Cuộc Sống Vĩnh Cửu—Là Biết Được Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô
Thượng Đế và Đấng Ky Tô thật sự là Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử—riêng biệt, khác biệt, và cá biệt là hai Đấng hoàn toàn hiệp nhất về mục đích của hai Ngài.
Cách đây nhiều năm, tôi lấy cơ hội để nghiên cứu các chứng ngôn cuối cùng của các vị tiên tri trong mỗi gian kỳ. Mỗi vị đưa ra lời chứng hùng hồn về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.
Khi tôi đọc những chứng ngôn này—và nhiều chứng ngôn khác giống như vậy trong những năm qua—thì điều đó luôn luôn làm tôi xúc động để cảm thấy được Cha Thiên Thượng yêu thương Con Trai đầu lòng của Ngài biết bao và Chúa Giê Su cho thấy tình yêu thương của Ngài bằng cách tuân theo ý muốn của Cha Ngài như thế nào. Tôi làm chứng rằng khi chúng ta làm điều cần thiết để biết được hai Ngài và biết được tình yêu thương của hai Ngài dành cho nhau, thì chúng ta sẽ nhận được “ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế”—chính là cuộc sống vĩnh cửu. Vì “sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến.”
Làm thế nào chúng ta có thể nhận được ân tứ về cuộc sống vĩnh cửu này? Ân tứ này đến nhờ vào vấn đề mặc khải cá nhân mà đã được nói đến và giảng dạy buổi sáng hôm nay.
Các anh chị em có nhớ lần đầu tiên khi các anh chị em biết được rằng có một Thượng Đế và có thể cảm nhận được tình yêu thương của Ngài không? Khi còn bé, tôi thường nhìn lên bầu trời đầy sao và suy ngẫm cùng cảm nhận được sự hiện diện của Ngài. Tôi phấn khởi để khám phá ra vẻ đẹp tuyệt vời của các tạo vật của Thượng Đế—từ những con côn trùng nhỏ bé đến những cái cây cao chót vót. Khi nhận ra vẻ đẹp của thế giới này, tôi biết rằng Cha Thiên Thượng yêu thương tôi. Tôi biết rằng tôi là con linh hồn thật sự của Ngài, rằng chúng ta đều là các con trai và con gái của Thượng Đế.
Các anh chị em có thể hỏi: Làm thế nào tôi biết được điều này? Thánh thư dạy: “Một số người được Đức Thánh Linh ban cho ân tứ để biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Con của Thượng Đế, và … những người khác thì được ban cho ân tứ để tin vào lời nói của họ, rằng họ cũng có thể có được một cuộc sống vĩnh cửu nếu họ tiếp tục trung thành.” Theo quan điểm của tôi, điều này không có nghĩa là một số người sẽ vĩnh viễn dựa vào chứng ngôn của những người khác.
Chứng ngôn của tôi tăng trưởng khi tôi học về Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi từ lời giảng dạy và chứng ngôn của cha mẹ, giảng viên của tôi, thánh thư—mà tôi siêng năng đọc—và nhất là Đức Thánh Linh. Khi tôi sử dụng đức tin và tuân theo các giáo lệnh, Đức Thánh Linh đã làm chứng rằng điều tôi đang học là sự thật. Đây là cách tôi tự mình biết được.
Trong tiến trình này, việc tìm kiếm sự mặc khải cá nhân là một bí quyết. Nê Phi mời gọi mỗi người chúng ta phải “nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô; vì này, những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ cho các người biết tất cả những gì các người phải làm.”
