Chúng Ta Nên Tập Trung vào Điều Gì?
Việc cố gắng để làm hài lòng người khác trước khi làm hài lòng Thượng Đế là làm ngược lại với các giáo lệnh thứ nhất và thứ hai.
“Chúng ta tập trung vào điều gì?” Chủ Tịch Boyd K. Packer đã làm cho tôi ngạc nhiên với câu hỏi khó hiểu này trong khi chúng tôi cùng đi thi hành công việc chỉ định đầu tiên của tôi với tư cách là một Thầy Bảy Mươi mới. Nếu không có một lời giải thích để đặt câu hỏi đó theo văn cảnh, thì tôi đã bị bối rối rồi. Ông nói tiếp: “Một Thầy Bảy Mươi thay mặt cho các tín hữu của Giáo Hội nói cùng với vị tiên tri, nhưng ông nói những lời của vị tiên tri cho các tín hữu biết. Đừng bao giờ quên rằng anh là người phát ngôn cho vị tiên tri để ngỏ lời cùng các tín hữu!” Đó là một bài học rất có ý nghĩa.
Việc cố gắng để làm hài lòng người khác trước khi làm hài lòng Thượng Đế là làm ngược lại với các giáo lệnh thứ nhất và thứ hai (xin xem Ma Thi Ơ 22:37–39). Chúng ta quên là mình phải tập trung vào điều gì. Tuy nhiên, chúng ta đều lầm lỗi như thế vì sợ con người. Trong Ê Sai Chúa cảnh báo chúng ta: “Chớ e người ta chê bai, đừng sợ họ nhiếc móc” (Ê Sai 51:7; xin xem thêm 2 Nê Phi 8:7). Trong giấc mơ của Lê Hi, nỗi sợ hãi này bắt đầu từ ngón tay chỉ trỏ khinh miệt từ tòa nhà rộng lớn vĩ đại, khiến cho nhiều người quên là họ phải tập trung vào điều gì và rời khỏi cái cây “hổ thẹn” (xin xem 1 Nê Phi 8:25–28).
Kiểu áp lực của người khác này cố gắng để thay đổi thái độ nếu không phải là hành vi, của một người, bằng cách làm cho người ấy cảm thấy có lỗi vì đã làm điều gì đó xúc phạm. Khi nỗi sợ hãi này đối với loài người cám dỗ chúng ta để thừa nhận tội lỗi, thì nó trở thành một “cái bẫy” theo như sách Châm Ngôn (xin xem Châm Ngôn 29:25). Cái bẫy có thể được ngụy trang khéo léo để thu hút lòng trắc ẩn của chúng ta, để khoan dung hoặc thậm chí còn chấp nhận một điều gì đó đã bị Thượng Đế kết án. Vì đức tin yếu, nên điều đó có thể là một trở ngại lớn. Ví dụ, một số người truyền giáo trẻ tuổi mang theo nỗi sợ hãi loài người này vào nơi truyền giáo và khi môt người bạn đồng hành bất tuân trắng trợn thì họ đã không báo cáo cho vị chủ tịch phái bộ truyền giáo biết vì không muốn xúc phạm đến người bạn đồng hành bướng bỉnh. Quyết định của một người được thực hiện bằng cách ghi nhớ đúng theo thứ tự của các giáo lệnh lớn thứ nhất và thứ hai (xin xem Ma Thi Ơ 22:37–39). Khi những người truyền giáo bối rối này nhận ra rằng họ phải chịu trách nhiệm với Thượng Đế, chứ không phải với người bạn đồng hành của mình, thì điều này sẽ làm cho họ có can đảm để thay đổi hướng tập trung.
Ở tuổi 22 non trẻ, ngay cả Joseph Smith cũng quên rằng ông phải tập trung vào điều gì khi ông liên tục nài nỉ Chúa để cho Martin Harris mượn 116 trang bản thảo. Có lẽ Joseph muốn tỏ lòng biết ơn đối với Martin về sự giúp đỡ của Martin. Chúng ta biết rằng Joseph đã vô cùng lo lắng vì những nhân chứng khác ủng hộ ông chống lại những lời nói dối lan truyền về ông và làm cho ông rất đau lòng.
