“Lạy Chúa, Có Phải Tôi Không?”
Chúng ta phải từ bỏ tính kiêu ngạo của mình, bỏ qua những cảm nghĩ tự phụ, và khiêm nhường hỏi: “Lạy Chúa, có phải tôi không?”
Đó là đêm cuối cùng của Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của chúng ta trên trần thế, buổi tối trước khi Ngài hy sinh làm giá chuộc cho tất cả nhân loại. Trong khi Ngài bẻ bánh với các môn đồ của Ngài, thì Ngài đã nói một điều mà chắc hẳn làm cho lòng họ đầy sợ hãi và buồn bã. Ngài phán với họ rằng: “Có một người trong các ngươi sẽ phản ta.”
Các môn đồ đã không nghi ngờ sự thật về điều Ngài phán. Họ không nhìn xung quanh, chỉ tay vào một người khác, và hỏi: “Có phải người đó không?”
Thay vì thế, họ đã “lấy làm buồn bực lắm, và lần lượt hỏi Ngài rằng: Lạy Chúa, có phải tôi không?”
Tôi tự hỏi là mỗi người chúng ta sẽ làm gì nếu chúng ta cũng có kinh nghiệm này với Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta có nhìn những người xung quanh mình và tự nói: “Có lẽ Ngài đang nói về Anh Sơn đó. Tôi vẫn luôn luôn nghi ngờ về lòng trung tín của anh ấy,” hoặc “Tôi mừng là Anh Bảo có mặt ở đây. Anh ấy thực sự cần phải nghe điều này” không? Hoặc chúng ta, giống như các môn đồ thời xưa, nhìn vào bản thân mình và tự hỏi câu hỏi quan trọng đó: “Lạy Chúa, có phải tôi không?”
Trong những lời giản dị này: “Lạy Chúa, có phải tôi không?” là khởi đầu cho sự khôn ngoan và con đường dẫn đến sự cải đạo cá nhân và thay đổi lâu dài.
Chuyện Ngụ Ngôn về Cây Bồ Công Anh
Xưa kia có một người rất thích đi bộ xung quanh khu xóm của mình vào buổi chiều. Người ấy đặc biệt mong muốn đi bộ ngang qua nhà người hàng xóm. Người hàng xóm này giữ bãi cỏ của mình được cắt tỉa thật là hoàn hảo, luôn có hoa nở, cây cối tươi tốt và có bóng mát. Rõ ràng là người hàng xóm này cố gắng hết sức để có được một bãi cỏ đẹp đẽ.
Nhưng một ngày nọ khi đi ngang qua nhà hàng xóm của mình, thì người ấy nhận thấy ở giữa bãi cỏ đẹp đẽ này có một cây bồ công anh dại duy nhất, to lớn màu vàng.
Cây đó mọc sai chỗ đến nỗi làm cho người ấy rất ngạc nhiên. Tại sao người hàng xóm không nhổ bỏ cái cây đó? Ông ta không thể nhìn thấy cây đó sao? Ông ta không biết rằng cây bồ công anh có thể rải hạt mà sẽ mọc lên thêm thành hàng chục cây cỏ dại sao?
Cây bồ công anh đơn độc này làm cho người ấy khó chịu không thể tả, và người ấy muốn làm một điều gì đó với cái cây đó. Người ấy có nên nhổ bỏ cây đó không? Hoặc phun thuốc diệt cỏ dại không? Có lẽ nếu người ấy chờ đến ban đêm thì có thể bí mật nhổ bỏ cái cây đó chăng.
Những ý nghĩ này hoàn toàn xâm chiếm tâm trí của người ấy khi người ấy đi về phía nhà mình. Người ấy bước vào nhà mình mà không hề liếc nhìn về phía sân trước nhà—bãi cỏ của ông mọc hàng trăm cây bồ công anh màu vàng.
Cái Rác và Cây Đà
Câu chuyện này có nhắc cho chúng ta nhớ về những lời của Đấng Cứu Rỗi không?
“Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? …
“… Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.”