Trước ngày sinh nhật thứ tám của tôi, tôi đã tìm cách biết thêm về phép báp têm. Tôi đọc thánh thư và cầu nguyện. Tôi biết được rằng tôi sẽ nhận được ân tứ Đức Thánh Linh khi tôi được làm lễ xác nhận. Tôi cũng bắt đầu hiểu rằng Thượng Đế và Đấng Ky Tô thật sự là Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử—riêng biệt, khác biệt, và cá biệt, là hai Đấng hoàn toàn hiệp nhất trong mục đích của hai Ngài. “Chúng ta yêu [hai Ngài], vì [hai Ngài] đã yêu chúng ta trước.” Và tôi đã nhiều lần quan sát cách hai Ngài yêu thương nhau và cùng nhau làm việc vì lợi ích của chúng ta. Hãy lắng nghe một vài đoạn thánh thư giảng dạy lẽ thật này:
Khi dạy về cuộc sống tiền dương thế của chúng ta, Cha Thiên Thượng đã gọi Chúa Giê Su Ky Tô là “Con Trai Yêu Dấu của ta, tức là Kẻ Được Yêu Dấu và Được Chọn Lựa từ lúc khởi thủy.” Khi Đức Chúa Cha sáng tạo thế gian, Ngài đã làm như vậy “qua Con Độc Sinh của [Ngài]”.
Mẹ của Chúa Giê Su, Ma Ri, được cho biết là bà sẽ sinh “Con của Đấng Rất Cao.” Và khi Chúa Giê Su còn là một thiếu niên, Ngài nói với mẹ Ngài rằng Ngài “phải lo việc Cha [Ngài].” Nhiều năm sau đó, khi Đấng Cứu Rỗi chịu phép báp têm, Cha Thiên Thượng đã phán từ các tầng trời rằng: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.”
Để dạy cho các môn đồ của Ngài cách cầu nguyện, Chúa Giê Su đã phán những lời này:
“Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh;
“Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời!.”
Ngài dạy cho Ni Cô Đem rằng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Và Ngài đã giải thích những phép lạ của Ngài khi phán: “Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm; vì mọi điều Cha làm, Con cũng làm y như vậy.”
Khi gần đến giờ của Sự Chuộc Tội, Chúa Giê Su cầu nguyện rằng: “Thưa Cha, giờ đã đến. … Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm.” Rồi, khi các tội lỗi của chúng ta đè nặng lên vai Ngài, Ngài đã khẩn cầu: “Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.” Trong giây phút cuối cùng của Ngài trên cây thập tự, Chúa Giê Su đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” và rồi kêu lên: “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha!”
Sau đó, Ngài đi thăm các linh hồn của những người đã chết, trong thế giới linh hồn, để ban cho “họ quyền năng để sống lại, sau sự phục sinh của Ngài từ cõi chết, để bước vào vương quốc của Cha Ngài.” Sau khi Đấng Cứu Rỗi phục sinh, Ngài hiện ra cùng Ma Ri Ma Đơ Len và phán rằng: “Ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi.”
Khi Ngài hiện đến cùng dân chúng ở lục địa Châu Mỹ, Cha Ngài đã giới thiệu Ngài rằng: “Này, đây là Con Trai Yêu Dấu của ta, người mà ta rất hài lòng” Khi Chúa Giê Su giáng xuống ở giữa dân chúng tại đền thờ, Ngài đã tự giới thiệu rằng: “Này, ta là Giê Su Ky Tô. … ta đã tôn vinh Đức Chúa Cha bằng cách gánh lấy tội lỗi của thế gian.” Khi giảng dạy về giáo lý của Ngài, Ngài đã giải thích:
“Đây là giáo lý mà Đức Chúa Cha đã ban cho ta; và ta làm chứng cho Đức Chúa Cha và Đức Chúa Cha làm chứng cho ta.”
“Quả thật … Đức Chúa Cha với ta là một.”
Chúng ta có thể thấy một khuôn mẫu trong các đoạn thánh thư này làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử là hai Đấng khác biệt, riêng biệt không? Vậy thì, hai “Ngài là một” như thế nào? Không phải vì hai Ngài là cùng một Đấng nhưng vì hai Ngài hiệp một trong mục đích, đều tận tâm “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”
Chúa Giê Su là một Thượng Đế, nhưng Ngài luôn phân biệt Ngài như là một Đấng khác biệt, riêng biệt bằng cách cầu nguyện lên Cha của Ngài và bằng cách nói rằng Ngài đang làm theo ý muốn của Cha Ngài. Trong giáo vụ của Ngài ở giữa dân Nê Phi, Ngài khẩn nài: “Thưa Cha, con không vì thế gian mà cầu nguyện, mà vì những kẻ Cha đã ban cho con từ thế gian này, … để con có thể ở trong họ, chẳng khác chi Cha ở trong con, để chúng ta trở thành một, ngõ hầu con được sáng danh trong họ.”
