Chẳng Phải Chúng Ta Toàn Là Những Kẻ Hành Khất Cả Hay Sao?
Dù giàu hay nghèo, chúng ta cũng phải “làm điều chúng ta có thể làm” khi những người khác đang hoạn nạn.
Thật là một điều tuyệt vời và mới mẻ được đưa vào khuôn mẫu của đại hội trung ương của chúng ta. Hay lắm Eduardo ạ.
Trong giây phút kinh ngạc nhất của giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đứng dậy trong nhà hội ở quê hương Na Xa Rét của Ngài và đọc những lời tiên tri của Ê Sai và được ghi lại trong sách Phúc Âm của Lu Ca: “Thần của Chúa ngự trên ta: vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, … . [và] kẻ bị hà hiếp được tự do.”
Như vậy, Đấng Cứu Rỗi đã công khai loan báo giáo vụ cứu rỗi đầu tiên của Đấng Mê Si. Nhưng câu này cũng nói rõ rằng trên đường đi đến thực hiện sự hy sinh chuộc tội tột bậc và Sự Phục Sinh của Ngài, thì bổn phận cứu rỗi đầu tiên và trước hết của Chúa Giê Su sẽ là ban phước cho người nghèo, kể cả những người có lòng khốn khó.
Từ lúc bắt đầu giáo vụ của Ngài, Chúa Giê Su đã yêu thương người nghèo khó và bị thiệt thòi trong một cách phi thường. Ngài sinh ra trong hai hoàn cảnh đó và lớn lên trong nhiều hoàn cảnh như thế nữa. Chúng ta không biết tất cả các chi tiết của cuộc sống trần thế của Ngài, nhưng Ngài đã từng phán: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu.” Rõ ràng là Đấng tạo dựng trời và đất “và mọi vật ở trong đó” là người vô gia cư, ít nhất là khi Ngài trưởng thành.
Suốt lịch sử, cảnh nghèo khó đã được coi là một trong những thử thách lớn và phổ biến nhất của nhân loại. Nỗi đau khổ về vật chất vì nghèo khó thường là hiển nhiên, nhưng những thiệt hại về tinh thần và tình cảm có thể xảy ra vì cảnh này còn có thể gây nhiều tác hại hơn nữa. Trong mọi trường hợp, lời kêu gọi về bổn phận mà Đấng Cứu Chuộc vĩ đại đã liên tục đưa ra cho chúng ta nhiều nhất là cùng Ngài cất bỏ gánh nặng này khỏi người khác. Là Đức Giê Hô Va, Ngài đã phán rằng Ngài sẽ phán xét gia tộc Y Sơ Ra Ên một cách nghiêm khắc vì “của cướp bóc kẻ [túng thiếu] đang ở trong nhà các ngươi.”
Ngài kêu lên: “Các ngươi có ý gì mà đè ép dân ta, giày vò mặt kẻ nghèo khó?
Tác giả sách Châm Ngôn đã làm cho vấn đề này sáng tỏ: “Kẻ hà hiếp người nghèo khổ làm nhục Đấng Tạo hóa mình; [và] … ai bưng tai không khứng nghe tiếng kêu la của người nghèo khổ, Người đó cũng sẽ kêu la mà sẽ chẳng có ai đáp lại.”
Trong thời kỳ chúng ta, khi Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được phục hồi chưa đầy một năm thì Chúa đã truyền lệnh cho các tín hữu Giáo Hội phải “chăm sóc đến những người nghèo khổ và … túng thiếu, giúp đỡ và cứu trợ họ, để họ không còn đau khổ nữa.” Hãy lưu ý đến lối diễn đạt trong đoạn đó—“để họ không còn đau khổ nữa.” Thượng Đế đã sử dụng lời lẽ như thế khi Ngài có ý muốn nói đến điều đó một cách nghiêm túc.
