Đại Hội Trung Ương
Để Chữa Lành Thế Gian
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


13:51

Để Chữa Lành Thế Gian

Những tổn thương và điểm khác biệt có thể được giải quyết và thậm chí còn được chữa lành khi chúng ta tôn vinh Thượng Đế, Đức Chúa Cha của tất cả chúng ta, và Chúa Giê Su Ky Tô, Con Trai của Ngài.

Thưa anh chị em, vào mùa Phục Sinh đầy vinh quang này, chúng ta rất có phước được gặp gỡ và tiếp nhận lời khuyên dạy cũng như sự hướng dẫn từ các tôi tớ của Thượng Đế.

Sự hướng dẫn và giảng dạy thiêng liêng từ Cha Thiên Thượng giúp chúng ta định hướng cuộc sống trong những thời điểm khó khăn này. Như đã được tiên tri, “khói lửa và bão tố,” “những cuộc chiến tranh, những tiếng đồn về chiến tranh cùng các trận động đất ở nhiều nơi,” “cùng mọi hành vi khả ố,”1 “bệnh dịch,”2 “nạn đói và dịch bệnh”3 đang tàn phá các gia đình, cộng đồng và thậm chí các quốc gia.

Có một tai họa khác đang càn quét toàn cầu: các cuộc tấn công vào tự do tôn giáo của anh chị em và của tôi. Quan điểm càng ngày càng gia tăng này tìm cách loại bỏ tôn giáo và đức tin nơi Thượng Đế khỏi quảng trường công cộng, trường học, các tiêu chuẩn cộng đồng và bài diễn văn của công dân. Những người phản đối tự do tôn giáo tìm cách áp đặt những hạn chế lên trên những biểu lộ về lòng tin chân thành. Thậm chí họ còn chỉ trích và chế nhạo các truyền thống đức tin.

Một thái độ như vậy khiến cho con người bị gạt ra ngoài lề xã hội, làm mất giá trị các nguyên tắc cá nhân, sự công bằng, sự tôn trọng, nếp sống thuộc linh và sự yên ổn của lương tâm.

Tự do tôn giáo là gì?

Đó là quyền tự do thờ phượng theo mọi hình thức: tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do hành động theo tín ngưỡng cá nhân, và quyền tự do của người khác để làm như vậy. Quyền tự do tôn giáo cho phép mỗi người chúng ta tự quyết định điều mình tin tưởng, cách mình sống và hành động theo đức tin của mình và những gì Thượng Đế kỳ vọng nơi chúng ta.

Các nỗ lực nhằm hạn chế quyền tự do tôn giáo như vậy đều không phải là mới mẻ. Trong suốt lịch sử, những người có đức tin đã vô cùng đau khổ dưới bàn tay của người khác. Các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô cũng không khác gì.

Ngay từ ban đầu, nhiều người đang tìm kiếm Thượng Đế đều được thu hút đến với Giáo Hội này vì những lời giảng dạy về giáo lý thiêng liêng, kể cả đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, sự hối cải, kế hoạch hạnh phúc và Sự Tái Lâm của Chúa chúng ta.

Sự chống đối, ngược đãi và bạo lực đã gây khốn khổ cho vị tiên tri đầu tiên của ngày sau, Joseph Smith, và những người theo ông.

Giữa cảnh hỗn loạn trong năm 1842, Joseph đã công bố 13 giáo lý cơ bản về Giáo Hội đang tăng trưởng, kể cả giáo lý này: “Chúng tôi xin đặc ân thờ phượng Đấng Thượng Đế Toàn Năng theo tiếng gọi lương tâm riêng của chúng tôi, và cũng xin dành cho tất cả mọi người có được cùng đặc ân này, để họ thờ phượng gì, bằng cách nào hay ở đâu tùy theo họ chọn.”4

Lời tuyên bố này của ông mang tính toàn diện, phóng khoáng và đầy tôn trọng. Đó là bản chất của quyền tự do tôn giáo.