Câu chuyện về cọng rác và cây đà này dường như có liên quan chặt chẽ đến việc chúng ta không có khả năng để tự thấy mình rõ ràng. Tôi không chắc chắn lý do tại sao chúng ta có thể chẩn đoán và đề nghị rất giỏi cách điều trị những yếu kém của người khác, trong khi chúng ta thường gặp khó khăn để nhận ra những yếu kém của mình.
Cách đây vài năm, có một câu chuyện trên tin tức về một người tin rằng nếu anh ta chà nước chanh lên mặt, thì sẽ làm cho anh ta trở nên vô hình trước máy ảnh. Vậy nên, anh ta thoa nước chanh lên khắp mặt của mình, đi ra ngoài, và cướp hai ngân hàng. Không bao lâu sau, anh ta bị bắt khi hình của anh ta được phát sóng trên bản tin buổi tối. Khi cảnh sát cho anh ta thấy các đoạn video về anh ta từ các máy quay phim an ninh, thì anh ta không thể tin vào mắt mình. Anh ta phản đối: “Nhưng tôi đã thoa nước chanh lên mặt của tôi rồi mà!”.
Khi một nhà khoa học tại trường Cornell University nghe nói về câu chuyện này, ông tò mò trước chuyện một người đã thiếu trình độ nhiều đến như vậy. Để xác định xem đây có phải là một vấn đề chung, hai nhà nghiên cứu đã mời các sinh viên đại học tham gia vào một loạt các thử nghiệm về các kỹ năng sống khác nhau và sau đó yêu cầu họ đánh giá cách họ đã làm. Các sinh viên nhận được điểm thấp vì đánh giá việc làm của họ không chính xác—một số người ước lượng số điểm của họ sẽ cao hơn năm lần so với số điểm thực sự.
Cuộc nghiên cứu này đã được lặp lại trong nhiều cách, xác nhận đi và xác nhận lại cùng một kết luận: nhiều người trong chúng ta có lúc khó thấy được con người thực sự của mình, và ngay cả những người thành công cũng đánh giá quá cao sự đóng góp của họ và đánh giá quá thấp những đóng góp của người khác.
Có thể là không quan trọng lắm khi đánh giá quá cao việc chúng ta lái xe giỏi như thế nào hoặc chúng ta đánh một quả bóng gôn được bao xa. Nhưng khi chúng ta bắt đầu tin rằng những đóng góp của mình ở nhà, tại nơi làm việc và ở nhà thờ lớn hơn những đóng góp thực sự thì chúng ta tự ngăn cản mình thấy các phước lành và cơ hội để cải thiện bản thân theo những cách có ý nghĩa và sâu sắc.
Những Điểm Mù Thuộc Linh
Một người quen của tôi từng sống trong một tiểu giáo khu với một số liệu thống kê cao nhất trong Giáo Hội—số người tham dự nhà thờ rất cao, con số giảng dạy tại gia rất cao, trẻ em trong Hội Thiếu Nhi luôn luôn có hạnh kiểm tốt, bữa ăn tối trong tiểu giáo khu bao gồm thức ăn tuyệt vời và các tín hữu hiếm khi làm đổ thức ăn xuống sàn nhà, và tôi nghĩ là không bao giờ có bất cứ người nào tranh luận với nhau tại các cuộc đấu bóng ở nhà thờ.
Về sau vợ chồng người bạn tôi được kêu gọi đi truyền giáo. Khi họ trở về ba năm sau, cặp vợ chồng này đã rất ngạc nhiên khi biết rằng trong thời gian họ đi phục vụ ở xa, thì có 11 cuộc hôn nhân đã kết thúc bằng ly dị.
Mặc dù tiểu giáo khu đã có tất cả các dấu hiệu bề ngoài về lòng trung tín và sức mạnh, nhưng một điều gì đó không may đã xảy ra trong lòng và trong cuộc sống của các tín hữu. Và điều đáng lo ngại là tình trạng này không phải là duy nhất. Những điều khủng khiếp và thường không cần thiết như vậy xảy ra khi các tín hữu của Giáo Hội trở nên xao lãng đối với các nguyên tắc phúc âm. Bên ngoài họ trông như các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng bên trong, lòng của họ đã rời xa Đấng Cứu Rỗi và những lời dạy của Ngài. Họ đã dần dần xa rời những sự việc của Thánh Linh và hướng tới những sự việc của thế gian.