Bất cứ lý do nào của Joseph cho dù hợp lý đến đâu đi nữa, thì Chúa cũng không tha thứ cho các lý do này và đã khiển trách ông nặng nề: “Biết bao lần ngươi đã vi phạm … và đã tiếp tục nghe theo những lời thuyết phục của loài người. Vì này, lẽ ra ngươi không nên sợ loài người hơn sợ Thượng Đế” (GLGƯ 3:6, 7; sự nhấn mạnh được thêm vào). Kinh nghiệm cay đắng này đã giúp Joseph mãi mãi ghi nhớ về việc ông phải tập trung vào điều gì.
Khi người ta cố gắng giữ thể diện với loài người thì họ có thể vô tình làm mất thể diện với Thượng Đế. Việc nghĩ rằng một người có thể làm hài lòng Thượng Đế nhưng đồng thời thờ ơ trước sự bất tuân nào của loài người thì đó không phải là tình trạng trung lập mà là tráo trở hoặc cố gắng “làm tôi hai chủ” (Ma Thi Ơ 6:24; 3 Nê Phi 13:24).
Trong khi chắc chắn là cần có can đảm để đối phó với những nguy hiểm, nhưng dấu hiệu thực sự của lòng can đảm là khắc phục được nỗi sợ hãi loài người. Ví dụ, những lời cầu nguyện của Đa Ni Ên đã giúp ông đối phó với sư tử, nhưng điều làm cho ông trở nên can đảm là thách thức Vua Đa Ri Út (xin xem Đa Ni Ên 6). Lòng can đảm đó là một ân tứ của Thánh Linh cho người kính sợ Thượng Đế đã dâng lên lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Hoàng Hậu Ê Xơ Tê cũng đã cho bà lòng can đảm đó để giáp mặt với chồng của bà là Vua A Suê Ru, biết rằng bà đã liều mạng sống của mình để làm như vậy (xin xem Ê Xơ Tê 4:8–16).
Lòng can đảm không phải chỉ là một trong những đức hạnh cơ bản, mà còn như C.S. Lewis nhận xét: “Lòng can đảm là một hình thức của tất cả đức hạnh vào thời điểm thử thách. … Phi Lát đã có lòng thương xót cho đến khi lòng thương xót đó trở nên nguy hiểm.” Vua Hê Rốt buồn rầu trước lời yêu cầu chém đầu Giăng Báp Tít nhưng muốn làm hài lòng”những người dự yến ở đó” (Ma Thi Ơ 14:9). Vua Nô Ê đã sẵn sàng thả A Bi Na Đi nhưng thay vì thế đã tuyên án tử hình khi áp lực từ các tăng tế tà ác của ông khiến cho ông nao núng (xin xem Mô Si A 17:11–12). Vua Sau Lơ không vâng lời Chúa qua việc giữ lại chiến lợi phẩm vì ông “sợ dân sự, nên nghe theo tiếng của họ” (1 Sa Mu Ên 15:24). Để xoa dịu dân Y Sơ Ra Ên nổi loạn ở chân núi Si Nai, A Rôn đã tạc tương một con bò vàng, và quên rằng ông phải tập trung vào điều gì (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 32). Nhiều quan trưởng trong Kinh Tân Ước “tin Đức Chúa Giê Su; song vì cớ người Pha Ri Si, nên không xưng Ngài ra, sợ bị đuổi khỏi nhà hội chăng: vì họ chuộng danh vọng bởi người ta đến hơn là danh vọng bởi Đức Chúa Trời đến” (Giăng 12:42–43). Thánh thư chứa đựng đầy dẫy các tấm gương như vậy.
Hãy lắng nghe thêm về những tấm gương đầy soi dẫn này:
-
Trước hết, Mặc Môn: “Này, cha mạnh dạn nói ra như vậy, vì cha đã có được thẩm quyền từ Thượng Đế; và cha cũng không sợ những gì loài người sẽ làm cho cha, vì tình thương trọn vẹn sẽ đánh đuổi được tất cả mọi sợ hãi” (Mô Rô Ni 8:16; sự nhấn mạnh được thêm vào).
-
Nê Phi: “Vậy nên, tôi không viết những gì để thỏa mãn thế gian mà chỉ những gì làm đẹp lòng Thượng Đế và những ai không thuộc về thế gian này” (1 Nê Phi 6:5).
