Yêu Mến Những Người Khác và Chấp Nhận Những Dị Biệt
Là các tín đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta nên học cách sống hòa thuận với những người không chia sẻ các giá trị hoặc chấp nhận những lời giảng dạy dựa trên các giá trị đó.
I.
Trong những ngày cuối cùng của giáo vụ trên trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã ban cho các môn đồ điều mà Ngài gọi là “điều răn mới” (Giăng 13:34). Giáo lệnh đó giản dị nhưng khó và đã được lặp đi lặp lại ba lần: “Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi” (Giăng 15:12; xin xem thêm câu 17). Lời dạy phải yêu thương nhau đã từng là một lời dạy chính yếu trong giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi. Giáo lệnh lớn thứ hai là “ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma Thi Ơ 22:39). Chúa Giê Su còn dạy rằng: “Hãy yêu kẻ thù nghịch” (Ma Thi Ơ 5:44). Nhưng giáo lệnh phải yêu thương người khác như Ngài đã yêu thương đàn chiên của Ngài là một thử thách độc đáo đối với các môn đồ của Ngài—và với chúng ta. Vào tháng Tư vừa qua, Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy chúng ta: “Tình yêu thương chính là thực chất của phúc âm và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Gương Mẫu của chúng ta. Cuộc đời của Ngài là một di sản về tình thương.”
Tại sao rất khó để có được tình yêu thương cho nhau giống như Đấng Ky Tô? Điều đó khó vì chúng ta phải sống ở giữa những người không chia sẻ cùng niềm tin, giá trị và các nghĩa vụ với giao ước của chúng ta. Trong lời cầu nguyện quan trọng của Ngài, được dâng lên ngay trước khi Ngài bị đóng đinh, Chúa Giê Su đã cầu nguyện cho các tín đồ của Ngài: “Con đã truyền lời Cha cho họ, và thế gian ghen ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian vậy” (Giăng 17:14). Rồi Ngài khẩn nài cùng Đức Chúa Cha: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác” (câu 15).
Chúng ta phải sống trong thế gian nhưng không thuộcvề thế gian. Chúng ta phải sống trong thế gian vì như Chúa Giê Su đã dạy trong một truyện ngụ ngôn, vương quốc của Ngài “giống như men”, có chức năng là để làm dậy bột nhờ ảnh hưởng của men (xin xem Lu Ca 13:21; Ma Thi Ơ 13:33, xin xem thêm 1 Cô Rinh Tô 5:6–8). Các tín đồ của Ngài không thể làm điều đó nếu họ chỉ giao kết với những người chia sẻ cùng niềm tin và lối thực hành của họ. Nhưng Đấng Cứu Rỗi cũng dạy rằng nếu chúng ta yêu mến Ngài, thì chúng ta sẽ tuân giữ các giáo lệnh của Ngài (xin xem Giăng 14:15).
II.
Phúc âm có nhiều lời giảng dạy về việc tuân giữ các giáo lệnh trong khi sống ở giữa những người có niềm tin và lối thực hành khác nhau. Những lời dạy về sự tranh chấp là chính yếu. Khi Đấng Ky Tô Phục Sinh thấy dân Nê Phi tranh luận về cách làm phép báp têm, thì Ngài đã đưa ra hướng dẫn rõ ràng về cách thực hiện giáo lễ này. Sau đó, Ngài dạy nguyên tắc quan trọng này:
“Sẽ không còn có sự tranh luận nào giữa các ngươi như đã từng xảy ra từ trước tới nay; và cũng sẽ chẳng có sự tranh luận nào về các điểm giáo lý của ta giữa các ngươi như đã từng xảy ra từ trước tới nay.
“Vì quả thật, quả thật, ta nói cho các ngươi hay, kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta mà thuộc về quỷ dữ, vì quỷ dữ là cha của sự tranh chấp, nó khích động trái tim loài người để họ tức giận tranh chấp lẫn nhau.
