Đại Hội Trung Ương
Hỡi Thượng Đế của Chúng Con, Xin Ngài Nhớ Đến Các Thánh Hữu của Ngài Đang Bị Khốn Khổ
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2021


10:17

Hỡi Thượng Đế của Chúng Con, Xin Ngài Nhớ Đến Các Thánh Hữu của Ngài Đang Bị Khốn Khổ

Việc tuân giữ các giao ước sẽ mở ra quyền năng của sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô để mang lại sức mạnh và ngay cả niềm vui cho anh chị em, là những người đang đau khổ.

Kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng gồm có kinh nghiệm trần thế, nơi mà tất cả con cái của Ngài sẽ được thử thách và đối mặt với thử thách. 1 Cách đây năm năm, tôi được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư. Tôi đã cảm nhận và vẫn còn cảm nhận được những cơn đau thể xác từ các cuộc phẫu thuật, những lần trị liệu bằng bức xạ, và các tác dụng phụ của thuốc. Tôi đã trải qua những khó khăn về mặt cảm xúc trong những đêm giày vò mất ngủ. Số liệu thống kê y tế cho thấy tôi có thể sẽ rời bỏ cuộc sống hữu diệt sớm hơn tôi đã từng kỳ vọng, bỏ lại sau lưng, một khoảng thời gian cách biệt, một gia đình rất có ý nghĩa đối với tôi.

Bất kể anh chị em đang sống ở đâu, thì nỗi đau về mặt thể xác hay cảm xúc mà đến từ nhiều thử thách và sự yếu kém của con người trần thế đã, và đang, hoặc một ngày nào đó sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của anh chị em.

Nỗi đau thể xác có thể là kết quả của quá trình lão hóa tự nhiên, bệnh tật bất ngờ, những tai nạn ngẫu nhiên, đói kém hoặc vô gia cư; bị lạm dụng, hay những hành vi bạo lực và chiến tranh.

Nỗi đau cảm xúc có thể phát sinh do lo âu hoặc trầm cảm; sự phản bội của một người phối ngẫu, cha hoặc mẹ, hoặc vị lãnh đạo đáng tin cậy; những khó khăn về công việc làm hoặc tài chính; sự phán xét bất công của người khác; sự lựa chọn của bạn bè, con cái, hoặc những người khác trong gia đình; sự lạm dụng dưới nhiều hình thức, giấc mơ về hôn nhân và con cái chưa được thực hiện; bệnh tật hoặc sự qua đời quá sớm của những người thân yêu; hoặc từ rất nhiều nguyên nhân khác.

Làm thế nào anh chị em có thể chịu đựng được sự đau khổ độc nhất và đôi khi gây suy nhược mà xảy đến với mỗi người chúng ta?

May thay, niềm hy vọng được tìm thấy trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, và niềm hy vọng cũng có thể là một phần trong cuộc sống của anh chị em. Hôm nay, tôi xin chia sẻ bốn nguyên tắc của niềm hy vọng được rút ra từ thánh thư, các lời giảng dạy có tính cách tiên tri, qua nhiều lần thăm viếng phục sự, và sự thử thách về vấn đề sức khỏe đang diễn ra của chính tôi. Những nguyên tắc này không những áp dụng rộng rãi mà còn mang tính cá nhân sâu sắc.

Thứ nhất, đau khổ không có nghĩa là Thượng Đế không hài lòng với cuộc sống của anh chị em. Hai ngàn năm trước, các môn đồ của Chúa Giê Su nhìn thấy một người đàn ông mù tại đền thờ và đã hỏi Ngài rằng: “Thưa thầy ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sanh ra thì mù như vậy?”

Các môn đồ của Ngài, cũng như nhiều người trong cuộc sống ngày nay, dường như đã lầm tưởng rằng tất cả những khó khăn và đau khổ trong cuộc sống này đều là kết quả của tội lỗi. Nhưng Đấng Cứu Rỗi đáp rằng: “Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người.” 2

Công việc của Thượng Đế là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho chúng ta. 3 Nhưng làm thế nào mà những thử thách và nỗi đau khổ—đặc biệt là nỗi đau khổ do việc sử dụng quyền tự quyết một cách tội lỗi của người khác 4 —có thể thúc đẩy công việc của Thượng Đế?

