Lý Do về Niềm Hy Vọng của Chúng Ta
Một chứng ngôn về niềm hy vọng nơi sự cứu chuộc là một điều mà không thể đo lường hay tính toán được. Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn gốc của niềm hy vọng đó.
Cách đây vài năm, Chị Packer và tôi đi tham quan trường Oxford University. Chúng tôi đi tìm kiếm các hồ sơ của ông cố đời thứ bảy trước tôi. Người đứng đầu trường Christ’s College tại Oxford là Tiến Sĩ Poppelwell. Ông ấy tử tế đến mức đã yêu cầu chuyên viên lưu trữ văn khố của trường đại học này mang lại các hồ sơ. Chúng tôi tìm thấy tên của tổ tiên tôi là John Packer, trong hồ sơ năm 1583.
Một năm sau, chúng tôi quay trở lại Oxford để trao tặng một bộ thánh thư đóng bìa rất đẹp cho thư viện trường Christ’s College. Tiến Sĩ Poppelwell có vẻ hơi khó xử. Có lẽ ông ta nghĩ rằng chúng tôi đã không thực sự là Ky Tô hữu. Vì vậy ông gọi vị giáo sĩ của trường đại học đến nhận sách.
Trước khi trao quyển thánh thư cho vị giáo sĩ, tôi mở ra Sách Hướng Dẫn Đề Tài cho ông xem và chỉ cho ông một đề tài: dài 18 trang, in rất rõ, hàng đơn, liệt kê các phần tham khảo cho đề tài “Chúa Giê Su Ky Tô.” Đó là một trong những tài liệu biên soạn về thánh thư tham khảo toàn diện nhất về đề tài Đấng Cứu Rỗi mà đã từng được sưu tập trong lịch sử của thế gian—một chứng ngôn từ Kinh Cựu Ước và Kinh Tân Ước, Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước, và Trân Châu Vô Giá.
Tôi nói với ông rằng: Bất cứ cách nào ông muốn sử dụng các phần tham khảo này, từ bên này sang bên kia, lên hay xuống, từ sách này đến sách khác, từ đề tài này sang đề tài khác—ông cũng sẽ thấy rằng các phần tham khảo này là một bằng chứng nhất quán, phù hợp với sứ mệnh thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô—sự giáng sinh, cuộc đời, những lời giảng dạy của Ngài, việc Ngài bị đóng đinh, Sự Phục Sinh của Ngài, và Sự Chuộc Tội của Ngài.”
Sau khi tôi đã chia sẻ với vị giáo sĩ một số những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi, thì bầu không khí thay đổi, và ông ta đã dẫn chúng tôi đi tham quan trường, kể cả các bức tranh từ thời kỳ Đế Quốc La Mã mới vừa được khai quật.
Trong số các phần tham khảo được liệt kê trong Sách Hướng Dẫn Đề Tài là phần này từ Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô: “Chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng” (2 Nê Phi 25:26).
Chính Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).
Và Ngài đã phán từ Sách Mặc Môn: “Này, ta chính là Đấng đã được chuẩn bị từ lúc thế gian mới được tạo dựng để cứu chuộc dân ta. Này, ta là Giê Su Ky Tô. … Trong ta tất cả loài người sẽ có được sự sống, và đó là sự sống vĩnh cửu, và những ai tin vào danh ta đều sẽ trở thành con trai và con gái của ta” (Ê The 3:14).
Trong suốt các tác phẩm tiêu chuẩn, có rất nhiều, rất nhiều phần tham khảo khác rao truyền về vai trò thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc của tất cả những ai đã từng hay sẽ được sinh ra trên trần thế.
Qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, tất cả chúng ta đều được cứu chuộc khỏi Sự Sa Ngã của con người, mà đã xảy ra khi A Đam và Ê Va ăn trái cấm trong Vườn Ê Đen, như đã được nói trong 1 Cô Rinh Tô: “Như trong A Đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Ky Tô mọi người đều sẽ sống lại” (1 Cô Rinh Tô 15:22).
Sách Mặc Môn dạy rằng: “Vì điều cần thiết là sự chuộc tội phải được thực hiện …, nếu không, tất cả loài người sẽ không tránh khỏi bị diệt vong; phải, vì tất cả mọi người đều chai đá; phải, tất cả đều sa ngã và lạc lối, và sẽ bị diệt vong, ngoại trừ một sự chuộc tội thích đáng được thực hiện, … một sự hy sinh vô hạn và vĩnh cửu” (An Ma 34:9–10).
