2010–2019
Hãy Ban Bằng Cái Nẻo của Chân Con Đi
tháng mười 2014


14:26

Hãy Ban Bằng Cái Nẻo của Chân Con Đi

Khi trông cậy vào Chúa Giê Su là Đấng Gương Mẫu của mình và khi noi theo bước Ngài, thì chúng ta có thể an toàn trở lại với Cha Thiên Thượng.

Các anh chị em thân mến, tôi khiêm nhường khi đứng trước các anh chị em buổi sáng hôm nay. Tôi cầu xin cho đức tin và những lời cầu nguyện của các anh chị em thay cho tôi khi tôi chia sẻ với các anh chị em sứ điệp của tôi.

Tất cả chúng ta bắt đầu một cuộc hành trình tuyệt vời và cần thiết khi chúng ta rời khỏi thế giới linh hồn và bước vào giai đoạn thường đầy thử thách này được gọi là trần thế. Các mục đích chính của cuộc sống chúng ta trên thế gian là để nhận được một thể xác bằng xương bằng thịt, để đạt được kinh nghiệm mà chỉ có thể đạt được bằng cách tách ra khỏi cha mẹ thiên thượng của chúng ta, và để xem chúng ta có tuân giữ các giáo lệnh không. Trong sách Áp Ra Ham, chương 3, chúng ta đọc: “Và chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng.”

Khi đến thế gian, chúng ta đã mang theo với mình ân tứ lớn lao đó của Thượng Đế—chính là quyền tự quyết. Trong hàng ngàn cách, chúng ta được đặc ân để tự chọn lựa cho mình. Ở đây, chúng ta học hỏi từ những đòi hỏi khó khăn của kinh nghiệm cá nhân. Chúng ta phân biệt điều thiện với điều ác. Chúng ta phân biệt điều cay đắng với điều ngọt ngào. Chúng ta biết được rằng những quyết định xác định vận mệnh.

Tôi chắc chắn rằng chúng ta giã từ Đức Chúa Cha với một ước muốn tràn ngập là được trở về với Ngài, để có thể đạt được sự tôn cao mà Ngài đã hoạch định cho chúng ta và chính chúng ta cũng muốn rất nhiều. Mặc dù chúng ta tự mình phải tìm kiếm và đi theo con đường mà sẽ dẫn chúng ta trở về với Cha Thiên Thượng, nhưng Ngài không gửi chúng ta đến đây mà không chỉ dẫn và hướng dẫn. Thay vì thế, Ngài đã ban cho chúng ta những công cụ cần thiết, và Ngài sẽ giúp đỡ khi chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài và cố gắng làm hết khả năng của mình để kiên trì đến cùng và đạt được cuộc sống vĩnh cửu.

Để giúp hướng dẫn mình, chúng ta có những lời của Thượng Đế và của Vị Nam Tử của Ngài trong thánh thư. Chúng ta có lời khuyên bảo và giảng dạy của các vị tiên tri của Thượng Đế. Còn quan trọng hơn nữa, chúng ta đã được ban cho một tấm gương hoàn hảo để noi theo—đó chính là tấm gương của Chúa và Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô—và chúng ta đã được chỉ dẫn phải noi theo tấm gương đó. Chính Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Hãy đến mà theo ta.” “Những công việc mà các ngươi thấy ta làm, các ngươi cũng sẽ phải làm như vậy.” Ngài đặt ra câu hỏi: “Các ngươi nên là những người như thế nào?” Và rồi Ngài đáp: “Quả thật, ta nói cho các người hay, các ngươi phải giống như ta vậy.” “Ngài đánh dấu con đường và dẫn đường.”

Khi trông cậy vào Chúa Giê Su là Đấng Gương Mẫu của mình và khi noi theo bước Ngài, thì chúng ta có thể an toàn trở lại với Cha Thiên Thượng để sống với Ngài vĩnh viễn. Tiên tri Nê Phi nói: “Nếu loài người không kiên trì đến cùng bằng cách noi gương Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, thì kẻ đó không thể được cứu.”

Có một người phụ nữ, mỗi lần kể lại những kinh nghiệm của mình trong chuyến đi thăm Đất Thánh, đều kêu lên: “Tôi đã bước đi nơi Chúa Giê Su đi!”

Người ấy đã ở vùng lân cận nơi Chúa Giê Su đã sống và giảng dạy. Có lẽ người ấy đứng trên một tảng đá mà Ngài đã từng đứng hoặc nhìn vào một dãy núi mà Ngài đã từng nhìn. Chính những kinh nghiệm đó đã làm cho người ấy xúc động; nhưng việc bước đi nơi Chúa Giê Su đi thì ít quan trọng hơn việc bước đi giống như Ngài đã đi. Việc bắt chước các hành động của Ngài và noi theo gương của Ngài còn quan trọng nhiều hơn là việc cố gắng tìm ra những tàn tích của những con đường mòn mà Ngài đã đi qua trên trần thế.

