Đại Hội Trung Ương
Các Giao Ước với Thượng Đế Củng Cố, Bảo Vệ, và Chuẩn Bị Chúng Ta cho Vinh Quang Vĩnh Cửu
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


11:59

Các Giao Ước với Thượng Đế Củng Cố, Bảo Vệ, và Chuẩn Bị Chúng Ta cho Vinh Quang Vĩnh Cửu

Khi chúng ta chọn để lập và tuân giữ các giao ước đó, chúng ta sẽ được ban phước với nhiều niềm hạnh phúc hơn trong cuộc sống này và một cuộc sống vĩnh cửu đầy vinh quang sẽ đến.

Thưa các chị em, thật vui mừng xiết bao khi được quy tụ cùng nhau trong tình chị em toàn cầu! Là các phụ nữ lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế, chúng ta chia sẻ những mối ràng buộc thuộc linh mà giúp chúng ta đối mặt với những thử thách ngày nay và chuẩn bị chúng ta cho Sự Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Và việc tuân giữ những giao ước đó cho phép chúng ta trở thành những người phụ nữ có sức ảnh hưởng để có thể thu hút người khác đến với Đấng Cứu Rỗi.

Những ai đã chịu phép báp têm thì đã giao ước vào cái ngày không bao giờ có thể quên được ấy là sẽ mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô, luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài, tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, và phục vụ Ngài đến cùng. Khi chúng ta làm những việc này, Cha Thiên Thượng hứa sẽ tha thứ tội lỗi của chúng ta và ban cho chúng ta sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Những phước lành này giúp chúng ta bắt đầu đi trên con đường mà nếu chúng ta tiếp tục tiến bước và kiên trì cho đến cùng thì sẽ cho phép chúng ta sống cùng Ngài và Vị Nam Tử của Ngài trong vương quốc thượng thiên. Mỗi người đã chịu phép báp têm đều có được lời hứa về các đặc ân này nếu người ấy tuân giữ giao ước mà mình đã lập vào ngày đặc biệt đó.

Những ai lập thêm các giao ước trong đền thờ sẽ nhận được những lời hứa mạnh mẽ tùy vào sự trung tín cá nhân. Chúng ta long trọng hứa vâng theo các giáo lệnh của Thượng Đế, sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, trở nên trong sạch về mặt đạo đức, và dâng hiến thời gian cùng tài năng của mình cho Chúa. Đổi lại, Thượng Đế hứa ban cho các phước lành trong cuộc sống này và cơ hội trở về với Ngài.1 Trong tiến trình đó, chúng ta được thiên thượng ban cho quyền năng để phân biệt thật và giả, đúng và sai, giữa những tiếng nói hỗn loạn và tiêu cực tấn công chúng ta dồn dập. Đó quả là một ân tứ mạnh mẽ!

Để chuẩn bị cho chuyến đi đền thờ đầu tiên của tôi, mẹ tôi và các chị em nhiều kinh nghiệm trong Hội Phụ Nữ đã giúp tôi chọn các vật dụng cần thiết, kể cả một bộ lễ phục tuyệt đẹp. Nhưng sự chuẩn bị quan trọng nhất đã bắt đầu từ trước khi biết loại y phục tôi phải mặc. Sau khi phỏng vấn để xác định liệu tôi có xứng đáng không, vị giám trợ đã giải thích các giao ước mà tôi sẽ lập. Lời giải thích cặn kẽ của ông đã cho tôi cơ hội để suy ngẫm và chuẩn bị để lập các giao ước đó.

Khi ngày đó đến, tôi đã tham dự với cảm giác biết ơn và bình an. Mặc dù tôi không hiểu ý nghĩa trọn vẹn của các giao ước mà tôi đã lập, nhưng tôi quả thật biết rằng tôi đã được ràng buộc với Thượng Đế qua các giao ước đó và được hứa sẽ có những phước lành mà tôi khó có thể hiểu được nếu tuân giữ các giao ước đó. Kể từ kinh nghiệm đầu tiên ấy, tôi đã tiếp tục được trấn an rằng việc tuân giữ các giao ước chúng ta lập với Thượng Đế cho phép chúng ta có được quyền năng của Đấng Cứu Rỗi, mà củng cố chúng ta trong những thử thách chắc chắn sẽ đến, bảo vệ chúng ta trước ảnh hưởng của kẻ nghịch thù, và chuẩn bị chúng ta cho vinh quang vĩnh cửu.