Khi suy xét về việc khắc phục tình trạng bất công trên đời thật là khó khăn biết bao, thì một người có thể làm gì? Chính Đức Thầy đã ban cho một câu trả lời. Trước khi Ngài bị phản bội và bị đóng đinh, Ma Ri đã xức dầu lên đầu của Chúa Giê Su với một loại dầu mai táng đắt tiền, Giu Đa Ích Ca Rốt đã phản đối sự lãng phí này và “oán trách người.”
Chúa Giê Su phán rằng:
“ … sao các ngươi làm rầy người mà chi? Người đã làm một việc tốt cho ta. …
“Người đã làm điều mình có thể làm được.”
“Người đã làm điều mình có thể làm được!” Thật là một lời giải thích vắn tắt rất hùng hồn! Một nhà báo từng hỏi Mẹ Têrêsa ở Calcutta về nhiệm vụ vô vọng của bà để cứu người khốn cùng trong thành phố đó. Người ấy nói rằng, về mặt số liệu thống kê, bà đã không hoàn thành được điều gì cả. Người phụ nữ nhỏ bé phi thường này đáp lại rằng việc làm của bà là về tình yêu thương chứ không phải về thống kê. Mặc dù có rất nhiều người bà không thể giúp đỡ được, nhưng bà nói rằng bà có thể tuân giữ giáo lệnh phải yêu mến Thượng Đế và người lân cận của mình bằng cách phục vụ dân chúng trong phạm vi của mình với bất cứ phương tiện nào bà có. Vào một dịp khác, bà nói: “Điều chúng ta làm chỉ là một giọt nước trong đại dương, nhưng nếu chúng ta không làm điều đó, thì đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.” Nhà báo ấy đã nghiêm chỉnh kết luận rằng Ky Tô giáo rõ ràng không phải là một nỗ lực quan tâm đến số liệu thống kê. Người ấy lý luận rằng nếu có niềm vui ở trên trời đối với một kẻ có tội mà biết hối cải hơn là chín mươi chín người không cần hối cải, thì rõ ràng là Thượng Đế đã không quá bận tâm đến tỷ lệ phần trăm.
Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể “làm điều chúng ta có thể làm?”
Một là chúng ta có thể, như Vua Bên Gia Min đã dạy, chấm dứt việc từ chối không giúp đỡ vì chúng ta nghĩ rằng người nghèo khó đã tự mình tạo ra hoàn cảnh đó. Có lẽ một số người đã tự tạo ra những khó khăn cho họ, nhưng không phải là chúng ta cũng làm như vậy sao? Đó không phải là lý do tại sao vị lãnh đạo đầy lòng trắc ẩn này hỏi: “Chẳng phải chúng ta toàn là những kẻ hành khất cả hay sao?” Chẳng phải chúng ta đều kêu cầu được giúp đỡ, có niềm hy vọng và sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện hay sao? Chẳng phải chúng ta đều cầu xin sự tha thứ cho những lỗi lầm và rắc rối chúng ta đã gây ra hay sao? Chẳng phải chúng ta đều cầu xin ân điển mà sẽ bù đắp cho những yếu kém của mình, để lòng thương xót sẽ chiến thắng công lý ít nhất là trong trường hợp của chúng ta hay sao? Không ngạc nhiên gì khi Vua Bên Gia Min nói rằng chúng ta nhận được một sự xá miễn các tội lỗi bằng cách khẩn nài lên Thượng Đế, là Đấng đáp ứng bằng lòng trắc ẩn, nhưng chúng ta vẫn gìn giữ sự xá miễn các tội lỗi của mình bằng cách đáp ứng bằng lòng trắc ẩn với người nghèo khó đang khẩn nài chúng ta.