Tiên Tri Joseph Smith cũng đã nói:

“Tôi cảm thấy mạnh dạn để tuyên bố trước Thiên Thượng rằng tôi hoàn toàn sẵn sàng chết để bảo vệ quyền của một người tín đồ đạo Presbyterian, đạo Báp Tít, hoặc một người tốt của bất cứ giáo phái nào; vì cùng một nguyên tắc là nếu có điều nào chà đạp quyền của … các Thánh Hữu thì sẽ chà đạp quyền của các tín đồ Công Giáo La Mã, hoặc của bất cứ giáo phái nào khác mà có thể là không nổi tiếng và quá yếu kém để tự bênh vực họ.

“Chính là sự yêu mến tự do đã soi dẫn tâm hồn của tôi—sự tự do của công dân và tôn giáo cho toàn thể nhân loại.”5

Tuy nhiên, các tín hữu ban đầu của Giáo Hội đã bị tấn công và bị đuổi đi hàng nghìn dặm, từ New York đến Ohio đến Missouri, nơi mà vị thống đốc đã ra lệnh rằng các tín hữu của Giáo Hội “phải bị coi là kẻ thù và phải bị tiêu diệt hoặc đuổi khỏi tiểu bang.”6 Họ chạy trốn đến Illinois, nhưng nỗi đau khổ vẫn tiếp tục. Một đám đông hung hăng đã sát hại Tiên Tri Joseph, vì nghĩ rằng việc giết ông sẽ tiêu diệt Giáo Hội và làm những người tin phải phân tán. Nhưng người trung tín vẫn vững vàng. Người kế nhiệm của Joseph là Brigham Young, đã dẫn đầu hàng ngàn người trong một cuộc cưỡng bức di cư dài 2.100 kilômét về phía tây đến nơi mà ngày nay được biết là Tiểu Bang Utah.7 Tổ tiên của tôi là trong số những người định cư tiên phong ban đầu đó.

Từ những ngày bị ngược đãi dữ dội đó, Giáo Hội của Chúa đã phát triển đều đặn đến gần 17 triệu tín hữu, với hơn một nửa số sống ở ngoài Hoa Kỳ.8

Vào tháng Tư năm 2020, Giáo Hội của chúng ta đã kỷ niệm 200 năm Sự Phục Hồi phúc âm với một bản tuyên ngôn cùng thế giới, do Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ soạn thảo. Bản tuyên ngôn này bắt đầu với: “Chúng tôi long trọng tuyên bố rằng Thượng Đế yêu thương con cái của Ngài ở mọi quốc gia trên thế giới.”9

Vị tiên tri yêu quý của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã tuyên bố thêm:

“Chúng tôi tin tưởng vào sự tự do, lòng tử tế và sự công bằng cho tất cả con cái của Thượng Đế.

“Chúng ta đều là anh chị em với nhau, mỗi người đều là con của Cha Thiên Thượng nhân từ. Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, mời tất cả mọi người đến cùng Ngài, ‘dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ’ (2 Nê Phi 26:33).”10

Xin hãy cùng tôi xem xét bốn cách mà xã hội và các cá nhân được hưởng lợi ích từ sự tự do tôn giáo.

Trước hết. Sự tự do tôn giáo tôn vinh các giáo lệnh lớn thứ nhất và thứ hai, đặt Thượng Đế làm trọng tâm trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đọc trong Ma Thi Ơ:

“Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.”11

“Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”12

Cho dù ở trong một giáo đường, giáo đường Do Thái, nhà thờ Hồi Giáo hoặc túp lều lợp thiếc thì các môn đồ của Đấng Ky Tô và tất cả những tín đồ có cùng quan điểm cũng đều có thể bày tỏ lòng tận tụy đối với Thượng Đế bằng cách thờ phượng Ngài và sẵn lòng phục vụ con cái Ngài.

Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương hoàn hảo về tình yêu thương và sự phục vụ như vậy. Trong suốt giáo vụ của Ngài, Ngài đã quan tâm đến người nghèo khó,13 chữa lành người bệnh14 và người mù.15 Ngài cho những kẻ đói khát ăn,16 mở rộng vòng tay của Ngài cho các trẻ nhỏ,17 và tha thứ cho những ai đã làm hại thậm chí còn đóng đinh Ngài nữa.18

Thánh thư mô tả rằng Chúa Giê Su “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước.”19 Chúng ta cũng phải làm như vậy.

Thứ hai. Sự tự do tôn giáo cổ vũ sự biểu lộ về niềm tin, hy vọng và hòa bình.

Là một giáo hội, chúng ta cùng với các tôn giáo khác bảo vệ mọi người thuộc mọi tín ngưỡng và giáo phái cũng như quyền của họ để nói lên lòng tin của họ. Điều này không có nghĩa là chúng ta chấp nhận niềm tin của họ, cũng không phải là họ chấp nhận niềm tin của chúng ta, nhưng chúng ta có nhiều điểm chung với nhau hơn là với những người muốn bịt miệng chúng ta.

Gần đây tôi đã đại diện cho Giáo Hội tại G20 Interfaith Forum (Diễn Đàn Liên Tôn) thường niên ở Ý. Tôi đã được khích lệ, thậm chí còn được củng cố khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ và tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới. Tôi nhận biết rằng những tổn thương và điểm khác biệt có thể được giải quyết và thậm chí còn được chữa lành khi chúng ta tôn vinh Thượng Đế, Đức Chúa Cha của tất cả chúng ta, và Chúa Giê Su Ky Tô, Con Trai của Ngài. Đấng Chữa Lành Vĩ Đại của tất cả mọi người là Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi đã có một giây phút thú vị khi kết thúc bài nói chuyện của mình. Bảy người nói chuyện trước đó đã không kết thúc theo bất cứ truyền thống tôn giáo nào hoặc trong danh của Thượng Đế. Trong khi nói, tôi đã nghĩ: “Tôi chỉ nói cảm ơn và ngồi xuống, hay tôi kết thúc với câu ‘Trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô’ đây?” Tôi nhớ mình là ai, và tôi biết Chúa sẽ muốn tôi nói đến danh Ngài để kết thúc sứ điệp của tôi. Tôi đã làm thế. Khi nhìn lại, đó là cơ hội của tôi để bày tỏ niềm tin của mình; và tôi có quyền tự do tôn giáo để làm chứng về thánh danh của Ngài.

Thứ ba. Tôn giáo cảm ứng con người để giúp đỡ người khác.

Khi tôn giáo có được chỗ đứng và tự do để phát triển thì các tín đồ thực hiện những hành động phục vụ đơn giản và đôi khi rất anh hùng. Cụm từ Do Thái thời xưa “tikkun olam,” có nghĩa là “hàn gắn hoặc chữa lành thế gian,” ngày nay được phản ảnh trong các nỗ lực của rất nhiều người. Chúng ta đã hợp tác với các Cơ Quan Từ Thiện Công Giáo, được gọi là Caritas Quốc Tế, Tổ Chức Cứu Trợ Hồi Giáo, và bất cứ con số tổ chức Do Thái, Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, Sikh và Ky Tô Giáo nào như tổ chức Salvation Army và National Christian Foundation. Chúng tôi cùng nhau phục vụ hàng triệu người gặp hoạn nạn, gần đây nhất bằng cách giúp đỡ những người tị nạn chiến tranh với lều, túi ngủ và nguồn thực phẩm,20 và cung cấp vắc xin, kể cả bệnh bại liệt21 và COVID.22 Bản liệt kê những điều đang được thực hiện còn dài, nhưng các nhu cầu cũng vậy.

Tất nhiên, những người có đức tin, cùng làm việc chung với nhau đều có thể đưa ra những giúp đỡ đáng kể. Đồng thời, sự phục vụ từng người một thường không được nói đến nhưng âm thầm thay đổi các cuộc sống.

