúng Ta
Lẽ thật thứ hai mà Chủ Tịch Nelson nói cho chúng tôi biết vào ngày hôm đó là biết được mục đích của chúng tôi. Đây là trách nhiệm vĩ đại và cao quý của chúng tôi.
Cách đây nhiều năm, con trai Tanner của tôi khoảng năm tuổi khi nó chơi trận bóng đá đầu tiên. Nó rất phấn khởi!
Khi đến nơi thi đấu, chúng tôi nhận thấy rằng đội của nó đang sử dụng một khung thành bóng đá có kích thước theo quy định—không phải một loại khung thành di động cỡ nhỏ, mà là một tấm lưới rất lớn, dường như quá lớn, đối với những đứa trẻ năm tuổi.
Trận đấu bỗng nhiên trở nên trầm lắng khi tôi thấy Tanner giữ vị trí thủ môn. Tôi đã rất ngạc nhiên. Nó có thực sự hiểu mục đích của nó là bảo vệ tấm lưới đó không?
Tiếng còi thổi lên, và chúng tôi bị cuốn vào trận đấu đến nỗi quên mất Tanner. Bất ngờ một trong các cầu thủ đối phương nhận được bóng và rê nhanh quả bóng về phía nó. Tôi nhìn về hướng Tanner để chắc chắn là nó đã sẵn sàng bắt bóng và bảo vệ khung thành. Tôi đã trông thấy một điều mà tôi không ngờ tới.
Vào một lúc nào đó trong trận đấu, Tanner đã trở nên mất tập trung và bắt đầu luồn cánh tay trái của nó qua các lỗ lưới. Rồi nó cũng làm như vậy với cánh tay phải. Tiếp theo là bàn chân trái của nó. Cuối cùng là bàn chân phải của nó. Toàn thân của Tanner đã bị vướng mắc vào lưới. Nó đã quên mất mục đích của nó và điều mà nó đã được giao cho để làm.
Mặc dù sự nghiệp bóng đá của Tanner không kéo dài lâu, nhưng bài học của nó đối với tôi ngày hôm đó sẽ không bao giờ phai nhòa. Thỉnh thoảng, chúng ta đều bị sao lãng khỏi lý do tại sao chúng ta ở đây và hướng nguồn năng lực của mình sang một nơi khác. Một trong những vũ khí mạnh mẽ nhất của Sa Tan là làm cho chúng ta sao lãng với những chính nghĩa tốt và tốt hơn, mà trong những lúc khó khăn có thể làm cho chúng ta mù quáng và khiến chúng ta không tập trung vào đại nghĩa—đó chính là mục đích của mình trên trần thế. 3
Mục đích vĩnh cửu của chúng ta là đến cùng Đấng Ky Tô và tích cực tham gia cùng Ngài trong công việc vĩ đại này của Ngài. Đó chỉ như là làm theo những gì Chủ Tịch Nelson đã dạy: “Bất cứ khi nào chúng ta làm điều gì nhằm giúp đỡ bất cứ ai … để lập và tuân giữ các giao ước của họ với Thượng Đế, thì chúng ta cũng đang giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên.” 4 Và khi cùng nhau làm công việc của Ngài cùng với Ngài, chúng ta dần dần biết rõ Ngài và yêu quý Ngài hơn.
Chúng ta tiếp tục tìm cách đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn qua đức tin, sự hối cải đáng trân quý, và tuân giữ các lệnh truyền. Khi chúng ta tự mình kết nối với Ngài qua các giao ước và các giáo lễ, cuộc sống của chúng ta được tràn ngập sự tin tưởng, 5 sự bảo vệ, 6 cùng niềm vui sâu thẳm và lâu dài. 7
Khi đến cùng Ngài thì chúng ta cũng nhìn người khác như Ngài nhìn họ. 8 Hãy đến cùng Đấng Ky Tô. Hãy đến bây giờ, nhưng đừng đến một mình! 9
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ là tốt đẹp; mà còn cần thiết cho tất cả mọi người nữa. “Chẳng có đường lối hay phương tiện nào khác mà nhờ đó [chúng ta] có thể được cứu, chỉ ở trong và qua Đấng Ky Tô mà thôi.” 10 Chúng ta cần Chúa Giê Su Ky Tô! Thế gian cần Chúa Giê Su Ky Tô. 11
Hãy nhớ rằng, cách tốt nhất để anh chị em cải thiện thế gian là chuẩn bị thế gian cho Đấng Ky Tô bằng cách mời mọi người noi theo Ngài.
