2010–2019
Chuẩn Bị Sẵn Bằng một Cách Thức Chưa Từng Có
tháng mười 2014


10:11

Chuẩn Bị Sẵn Bằng một Cách Thức Chưa Từng Có

Cầu xin cho chúng ta chuẩn bị để xứng đáng tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi từng giọt một và hết lòng tuân giữ những giao ước liên quan.

Khi con gái út của chúng tôi đi học về sau ngày đầu tiên đi học, tôi hỏi: “Con đi học thế nào?”

Nó đáp: “Tốt, mẹ ạ.”

Tuy nhiên, sáng hôm sau, khi tôi đánh thức nó dậy để đi học, thì nó khoanh tay và nói một cách chắc chắn: “Con đi học rồi mà!” Rõ ràng là tôi đã không chuẩn bị cho nó hoặc giải thích rằng việc đi học không phải chỉ xảy ra một lần mà nó sẽ phải đi học năm ngày một tuần trong nhiều năm.

Khi chúng ta xem xét nguyên tắc về việc chuẩn bị sẵn sàng, xin hãy tưởng tượng với tôi quang cảnh sau đây. Các chị em đang ngồi trong phòng thượng thiên giới của đền thờ và thấy một số cô dâu và chú rể được nghiêm trang dẫn ra dẫn vào trong khi họ chờ được làm lễ hôn phối cho thời tại thế lẫn suốt vĩnh cửu. Một cô dâu bước vào phòng thượng thiên giới, tay trong tay với người yêu của mình. Cô ấy mặc một cái áo đầm đền thờ giản dị nhưng đẹp đẽ và một nụ cười điềm tĩnh, thanh thản, ấm áp nở trên môi. Cô ấy cũng chỉnh tề tươm tất nhưng không xao lãng. Cô ngồi xuống, nhìn xung quanh, và sau đó bỗng dưng xúc động. Dường như nước mắt của cô ấy rơi xuống vì cảm thấy kính sợ và tôn kính đối với nơi cô ấy đang hiện diện và giáo lễ thiêng liêng đang chờ đợi mình và người yêu của mình. Thái độ của cô ấy dường như nói: “Tôi biết ơn biết bao được ở trong ngôi nhà của Chúa hôm nay, sẵn sàng để bắt đầu một cuộc hành trình vĩnh cửu với một người bạn đời yêu dấu vĩnh cửu.” Cô ấy dường như đã sẵn sàng cho nhiều điều hơn là chỉ một lễ cưới.

Đứa cháu gái tuổi niên thiếu đáng yêu của chúng tôi gần đây đã đặt trên gối của tôi một lá thư ngắn trong đó có ghi rằng: “Một điều mà cháu thấy khi bước vào đền thờ là tinh thần bình an, yêu thương, ngự trong đó. … Mọi người có thể đi đến đền thờ để nhận được nguồn soi dẫn.” Nó nói đúng. Chúng ta có thể nhận được nguồn soi dẫn và mặc khải trong đền thờ—và cũng như khả năng để đối phó với những nghịch cảnh của cuộc sống. Những điều mà nó đang học hỏi về đền thờ khi nó thường xuyên tham dự khi mang tên của chính gia đình nó để làm lễ báp têm và lễ xác nhận trong đền thờ sẽ chuẩn bị cho nó để tiếp nhận thêm những giáo lễ, những giao ước, và các phước lành cho cả nó và những người ở bên kia bức màn.

Anh Cả Russell M. Nelson đã dạy: “Khi đền thờ được sẵn sàng cho các tín hữu thì các tín hữu cần phải tự chuẩn bị cho đền thờ.”

Khi đang đọc lại về Lãnh Binh Mô Rô Ni trong Sách Mặc Môn, tôi nhớ rằng một trong những thành tích lớn nhất của Mô Rô Ni là sự chuẩn bị chu đáo của ông cho dân Nê Phi chống lại quân đội La Man đáng sợ. Ông đã chuẩn bị cho dân của ông kỹ đến nỗi như chúng ta đọc: “Nhưng này, dân Nê Phi đã làm cho [dân La Man] vô cùng ngạc nhiên vì [dân Nê Phi] đã chuẩn bị sẵn để đợi chúng, bằng một cách thức mà chưa từng có.