Những kinh nghiệm của cuộc sống có thể đa dạng từ hài hước đến bi thương, từ tối tăm nghiệt ngã đến vinh quang rực rỡ. Mỗi kinh nghiệm giúp chúng ta hiểu thêm về tình yêu thương trọn vẹn của Cha chúng ta và khả năng của chúng ta để thay đổi qua ân tứ về ân điển của Đấng Cứu Rỗi. Việc tuân giữ các giao ước của chúng ta cho phép quyền năng của Đấng Cứu Rỗi thanh tẩy chúng ta khi chúng ta học hỏi qua những kinh nghiệm—cho dù đó là một sai lầm nhỏ hay một thất bại lớn. Đấng Cứu Chuộc vẫn đứng sẵn ở đó để đỡ lấy chúng ta khi chúng ta vấp ngã nếu chúng ta hướng về Ngài.

Trượt xuống từ vách núi

Các chị em có bao giờ đứng cheo leo trên một vách đá với các ngón chân bám vào mép đá và quay lưng lại vực thẳm bên dưới chưa? Trong môn trượt xuống từ vách núi, mặc dù chúng ta được gắn chặt vào một hệ thống các thiết bị và dây thừng chắc chắn mà có thể đưa chúng ta xuống an toàn, nhưng việc đứng cheo leo trên mép vực vẫn khiến chúng ta đánh trống ngực. Để bước lùi ra khỏi vách đá và búng người vào không trung đòi hỏi chúng ta phải tin cậy vào một cái neo, được gắn chặt vào một vật cố định. Việc đó cũng cần có lòng tin ở người sẽ tạo ra lực căng cho sợi thừng trong khi chúng ta đu xuống. Và mặc dù thiết bị giúp chúng ta có chút ít khả năng để kiểm soát khi trượt xuống, nhưng chúng ta phải tin tưởng rằng người cộng sự sẽ không để cho chúng ta rơi.

Những cái neo để trượt xuống
Em thiếu nữ đang trượt xuống từ một vách núi

Tôi còn nhớ rất rõ lần đi trượt xuống vách núi với một nhóm các em thiếu nữ cách đây vài năm. Tôi là người đầu tiên trong nhóm đu xuống. Khi bước lùi ra khỏi vách đá, tôi bắt đầu rơi xuống mất kiểm soát. May thay, sợi thừng giật mạnh và tôi không còn trượt xuống quá nhanh nữa. Khi trượt được nửa đường xuống mặt đá lởm chởm bên dưới, tôi đã nhiệt thành cầu nguyện cho bất kỳ ai hay bất kỳ cái gì đã giữ cho tôi không bị rơi xuống những tảng đá.

Sau đó, tôi được biết rằng cái neo đã không được đóng chốt chắc chắn, và khi tôi bước ra khỏi mép vực, người được cột chung với tôi đã bị giựt mạnh ra phía sau và bị kéo về phía mép vực. Bằng cách nào đó, ông ấy đã lèn được chân vào mấy tảng đá. Khi đã vào thế vững chãi, ông ấy đã có thể thả tôi xuống, nhẫn nại hết tay này đến tay kia, bằng sợi dây thừng. Mặc dù tôi không thể thấy ông ấy, nhưng tôi biết rằng ông ấy đang vận dụng tất cả sức lực của mình để cứu tôi. Một người bạn khác chờ sẵn ở đáy vực, sẵn sàng đỡ lấy tôi nếu sợi dây không còn giữ được tôi. Khi tôi ở trong tầm với, người này nắm lấy dây đai của tôi và đưa tôi xuống đất.

Với Chúa Giê Su Ky Tô là cái neo và là người cộng sự hoàn hảo của chúng ta, chúng ta được bảo đảm về sức lực đầy nhân từ của Ngài trong thử thách và cuối cùng được giải cứu nhờ Ngài. Như Chủ Tịch M. Russell Ballard đã dạy: “Đức tin nơi Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là … cái neo mà chúng ta phải có trong cuộc sống của mình để giữ chắc chúng ta trong những thời kỳ mà xã hội hỗn loạn và xấu xa. … Đức tin của chúng ta … phải tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô, cuộc sống và Sự Chuộc Tội của Ngài, và vào Sự Phục Hồi phúc âm Ngài.”2