Chúng ta không thể sống một cuộc sống hoàn hảo, và lại có những hình phạt cho những lỗi lầm của mình, nhưng trước khi đến thế gian, chúng ta đã đồng ý chịu tuân theo luật pháp của Ngài và chấp nhận sự trừng phạt nếu vi phạm các luật pháp đó.
“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,
“Và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô” (Rô Ma 3:23–24).
Đấng Cứu Rỗi đã thực hiện Sự Chuộc Tội, và điều này mang đến cho chúng ta một cách để trở nên trong sạch. Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Ky Tô phục sinh. Chúng ta thờ phượng và chấp nhận Ngài vì nỗi đau đớn Ngài đã chịu đựng chung cho tất cả chúng ta và vì nỗi đau đớn Ngài đã chịu đựng cho riêng cá nhân chúng ta, cả trong Vườn Ghết Sê Ma Nê lẫn trên thập tự giá. Ngài chịu đựng tất cả với lòng khiêm nhường tuyệt vời và với một sự hiểu biết vĩnh cửu về vai trò và mục đích thiêng liêng của Ngài.
Những người chịu hối cải và từ bỏ tội lỗi đều sẽ thấy rằng cánh tay thương xót của Ngài vẫn còn dang rộng. Những người lắng nghe và lưu tâm đến lời Ngài và những lời của các tôi tớ đã được Ngài chọn đều sẽ tìm thấy bình an và sự hiểu biết ngay cả ở giữa nỗi đau lòng và buồn phiền lớn lao. Kết quả của sự hy sinh của Ngài là để giải thoát chúng ta ra khỏi những hậu quả của tội lỗi để tất cả mọi người đều có thể được xóa tan tội lỗi và cảm thấy có hy vọng.
Nếu Ngài đã không thực hiện Sự Chuộc Tội, thì sẽ không có sự cứu chuộc. Sẽ rất khó để sống trong một thế giới nếu chúng ta không bao giờ có thể được tha thứ cho những lỗi lầm của mình, nếu chúng ta không bao giờ có thể tự thanh tẩy mình và tiếp tục.
Lòng thương xót và ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ giới hạn cho những người phạm tội vì đã làm điều sai quấy hoặc phạm tội vì đã không làm điều đúng, mà còn bao gồm lời hứa về sự bình an trường cửu cho tất cả những người chịu chấp nhận và tuân theo Ngài cũng như những lời giảng dạy của Ngài. Lòng thương xót của Ngài là sự chữa lành phi thường, thậm chí cho cả nạn nhân vô tội bị hại.
Mới gần đây tôi nhận được một lá thư từ một người phụ nữ cho biết là đã phải chịu đựng đau khổ vô cùng trong cuộc sống. Chị ấy đã không nói rõ là đã mắc phải một sai lầm khủng khiếp gì, nhưng ám chỉ là đã làm cho mình bị tổn thương. Chị ấy thừa nhận rằng mình đã vật lộn với cảm giác cay đắng cùng cực. Trong cơn giận dữ, chị ấy đã thầm kêu lên: “Người nào đó phải trả giá cho sự sai lầm khủng khiếp này.” Trong giây phút vô cùng sầu khổ và ngờ vực này, chị ấy đã viết rằng có một câu trả lời ngay lập tức len vào tâm hồn mình: “Một người nào đó đã trả cái giá đó rồi.”
Nếu không biết về sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi có thể làm gì cho mình, thì chúng ta có thể sống suốt cuộc sống này mà vẫn còn vương vấn những hối tiếc là chúng ta đã làm một điều gì đó không đúng hoặc xúc phạm đến một người nào đó. Tội lỗi đi kèm với những lỗi lầm có thể được thanh tẩy. Nếu chúng ta tìm hiểu Sự Chuộc Tội của Ngài, thì chúng ta sẽ đạt đến một mức độ tôn kính sâu xa đối với Chúa Giê Su Ky Tô, giáo vụ trên trần thế của Ngài, và sứ mệnh thiêng liêng của Ngài với tư cách là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi để truyền bá khắp thế giới sự hiểu biết về cuộc sống và lời dạy của Đấng Cứu Rỗi. Đại hội này đã được phát sóng bằng 94 ngôn ngữ qua hệ thống vệ tinh đến 102 quốc gia, nhưng cũng có sẵn trên Internet ở mọi quốc gia nơi nào Giáo Hội hiện diện. Chúng ta có hơn 3.000 giáo khu. Lực lượng người truyền giáo toàn thời gian của chúng ta vượt quá 88.000 người, và tổng số tín hữu Giáo Hội đã vượt quá 15 triệu người. Những con số này là bằng chứng cho thấy rằng “hòn đá bị đục ra từ núi mà không có bàn tay giữ lại” tiếp tục lăn đi, và cuối cùng sẽ lăn cùng “khắp thế gian” (GLGƯ 65:2).