Khi ghi nhớ điều này, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy Sự Phục Hồi của phúc âm bắt đầu với sự xuất hiện không phải một mà là hai Đấng vinh quang. Tiên Tri Joseph Smith đã làm chứng về Khải Tượng Thứ Nhất của ông: “Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!”
Vị tiên tri trẻ tuổi, là người đã đi vào khu rừng đó để tìm xem ông phải gia nhập giáo hội nào, với đức tin vững vàng, đã bước ra khỏi khu rừng đó với sự hiểu biết và một lời chứng về Thượng Đế chân chính duy nhất và Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Thượng Đế đã sai đến. Giống như các vị tiên tri tiền nhiệm, Joseph sau đó đã trở thành một công cụ để phục hồi lại cho thế gian sự hiểu biết mà dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.
Các anh chị em cũng có thể tìm kiếm Cha Thiên Thượng và “Chúa Giê Su này, tức là Đấng mà các tiên tri và các sứ đồ đã từng [làm chứng]” trong thánh thư và trong đại hội trung ương này. Khi tìm kiếm một sự làm chứng cá nhân—sự mặc khải cá nhân của các anh chị em—thì các anh chị em sẽ khám phá ra rằng Cha Thiên Thượng đã cung cấp một cách thức đặc biệt để các anh chị em có thể tự mình biết được lẽ thật: qua Đấng thứ ba của Thiên Chủ Đoàn, một Đấng linh hồn mà chúng ta biết là Đức Thánh Linh.
“Và khi nào các người nhận được những điều này”—kể cả điều tôi đã chia sẻ ngày hôm nay—“tôi khuyên nhủ các người hãy cầu vấn Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong danh Đấng Ky Tô, để xem những điều này có thật không; và nếu các người cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì Ngài sẽ biểu lộ lẽ thật của điều này cho các người biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.
“Và bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, các người sẽ có thể biết được [với sự chắc chắn] lẽ thật của tất cả mọi điều.”
Thưa các anh chị em, tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng muốn chúng ta tìm kiếm sự hiểu biết này ngay bây giờ. Những lời nói của tiên tri Hê La Man thốt lên từ bụi đất: “Hãy nhớ, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế … , một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được Quả thật, chúng ta sẽ không đổ ngã.
Nền tảng vững chắc đó là Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài là “Tảng Đá Trời.” Khi chúng ta xây dựng nhà của chúng ta trên Ngài, thì những cơn mưa trong những ngày sau có thể rơi xuống, lũ lụt có thể xảy đến, gió có thể thổi tới, nhưng chúng ta sẽ không đổ ngã. Chúng ta sẽ không đổ ngã, vì mái gia đình của chúng ta sẽ được xây dựng trên Đấng Ky Tô.
Tôi làm chứng rằng một ngôi nhà như vậy là “ngôi nhà của sự vinh quang.” Ở đó chúng ta quy tụ lại với nhau để cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, Con Trai Yêu Dấu của Ngài. Ở đó chúng ta tôn vinh và cảm tạ hai Ngài. Ở đó chúng ta nhận được Đức Thánh Linh và “là lời hứa mà [Ngài ban] cho [chúng ta] về cuộc sống vĩnh cửu, tức là vinh quang của vương quốc thượng thiên.”
Tôi xin đưa ra lời chứng đặc biệt rằng Đấng Cứu Rỗi là Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài hằng sống. Cha Thiên Thượng Vĩnh Cửu của chúng ta yêu thương chúng ta và trông nom chúng ta, chúng ta có một vị tiên tri trong gian kỳ này—chính là Chủ Tịch Thomas S. Monson—để lãnh đạo và hướng dẫn chúng ta. Đức Thánh Linh làm chứng rằng điều này là sự thật cho mỗi người đi tìm kiếm sự hiểu biết. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.