2010–2019
Giải Cứu trong Tình Đoàn Kết
tháng mười 2014


10:38

Giải Cứu trong Tình Đoàn Kết

Để phụ giúp Đấng Cứu Rỗi, chúng ta phải cùng nhau làm việc trong tình đoàn kết và hòa thuận. Mọi người, mọi chức vụ, và mọi sự kêu gọi đều quan trọng.

Chúng ta thường nghe Chủ Tịch Thomas Monson nói: “Tìm đến để giải cứu.” Tôi nghĩ đến một câu chuyện trong Kinh Tân Ước. Đó là một tấm gương hoàn hảo về cách các tín hữu và những người truyền giáo có thể làm việc với nhau trong tình đoàn kết qua các hội đồng tiểu giáo khu để tìm đến giải cứu. Câu chuyện được tìm thấy trong Mác 2:1–5. Tôi thấy rằng những kinh nghiệm mà Chúa Giê Su đã dùng để dạy chúng ta các giáo lý hay nguyên tắc nào đó luôn luôn có tính chất soi dẫn và dễ hiểu.

Một trong những nhân vật trong câu chuyện này là một người đàn ông bị bệnh bại liệt, không thể đi lại được nếu không được phụ giúp. Người đàn ông này chỉ có thể ở nhà, chờ để được giải cứu.

Trong thời chúng ta, điều này có thể xảy ra như sau. Bốn người đang thi hành theo chỉ định của vị giám trợ để đi thăm nhà của một người đàn ông bị bệnh bại liệt. Tôi có thể hình dung ra một người trong số họ đến từ Hội Phụ Nữ, một người từ nhóm túc số các anh cả, một người từ Chức Tư Tế A Rôn, và cuối cùng nhưng không kém quan trọng, một người truyền giáo toàn thời gian. Trong buổi họp hội đồng tiểu giáo khu gần đây nhất, sau khi cùng nhau hội ý về nhu cầu trong tiểu giáo khu, vị giám trợ đã đưa ra những chỉ định “giải cứu”. Bốn người này đã được chỉ định để giúp người đàn ông mắc bệnh bại liệt. Họ không thể chờ đợi cho người ấy tự mình đến nhà thờ được. Họ phải đi đến thăm nhà người ấy. Họ phải đi tìm người ấy, và như thế, họ ra đi giải cứu. Người đàn ông ấy đã được đưa đến Chúa Giê Su.

“Bấy giờ có mấy kẻ đem tới cho Ngài một người đau bại, có bốn người khiêng” (Mác 2:3).

Tuy nhiên, căn phòng đã quá đông người. Họ không thể đi lọt qua cái cửa. Tôi chắc chắn rằng họ đã cố gắng để có thể nghĩ đủ cách, nhưng họ cũng không thể đi lọt qua. Những sự việc đã không xảy ra một cách trôi chảy như hoạch định. Có những chướng ngại vật trên đường đi “giải cứu” của họ. Nhưng họ đã không bỏ cuộc. Họ không bỏ lại người đàn ông bị bại liệt ở bên cửa. Họ cùng nhau hội ý về điều phải làm tiếp theo—làm thế nào họ có thể mang người đàn ông ấy đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô để được chữa lành. Công việc phụ giúp Chúa Giê Su Ky Tô trong việc cứu rỗi người khác, ít nhất là đối với họ, không bao giờ là quá khó khăn. Họ đã đưa ra một kế hoạch—không phải là một kế hoạch dễ dàng, nhưng họ đã hành động theo kế hoạch đó.

“Nhưng, vì đông người, không lại gần Ngài được, nên dỡ mái nhà ngay chỗ Ngài ngồi, rồi do lỗ đó dòng giường người bại nằm xuống” (Mác 2:4).

Họ đưa người ấy lên mái nhà. Giả sử là không có cầu thang bên ngoài cho họ leo lên, nên họ phải mất một thời gian để mọi người có thể lên được mái nhà. Tôi nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra theo cách này: đầu tiên người thiếu niên từ tiểu giáo khu của em ấy sẽ phải leo lên mái nhà. Vì em ấy còn trẻ và tràn đầy nghị lực, nên điều đó không khó lắm đối với em ấy. Người bạn đồng hành giảng dạy tại gia của em ấy từ nhóm túc số các anh cả và người truyền giáo toàn thời gian cao lớn và khỏe mạnh sẽ phụ đẩy em ấy lên từ bên dưới. Một chị trong Hội Phụ Nữ có thể nhắc nhở họ là phải cẩn thận và khuyến khích họ. Sau đó, những người đàn ông sẽ dỡ mái nhà trong khi chị phụ nữ tiếp tục an ủi người đàn ông đang chờ để được chữa lành—để có thể tự mình đi lại và được tự do.