-
Lãnh Binh Mô Rô Ni: “Này, tôi là Mô Rô Ni, tổng lãnh binh của các người, tôi không tìm kiếm uy quyền, mà chỉ tìm cách kéo nó xuống. Tôi không tìm kiếm danh vọng của thế gian, mà chỉ tìm kiếm sự vinh quang của Thượng Đế tôi và sự tự do và an lạc cho tổ quốc tôi” (An Ma 60:36).
Mô Rô Ni đã có một lòng can đảm lớn lao như vậy trong việc ghi nhớ ông phải tập trung vào điều gì nói về ông: “Nếu tất cả mọi người đã sống và đang sống, và sẽ sống giống như Mô Rô Ni, này, quyền năng của ngục giới sẽ bị lung lay mãi mãi; phải, quỷ dữ sẽ chẳng có quyền năng gì đối với trái tim con cái loài người” (An Ma 48:17).
Các vị tiên tri trong suốt các thời đại đã luôn luôn bị tấn công bởi các ngón tay chỉ trỏ khinh miệt. Tại sao? Theo thánh thư, đó là bởi vì “những kẻ có tội lấy sự thật làm điều khốn khó, vì sự thật làm họ đau tận đáy lòng” (1 Nê Phi 16:2), hoặc như Chủ Tịch Harold B. Lee nhận xét: “Sự thật mất lòng!” Phản ứng khinh miệt của họ, trong thực tế, là mặc cảm tội lỗi đang cố gắng tự trấn an, cũng giống như với Cô Ri Ho, cuối cùng đã thừa nhận: “Tôi cũng đã luôn luôn biết rằng có một Đấng Thượng Đế” (An Ma 30:52). Cô Ri Ho rất có sức thuyết phục trong tài lừa dối của mình đến nỗi hắn đã trở nên tin vào lời nói dối của chính mình (xin xem An Ma 30:53).
Kẻ khinh miệt thường cáo buộc các vị tiên tri về việc không sống hợp thời trong thế kỷ 21 hoặc bị mù quáng. Họ cố gắng thuyết phục hoặc thậm chí còn gây áp lực với Giáo Hội để hạ thấp các tiêu chuẩn của Thượng Đế xuống đến mức độ của hành vi không thích hợp của họ, như lời của Anh Cả Neal A. Maxwell, sẽ “nảy sinh ra tính tự mãn, thay vì là tìm cách tự cải thiện” và hối cải. Việc hạ thấp tiêu chuẩn của Chúa xuống đến mức độ của một hành vi không thích hợp trong xã hội chính là sự bội giáo. Nhiều Giáo Hội ở giữa dân Nê Phi, hai thế kỷ sau khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng họ, bắt đầu “giản dị hóa” giáo lý, mượn một cụm từ của Anh Cả Holland.
Khi các anh chị em lắng nghe đoạn này từ sách 4 Nê Phi, thì hãy tìm kiếm điểm tương đồng trong thời đại chúng ta: “Và chuyện rằng, khi hai trăm mười năm trôi qua, trong xứ có rất nhiều giáo hội; phải, có rất nhiều giáo hội tự nhận là biết về Đấng Ky Tô, vậy mà họ lại chối bỏ phần lớn phúc âm của Ngài, đến nỗi họ tiếp nhận đủ mọi thứ tà ác, và làm lễ ban những gì thiêng liêng cho những kẻ đã từng bị cấm đoán vì không xứng đáng” (4 Nê Phi 1:27).
Một điều tương tự như vậy đang xảy ra trong những ngày sau này! Một số tín hữu không nhận ra rằng họ đang rơi vào cái bẫy tương tự khi họ hưởng ứng việc chấp nhận “[các] truyền thống của tổ phụ họ” (GLGƯ 93:39) nhưng lại không phù hợp với văn hóa của phúc âm. Còn có những người khác tự lừa dối mình và tự phủ nhận, biện hộ hoặc yêu cầu các giám trợ hạ thấp tiêu chuẩn về giấy giới thiệu đi đền thờ, chứng thực để theo học đại học, hoặc đơn xin đi truyền giáo. Việc làm một giám trợ không phải là dễ dưới áp lực như vậy. Tuy nhiên, giống như Đấng Cứu Rỗi đã dọn dẹp sạch đền thờ để bảo vệ sự thiêng liêng của đền thờ (xin xem Giăng 2:15–16), các giám trợ ngày nay được kêu gọi phải mạnh dạn bảo vệ tiêu chuẩn của đền thờ. Chính Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Ta sẽ biểu hiện với lòng thương xót cho dân ta thấy … nếu dân ta biết tuân giữ những giáo lệnh của ta, và không làm ô uế ngôi nhà thánh này” (GLGƯ 110:7–8).