Cụm từ “chuẩn bị sẵn … bằng một cách thức mà chưa từng có” đã thực sự làm cho tôi chú ý.

Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị kỹ hơn cho các phước lành đền thờ thiêng liêng? Chúa đã dạy: “Và lại nữa, ta ban cho các ngươi một mẫu mực cho mọi sự việc.” Chúng ta hãy xem xét một mẫu mực thánh thư mà sẽ giúp chúng ta chuẩn bị kỹ. Sự chuẩn bị của Mô Rô Ni để đợi kẻ thù cần phải kiên định và trung tín trước sau như một, và mẫu mực này sẽ đòi hỏi giống như vậy.

Tôi chưa bao giờ thấy chán câu chuyện ngụ ngôn tuyệt vời mà Đấng Cứu Rỗi dạy về năm người nữ đồng trinh khôn ngoan và năm người dại dột. Mặc dù câu chuyện ngụ ngôn này nói về việc chuẩn bị cho Sự Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, nhưng chúng ta cũng có thể so sánh điều này với việc chuẩn bị cho các phước lành của đền thờ, mà có thể là một bữa tiệc thuộc linh cho những ai chuẩn bị chu đáo.

Trong Ma Thi Ơ 25 chúng ta đọc:

“Khi ấy, nước thiên đàng sẽ giống như mười người nữ đồng trinh kia cầm đèn đi rước chàng rể.

“Trong các nàng đó, có năm người dại và năm người khôn.

Song người khôn khi cầm đèn đi thì đem dầu theo trong bình mình

Vì chàng rể đến trễ, nên các nàng thảy đều buồn ngủ và ngủ gục.

Đến khuya, có tiếng kêu rằng: Kìa, chàng rể đến, hãy đi ra rước người!

Các nữ đồng trinh bèn thức dậy cả, sửa soạn đèn mình.

Các người dạy nói với các người khôn rằng: Xin bớt dầu của các chị cho chúng tôi, vì đèn chúng tôi gần tắt.

Nhưng các người khôn trả lời rằng: Không, e chẳng đủ cho chúng tôi và các chị; thà các chị hãy đi đến người bán dầu mà mua.

Song trong khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến, kẻ nào chực sẵn, thì đi với người cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại.

Chặp lâu, những người nữ đồng trinh khác cũng đến và xin rằng: Hỡi Chúa, hỡi Chúa, xin mở cho chúng tôi!

Nhưng người đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta không biết các ngươi đâu.”

Tôi không nghĩ rằng có một người nào, đặc biệt là những người có tấm lòng nhân hậu, lại không cảm thấy buồn cho những thiếu nữ dại đó. Và một số người trong chúng ta muốn nói với các thiếu nữ kia, “Tại sao các em không chia sẻ để mọi người đều được vui vẻ chứ?” Nhưng hãy nghĩ về điều đó. Đây là một câu chuyện mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy, và Ngài là người gọi năm người trong số họ là “khôn” và năm người “dại.”

Khi chúng ta sử dụng câu chuyện ngụ ngôn này làm một mẫu mực cho sự chuẩn bị cho đền thờ, hãy cân nhắc những lời giảng dạy của vị tiên tri ngày nay rằng “dầu của sự chuẩn bị thuộc linh không thể chia sẻ được.” Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã giúp làm sáng tỏ lý do tại sao năm người thiếu nữ “khôn” không thể chia sẻ dầu trong đèn của họ với những người “dại” khi ông nói, “Việc tham dự các buổi họp tiệc thánh cho thêm dầu vào đèn của chúng ta, từng giọt một qua nhiều năm. Nhịn ăn, cầu nguyện gia đình, thăm viếng tại gia, kiềm chế những ham muốn thể chất, giảng dạy phúc âm, học hỏi thánh thư—mỗi hành động hiến dâng và vâng lời đều thêm một giọt dầu vào trong kho của chúng ta. Những hành động tử tế, đóng tiền thập phân và các của lễ, ý nghĩ và hành động trong sạch …—những điều đó cũng đóng góp quan trọng vào dầu mà chúng ta có thể đổ thêm vào giữa đêm khuya khi đèn của chúng ta bị cạn dầu.”