“Này, đây là giáo lý của ta là những việc như vậy phải được hủy bỏ” (3 Nê Phi 11:28–30; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Đấng Cứu Rỗi đã không những đưa ra lời cảnh cáo về sự tranh chấp cho những người không tuân giữ giáo lệnh về phép báp têm, mà Ngài còn cấm mọi người tranh chấp nữa. Ngay cả những người tuân giữ các giáo lệnh cũng không được khích động lòng người khác làm cho họ tranh chấp, giận dữ. “Cha đẻ của sự tranh chấp” là quỷ dữ; Đấng Cứu Rỗi là Hoàng Tử Bình An.
Tương tự như vậy, Kinh Thánh dạy rằng “người khôn ngoan làm nguôi cơn giận” (Châm Ngôn 29:8). Các Vị Sứ Đồ đầu tiên dạy rằng chúng ta nên “tìm cách làm nên hòa thuận” (Rô Ma 14:19) và “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Ê Phê Sô 4:15), “vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (Gia Cơ 1:20). Trong điều mặc khải hiện đại Chúa đã truyền lệnh rằng tin lành của phúc âm phục hồi phải được rao truyền cho “người lân cận mình, bằng sự êm ái và nhu mì” (GLGƯ 38:41), “với tất cả sự khiêm nhường, … chớ chửi rủa những người chửi rủa mình” (GLGƯ 19:30).
III.
Ngay cả khi cố gắng nhu mì và tránh tranh chấp, chúng ta cũng không được thỏa hiệp hay giảm bớt lòng cam kết của mình đối với các lẽ thật chúng ta đã hiểu. Chúng ta không được từ bỏ các chức vụ hoặc giá trị của mình. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và các giao ước chúng ta đã lập chắc chắn đặt chúng ta vào vai trò của các chiến sĩ trong cuộc chiến vĩnh cửu giữa lẽ thật và lỗi lầm. Không có sự trung lập trong cuộc chiến đó.
Đấng Cứu Rỗi đã cho thấy con đường khi những kẻ thù của Ngài chất vấn Ngài với người đàn bà bị “bắt quả tang về tội tà dâm” (Giăng 8:4). Khi hổ thẹn với sự đạo đức giả của mình, những kẻ cáo buộc rút lui và bỏ lại Chúa Giê Su một mình với người đàn bà đó. Ngài đã đối xử nhân từ với người đàn bà này bằng cách từ chối kết án người đàn bà ấy vào lúc đó. Nhưng Ngài cũng kiên quyết chỉ dạy người đàn bà ấy là “đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:11). Lòng nhân từ tử tế là cần thiết, nhưng một tín đồ của Đấng Ky Tô—giống như Đức Thầy—sẽ phải vững vàng trong lẽ thật.
IV.
Cũng giống như Đấng Cứu Rỗi, đôi khi các tín đồ của Ngài đối phó với hành vi tội lỗi, và ngày nay đôi khi được gọi là “cực đoan” hay “cuồng tín” khi họ rao truyền điều đúng và điều sai theo như họ hiểu. Nhiều giá trị và lối thực hành của thế gian đặt ra những thử thách như vậy cho Các Thánh Hữu Ngày Sau. Nổi bật trong những thử thách này hiện nay là làn sóng đang hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta cũng sống ở giữa một số người không hề tin vào hôn nhân. Một số người không tin vào việc có con. Một số người phản đối bất cứ sự hạn chế nào về hình ảnh sách báo khiêu dâm hoặc ma túy đầy nguy hiểm. Một ví dụ khác—quen thuộc với hầu hết những người tin—là thử thách của việc sống chung với một người bạn đời không tin, hoặc người không tin trong gia đình hoặc giao tiếp với những đồng nghiệp không tin hoặc những người không tin khác.
Trong những nơi đã được làm lễ cung hiến lên Chúa, như đền thờ, nhà thờ phượng và nhà của chúng ta, thì chúng ta nên giảng dạy lẽ thật và các giáo lệnh một cách rõ ràng và kỹ lưỡng như chúng ta hiểu những điều đó từ kế hoạch cứu rỗi đã được mặc khải trong phúc âm phục hồi. Quyền của chúng ta để làm như vậy được bảo vệ bởi hiến pháp về quyền tự do ngôn luận và tôn giáo, cũng như quyền riêng tư được tôn trọng ngay cả ở các nước không có những bảo đảm chính thức về hiến pháp.