Khi Chúa Giê Su đưa ra lời mời cho một người giàu có nào đó: “Hãy đến mà theo ta,” thì Ngài không có ý nói rằng người đàn ông giàu có đó sẽ theo Ngài leo lên đồi, đi xuống đồi và các thung lũng của vùng quê.

Chúng ta không cần phải đi bộ bên bờ biển Ga Li Lê hoặc giữa những ngọn đồi Giu Đa để đi nơi Chúa Giê Su đã đi. Tất cả chúng ta đều có thể đi con đường Ngài đã đi nếu chịu ghi nhớ những lời của Ngài trong tâm trí mình, thì Thánh Linh của Ngài làm tràn đầy tâm hồn chúng ta, và những lời giảng dạy của Ngài hướng dẫn cuộc sống của chúng ta, chúng ta chọn noi theo Ngài khi chúng ta hành trình qua cuộc sống trần thế. Tấm gương của Ngài soi sáng đường đi. Ngài phán: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống.”

Khi xem xét con đường Chúa Giê Su đã đi, chúng ta sẽ thấy rằng con đường đó đã đưa Ngài qua nhiều thử thách cũng giống như các thử thách mà chính chúng ta sẽ gặp phải trong cuộc đời.

Ví dụ, Chúa Giê Su trải qua nỗi thất vọng. Mặc dù Ngài đã trải qua nhiều nỗi thất vọng, nhưng nỗi thất vọng lớn nhất đã được mô tả trong lời than thở của Ngài về Giê Ru Sa Lem vào lúc cuối giáo vụ của Ngài trên trần thế. Con cái của Y Sơ Ra Ên đã chối bỏ sự an toàn của đôi cánh bảo vệ mà Ngài đã ban cho họ. Khi Ngài nhìn thành phố sắp bị hoang phế vì sự hủy diệt, lòng Ngài đã tràn ngập xúc động của nỗi buồn sâu thẳm. Ngài đã kêu lên trong đau đớn: “Hỡi Giê Ru Sa Lem, Giê Ru Sa Lem, ngươi giết các tiên tri, và quăng đá các đấng chịu sai đến cùng ngươi, bao phen ta muốn nhóm họp con cái ngươi, như gà mái túc và ấp con mình dưới cánh, mà các ngươi chẳng muốn!”

Chúa Giê Su trải qua sự cám dỗ. Lu Xi Phe, là một kẻ tà ác, đã gom hết sức mạnh mãnh liệt nhất của nó, những lời dối trá hấp dẫn nhất, để cám dỗ Ngài. Ngài đã nhịn ăn trong 40 ngày và 40 đêm. Chúa Giê Su đã không nhượng bộ; thay vì thế, Ngài đã chống lại mỗi sự cám dỗ. Ngài phán khi đuổi Sa Tan đi: “Hỡi quỉ Sa Tan, ngươi hãy lui ra.”

Chúa Giê Su trải qua nỗi đau đớn. Hãy suy nghĩ về Vườn Ghết Sê Ma Nê, nơi Ngài ở “trong cơn rất đau thương, … mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất.” Và không một ai có thể quên được nỗi đau khổ của Ngài trên cây thập tự độc ác.

Mỗi người chúng ta sẽ trải qua nỗi thất vọng, có lẽ vì một cơ hội đã bị mất, một khả năng bị lạm dụng, những lựa chọn của một người thân, hoặc một sự lựa chọn của chính mình. Cám dỗ cũng sẽ là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta. Chúng ta đọc trong tiết 29 sách Giáo Lý và Giao Ước: “Và điều cần thiết là quỷ dữ phải cám dỗ con cái loài người, bằng không thì loài người sẽ không tự quyết riêng cho chính mình được.”

Tương tự như vậy chúng ta sẽ trải qua nỗi đau đớn. Là các tôi tớ, chúng ta không thể kỳ vọng nhiều hơn Đức Thầy, là Đấng đã lìa bỏ trần thế chỉ sau khi bị đau đớn và đau khổ.

Mặc dù chúng ta sẽ bị đau khổ cay đắng trên con đường của mình, nhưng chúng ta cũng có thể tìm thấy hạnh phúc tuyệt vời.

Cùng với Chúa Giê Su, chúng ta có thể đi trên con đường vâng lời. Điều đó không phải lúc nào cũng là dễ dàng, nhưng chúng ta hãy nói theo như lời của Sa Mu Ên đã để lại cho chúng ta: “Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.” Chúng ta hãy nhớ rằng kết quả cuối cùng của sự bất tuân là tù đày và cái chết, trong khi phần thưởng cho sự vâng lời là tự do và cuộc sống vĩnh cửu.

Giống như Chúa Giê Su, chúng ta có thể đi trên con đường phục vụ. Tấm gương sáng về lòng nhân từ là cuộc sống của Chúa Giê Su khi Ngài phục sự ở giữa loài người. Ngài đã mang lại sức mạnh cho chân của người què, thị lực cho đôi mắt của người mù, thính giác cho đôi tai của người điếc.

Chúa Giê Su bước đi trên con đường cầu nguyện. Ngài dạy chúng ta cách cầu nguyện khi ban cho chúng ta lời cầu nguyện tuyệt mỹ mà chúng ta biết là Lời Cầu Nguyện của Chúa. Và ai có thể quên được lời cầu nguyện của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê: “Xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!”