Chúa đã nói với dân giao ước của Ngài rằng: “Ta đã luyện ngươi … ; ta đã chọn ngươi từ trong lò gian khổ.” 5 Cho dù nguyên nhân gây ra những nỗi đau khổ của anh chị em là gì đi nữa, thì Cha Thiên Thượng nhân từ của anh chị em cũng có thể biệt riêng sự đau khổ để tôi luyện cho tâm hồn của anh chị em. 6 Những tâm hồn được tôi luyện có thể mang gánh nặng của người khác bằng sự đồng cảm và lòng trắc ẩn thực sự. 7 Những tâm hồn được tôi luyện đã “ra khỏi cơn đại nạn” đã được chuẩn bị để vui hưởng cuộc sống trong sự hiện diện của Thượng Đế mãi mãi, và “Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt [họ].” 8

Thứ hai, Cha Thiên Thượng nhận biết rõ nỗi đau khổ của anh chị em. Trong lúc ở giữa những thử thách, chúng ta có thể mắc sai lầm khi nghĩ rằng Thượng Đế ở rất xa và không quan tâm đến nỗi đau của chúng ta. Ngay cả Tiên Tri Joseph Smith cũng đã bày tỏ cảm nghĩ này trong thời điểm gian khổ nhất của cuộc đời ông. Khi bị giam ở Ngục Thất Liberty trong khi hàng ngàn Tín Hữu Ngày Sau bị buộc phải rời khỏi nhà của họ, Joseph đã tìm kiếm sự hiểu biết qua lời cầu nguyện: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu? Và đâu là lều bao phủ chốn ẩn náu của Ngài?” Rồi ông kết thúc bằng lời khẩn nài rằng: “Hỡi Thượng Đế của chúng con, xin Ngài nhớ đến các thánh hữu của Ngài đang bị khốn khổ.” 9

Câu trả lời của Chúa đã trấn an Joseph và tất cả những người đau khổ:

“Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn ngươi; nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi;

“Và rồi, nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao.” 10

Nhiều Thánh Hữu đau khổ đã từng chia sẻ với tôi cách mà họ cảm nhận tình yêu thương của Thượng Đế trong những thử thách của họ. Tôi nhớ rất rõ kinh nghiệm của chính mình tại một thời điểm trong trận chiến với căn bệnh ung thư khi mà các bác sĩ chưa chẩn đoán được nguyên nhân gây ra các cơn đau quặn thắt. Tôi ngồi cạnh vợ tôi, dự định ban phước lành như thường lệ cho bữa ăn trưa của chúng tôi. Thay vào đó, tất cả những gì tôi có thể làm chỉ đơn giản là khóc, “Thưa Cha Thiên Thượng, xin hãy giúp con. Con bệnh rất nặng.” Trong khoảng 20 đến 30 giây sau, tôi được bao bọc trong tình yêu thương của Ngài. Tôi không được cho biết về nguyên nhân căn bệnh của tôi, không có dấu hiệu về kết quả cuối cùng, và cơn đau cũng không hề thuyên giảm. Tôi chỉ cảm nhận được tình yêu thương thanh khiết của Ngài, và thế là đủ rồi.

Tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta, Người thậm chí có thể nhận biết sự rơi xuống của một con chim sẻ, nhận biết được nỗi đau khổ của anh chị em. 11

Thứ ba, Chúa Giê Su Ky Tô ban cho quyền năng làm cho có khả năng của Ngài để giúp đỡ anh chị em có được sức mạnh để chịu đựng nỗi đau khổ của mình một cách nhẹ nhàng. Quyền năng làm cho có khả năng này có thể thực hiện được qua Sự Chuộc Tội của Ngài. 12 Tôi e là có quá nhiều tín hữu của Giáo Hội nghĩ rằng nếu họ cứng cỏi hơn một chút, thì họ có thể tự mình vượt qua bất kỳ đau khổ nào. Đây là một cách sống rất khó. Sức mạnh nhất thời của anh chị em không bao giờ có thể so sánh được với nguồn sức mạnh vô hạn của Đấng Cứu Rỗi để củng cố tâm hồn của anh chị em. 13