Ngoài việc hành động với lòng thương xót thay cho họ ra, chúng ta cũng nên cầu nguyện cho những người hoạn nạn. Một nhóm người Giô Ram, bị giáo dân của họ xem là “bẩn thỉu” và “cặn bã”—đó là những từ trong thánh thư—đã bị đuổi ra khỏi nhà nguyện của họ “vì y phục thô kệch của họ.” Mặc Môn nói rằng họ “đã nghèo về những vật chất của thế gian mà họ còn nghèo luôn cả trong lòng nữa”—hai tình trạng mà gần như luôn luôn đi đôi với nhau. Hai người bạn đồng hành truyền giáo An Ma và A Mu Léc đã phản đối việc những người ăn mặc xoàng xĩnh đã bị hắt hủi một cách bất công bằng cách nói với họ rằng bất cứ đặc ân nào mà người khác có thể từ chối đối với họ, thì họ có thể luôn luôn cầu nguyện—trong ruộng đồng và trong nhà của họ, trong gia đình và trong lòng họ.
Nhưng sau đó, A Mu Léc đã nói với nhóm người này, chính là những người đã bị hắt hủi: “Sau khi [các người đã cầu nguyện xong] …, mà nếu [các người] ngoảnh mặt đi không nhìn đến người nghèo khó, thiếu ăn thiếu mặc, và không viếng thăm người bệnh hoạn và đau khổ, và không chia sẻ tài sản của mình với người thiếu thốn, trong khi [mình] có,—tôi nói cho các người hay, … những lời cầu nguyện của các người sẽ vô hiệu quả, không đem lại cho [các người] một lợi ích nào, và [các người] cũng chẳng khác chi những kẻ đạo đức giả đã chối bỏ đức tin.” Thật là một lời nhắc nhở hùng hồn rằng cho dù giàu hay nghèo, chúng ta cũng phải “làm điều chúng ta có thể làm” khi những người khác đang hoạn nạn.
Vậy thì, để tôi không bị buộc tội là đã đề nghị các chương trình phung phí khắp toàn cầu nhưng không thực tế để giúp người nghèo, hoặc nói rằng hành động ăn xin trên đường phố là một việc làm đáng bõ công, thì tôi cam đoan với các anh chị em rằng lòng kính trọng của tôi đối với các nguyên tắc siêng năng, tằn tiện, tự lực, và khát vọng cũng mạnh mẽ như của bất cứ người nào hiện đang sống vậy. Chúng ta luôn được kỳ vọng để tự giúp mình trước khi chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Hơn nữa, tôi không biết chính xác làm thế nào mỗi anh chị em phải làm tròn bổn phận của mình đối với những người không hoặc không thể luôn luôn tự giúp đỡ mình. Nhưng tôi biết rằng Thượng Đế biết, và Ngài sẽ giúp đỡ và hướng dẫn các anh chị em trong các hành động trắc ẩn của người môn đồ nếu các anh chị em tận tình mong muốn và cầu nguyện cùng tìm cách để tuân giữ một giáo lệnh mà Ngài đã nhiều lần ban cho chúng ta.
Các anh chị em sẽ hiểu rằng tôi đang nói ở đây về những nhu cầu khó khăn trong xã hội mà áp dụng cho nhiều người hơn là chỉ các tín hữu của Giáo Hội. May mắn thay cách của Chúa trong việc phụ giúp chúng ta là dễ dàng hơn; tất cả những người có khả năng về thể chất đều phải tuân thủ luật nhịn ăn. Ê Sai đã viết:
“Sự kiêng ăn mà ta chọn lựa, …
“Há chẳng phải là chia bánh cho kẻ đói, đem những kẻ nghèo khổ đã bị đuổi đi về nhà mình, khi thấy kẻ trần truồng thì mặc cho, … ? [rằng các anh chị em] mở những trói của ách, thả cho kẻ bị ức hiếp được tự do, hay sao … ?”