Tôi nghĩ về ví dụ trong Lu Ca khi Chúa Giê Su Ky Tô đã tìm đến giúp đỡ người đàn bà góa ở thành Na In. Chúa Giê Su đi cùng với một nhóm tín đồ, gặp đám tang của đứa con trai độc nhất của bà góa. Khi mất đứa con này, bà góa phải đối mặt với sự suy sụp về mặt cảm xúc, thuộc linh và thậm chí cả tài chính. Khi nhìn thấy khuôn mặt đẫm lệ của bà ấy, Chúa Giê Su phán: “Đừng khóc.”23 Đoạn, Ngài lại gần, rờ quan tài, thì kẻ khiêng dừng lại.

Rồi Ngài truyền lệnh: “Hỡi người trẻ kia, ta biểu ngươi chờ dậy.

“Người chết vùng ngồi dậy và khởi sự nói. [Đức Chúa Giê Su] giao người lại cho mẹ.”24

Việc làm cho người chết sống lại là một phép lạ, nhưng mọi cử chỉ nhân từ và quan tâm đến người đang gặp khó khăn là cách giao ước mà mỗi người chúng ta cũng có thể “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước,” khi biết rằng “Thượng Đế [ở] với [chúng ta].”25

thứ tư. Sự tự do tôn giáo hoạt động như một lực lượng thống nhất và tập hợp để định hình các giá trị và đạo đức.

Chúng ta đọc trong Kinh Tân Ước về nhiều người quay lưng lại với Chúa Giê Su Ky Tô, ta thán về giáo lý của Ngài: “Lời nầy thật khó; ai nghe được?”26

Lời ta thán đó ngày nay vẫn còn được nghe thấy từ những người tìm cách loại bỏ tôn giáo ra khỏi bài diễn thuyết và ảnh hưởng. Nếu không có tôn giáo để giúp định hình tính cách và giải quyết những thời điểm khó khăn, thì ai sẽ là người làm điều đó? Ai sẽ giảng dạy sự lương thiện, lòng biết ơn, sự tha thứ và sự kiên nhẫn? Ai sẽ thể hiện lòng bác ái, trắc ẩn và nhân từ đối với những người bị lãng quên và bị áp bức? Ai sẽ chấp nhận những người khác biệt nhưng xứng đáng như tất cả các con cái của Thượng Đế? Ai sẽ mở rộng vòng tay cho những người hoạn nạn và không tìm kiếm sự tưởng thưởng? Ai sẽ tôn trọng hòa bình và tuân theo luật pháp hơn các xu hướng thời nay? Ai sẽ đáp lại lời khẩn nài của Đấng Cứu Rỗi “Hãy đi, làm theo như vậy”?27

Chúng ta sẽ làm! Vâng, thưa các anh chị em, chúng sẽ làm.

Tôi mời anh chị em hãy bênh vực chính nghĩa của sự tự do tôn giáo. Đó là một sự biểu lộ về nguyên tắc tự quyết do Thượng Đế ban cho.

Sự tự do tôn giáo mang lại sự cân bằng cho các triết lý cạnh tranh của thế gian. Lợi ích, sự tiếp cận của tôn giáo và những hành vi yêu thương hằng ngày mà tôn giáo cảm ứng chỉ tăng gấp bội khi chúng ta bảo vệ sự tự do để bày tỏ và hành động dựa trên những niềm tin cốt lõi.

Tôi làm chứng rằng Russell M. Nelson là vị tiên tri tại thế của Thượng Đế. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô lãnh đạo và hướng dẫn Giáo Hội này. Ngài đã chuộc tội lỗi của chúng ta, bị đóng đinh trên thập tự giá, và đã phục sinh vào ngày thứ ba.28 Nhờ vào Ngài, chúng ta có thể sống lại trong thời vĩnh cửu; và những ai mong muốn có thể ở với Cha Thiên Thượng của chúng ta. Tôi tuyên bố lẽ thật này cùng tất cả thế giới. Tôi biết ơn vì được tự do để làm như vậy. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.