Việc chỉ định giải cứu này đòi hỏi tất cả mọi người phải cùng nhau làm việc. Vào thời điểm quan trọng này, cần phải có sự phối hợp cẩn thận để dòng người đàn ông bị bệnh bại liệt xuống dưới từ mái nhà. Bốn người sẽ phải làm việc trong tình đoàn kết và hòa thuận. Không thể có bất cứ điều bất hòa nào trong số bốn người họ. Họ phải dòng người đàn ông bị bại liệt ấy xuống dưới với cùng tốc độ. Nếu một người nào đó thả sợi dây nhanh hơn ba người kia, thì người đàn ông ấy sẽ rơi ra khỏi cái giường của mình. Người ấy không thể giữ cho mình không rơi vì quá yếu.

Để phụ giúp Đấng Cứu Rỗi, chúng ta phải cùng nhau làm việc trong tình đoàn kết và hòa thuận. Mọi người, mọi chức vụ, và mọi sự kêu gọi đều quan trọng. Chúng ta phải được đoàn kết trong Chúa Giê Su Ky Tô.

Cuối cùng, người đàn ông bị bệnh bại liệt đã được đặt xuống trước mặt Chúa Giê Su. “Đức Chúa Giê Su thấy đức tin họ, bèn phán cùng kẻ bại rằng: Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha” (Mác 2:5). Chúa Giê Su cho thấy lòng thương xót đối với người ấy và chữa lành người ấy—không chỉ về thể chất mà còn về phần thuộc linh nữa: “Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha.” Điều đó thật là tuyệt vời, phải không? Chúng ta đã chẳng muốn điều đó cũng xảy ra cho tất cả chúng ta sao? Chắc chắn là tôi sẽ muốn điều đó rồi.

Chúng ta có biết người nào trong cuộc sống của mình bị mắc bệnh bại liệt thuộc linh, một người hoàn toàn không thể tự mình trở lại với Giáo Hội không? Người này có thể là một đứa con trong số mấy đứa con của mình, một người cha hay mẹ, một người phối ngẫu hoặc một người bạn.

Với rất nhiều người truyền giáo toàn thời gian hơn trong mỗi đơn vị Giáo Hội, thật là sáng suốt nếu các vị giám trợ và chủ tịch chi nhánh biết tận dụng nhiều hơn các hội đồng của tiểu giáo khu và chi nhánh của mình. Vị giám trợ có thể mời mỗi thành viên trong hội đồng tiểu giáo khu đến với một bản danh sách tên của những người có thể cần được phụ giúp. Các thành viên của hội đồng tiểu giáo khu sẽ cùng hội ý cẩn thận với nhau về cách họ có thể giúp đỡ hữu hiệu nhất. Các giám trợ sẽ chăm chú lắng nghe những ý kiến và đưa ra những chỉ định.

Những người truyền giáo toàn thời gian là những nguồn phương tiện tuyệt vời cho các tiểu giáo khu trong các nỗ lực giải cứu này. Họ còn trẻ và tràn đầy sức lực. Họ thích có được một bản danh sách tên cụ thể của những người để cùng làm việc. Họ thích làm việc với các tín hữu trong tiểu giáo khu. Họ biết đây là những cơ hội tìm kiếm tuyệt vời đối với họ. Họ tận tâm thiết lập vương quốc của Chúa. Họ có một chứng ngôn vững mạnh rằng họ sẽ trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn khi họ tham gia vào các nỗ lực giải cứu này.

Để kết luận, tôi xin chia sẻ với các anh chị em thêm một kho báu được ẩn giấu trong câu chuyện của thánh thư này. Đó là trong câu 5: “Đức Chúa Giê Su thấy đức tin họ” (sự nhấn mạnh được thêm vào). Trước đây tôi đã không nhận thấy điều này—đức tin của họ. Đức tin phối hợp của chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng đến sự an lạc của người khác.

Những người mà Chúa Giê Su đã đề cập đến là ai? Họ cũng thực sự có thể bao gồm bốn người đã khiêng người đàn ông bị bại liệt, người đàn ông này, những người đã cầu nguyện cho ông ta, và tất cả những người ở đó đang lắng nghe lời thuyết giảng của Chúa Giê Su và thấy vui thầm trong lòng rằng phép lạ sắp xảy ra. Họ cũng có thể gồm có người phối ngẫu, cha, mẹ, đứa con trai hay con gái, một người truyền giáo, một chủ tịch nhóm túc số, một chủ tịch Hội Phụ Nữ, một vị giám trợ, và một người bạn ở xa. Chúng ta đều có thể giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta phải luôn luôn biết thiết tha nhiệt thành trong việc tìm cách giải cứu những người hoạn nạn.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Thượng Đế có phép lạ. Chúa Giê Su Ky Tô yêu thương tất cả chúng ta và có quyền năng để cứu rỗi và chữa lành, cả về thể chất lẫn thuộc linh. Khi phụ giúp Ngài trong sứ mệnh cứu rỗi các linh hồn của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ được giải cứu trong tiến trình này. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Ngài, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem ví dụ, Thomas S. Monson, “Trách Nhiệm của Chúng Ta để Giải Cứu,” Liahona, tháng Mười năm 2013, 5.