Thiết bị thuộc linh giữ cho chúng ta không bị thương tích trên những tảng đá của kẻ nghịch thù chính là chứng ngôn của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô và các giao ước mà chúng ta lập. Chúng ta có thể trông cậy những sự trợ giúp này hướng dẫn và mang chúng ta đến nơi an toàn. Là người cộng sự sẵn lòng của chúng ta, Đấng Cứu Rỗi sẽ không để cho chúng ta rơi khỏi tầm tay của Ngài. Ngay cả trong những lúc chúng ta đau khổ và sầu muộn, Ngài vẫn ở đó để nâng đỡ và khích lệ. Quyền năng của Ngài giúp chúng ta hồi phục sau những tác động thường mang tính hủy hoại bởi sự lựa chọn của những người khác. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta phải thắt chặt dây đai của mình. Chúng ta phải chọn để được gắn vào cái neo là Đấng Cứu Rỗi, để được ràng buộc với Ngài qua các giao ước của chúng ta.3

Chúng ta củng cố sự ràng buộc đó bằng cách nào? Chúng ta cầu nguyện với tấm lòng khiêm nhường, học tập và suy ngẫm về thánh thư, dự phần Tiệc Thánh với tinh thần hối cải và tôn kính, nỗ lực tuân giữ các lệnh truyền, và làm theo lời khuyên dạy của vị tiên tri. Và khi chúng ta làm tròn các bổn phận hằng ngày của mình theo những cách “cao quý hơn và thánh thiện hơn”4, thì chúng ta trở nên được ràng buộc hơn với Đấng Cứu Rỗi, và đồng thời, giúp người khác đến cùng Ngài.

Cách thức “cao quý hơn và thánh thiện hơn” là như thế nào? Chúng ta cố gắng sống theo phúc âm trong mọi sự tương tác của mình. Chúng ta chăm lo cho những người túng thiếu qua việc thật sự phục sự và bày tỏ tình yêu thương bằng sự phục vụ giản dị. Chúng ta chia sẻ tin lành của phúc âm với những người cần sự bình an và sức mạnh mà “không biết tìm thấy … đâu cả.”5 Chúng ta lao nhọc để kết hợp các gia đình cho thời vĩnh cửu ở cả hai bên bức màn che. Và với những ai đã lập các giao ước trong ngôi nhà của Chúa, như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích, “Mỗi người thành niên tham dự đền thờ sẽ mặc bộ trang phục thiêng liêng của chức tư tế, [mà] nhắc nhở chúng ta … mỗi ngày bước đi trên con đường giao ước một cách cao cả và thánh thiện hơn.”6 Những hành động này không phải thỉnh thoảng mới làm thật nhiều mà là điều thiết yếu cho hạnh phúc hằng ngày của chúng ta—và cho niềm vui vĩnh cửu.

Không có điều gì quan trọng đối với sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta cho bằng việc tuân giữ các giao ước của chúng ta với Thượng Đế. Khi các giao ước đền thờ của chúng ta vẫn còn hiệu lực, chúng ta có thể tin vào cuộc hội ngộ đầy hân hoan với những người thân yêu ở phía bên kia bức màn che. Con cái, cha mẹ, hay người phối ngẫu mà đã rời khỏi cuộc sống trần thế này đang hết lòng hy vọng rằng các chị em sẽ trung thành với những giao ước ràng buộc các chị em với họ mãi mãi. Nếu xem thường hoặc coi nhẹ các giao ước của mình với Thượng Đế thì chúng ta đang đặt những mối ràng buộc vĩnh cửu đó vào nguy hiểm. Bây giờ là lúc phải hối cải, sửa chữa, và cố gắng lần nữa.

Hạnh phúc sẽ mau tan nếu chúng ta mang các phước lành của niềm vui vĩnh cửu đổi lấy sự thoải mái nhất thời. Bất kể tuổi tác của chúng ta, lẽ thật này là bất biến: chìa khóa để có hạnh phúc dài lâu là sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và tuân giữ các giao ước của chúng ta. Vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Nelson, đã khẳng định rằng “sự an toàn tột bậc của chúng ta và niềm hạnh phúc vĩnh viễn duy nhất nằm ở việc nắm lấy thanh sắt của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, cùng với các giao ước và giáo lễ của phúc âm. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta có thể an toàn đi qua những con nước dữ bởi vì chúng ta tiếp cận được với quyền năng của Thượng Đế.”7