Các chị em có thấy được mẫu mực của sự chuẩn bị—từng giọt một—có thể giúp chúng ta khi chúng ta nghĩ cách để có thể siêng năng hơn trong sự chuẩn bị tiếp nhận các giáo lễ cho bản thân và cho những người khác không? Chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt và giản dị nào nữa để bỏ thêm dầu thuộc linh quý báu vào đèn của sự chuẩn bị của chúng ta không?

Chúng ta học từ Anh Cả Richard G. Scott rằng, “sự xứng đáng cá nhân là một đòi hỏi chính yếu để hưởng được các phước lành của đền thờ…Tính cách xứng đáng đều được rèn lyện tốt nhất từ một cuộc sống kiên định, những sự lựa chọn đúng đắn tập trung vào sự giảng dạy của Đấng Thầy.” Tôi thích từ kiên định. Kiên định có nghĩa là vững chắc, kiên trì, và đáng tin cậy. Thật là một cách để miêu tả tuyệt vời về nguyên tắc của sự xứng đáng!

Chúng ta được nhắc nhở trong Bible Dictionary: “Chỉ có căn nhà mới có thể so sánh với đền thờ về sự thiêng liêng.” Căn nhà hoặc căn hộ của chúng ta có phù hợp với phần mô tả đó không? Gần đây, một thiếu nữ đáng mến trong tiểu giáo khu của chúng tôi đến nhà của chúng tôi. Vì biết anh trai của em ấy vừa đi truyền giáo trở về nên tôi hỏi em ấy cảm thấy như thế nào về việc có được anh mình trở về nhà. Em ấy nói việc đó thật là tuyệt vời, nhưng thỉnh thoảng anh ấy yêu cầu vặn nhỏ tiếng nhạc. Em ấy nói: “Và đâu có phải là nhạc không lành mạnh!” Có thể đáng bõ công để chúng ta thỉnh thoảng tự đánh giá mình để chắc chắn rằng ngôi nhà của mình là nơi có thể cảm nhận được Thánh Linh. Khi chúng ta chuẩn bị nhà chúng ta làm nơi chào đón Thánh Linh, thì chúng ta chuẩn bị để cảm thấy như “ở nhà” hơn khi bước vào nhà của Chúa.

Khi chúng ta tự chuẩn bị mình để xứng đáng vào đền thờ và trung tín với các giao ước đền thờ, thì Chúa sẽ ban cho chúng ta “phước lành gấp bội”. Người bạn tốt của tôi là Bonnie Oscarson mới gần đây đã thay đổi hoàn toàn lời của một câu thánh thư khi chị nói: “Vì kẻ nào được đòi hỏi nhiều thì được ban cho nhiều.” Tôi hoàn toàn đồng ý với chị! Vì chúng ta đến đền thờ để tiếp nhận các phước lành vĩnh cửu, nên chúng ta chẳng ngạc nhiên khi được đòi hỏi một tiêu chuẩn cao hơn để được xứng đáng với các phước lành đó. Anh Cả Nelson đã dạy: “Vì đền thờ là ngôi nhà của Chúa, nên các tiêu chuẩn vào đền thờ đều do Ngài quy định. Một người bước vào đền thờ đều là khách của Ngài. Việc nắm giữ một giấy giới thiệu đi đền thờ là một đặc ân vô giá và là một dấu hiệu thật sự về sự vâng lời Thượng Đế và các vị tiên tri của Ngài.”