Những chỉ dẫn khác được Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta đều có sẵn trong tầm tay của chúng ta, được tìm thấy trong thánh thư. Trong Bài Giảng trên Núi của Ngài, Ngài phán bảo chúng ta hãy có lòng thương xót, khiêm nhường, ngay chính, thanh sạch trong tâm hồn, hãy là người hòa giải. Ngài dạy chúng ta phải dũng cảm bênh vực cho niềm tin của mình, ngay cả khi bị chế nhạo và ngược đãi. Ngài đã phán bảo chúng ta phải để cho ánh sáng của mình tỏa sáng để những người khác có thể nhìn thấy ánh sáng đó và có thể mong muốn tôn vinh Cha Thiên Thượng. Ngài dạy chúng ta phải được trong sạch về mặt đạo đức trong ý tưởng lẫn hành động. Ngài phán bảo chúng ta rằng việc chứa của cải ở trên trời thì quan trọng nhiều hơn trên thế gian.

Những chuyện ngụ ngôn của Ngài đều được giảng dạy bằng quyền năng và thẩm quyền. Với câu chuyện về người Sa Ma Ri nhân lành, Ngài dạy chúng ta phải yêu thương và phục vụ người lân cận của mình. Trong chuyện ngụ ngôn của Ngài về các ta lâng, Ngài dạy chúng ta phải tự cải thiện bản thân và cố gắng đạt được sự hoàn hảo. Với chuyện ngụ ngôn về con chiên đi lạc, Ngài dạy chúng ta phải đi giải cứu những người đã rời bỏ con đường và đã lạc lối.

Khi chúng ta cố gắng đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm cuộc sống của mình bằng cách học hỏi lời Ngài, bằng cách làm theo những lời dạy của Ngài, và bằng cách đi trên con đường của Ngài, thì Ngài đã hứa sẽ chia sẻ với chúng ta cuộc sống vĩnh cửu mà Ngài đã chịu chết để đạt được. Không có kết thúc nào cao quý hơn kết thúc này, chúng ta nên chọn chấp nhận kỷ luật của Ngài và trở thành môn đồ của Ngài cùng làm công việc của Ngài trong suốt cuộc đời của mình. Không có điều gì khác chúng ta tự làm và lựa chọn mà có thể làm cho chúng ta trở thành con người mà Ngài có thể làm cho chúng ta trở thành.

Khi tôi nghĩ về những người đã thực sự cố gắng noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi và những người đã bước vào con đường của Ngài, thì tên của Gustav và Margarete Wacker hiện ra ngay trong tâm trí tôi—hai trong số những người Ky Tô hữu tốt nhất mà tôi từng biết đến. Họ là những người gốc Đức đã di cư sang miền đông Canada, và tôi đã gặp họ khi tôi phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo ở đó. Anh Wacker kiếm sống bằng nghề hớt tóc. Mặc dù không có nhiều tiền, nhưng họ chia sẻ tất cả những gì họ có. Họ không được ban phước với con cái, nhưng họ đã chăm sóc tất cả những ai bước vào nhà họ. Những người nam và những người nữ có học thức và tinh tế đã tìm kiếm hai người tôi tớ khiêm nhường, ít học này của Thượng Đế và tự cho mình là may mắn nếu họ có thể ở với hai người này trong một giờ đồng hồ.

Diện mạo của họ thì tầm thường, tiếng Anh của họ không giỏi và có phần khó hiểu, nhà của họ thì khiêm tốn. Họ không có xe hơi hay máy truyền hình, họ cũng không làm bất cứ điều nào mà thế gian thường chú ý đến. Vậy mà người trung tín đến thăm họ thường xuyên để dự phần vào tinh thần ngự ở đó. Nhà của họ là một thiên thượng trên thế gian, và tinh thần bình an và nhân từ thuầu túy của họ tỏa sáng.

Chúng ta cũng có thể có tinh thần đó và có thể chia sẻ tinh thần đó với thế gian khi chúng ta đi theo con đường của Đấng Cứu Rỗi và noi theo tấm gương hoàn hảo của Ngài.

Chúng ta đọc trong sách Châm Ngôn lời khuyên: “Hãy ban bằng cái nẻo của chân con đi.” Khi làm như vậy, chúng ta sẽ có đức tin, ngay cả ước muốn, đi theo con đường mà Chúa Giê Su đã đi. Chúng ta sẽ không nghi ngờ rằng mình đang ở trên một con đường mà Đức Chúa Cha muốn chúng ta đi theo. Tấm gương của Đấng Cứu Rỗi cung cấp một khuôn mẫu cho tất cả mọi điều chúng ta làm, và lời Ngài cung cấp một sự hướng dẫn đáng tin cậy. Con đường của Ngài sẽ đưa chúng ta trở về nhà an toàn. Cầu xin đây là phước lành của chúng ta, tôi cầu nguyện, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng tôi yêu mến, Đấng tôi phục vụ, và Đấng tôi làm chứng, A Men.