Nhiều người trong chúng ta đang phải vượt qua những con nước dữ. Khi chúng ta bị hất tung bởi những cơn sóng của kẻ nghịch thù và đôi khi chẳng thấy được gì bởi nước mắt chảy tuôn như thác lũ trong những sự khó khăn đó, chúng ta có lẽ không biết phải lèo lái con thuyền cuộc đời mình theo hướng nào. Thậm chí, chúng ta có thể không nghĩ là mình có đủ sức để đến được bờ. Việc nhớ rằng các chị em là ai—là một người con yêu dấu của Thượng Đế—và lý do các chị em đến thế gian này, và mục tiêu của các chị em để sống với Thượng Đế và những người thân yêu có thể giúp làm rõ tầm nhìn của các chị em và chỉ cho các chị em hướng đi đúng. Trong cơn bão, vẫn có một ánh sáng rực rỡ dẫn lối. “Ta là sự sáng soi trong tối tăm,” Chúa Giê Su đã tuyên phán như vậy.8 Chúng ta được đảm bảo an toàn khi nhìn vào ánh sáng của Ngài và gìn giữ trọn vẹn các giao ước của mình.

Thật là một đặc ân cho tôi để gặp gỡ các chị em ở mọi lứa tuổi tuy sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng vẫn đang tuân giữ các giao ước của mình. Mỗi ngày, họ hướng về Chúa và vị tiên tri của Ngài để được hướng dẫn, thay vì nghe theo truyền thông đại chúng. Mặc cho những thử thách cá nhân và những triết lý bất lợi của thế gian đang cố gắng khuyên họ từ bỏ các giao ước của mình, họ vẫn quyết tâm ở lại trên con đường giao ước. Họ trông cậy lời hứa về “tất cả những gì [Cha Thiên Thượng] có.”9 Và bất kể độ tuổi của mình, mỗi chị em phụ nữ đã lập các giao ước với Thượng Đế đều có khả năng để đưa cao ánh sáng của Chúa và hướng dẫn những người khác đến với Ngài.10 Qua việc các chị em tuân giữ các giao ước, Ngài sẽ ban phước cho các chị em với quyền năng chức tư tế của Ngài và cho phép các chị em tạo ra một ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả những người mà các chị em tiếp xúc. Như Chủ Tịch Nelson đã tuyên bố, các chị em là những người phụ nữ sẽ làm ứng nghiệm những lời tiên tri đã được nói ra!11

Các chị em thân mến, quan trọng hơn hết, hãy ở lại trên con đường giao ước dẫn đến Chúa Giê Su Ky Tô! Chúng ta được ban phước để đến thế gian khi mà các đền thờ có mặt trên khắp thế giới. Mỗi tín hữu xứng đáng của Giáo Hội giờ đây đều có thể lập và tuân giữ các giao ước đền thờ. Hỡi các em thành niên trẻ tuổi, các em không cần phải đợi đến lúc kết hôn hay phục vụ truyền giáo để lập những giao ước thiêng liêng đó. Các em có thể chuẩn bị khi còn là thiếu nữ để nhận được sự bảo vệ và sức mạnh mà các giao ước đền thờ ban cho ngay khi được 18 tuổi nếu các em sẵn sàng và cảm thấy mong muốn tôn vinh các giao ước đền thờ đó.12 Thưa các chị em đã nhận được các phước lành của đền thờ, xin đừng để cho những lời phỉ báng hay những sự xao lãng kéo các chị em ra khỏi những lẽ thật vĩnh cửu. Hãy học tập và tìm hiểu từ những nguồn đáng tin cậy để có thêm sự hiểu biết về tầm quan trọng thiêng liêng của các giao ước mà các chị em đã lập. Hãy đi đền thờ càng thường xuyên càng tốt và lắng nghe Thánh Linh. Các chị em sẽ cảm thấy sự trấn an dịu dàng rằng mình đang ở trên con đường của Chúa. Các chị em sẽ tìm thấy lòng can đảm để tiếp tục cũng như để mang những người khác đi cùng với mình.

Tôi làm chứng rằng khi chúng ta chọn để lập các giao ước với Cha Thiên Thượng và tiếp cận quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để tuân giữ các giao ước đó, chúng ta sẽ được ban phước với nhiều niềm hạnh phúc hơn trong cuộc sống này so với điều chúng ta có thể tưởng tượng bây giờ và một cuộc sống vĩnh cửu đầy vinh quang sẽ đến.13 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.