Ở nơi công cộng, điều mà những người mộ đạo nói và làm bao gồm những sự kính trọng khác. Quyền tự do thực hành tôn giáo áp dụng cho hầu hết các hoạt động công cộng, nhưng tùy thuộc vào những trình độ cần thiết để thích nghi với niềm tin và lối thực hành của người khác. Luật pháp có thể ngăn cấm hành vi thường được công nhận là sai hoặc không thể chấp nhận, như khai thác tình dục, bạo lực hoặc hành vi khủng bố khác, ngay cả khi được những kẻ cực đoan nhân danh tôn giáo thực hiện. Hành vi ít nghiêm trọng, mặc dù không thể chấp nhận được ở một số người tin, có thể chỉ cần phải chịu đựng nếu được hợp pháp hóa bởi điều mà các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn gọi là “tiếng nói của dân chúng” (Mô Si A 29:26).
Về đề tài của các bài thuyết giảng ở giữa công chúng, chúng ta muốn có sự chú ý nhiều hơn đến những lời giảng dạy của phúc âm là phải yêu mến người lân cận của mình và tránh tranh chấp. Các tín đồ của Đấng Ky Tô sẽ là các tấm gương lễ độ. Chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người, biết lắng nghe, và cho thấy mối quan tâm đối với niềm tin chân thành của họ. Mặc dù có thể không đồng ý, nhưng chúng ta không nên khó chịu. Chúng ta không nên gây ra tranh luận về lập trường và sự truyền đạt đối với các vấn đề dễ bàn cãi. Chúng ta cần phải khôn ngoan khi giải thích và theo đuổi lập trường của mình và ảnh hưởng đến người khác. Khi làm như vậy, chúng ta yêu cầu những người khác đừng cảm thấy bị xúc phạm vì niềm tin tôn giáo chân thành của chúng ta và sự tự do thực hành tôn giáo của mình. Chúng tôi khuyến khích tất cả chúng ta nên thực hành Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc của Đấng Cứu Rỗi: “Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ” (Ma Thi Ơ 7:12).
Khi lập trường của mình không chiếm ưu thế, thì chúng ta nên lịch sự và lễ độ chấp nhận các kết quả không thuận lợi đối với người chống đối mình. Trong mọi trường hợp, chúng ta nên là những người có thiện chí đối với tất cả mọi người, bác bỏ bất cứ loại ngược đãi nào, kể cả sự ngược đãi dựa trên chủng tộc, dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo hoặc không tín ngưỡng, và sự khác biệt trong khuynh hướng về phái tính.
V.
Tôi đã nói về các nguyên tắc chung. Bây giờ tôi sẽ nói về các nguyên tắc đó nên áp dụng như thế nào trong một loạt các tình huống quen thuộc khi những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi nên được tuân theo một cách trung tín hơn.
Tôi bắt đầu với việc con cái còn nhỏ của chúng ta học được điều gì trong khi chơi. Thông thường những người không phải Mặc Môn ở Utah này đã bị một số tín hữu của chúng ta xúc phạm và xa lánh và không cho phép con cái của họ làm bạn với các trẻ em thuộc các tín ngưỡng khác. Chắc chắn là chúng ta có thể dạy cho con cái mình những giá trị và tiêu chuẩn của hành vi mà không cần phải xa lánh hoặc tỏ ra thiếu tôn kính đối với bất kỳ người nào khác với chúng ta.
Nhiều giảng viên trong nhà thờ và trường học đã buồn lòng trước cách đối xử với nhau của một số thiếu niên thiếu nữ, kể cả giới trẻ Thánh Hữu Ngày Sau. Giáo lệnh phải yêu thương nhau chắc chắn gồm có tình yêu thương và sự kính trọng giữa các tôn giáo khác nhau và cũng như đối với sự khác biệt về chủng tộc, văn hóa, và kinh tế. Chúng tôi yêu cầu tất cả giới trẻ hãy tránh bắt nạt, lăng mạ, hoặc đưa ra lời lẽ và lối thực hành nhằm cố tình gây đau đớn cho người khác. Tất cả những điều này vi phạm lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi là phải yêu thương nhau.