Các vận động viên tầm cỡ thế giới và các sinh viên tiến sĩ của trường đại học bỏ ra nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng và thậm chí nhiều năm để chuẩn bị. Các giọt chuẩn bị hàng ngày là sự đòi hỏi để họ có thể tiến lên trên. Tương tự như vậy, những người nào muốn hội đủ điều kiện cho sự tôn cao trong thượng thiên giới đều được kỳ vọng sẽ sống theo một tiêu chuẩn vâng lời cao hơn bằng cách thực hành đức hạnh của sự vâng lời ngày qua ngày và từng giọt một.

Khi chúng ta kiên định và siêng năng thêm dầu, từng giọt một, vào đèn thuộc linh của mình, làm những điều nhỏ nhặt và tầm thường, thì đèn của chúng ta được “chuẩn bị và cháy sáng” với sự chuẩn bị chưa từng có. Chồng tôi, là một chủ tịch giáo khu, mới đây có nói rằng anh hầu như luôn luôn có thể thấy được khi một người có chuẩn bị và xứng đáng vào đền thờ không, bởi vì “họ làm cho căn phòng sáng lên” khi họ đến xin giấy giới thiệu vào đền thờ.

Trong lời cầu nguyện cung hiến Đền Thờ Kirtland, Tiên Tri Joseph Smith đã cầu xin Chúa: “cho tất cả những ai bước vào ngưỡng cửa ngôi nhà của Chúa đều có thể cảm thấy được quyền năng của Ngài … Và rằng họ có thể tấn tới trong Ngài, và nhận được sự trọn vẹn của Đức Thánh Linh, … và được chuẩn bị để thu nhận mọi điều cần thiết.”

Tôi cầu nguyện rằng đối với chúng ta, việc đi đền thờ sẽ nhiều hơn là chỉ một lần. Cầu xin cho chúng ta có thể chuẩn bị để xứng đáng nhận được các giáo lễ cứu rỗi từng giọt một và hết lòng tuân giữ các giao ước liên quan. Khi chúng ta làm như vậy, thì tôi biết rằng chúng ta sẽ xứng đáng để nhận được các phước lành đã được hứa về Đức Thánh Linh trọn vẹn và quyền năng của Chúa trong nhà và trong cuộc sống cá nhân của chúng ta. Trong tôn danh Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Thư riêng của Aydia Kaylie Melo gửi cho Linda K. Burton, ngày 31 tháng Tám năm 2014.

  2. Russell M. Nelson, “Chuẩn Bị để Nhận được Các Phước Lành của Đền Thờ,” Liahona, tháng Mười năm 2010, 41.

  3. An Ma 49:8; sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm các câu 6–7.

  4. Giáo Lý và Giao Ước 52:14.

  5. Ma Thi Ơ 25:1–2, 4–11; Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 25:12 (trong Ma Thi Ơ 25:12, cước chú a).

  6. Marvin J. Ashton, “A Time of Urgency,” Ensign, tháng Năm năm 1974, 36.

  7. Spencer W. Kimball, Faith Precedes the Miracle (1972), 256.

  8. Richard G. Scott, “Receive the Temple Blessings,” Ensign, tháng Năm năm 1999, 25; Liahona, tháng Bảy năm 1999, 29.

  9. Bible Dictionary, “Temple.”

  10. Giáo Lý và Giao Ước 104:2.

  11. Bonnie L. Oscarson, “Greater Expectations” (chương trình phát sóng qua hệ thống vệ tinh của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo, ngày 5 tháng Tám năm 2014); lds.org/broadcasts; xin xem thêm Lu Ca 12:48; Giáo Lý và Giao Ước 82:3.

  12. Russell M. Nelson, “ Sự Chuẩn Bị Cá Nhân để Nhận được Các Phước Lành Đền Thờ,” Liahona, tháng Bảy năm 2001, 38.

  13. Giáo Lý và Giao Ước 33:17.

  14. Giáo Lý và Giao Ước 109:13, 15.