Đấng Cứu Rỗi, Đấng Gương Mẫu vĩ đại của chúng ta, luôn luôn tập trung vào Cha Ngài. Ngài yêu thương và phục vụ đồng bào của Ngài, nhất là những người muốn được giải cứu, nhưng Ngài phán: “Ta chẳng cầu vinh hiển bởi người ta mà đến đâu” (Giăng 5:41). Ngài muốn những người Ngài đã giảng dạy phải noi theo Ngài, nhưng Ngài không tìm kiếm lợi lộc của họ. Khi thực hiện một hành động bác ái, như chữa lành người bệnh, Ngài thường yêu cầu họ “chớ nói cùng ai” (Ma Thi Ơ 8:4; Mác 7:36; Lu Ca 5:14; 8:56). Điều này một phần là để tránh sự nổi tiếng mà đi theo Ngài bất kể nỗ lực của Ngài để tránh nó (xin xem Ma Thi Ơ 4:24). Ngài kết án những người Pha Ri Si vì đã làm những việc tốt chỉ để được loài người thấy (xin xem Ma Thi Ơ 6:5).
Đấng Cứu Rỗi, Đấng hoàn hảo duy nhất đã từng sống trên thế gian, là Đấng can đảm nhất. Trong cuộc đời của Ngài, Ngài đã phải đối phó với nhiều người cáo buộc Ngài, nhưng Ngài không bao giờ nhượng bộ ngón tay chỉ trỏ khinh miệt của họ. Ngài là Đấng duy nhất chưa bao giờ quên phải tập trung vào điều gì: “Ta hằng làm sự đẹp lòng [Cha]” (Giăng 8:29; sự nhấn mạnh được thêm vào) và “Sự xét đoán ta là công bình, vì ta chẳng tìm ý muốn của ta, nhưng tìm ý muốn của Đấng đã sai ta” (Giăng 5:30).
Giữa 3 Nê Phi chương 11 và 3 Nê Phi chương 28, Đấng Cứu Rỗi đã dùng danh hiệu Cha ít nhất là 150 lần, làm rõ ràng cho dân Nê Phi rằng Ngài đang đại diện cho Chúa Cha của Ngài ở đó. Và từ Giăng chương 14 đến 17, Đấng Cứu đề cập ít nhất 50 lần đến Đức Chúa Cha. Trong mọi cách có thể được, Ngài là môn đồ hoàn hảo của Cha Ngài. Ngài rất hoàn hảo trong việc đại diện cho Cha Ngài, đến nỗi biết Đấng Cứu Rỗi cũng là biết Đức Chúa Cha. Nhìn thấy Vị Nam Tử là nhìn thấy Đức Chúa Cha (xin xem Giăng 14:9). Nghe Vị Nam Tử là nghe Đức Chúa Cha (xin xem Giăng 5:36). Ngài chủ yếu trở nên không thể phân biệt được với Cha Ngài. Cha Ngài và Ngài là một (xin xem Giăng 17:21–22). Ngài hoàn toàn biết phải tập trung vào điều gì.
Cầu xin cho tấm gương đầy soi dẫn của Ngài củng cố chúng ta chống lại những cạm bẫy của lời nói tâng bốc của người khác hoặc tính kiêu ngạo từ bên trong lòng mình. Cầu xin cho tấm gương của Ngài mang đến lòng can đảm cho chúng ta để không bao giờ sợ hãi hoặc bợ đỡ những người làm chúng ta sợ hãi. Cầu xin cho tấm gương của Ngài soi dẫn chúng ta để đi làm việc thiện một cách ẩn danh càng nhiều càng tốt, và không “khát vọng đến danh lợi của loài người” (GLGƯ 121:35). Và cầu xin cho tấm gương có một không hai của Ngài giúp chúng ta luôn luôn ghi nhớ giáo lệnh nào là “điều răn thứ nhất và lớn hơn hết” (Ma Thi Ơ 22:38). Khi những người khác đòi hỏi được chấp thuận bất chấp các giáo lệnh của Thượng Đế, cầu xin cho chúng ta luôn luôn ghi nhớ rằng chúng ta là môn đồ của ai, và chúng ta phải tập trung vào điều gì, là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.