2010–2019
Hãy Đặt Việc Sử Dụng Đức Tin Làm Ưu Tiên Hàng Đầu của Các Anh Chị Em
tháng mười 2014


15:5

Hãy Đặt Việc Sử Dụng Đức Tin Làm Ưu Tiên Hàng Đầu của Các Anh Chị Em

Mặc dù tất cả những thử thách tiêu cực chúng ta có trong cuộc sống, chúng ta cũng phải dành thời gian để tích cực sử dụng đức tin của mình.

Khi A Đam và Ê Va đang ở trong Vườn Ê Đen, thì tất cả những gì cần thiết cho việc nuôi dưỡng họ hàng ngày đã được ban cho dồi dào. Họ không gặp phải những khó khăn, thử thách, hoặc đau đớn. Vì chưa bao giờ trải qua những lúc khó khăn, nên họ không biết họ có thể được hạnh phúc. Họ chưa bao giờ cảm thấy bất ổn, nên họ không thể cảm thấy bình an.

Cuối cùng, A Đam và Ê Va vi phạm lệnh truyền không được ăn trái của cây hiểu biết điều thiện và điều ác. Vì làm như vậy, nên họ không còn ở trong trạng thái ngây thơ nữa. Họ bắt đầu trải qua các nguyên tắc của sự tương phản. Họ bắt đầu trải qua bệnh tật mà làm suy yếu sức khỏe của họ. Họ bắt đầu cảm thấy biết buồn cũng như biết vui.

Vì A Đam và Ê Va đã ăn trái cấm, nên sự hiểu biết về điều thiện và điều ác được đưa vào thế gian. Sự lựa chọn của họ đã làm cho mỗi người chúng ta có thể đến thế gian này để được thử thách. Chúng ta được ban phước với quyền tự quyết, đó là khả năng của chúng ta để đưa ra những quyết định và phải chịu trách nhiệm về những quyết định đó. Sự Sa Ngã làm cho cuộc sống của chúng ta có những cảm nghĩ hạnh phúc lẫn buồn bã. Chúng ta có thể hiểu được sự bình an vì chúng ta cảm thấy bất ổn.

Cha Thiên Thượng biết điều này sẽ xảy ra cho chúng ta. Đó là toàn phần của kế hoạch hạnh phúc hoàn hảo của Ngài. Ngài đã chuẩn bị một con đường qua cuộc sống của Vị Nam Tử hoàn toàn vâng lời của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, vì Sự Chuộc Tội của Ngài để khắc phục mọi khó khăn mà chúng ta có thể trải qua trên trần thế.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ thử thách. Tôi không cần phải liệt kê tất cả các nguồn gốc của sự xấu xa trên thế gian. Không cần phải mô tả tất cả những thử thách và nỗi đau lòng có thể có mà là một phần của cuộc sống trên trần thế. Mỗi người chúng ta đều biết rõ những nỗi vất vả của chúng ta đối với sự cám dỗ, đau khổ và buồn bã.

Chúng ta được dạy trong tiền dương thế rằng mục đích của chúng ta đến đây là để được thử thách, và chịu đựng. Chúng ta biết rằng mình sẽ phải đối phó với những điều xấu xa của kẻ nghịch thù. Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy ý thức về những khía cạnh tiêu cực của cuộc sống trần thế hơn là về những điều tích cực. Tiên tri Lê Hi dạy: “Vì cần phải có sự tương phản trong mọi sự việc.” Mặc dù tất cả những thử thách tiêu cực chúng ta có trong cuộc sống, nhưng chúng ta cũng phải dành thời gian để tích cực sử dụng đức tin của mình. Việc sử dụng như vậy mời gọi quyền năng tích cực, đầy đức tin của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô vào cuộc sống của chúng ta.

Cha Thiên Thượng đã ban cho các công cụ để giúp chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô và sử dụng đức tin nơi Sự Chuộc Tội của Ngài. Khi những công cụ này trở thành thói quen cơ bản, thì chúng cung cấp con đường dễ nhất để tìm thấy sự bình an trong những thử thách của cuộc sống trần thế. Hôm nay tôi đã chọn để thảo luận về bốn trong số những công cụ này. Trong khi tôi nói, hãy thử đánh giá việc sử dụng mỗi công cụ riêng cá nhân; sau đó tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa để quyết định xem làm thế nào các anh chị em có thể tận dụng nhiều hơn mỗi một công cụ đó.