Nhưng cho dù tổ chức của Giáo Hội có trở nên to lớn như thế nào đi nữa hoặc có bao nhiêu triệu tín hữu tham gia hàng ngũ của chúng ta đi nữa, cho dù có bao nhiêu lục địa và quốc gia mà những người truyền giáo của chúng ta vào đi nữa hoặc có bao nhiêu ngôn ngữ khác nhau mà chúng ta nói đi nữa, thì mức độ thành công thực sự của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ được đo bằng sức mạnh tinh thần của từng tín hữu của Giáo Hội. Chúng ta cần sức mạnh của niềm tin chắc chắn được tìm thấy trong tâm hồn của mỗi môn đồ trung thành của Đấng Ky Tô.
Một chứng ngôn về niềm hy vọng nơi sự cứu chuộc là một điều mà không thể đo lường hay tính toán được. Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn gốc của niềm hy vọng đó.
Chúng ta tìm cách củng cố các chứng ngôn của cả người trẻ lẫn người già, người có gia đình lẫn người độc thân. Chúng ta cần phải giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em, những người thuộc mọi chủng tộc và quốc tịch, người giàu có lẫn người nghèo khó. Chúng ta cần người mới cải đạo và các tín hữu là con cháu của những người tiền phong đầu tiên của Giáo Hội. Chúng ta cần phải tìm ra những người đã bị thất lạc và giúp họ trở về với Giáo Hội. Chúng ta cần sự khôn ngoan, hiểu biết sâu sắc và sức mạnh thuộc linh của mọi người. Bản thân mỗi tín hữu của Giáo Hội này là một yếu tố quan trọng của toàn thể tín hữu của Giáo Hội.
“Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Ky Tô khác nào như vậy.
“Vì chưng chúng ta … đã chịu phép báp têm chung … để hiệp làm một thân. … ;
“Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể” (1 Cô Rinh Tô 12:12–14).
Mỗi tín hữu là một chứng ngôn về cuộc sống và những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta đang có chiến tranh với các lực lượng của kẻ nghịch thù, và chúng ta cần mỗi một người trong số chúng ta nếu muốn thành công trong công việc mà Đấng Cứu Rỗi đã phán bảo chúng ta làm.
Các anh chị em có thể nghĩ: “Tôi có thể làm được gì? Tôi chỉ là một người.”
Chắc chắn là đôi khi Joseph Smith đã cảm thấy rất cô đơn. Ông đã vươn lên đến mức vĩ đại, nhưng ông đã bắt đầu khi còn là một cậu bé 14 tuổi có một câu hỏi: “Tôi nên tham gia giáo hội nào?” (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:10). Đức tin và chứng ngôn của Joseph về Đấng Cứu Rỗi tăng trưởng, cũng như đức tin và chứng ngôn của chúng ta phải phát triển như vậy, “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít” (2 Nê Phi 28:30; xin xem thêm GLGƯ 128:21). Joseph quỳ xuống cầu nguyện, và những điều kỳ diệu đã xảy đến từ lời cầu nguyện đó và Khải Tượng Thứ Nhất.
Là một trong Mười Hai Vị Sứ Đồ, tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài hằng sống. Ngài là Đấng Cứu Chuộc và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. “Nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi” (Những Tín Điều 1:3). Ngài chủ tọa Giáo Hội này. Ngài không phải là người lạ gì đối với các tôi tớ của Ngài. Khi chúng ta bước tới tương lai với lòng tự tin thầm kín, thì Thánh Linh của Ngài sẽ ở với chúng ta. Quyền năng của Ngài là vô biên để ban phước và hướng dẫn cuộc sống của những người tìm kiếm lẽ thật và sự ngay chính. Tôi làm chứng về Ngài trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.