Có một câu chuyện trong Sách Mặc Môn kể lại một cách hùng hồn về Đấng Cứu Rỗi phục sinh dành thời gian với dân Nê Phi. Anh chị em có thể tưởng tượng điều đó sẽ như thế nào không?
Khi Đấng Ky Tô loan báo rằng Ngài phải trở về cùng Đức Chúa Cha, “Ngài lại đưa mắt nhìn quanh lần nữa.” 12 Khi nhìn thấy dân chúng khóc, Ngài biết lòng họ đang khao khát Ngài ở nán lại.
Ngài hỏi: “Trong các ngươi có ai đau ốm không? Hãy đem họ lại đây. Trong các ngươi có ai què, đui, … điếc, hoặc bị đau đớn vì nguyên do nào khác không? Hãy đem họ lại đây ta sẽ chữa lành cho họ.” 13
Với tấm lòng trắc ẩn bao la, Ngài không giới hạn ai có thể đến cùng Ngài và kêu gọi tất cả những người nào “bị đau đớn vì nguyên do nào khác.” Tôi rất thích khi biết rằng không có căn bệnh nào là quá nặng hoặc quá nhẹ đối với Chúa Giê Su Ky Tô để chữa lành cả.
Ngài cũng biết những nỗi đau khổ của chúng ta và kêu gọi hãy đem đến những người lo lắng và chán nản, mệt mỏi, kiêu ngạo và bị hiểu lầm, cô đơn, hoặc những người “bị đau đớn vì nguyên do nào khác.”
Và tất cả đám đông “tiến lên … ; rồi Ngài đã chữa lành cho tất cả mọi người. …
“… Và rồi tất cả mọi người, gồm cả những người được chữa lành lẫn những người lành mạnh, đều cúi sấp mình dưới chân Ngài mà tôn thờ Ngài.” 14
Mỗi khi đọc những câu này, tôi đều tự hỏi: Tôi sẽ đem ai đến với Đấng Ky Tô? Anh chị em sẽ đem ai đến?
Chúng ta có thể nào xem xét lại những người xung quanh như Chúa Giê Su đã làm, để chắc chắn rằng không một ai bị bỏ sót và mọi người đều được mời đến để biết Ngài không?
Xin cho phép tôi chia sẻ một ví dụ về việc đó có thể đơn giản như thế nào. Người bạn Peyton của tôi, 15 tuổi, có một mục tiêu là đọc năm câu thánh thư vào lúc điểm tâm mỗi ngày, nhưng em ấy đã không làm điều đó một mình. Khi nhìn lại, Peyton đã mời cha mẹ và anh chị em của mình, thậm chí cả đứa em trai năm tuổi. Hành động có vẻ nhỏ nhặt này là điều mà Đấng Ky Tô đã dạy khi Ngài mời: “Hãy đem họ lại đây.”
Lời mời này của Chúa vẫn còn được đưa ra ngày nay. Hỡi các em thiếu nữ và thiếu niên, hãy bắt đầu từ bây giờ trong chính ngôi nhà của các em. Các em có cầu nguyện và cầu vấn Cha Thiên Thượng về cách các em có thể hỗ trợ cha mẹ mình khi họ tiếp tục đến cùng Đấng Ky Tô không? Họ cần các em nhiều như các em cần họ.
Rồi hãy nhìn lại anh chị em ruột, bạn bè và hàng xóm của các em. Các em sẽ mang ai đến với Đấng Ky Tô?
Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Này, ta là sự sáng; ta đã làm gương cho các ngươi noi theo.” 15 Chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu thương và sự bình an của Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta cùng với Ngài giải cứu gia đình của Thượng Đế, vì Ngài đã hứa: “Người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.” 16
Thật là một thời kỳ vinh quang để được tham gia vào chính nghĩa của Đấng Ky Tô!
Vâng, anh chị em ở đây vì một điều gì đó tối quan trọng. Tôi xin lặp lại lời Chủ Tịch Nelson đã nói: “Chúa cần anh chị em thay đổi thế giới. Khi chấp nhận và tuân theo ý muốn của Ngài dành cho mình, anh chị em sẽ thấy là mình đang làm điều không thể làm được!” 17
Tôi mạnh dạn làm chứng rằng Chúa biết anh chị em là ai, và Ngài yêu thương anh chị em! Chúng ta sẽ cùng nhau tiến hành mục đích của Ngài cho đến ngày trọng đại đó khi chính Chúa Giê Su Ky Tô trở lại thế gian này và kêu gọi mỗi người chúng ta lại “đây.” Chúng ta sẽ vui mừng quy tụ lại với nhau, vì chúng ta là những người đến cùng Đấng Ky Tô, và chúng ta không đến một mình. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.