Cầu nguyện

Công cụ đầu tiên là cầu nguyện. Hãy chọn để cầu nguyện thường xuyên lên Cha Thiên Thượng. Hãy dành thời gian mỗi ngày để chia sẻ những ý nghĩ và cảm nghĩ của các anh chị em với Ngài. Hãy thưa với Ngài tất cả mọi điều làm các anh chị em quan tâm. Ngài quan tâm đến các khía cạnh quan trọng nhất cũng như trần tục nhất trong cuộc sống của các anh chị em. Hãy chia sẻ với Ngài mọi cảm nghĩ và kinh nghiệm của các anh chị em.

Vì Ngài tôn trọng quyền tự quyết của các anh chị em, nên Cha Thiên Thượng sẽ không bao giờ bắt buộc các anh chị em phải cầu nguyện lên Ngài. Nhưng khi các anh chị em sử dụng quyền tự quyết đó và gồm Ngài vào trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, thì tâm hồn của các anh chị em sẽ bắt đầu tràn đầy bình an vui sướng. Sự bình an đó sẽ cho phép các anh chị em thấy những nỗi vất vả của mình từ một quan điểm vĩnh cửu. Nó sẽ giúp các anh chị em chế ngự những thử thách này từ một quan điểm vĩnh cửu.

Thưa các bậc cha mẹ, hãy giúp bảo vệ con cái của mình bằng cách trang bị cho chúng vào buổi sáng và buổi tối với sức mạnh của lời cầu nguyện chung gia đình. Trẻ em đang bị tấn công mỗi ngày với các điều xấu xa gồm có lòng ham muốn, tham lam, kiêu ngạo, và một loạt các hành vi tội lỗi khác. Hãy bảo vệ con cái của mình khỏi ảnh hưởng hàng ngày của thế gian bằng cách củng cố chúng với các phước lành mạnh mẽ có được từ việc cầu nguyện chung gia đình. Việc cầu nguyện chung gia đình cần phải là một ưu tiên không thể bỏ qua được trong cuộc sống hàng ngày của các anh chị em.

Học Thánh Thư

Công cụ thứ hai là học lời của Thượng Đế trong thánh thư và những lời của các vị tiên tri tại thế. Chúng ta nói chuyện với Thượng Đế qua lời cầu nguyện. Ngài thường truyền đạt lại cho chúng ta qua những lời đã được viết ra của Ngài. Để biết tiếng nói của Đấng Thiêng Liêng được nghe và cảm thấy như thế nào, hãy đọc lời của Ngài, học và suy ngẫm thánh thư. Làm cho thánh thư thành một phần thiết yếu của cuộc sống hàng ngày. Nếu các anh chị em muốn con cái của mình nhận ra, hiểu và hành động theo những thúc giục của Thánh Linh, thì các anh chị em phải học thánh thư với chúng.

Đừng nhượng bộ lời nói dối của Sa Tan rằng các anh chị em không có thời giờ để học thánh thư. Hãy chọn dành ra thời giờ để học thánh thư. Việc nuôi dưỡng lời của Thượng Đế mỗi ngày còn quan trọng hơn giấc ngủ, việc học hành, công việc làm, chương trình truyền hình, trò chơi video, hoặc phương tiện truyền thông xã hội. Các anh chị em có thể cần phải sắp xếp lại các ưu tiên của mình để dành thời gian cho việc học lời của Thượng Đế. Nếu vậy, thì hãy làm điều đó!

Có rất nhiều lời hứa của các vị tiên tri về các phước lành của việc học thánh thư hàng ngày.

Tôi xin thêm chứng ngôn của tôi vào lời hứa này: khi các anh chị em dành thời gian mỗi ngày, riêng cá nhân và với gia đình cho việc học hỏi lời của Thượng Đế, thì cuộc sống của các anh chị em sẽ tràn đầy bình an. Sự bình an đó sẽ không đến từ thế giới bên ngoài. Sự bình an sẽ đến từ bên trong nhà, trong gia đình, trong tâm hồn của các anh chị em. Sự bình an đó sẽ là một ân tứ của Thánh Linh, sẽ lan tỏa từ các anh chị em để ảnh hưởng đến những người khác trong thế giới xung quanh. Các anh chị em sẽ làm một điều gì đó rất quan trọng để gia tăng hòa bình vốn đã có trên thế giới.

Tôi không tuyên bố rằng các anh chị em sẽ không còn có những thử thách trong cuộc sống nữa. Hãy nhớ rằng khi A Đam và Ê Va đang ở trong vườn, thì họ không gặp thử thách, tuy nhiên họ đã không thể cảm nhận được hạnh phúc, niềm vui và sự bình an. Những thử thách là một phần quan trọng của cuộc sống trần thế. Qua việc học thánh thư hàng ngày một cách kiên định, các anh chị em sẽ tìm thấy sự bình an trong cảnh náo động xung quanh mình và sức mạnh để chống lại những cám dỗ. Các anh chị em sẽ phát triển đức tin vững mạnh trong ân điển của Thượng Đế và biết rằng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô tất cả mọi điều sẽ được thực hiện đúng theo kỳ định của Thượng Đế.