Sách Mặc Môn có dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ “mang lấy” những đau đớn, bệnh tật và những sự yếu đuối của chúng ta để Ngài có thể giúp đỡ chúng ta. 14 Làm thế nào anh chị em có thể dựa vào quyền năng mà Chúa Giê Su Ky Tô ban cho để giúp đỡ và củng cố anh chị em trong những lúc đau khổ? Điều quan trọng là gắn bó bản thân anh chị em với Đấng Cứu Rỗi bằng cách tuân giữ các giao ước mà anh chị em đã lập với Ngài. Chúng ta lập các giao ước này khi chúng ta tiếp nhận các giáo lễ của chức tư tế. 15

Dân của An Ma đã lập giao ước báp têm. Sau đó họ bị thống khổ trong vòng nô lệ và bị cấm thờ phượng ở nơi đông người hay thậm chí là cầu nguyện thành tiếng. Tuy nhiên, họ vẫn hết mình tuân giữ các giao ước bằng cách thầm kêu cầu thống thiết trong lòng họ. Kết quả là, quyền năng thiêng liêng đã đến. “Chúa đã ban thêm sức mạnh cho họ để họ có thể mang những gánh nặng ấy một cách dễ dàng.” 16

Trong thời đại của chúng ta ngày nay, Đấng Cứu Rỗi mời gọi “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi.” 17 Khi chúng ta tuân giữ giao ước Tiệc Thánh để luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, thì Ngài hứa rằng Thánh Linh của Ngài sẽ ở cùng chúng ta. Thánh Linh sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng thử thách và để làm những điều chúng ta không thể tự mình làm được. Thánh Linh có thể chữa lành chúng ta, cho dù như Chủ Tịch James E. Faust đã dạy,: “Một số sự chữa lành có thể diễn ra ở một thế giới khác.” 18

Chúng ta cũng được ban phước bởi các giao ước và các giáo lễ đền thờ, nơi mà “quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt.” 19 Tôi đã đến thăm viếng một chị phụ nữ đã mất đứa con gái ở tuổi thiếu niên trong một tai nạn khủng khiếp, sau đó chồng của cô ấy bị bệnh ung thư. Tôi hỏi làm sao cô ấy có thể chịu đựng được những mất mát và đau khổ như thế. Cô ấy trả lời rằng sức mạnh đến từ sự trấn an thuộc linh của một gia đình vĩnh cửu, mà đã nhận được trong thời gian thường xuyên thờ phượng trong đền thờ. Như đã được hứa, các giáo lễ trong đền thờ đã trang bị cho cô ấy với quyền năng của Thượng Đế. 20

Thứ tư, hãy chọn cách để tìm kiếm niềm vui mỗi ngày. Những người đau khổ thường cảm thấy đêm tối dài vô tận, và ánh ban mai sẽ chẳng bao giờ đến. Than khóc cũng là lẽ thường. 21 Tuy nhiên, nếu anh chị em thấy mình đang ở giữa bóng tối của nỗi đau, thì hãy chọn đức tin để anh chị em có thể bừng tỉnh để đón ánh bình minh rực rỡ của sự hân hoan. 22

Ví dụ như, lần tôi đến thăm một người mẹ trẻ đang điều trị ung thư, chị ngồi trên ghế nở nụ cười rạng rỡ mặc cho cơn đau và mái tóc rụng đi nhiều. Tôi gặp một cặp vợ chồng trung niên vui vẻ phục vụ với tư cách là những người lãnh đạo giới trẻ mặc dù họ không thể có con cái. Tôi đã ngồi cùng với một chị phụ nữ thân yêu—là người bà, người mẹ, và là người vợ—qua đời chỉ sau vài ngày, tuy nhiên giữa những giọt nước mắt của gia đình là tiếng cười và những hồi ức hạnh phúc.

Những Thánh Hữu đang đau khổ này tiêu biểu cho những điều mà Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giảng dạy:

“Niềm vui mà chúng ta cảm thấy không tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của chúng ta mà mọi điều đều tùy thuộc vào điểm tập trung trong cuộc sống của chúng ta.

“Khi điểm tập trung trong cuộc sống của chúng ta là vào kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế … và Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, thì chúng ta có thể cảm thấy niềm vui bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của mình.” 23

Tôi làm chứng 24 rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta ghi nhớ các Thánh Hữu đang đau khổ của Ngài, yêu thương anh chị em, và biết rõ về anh chị em. Đấng Cứu Rỗi của chúng ta biết cảm nhận của anh chị em. “Quả thật Ngài đã mang sự đau khổ của chúng ta, và gánh lấy sự sầu muộn của chúng ta.” 25 Tôi biết—với tư cách là một người tiếp nhận các phước lành của Chúa hằng ngày 26 —rằng việc tuân giữ các giao ước mở ra quyền năng của sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô để mang lại sức mạnh và ngay cả niềm vui đến với anh chị em, là những người đau khổ.