Tôi làm chứng về các phép lạ, về mặt thuộc linh lẫn vật chất, mà đến với những người sống theo luật nhịn ăn. Tôi làm chứng về các phép lạ đã đến với tôi. Quả thật, như Ê Sai đã ghi lại, tôi đã hơn một lần cầu nguyện khi nhịn ăn, và quả thật Thượng Đế đã trả lời: “Có ta đây.” Hãy trân quý đặc ân thiêng liêng đó ít nhất hàng tháng, và nếu hoàn cảnh cho phép hãy rộng rãi trong những đóng góp về của lễ nhịn ăn và những đóng góp nhân đạo, giáo dục, và truyền giáo khác. Tôi hứa rằng Thượng Đế sẽ rộng rãi với các anh chị em, và những người được cứu giúp nhờ vào các anh chị em sẽ xưng các anh chị em là có phước mãi mãi. Năm ngoái đã có hơn 750,000 tín hữu của Giáo Hội đã được giúp đỡ nhờ vào quỹ của lễ nhịn ăn do các vị giám trợ và các chủ tịch Hội Phụ Nữ tận tâm điều hành. Có rất nhiều Thánh Hữu Ngày Sau có lòng biết ơn.
Thưa các anh chị em, một bài giảng như thế đòi hỏi tôi phải công khai thừa nhận các phước lành không tìm mà có, không đáng nhận được và vô tận trong cuộc sống của tôi, cả về vật chất lẫn tinh thần. Cũng giống như các anh chị em, thỉnh thoảng tôi đã phải lo lắng về tài chính, nhưng tôi chưa bao giờ bị nghèo khó hoặc tôi còn không biết cái cảm giác nghèo khó. Hơn nữa, tôi không biết tất cả các lý do tại sao những hoàn cảnh ra đời, sức khỏe, giáo dục và các cơ hội kinh tế của chúng ta lại khác nhau quá nhiều ở trên trần thế này, nhưng khi tôi thấy nhu cầu của rất nhiều người thì tôi quả thật biết rằng “nếu không nhờ vào lòng thương xót của Thượng Đế thì tôi cũng có thể ở trong hoàn cảnh như vậy.” Tôi cũng biết rằng mặc dù tôi có thể không phải là người trông nom anh em mình, nhưng tôi có trách nhiệm để chăm sóc cho những người xung quanh mình, và “bởi vì tôi đã được nhận nhiều, nên tôi cũng phải cho nhiều.”
Về vấn đề đó, cá nhân tôi vinh danh Chủ Tịch Thomas Spencer Monson. Tôi đã được phước quen biết với người đàn ông này trong suốt 47 năm qua, và tôi sẽ luôn luôn trân quý hình ảnh của ông cho đến khi tôi chết. Đó là hình ảnh ông bay về nhà từ nước Đông Đức lúc đó có nền kinh tế suy sụp và chân mang đôi dép đi trong nhà vì ông không những đã cho cả bộ đồ vét và áo sơ mi khác của ông mà còn cho cả chính đôi giày ông đang mang nữa. “Những kẻ đem tin tốt, rao sự bình an,… chân của những kẻ ấy trên các núi xinh đẹp [và lê bước qua cửa ga hàng không] là dường nào.” Hơn bất cứ người nào tôi quen biết, Chủ Tịch Monson “làm điều ông đã có thể làm” cho kẻ góa bụa và kẻ mồ côi, kẻ nghèo khó và kẻ bị áp bức.
Một điều mặc khải ban cho Tiên Tri Joseph Smith vào năm 1831, Chúa đã phán rằng người nghèo khó một ngày nào đó sẽ thấy vương quốc của Thượng Đế đến để giải thoát cho họ “trong quyền năng và vinh quang lớn lao.” Cầu xin cho chúng ta có thể giúp làm ứng nghiệm lời tiên tri đó bằng cách đến để giải thoát cho bất cứ người nào chúng ta có thể giải thoát được khỏi cảnh nghèo khó trói buộc họ và cảnh túng thiếu phá hủy giấc mơ của họ trong quyền năng và vinh quang của Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi cầu nguyện trong tôn danh thương xót của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.