Đấng Cứu Rỗi dạy rằng sự tranh chấp là một công cụ của quỷ dữ. Lời dạy đó chắc chắn là trái ngược với một số lời lẽ và lối thực hành chính trị hiện nay. Việc đối phó với những người và chính sách khác biệt là thiết yếu về mặt chính trị, nhưng những khác biệt về chính sách không cần phải gồm có các cuộc tấn công vào cá nhân làm cản trở tiến trình của chính phủ và trừng phạt những người tham gia. Tất cả chúng ta đều nên tránh những hành động hận thù và hãy lễ độ đối với những quan điểm khác biệt.
Bối cảnh quan trọng nhất để từ bỏ sự tranh chấp và lối thực hành sự kính trọng đối với những dị biệt là trong mối quan hệ gia đình của chúng ta. Không thể nào tránh khỏi những dị biệt—một số dị biệt nhỏ và một số dị biệt lớn. Đối với những dị biệt lớn, giả sử một người trong gia đình đang ăn ở với một người khác. Điều đó mang lại sự xung đột giữa hai giá trị quan trọng–tình yêu thương của chúng ta dành cho người đó và lòng cam kết của chúng ta đối với các giáo lệnh. Noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể cho thấy tình yêu thương nhân từ nhưng vẫn kiên quyết trong lẽ thật bằng cách không làm các hành động để tạo điều kiện hoặc dường như bỏ qua điều chúng ta biết là sai.
Tôi kết thúc với một ví dụ khác về một mối quan hệ gia đình. Tại một đại hội giáo khu ở vùng Trung Tây cách đây khoảng 10 năm, tôi gặp một chị phụ nữ đã nói với tôi rằng người chồng ngoại đạo của chị đã đi theo chị đến nhà thờ trong suốt 12 năm nhưng vẫn chưa gia nhập Giáo Hội. Chị hỏi chị nên làm gì đây. Tôi khuyên chị hãy tiếp tục làm tất cả những điều đúng và phải kiên nhẫn và tử tế với chồng của chị.
Khoảng một tháng sau đó, chị đã viết cho tôi như sau: “Vâng, tôi nghĩ rằng 12 năm đã cho thấy là tôi đã kiên nhẫn biết bao rồi, nhưng tôi không biết là tôi có thật sự nhân từ về điều đó không. Vì vậy, tôi đã cố gắng hết sức trong hơn một tháng, và chồng tôi đã chịu phép báp têm.”
Lòng nhân từ là đức tính mạnh mẽ, nhất là trong một khung cảnh gia đình. Bức thư của chị ấy viết tiếp: “Tôi còn cố gắng để được nhân từ hơn bây giờ vì chúng tôi đang cố gắng vào đền thờ làm lễ gắn bó trong năm nay!”
Sáu năm sau, chị đã viết cho tôi một bức thư khác: “Chồng tôi [vừa] được kêu gọi và phong nhiệm với tư cách là giám trợ [của tiểu giáo khu chúng tôi].”
VI.
Trong rất nhiều mối quan hệ và hoàn cảnh trong cuộc sống, chúng ta phải chấp nhận những người khác biệt với mình. Khi có những giá trị quan trọng khác biệt với những người khác thì chúng ta không nên phủ nhận hoặc từ bỏ các giá trị này, mà là các tín đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta nên học cách sống hòa thuận với những người không chia sẻ các giá trị hoặc chấp nhận những lời giảng dạy dựa trên các giá trị đó. Kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Cha, mà chúng tôi biết bằng sự mặc khải cho vị tiên tri, đã đặt chúng ta vào một hoàn cảnh trần thế, là nơi chúng ta phải tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Điều đó bao gồm tình yêu thương giống như cách Ngài đã yêu thương chúng ta đối với những người lân cận khác biệt về văn hóa và tín ngưỡng với chúng ta. Như một vị tiên tri trong Sách Mặc Môn đã dạy, chúng ta phải tiến tới, có “tình yêu thương Thượng Đế và mọi người.” (2 Nê Phi 31:20).
Cũng khó khăn như việc sống trong tình trạng hỗn loạn xung quanh chúng ta, lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi là phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta có lẽ là thử thách lớn nhất của chúng ta. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể hiểu được lời dạy này và tìm cách sống theo lời dạy này trong tất cả các mối quan hệ và sinh hoạt của chúng ta, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.