Buổi Họp Tối Gia Đình

Trong khi các anh chị em đang cố gắng củng cố gia đình mình và xây đắp sự bình an trong nhà, thì hãy ghi nhớ công cụ thứ ba: buổi họp tối gia đình. Hãy cẩn thận đừng làm cho buổi họp tối gia đình chỉ là thứ yếu sau một ngày bận rộn. Hãy quyết định rằng vào đêm thứ Hai, gia đình của các anh chị em sẽ được ở nhà với nhau vào buổi tối. Đừng để những đòi hỏi của công ăn việc làm, thể thao, các sinh hoạt ngoại khóa, bài tập, hoặc bất cứ điều gì khác trở nên quan trọng hơn thời gian mà các anh chị em dành cho nhau ở nhà với gia đình của mình.

Cách sắp xếp sinh hoạt buổi tối của các anh chị em không quan trọng bằng thời gian dành ra cho buổi tối đó. Phúc âm cần phải được dạy một cách chính thức lẫn không chính thức. Hãy làm cho buổi họp tối đó thành một kinh nghiệm quan trọng đối với mỗi người trong gia đình. Buổi họp tối gia đình là thời gian quý báu để làm chứng trong một môi trường an toàn; học cách giảng dạy, hoạch định và các kỹ năng tổ chức; củng cố mối quan hệ gia đình; phát triển các truyền thống gia đình; nói chuyện với nhau; và quan trọng hơn là có thời gian tuyệt vời với nhau!

Trong đại hội trung ương tháng Tư vừa rồi, Chị Linda S. Reeves đã mạnh dạn tuyên bố: “Tôi phải làm chứng về những phước lành về việc học thánh thư và cầu nguyện hằng ngày, và buổi họp tối gia đình hàng tuần. Đây là những thực hành để giúp chúng ta khỏi bị căng thẳng, cho chúng ta những hướng dẫn trong cuộc sống, và thêm vào sự bảo vệ cho gia đình chúng ta.” Chị Reeves là một phụ nữ rất sáng suốt. Tôi hoàn toàn khuyên nhủ các anh chị em nên đạt được chứng ngôn của mình về ba thói quen rất quan trọng này.

Tham Dự Đền Thờ

Công cụ thứ tư là đi đền thờ. Chúng ta đều biết rằng không có nơi nào khác bình yên trên thế gian này hơn là trong các đền thờ của Thượng Đế. Nếu các anh chị em không có giấy giới thiệu đi đền thờ, thì hãy xứng đáng để nhận được giấy đó. Khi các anh chị em có được một giấy giới thiệu, thì hãy sử dụng giấy ấy thường xuyên. Hãy sắp xếp một thời gian đều đặn để đi đền thờ. Đừng để cho bất cứ ai hay bất cứ điều gì ngăn cản các anh chị em đi đền thờ.

Trong khi các anh chị em đang ở trong đền thờ, hãy lắng nghe những lời của các giáo lễ, suy ngẫm, cầu nguyện về các giáo lễ, và tìm hiểu ý nghĩa của các giáo lễ. Đền thờ là một trong những nơi tốt nhất để đến nhằm hiểu được quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tìm kiếm Ngài ở đó. Hãy nhớ rằng nhiều phước lành hơn sẽ đến từ việc mang tên của tổ tiên mình vào đền thờ.

Bốn công cụ này là những thói quen cơ bản để bảo đảm cho cuộc sống của các anh chị em trong quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là Hoàng Tử Bình An. Sự bình an trong cuộc sống trên trần thế này xuất phát từ sự hy sinh Chuộc Tội của Ngài. Khi chúng ta luôn luôn cầu nguyện cả sáng lẫn tối, học thánh thư hàng ngày, tổ chức buổi họp tối gia đình hàng tuần, và tham dự đền thờ thường xuyên, thì chúng ta đang tích cực đáp lại lời mời gọi của Ngài là “hãy đến cùng Ngài.” Chúng ta càng phát triển những thói quen này, thì Sa Tan càng khao khát làm hại chúng ta, nhưng nó lại có ít khả năng hơn để làm như vậy. Qua việc sử dụng những công cụ này, chúng ta sử dụng quyền tự quyết của mình để chấp nhận các ân tứ trọn vẹn của sự hy sinh Chuộc Tội của Ngài.