Những người nắm giữ chức tư tế đã từng một thời xứng đáng bắt đầu tự nhủ rằng Giáo Hội là một điều tốt cho phụ nữ và trẻ em chứ không phải cho họ. Hoặc một số tín hữu tin rằng họ có thể được miễn khỏi các hành động tận tụy và phục vụ hàng ngày mà sẽ giúp họ gần gũi với Thánh Linh bởi vì lịch trình bận rộn hoặc các trường hợp đặc biệt của họ. Trong thời đại này khi có những người có khuynh hướng tự biện minh và yêu bản thân mình quá mức, thì rất dễ dàng để đưa ra những lời bào chữa đầy sáng tạo vì đã không thường xuyên cầu nguyện lên Thượng Đế, trì hoãn việc học thánh thư, tránh các buổi họp Giáo Hội và buổi họp tối gia đình, hoặc không đóng tiền thập phân và các của lễ một cách lương thiện.
Thưa các anh em, xin các anh em hãy nhìn vào bên trong lòng mình và đặt ra câu hỏi giản dị: “Lạy Chúa, có phải tôi không?”
Các anh em có bắt đầu xao lãng—cho dù ở một mức độ không đáng kể—khỏi “… đạo Tin Lành vinh hiển của Đức Chúa Trời hạnh phước dạy dỗ, mà sự truyền đạo đó đã giao phó cho [các anh em]” không? Các anh em có cho phép “chúa đời này” ngăn cản các anh em nhận ra “sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Ky Tô” không?
Các bạn yêu quý, các anh em thân mến của tôi, hãy tự hỏi mình, “Của báu của tôi ở đâu?”
Các anh em có yêu thích những điều thuận lợi của thế gian này nhất, hay là tập trung vào những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô đầy sốt sắng? “Vì của báu các ngươi ở đâu, thì lòng cũng ở đó.”
Thánh Linh của Thượng Đế có ngự trong lòng của các anh em không? Có phải các anh em đang “đâm rễ vững nền” trong tình yêu thương của Thượng Đế và của đồng bào mình không? Các anh em có cống hiến đủ thời gian và óc sáng tạo để mang lại hạnh phúc cho hôn nhân và gia đình của mình không? Các anh em có hy sinh sức lực của mình cho mục tiêu cao quý để thấu hiểu và sống theo “bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô không?
Thưa các anh em, nếu ước muốn lớn lao của các anh em để trau dồi các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô về “đức tin, đức hạnh, sự hiểu biết, tính ôn hòa, lòng kiên nhẫn, tình thương yêu anh em, sự tin kính, lòng bác ái, sự khiêm nhường, [và sự phục vụ],” thì Cha Thiên Thượng sẽ làm cho các anh em trở thành một công cụ trong tay Ngài để đem lại sự cứu rỗi cho nhiều người.
Xem Xét Cuộc Sống của Chúng Ta
Thưa các anh em, không một ai trong chúng ta muốn thừa nhận rằng mình đang xa dần con đường đúng. Chúng ta thường cố gắng tránh nhìn sâu vào đáy lòng mình và đương đầu với những yếu kém, hạn chế và nỗi sợ hãi của mình. Do đó, khi xem xét cuộc sống của mình, chúng ta sử dụng những thành kiến, lời bào chữa, và những câu chuyện chúng ta tự nói với mình để biện minh cho những suy nghĩ và hành động không xứng đáng.
Nhưng, việc có thể tự nhìn thấy mình rõ ràng là cần thiết cho sự tăng trưởng thuộc linh và sự an lạc của chúng ta. Nếu những yếu kém và khuyết điểm của chúng ta vẫn còn bị che giấu, thì quyền năng cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi không thể chữa lành những yếu điểm đó và làm cho chúng trở thành sức mạnh được. Trớ trêu thay, việc chúng ta thiếu hiểu biết về những yếu kém của con người mình cũng sẽ làm cho chúng ta mù quáng đối với tiềm năng thiêng liêng mà Đức Chúa Cha mong muốn nuôi dưỡng bên trong mỗi chúng ta.
Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể sử dụng lẽ thật thanh khiết của Thượng Đế để xem xét tâm hồn mình và tự nhìn thấy mình theo cách Ngài nhìn thấy chúng ta?