Đối với tất cả những ai đang đau khổ, tôi cầu xin “Thượng Đế khiến cho gánh nặng của các người sẽ được nhẹ đi, qua sự vui mừng về Vị Nam Tử của Ngài.” 27 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem 1 Phi E Rơ 4:12–13.

  2. Xin xem Giăng 9:1–3.

  3. Xin xem Môi Se 1:39.

  4. Việc sử dụng quyền tự quyết một cách tội lỗi mà gây ra đau khổ cho người khác thì có quá nhiều để liệt kê ra nhưng chắc chắn là bao gồm việc ngoại tình của người phối ngẫu, một người lạm dụng trẻ em hoặc người lớn, một người lái xe say xỉn làm bị thương hoặc gây ra cái chết của một người thân yêu, hoặc một kẻ xả súng hàng loạt hay một kẻ đánh bom khủng bố làm bị thương hoặc giết nhiều người.

  5. Ê Sai 48:10; xin xem thêm Xa Ra Chi 13:9.

  6. Xin xem 2 Nê Phi 2:1–2.

  7. Anh Cả Robert D. Hales đã dạy: “Chúng ta phải phát triển khả năng để quan tâm đến người khác trong lúc chúng ta đang chịu đau khổ. Đó là một phần thiết yếu trong sự phát triển thuộc linh của chúng ta. Khi chúng ta quên mình trong sự phục vụ đồng bào của mình, thì chúng ta tìm thấy bản thân mình” (“Your Sorrow Shall Be Turned to Joy,” Ensign, tháng Mười Một năm 1983, trang 66).

  8. Xin xem Khải Huyền 5:–17; 21:3–4.

  9. Giáo Lý và Giao Ước 121:1, 6.

  10. Giáo Lý và Giao Ước 121:7–8.

  11. Xin xem Ma Thi Ơ 10:29–31.

  12. Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ân Điển.”

  13. Xin xem Phi Líp 4:13, 19; An Ma 26:12; xin xem thêm 2 Sử Ký 32:7–8.

  14. Xin xem An Ma 7:11–13; xin xem thêm 2 Nê Phi 9:21.

  15. Xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, mục 3.5, tại trang mạng ChurchofJesusChrist.org.

  16. Xin xem Mô Si A 24:13–15.

  17. Giáo Lý và Giao Ước 6:36.

  18. James E. Faust, “Where Do I Make My Stand?,” Liahona, tháng Mười Một năm 2004, trang 21.

  19. Giáo Lý và Giao Ước 84:20.

  20. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:22; xin xem thêm 1 Nê Phi 14:14.

  21. Xin xem Giăng 11:35; Giáo Lý và Giao Ước 42:45.

  22. Ý tưởng này được soi dẫn bởi sứ điệp của Anh Cả Joseph B. Wirthlin trong “Ngày Chúa Nhật Sẽ Đến,” Liahona, tháng Mười Một năm 2006, trang 28–30. Xin xem thêm Gia Cơ 1:2–4 (bao gồm Bản Dịch của Joseph Smith trong phần cước chú 2a); 5:10–11.

  23. Russell M. Nelson, “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 82.

  24. Hai mươi năm trước, Vị Sứ Đồ là Anh Cả Neal A. Maxwell đang suy ngẫm về căn bệnh đau đớn và cuối cùng kết thúc cuộc sống của mình. Thánh Linh đã thì thầm, “Ta đã ban cho con căn bệnh bạch cầu để con có thể dạy cho dân của Ta tính xác thực”(xin xem Bruce C. Hafen, A Disciple’s Life: The Biography of Neal A. Maxwell [năm 2002], trang 562).

  25. Mô Si A 14:4; xin xem thêm Ê Sai 53:4.

  26. Từ ngữ thích hợp hơn trong thánh thư đối với từ người nhậnngười dự phần (xin xem Ê The 12:6–9).

  27. An Ma 33:23.