Tôi không đưa ra giả thuyết rằng tất cả những nỗi vất vả trong cuộc sống sẽ biến mất khi các anh chị em làm những việc này. Chúng ta sinh ra trên trần thế là nhằm tăng trưởng từ những thử thách. Những thử thách sẽ giúp chúng ta trở nên giống như Cha Thiên Thượng hơn, và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô làm cho chúng ta có thể chịu đựng được những thử thách đó. Tôi làm chứng rằng khi tích cực đến cùng Ngài, thì chúng ta có thể chịu đựng được mọi cám dỗ, mọi đau khổ, mọi thử thách mà chúng ta gặp phải, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Môi Se 5:11.

  2. Xin xem Môi Se 4–5.

  3. Xin xem Áp Ra Ham 3:25.

  4. 2 Nê Phi 2:11.

  5. Xin xem Giáo Lý Giao Ước 18:36; xin xem thêm các câu 34–35.

  6. Một số ví dụ gồm có:Chủ Tịch Thomas S. Monson nói: “Khi đọc và suy ngẫm thánh thư, chúng ta sẽ nhận được lời mách bảo dịu dàng của Thánh Linh cho tâm hồn mình. Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi của mình. Chúng ta tìm hiểu về các phước lành có được qua việc tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế. Chúng ta đạt được một chứng ngôn chắc chắn về Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, và về tình yêu thương của hai Ngài dành cho chúng ta. Khi việc học thánh thư được kết hợp với lời cầu nguyện, thì chúng ta có thể biết chắc rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là chân chính. … Khi chúng ta nhớ cầu nguyện và dành thời gian để đọc thánh thư, thì cuộc sống của chúng ta sẽ được ban phước thêm và gánh nặng của chúng ta sẽ được nhẹ nhàng hơn.” (“Chúng Ta Không Bao Giờ Đơn Độc Một Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, 122).Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói: “Tôi không ngần ngại mà hứa với các anh chị em rằng nếu mỗi anh chị em chịu tuân theo chương trình giản dị này, bất chấp bao nhiêu lần các anh chị em có thể đã đọc Sách Mặc Môn trước đây, thì cũng sẽ có thêm Thánh Linh của Chúa vào cuộc sống và vào nhà của các anh chị em, một quyết tâm được củng cố để tuân theo các lệnh truyền của Ngài, và một chứng ngôn mạnh mẽ hơn về sự thực tế về Vị Nam Tử hằng sống của Thượng Đế” (“A Testimony Vibrant and True,” Liahona, tháng Tám năm 2005, 6).Chủ Tịch Howard W. Hunter nói: “Gia đình được nhiều phước khi hai bậc cha mẹ khôn ngoan quy tụ con cái của họ lại xung quanh họ, đọc từ các trang của thư viện thánh thư với nhau, và sau đó thảo luận một cách thoải mái những câu chuyện và những ý nghĩ tuyệt vời theo sự hiểu biết của tất cả mọi người. Giới trẻ và các trẻ nhỏ thường có sự hiểu biết sâu sắc tuyệt vời và sự biết ơn về các tài liệu tôn giáo cơ bản” (“Reading the Scriptures,” Ensign, tháng Mười Một năm 1979, 64).Chủ Tịch Ezra Taft Benson nói: “Chúng ta thường dành nỗ lực lớn trong việc cố gắng gia tăng các mức độ sinh hoạt trong các giáo khu của chúng ta. Chúng ta cố gắng siêng năng để nâng cao tỷ lệ phần trăm của những người tham dự lễ Tiệc Thánh. Chúng ta làm việc để có được một tỷ lệ phần trăm cao hơn của các thanh niên đi phục vụ truyền giáo. Chúng ta cố gắng gia tăng con số những người kết hôn trong đền thờ. Tất cả những nỗ lực này đều đáng khen ngợi và quan trọng đối với sự phát triển của vương quốc. Nhưng khi bản thân các tín hữu và gia đình đắm mình trong thánh thư một cách đều đặn và liên tục, thì các lãnh vực sinh hoạt khác sẽ tự động đến. Lòng cam kết sẽ được củng cố. Các gia đình sẽ được làm cho vững mạnh thêm. Sự mặc khải cá nhân sẽ tuôn tràn” (“The Power of the Word,” Ensign, tháng Năm năm 1986, 81).Chủ Tịch Spencer W. Kimball tuyên bố: “Tôi thấy rằng khi xem thường mối quan hệ của mình với Chúa và khi dường như Chúa không lắng nghe và Chúa không phán thì tôi ở xa, rất xa. Nếu tôi đắm mình trong thánh thư thì khoảng cách thu hẹp lại và nếp sống thuộc linh trở về. Tôi thấy mình yêu thương mãnh liệt hơn những người mà tôi phải yêu thương bằng cả tấm lòng, tâm trí và sức mạnh, và yêu thương họ nhiều hơn, tôi thấy dễ dàng hơn để tuân thủ lời khuyên bảo của họ” (Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball [2006], 67).Chủ Tịch Marion G. Romney nói: “Tôi cảm thấy chắc chắn rằng nếu, trong nhà của chúng ta, các bậc cha mẹ chịu đọc từ Sách Mặc Môn một cách thành tâm và thường xuyên, thì cả cha mẹ lẫn con cái của họ, tinh thần của cuốn sách cao quý đó sẽ tràn ngập vào nhà của chúng ta và tất cả những người sống trong đó. Tinh thần tôn kính sẽ gia tăng; sự kính trọng và quan tâm lẫn nhau sẽ phát triển. Tinh thần tranh chấp sẽ rời đi. Các bậc cha mẹ sẽ khuyên bảo con cái của mình trong tình yêu thương và sự khôn ngoan lớn lao hơn. Con cái sẽ đáp ứng và tuân phục hơn lời khuyên bảo của cha mẹ họ. Sự ngay chính sẽ gia tăng. Đức tin, hy vọng và lòng bác ái–tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô—sẽ đầy dẫy trong nhà và cuộc sống của chúng ta, mang theo bình an, niềm vui, và hạnh phúc của mình” (“The Book of Mormon,” Ensign, tháng Năm năm 1980, 67).Chủ Tịch Boyd K. Packer nói: “Giáo lý đúng, nếu hiểu được, thay đổi thái độ và hành vi. Việc nghiên cứu các giáo lý của phúc âm sẽ cải thiện hành vi nhanh hơn một việc nghiên cứu về hành vi sẽ cải thiện hành vi” (“Do Not Fear,” Liahona, tháng Năm năm 2004, 79).Anh Cả David A. Bednar nói: “Mỗi lời cầu nguyện chung gia đình, mỗi đoạn thánh thư mà gia đình cùng đọc và mỗi buổi họp tối gia đình là một nét vẽ bằng bút lông trên bức tranh của tâm hồn chúng ta. Có lẽ không có một sự kiện nào dường như lại gây ấn tượng sâu xa hoặc đáng ghi nhớ. Nhưng cũng như các nét vẽ bằng bút lông màu vàng nhạt, màu vàng đậm và màu nâu bổ sung cho nhau rồi tạo nên một kiệt tác đầy ấn tượng thì sự kiên định của chúng ta trong khi làm những điều dường như nhỏ nhặt đã có thể đưa đến những kết quả thuộc linh đầy ý nghĩa.” (“Được Siêng Năng Hơn và Biết Lo Lắng Hơn trong Gia Đình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 19–20).