Tôi xin đề nghị rằng các thánh thư và các bài nói chuyện được đưa ra tại đại hội trung ương mang đến các nguyên tắc mà chúng ta có thể sử dụng để tự xem xét mình.
Khi các anh em nghe hay đọc những lời của các vị tiên tri thời xưa và hiện nay, thì đừng nghĩ rằng những lời đó áp dụng như thế nào cho một người nào khác mà thay vì thế hãy đặt ra câu hỏi giản dị: “Lạy Chúa, có phải tôi không?”
Chúng ta phải giao tiếp với Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu bằng tấm lòng đau khổ và tâm trí dễ dạy. Chúng ta phải sẵn lòng học hỏi và thay đổi. Và ôi, chúng ta nhận được biết bao nhiêu bằng cách cam kết sống cuộc sống mà Cha Thiên Thượng dự định cho chúng ta.
Những người không muốn học hỏi và thay đổi có lẽ sẽ không học hỏi, và thay đổi, và có khuynh hướng sẽ bắt đầu tự hỏi liệu Giáo Hội có giá trị gì đối với họ không.
Nhưng những người muốn cải thiện và tiến triển, những người học hỏi nơi Đấng Cứu Rỗi và mong muốn được giống như Ngài, những người hạ mình như trẻ nhỏ và tìm cách làm cho những ý nghĩ và hành động của họ hòa hợp với Cha Thiên Thượng—thì sẽ cảm nhận được phép lạ của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Chắc chắn là họ sẽ cảm nhận được Thánh Linh kỳ diệu của Thượng Đế. Họ sẽ nếm được niềm vui không thể diễn tả, chính là kết quả của một tấm lòng nhu mì và khiêm tốn. Họ sẽ được ban phước với ước muốn và kỷ luật để trở thành các môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.
Sức Mạnh của Điều Tốt
Trong cuộc đời tôi, tôi đã có cơ hội để quen biết với một số người tài giỏi và thông minh nhất trên thế giới này. Khi còn nhỏ, tôi đã cảm kích trước những người có học thức, tài giỏi, thành công, và được người đời khen ngợi. Nhưng trong những năm qua, tôi đã bắt đầu nhận thức được rằng tôi cảm kích nhiều hơn đối với những người tuyệt vời và được phước, là những người thực sự tốt bụng và không gian xảo.
Và điều tốt lành chẳng phải là điều mà phúc âm thật sự giảng dạy và mang đến cho chúng ta sao? Đó là tin lành, và giúp chúng ta trở thành người tốt.
Những lời của Sứ Đồ Gia Cơ áp dụng cho chúng ta ngày nay:
“Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường …
“Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên.”
Thưa các anh em, chúng ta phải từ bỏ tính kiêu ngạo của mình, bỏ qua những cảm nghĩ tự phụ, và khiêm nhường hỏi: “Lạy Chúa, có phải tôi không?”
Và nếu câu trả lời là: “Đúng vậy, con trai của ta, có những điều con cần phải cải thiện, những điều ta có thể giúp con vượt qua,” thì tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ chấp nhận câu trả lời này, khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi và những khuyết điểm của mình, và rồi thay đổi đường lối của mình bằng cách trở thành những người chồng tốt hơn, những người cha tốt hơn, những người con trai tốt hơn. Từ nay trở đi, cầu xin cho chúng ta có thể hết sức tìm cách bước đi vững vàng theo như cách thức được Đấng Cứu Rỗi ban phước—vì việc tự nhìn thấy mình rõ ràng là khởi đầu cho sự khôn ngoan.
Khi chúng ta làm như vậy, Thượng Đế vô cùng rộng lượng sẽ nắm tay dẫn dắt chúng ta đi; chúng ta sẽ “được làm cho mạnh mẽ, và được ban phước lành từ trên cao.”
Các bạn yêu quý của tôi, bước đầu tiên trên con đường tuyệt vời và đầy ý nghĩa này của môn đồ bắt đầu với việc chúng ta đưa ra câu hỏi giản dị:
“Lạy Chúa, có phải tôi không?”
Tôi làm chứng về điều này và để lại cho các anh em phước lành của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.