  7. Xin xem 2 Nê Phi 2:13.

  8. Linda S. Reeves, “Sự Bảo Vệ Khỏi Hình Ảnh Sách Báo Khiêu Dâm—Một Mái Gia Đình Tập Trung vào Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2014, 16–17.

  9. Chủ Tịch Howard W. Hunter nói: “Trong tinh thần đó, tôi mời Các Thánh Hữu Ngày Sau hãy tìm đến đền thờ của Chúa là biểu tượng tuyệt vời về vai trò tín hữu của các anh chị em. Tôi có ước muốn sâu xa nhất trong lòng mình để có mỗi tín hữu của Giáo Hội xứng đáng bước vào đền thờ. Điều đó sẽ làm đẹp lòng Chúa, nếu mỗi tín hữu thành niên được xứng đáng có được và mang theo một giấy giới thiệu đi đền thờ có hiệu lực. Những điều mà chúng ta phải làm và không được làm để được xứng đáng với một giấy giới thiệu đi đền thờ chính là những điều bảo đảm rằng chúng ta, là cá nhân và gia đình, sẽ được hạnh phúc. Chúng ta hãy là một dân tộc đi đền thờ. Hãy đi đền thờ thường xuyên khi hoàn cảnh cá nhân cho phép. Hãy giữ một tấm hình về đền thờ trong nhà của các anh chị em để con cái của các anh chị em có thể nhìn thấy tấm hình đó. Hãy dạy chúng về các mục đích của ngôi nhà của Chúa. Hãy giúp chúng hoạch định từ những năm niên thiếu của chúng để đi tới đó và luôn xứng đáng với phước lành đó” (“Exceeding Great and Precious Promises,” Ensign, tháng Mười Một năm 1994, 8).

  10. Xin xem 2 Nê Phi 2:2.