Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 8–14 tháng Một: “Con Sẽ Đi và Làm.” 1 Nê Phi 1–5


“Ngày 8–14 tháng Một: ‘Con Sẽ Đi và Làm.’ 1 Nê Phi 1–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học Tập ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)

“Ngày 8–14 tháng Một. 1 Nê Phi 1–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học Tập ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)

Gia đình của Lê Hi hành trình trong vùng hoang mạc

Lehi Traveling Near the Red Sea (Lê Hi Hành Trình Gần Biển Đỏ), tranh do Gary Smith họa

Ngày 8–14 tháng Một: “Con Sẽ Đi và Làm”

1 Nê Phi 1–5

Sách Mặc Môn bắt đầu với câu chuyện về một gia đình có thật đang trải qua những khó khăn thật sự. Dù đã xảy ra vào 600 năm trước Công Nguyên, nhưng câu chuyện này có những điểm dường như quen thuộc với các gia đình ngày nay. Gia đình này sống trong một thế giới tà ác, nhưng Chúa hứa với họ rằng nếu họ tuân theo Ngài, thì Ngài sẽ dẫn dắt họ đến nơi an toàn. Trên đường đi, họ đã có những giây phút hạnh phúc vui vẻ và cả những khoảnh khắc tồi tệ; các phước lành và những phép lạ lớn lao; đồng thời họ cũng có những tranh cãi và bất đồng. Hiếm khi trong thánh thư có một câu chuyện chi tiết như vậy về một gia đình đang cố gắng sống theo phúc âm: cha mẹ gặp khó khăn để khơi dậy đức tin trong gia đình và lo lắng cho sự an toàn của cả nhà, con cái quyết định xem chúng sẽ tin cha mẹ mình hay không, và anh em trong gia đình thì phải giải quyết sự ganh tị và tranh chấp với nhau—và đôi khi tha thứ cho nhau. Nhìn chung, có quyền năng trong các ví dụ về đức tin của gia đình không hoàn hảo này.

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

1 Nê Phi 1–5

Lời của Thượng Đế “có một giá trị lớn lao” đối với tôi.

Một sứ điệp nổi bật trong Sách Mặc Môn là “giá trị lớn lao” của lời của Thượng Đế (1 Nê Phi 5:21). Khi anh chị em đọc 1 Nê Phi 1–5, hãy tìm kiếm những cách mà lời của Thượng Đế trực tiếp hoặc gián tiếp ban phước cho gia đình của Lê Hi (để có ví dụ, xin xem 1:11–15; 3:19–20; 5:10–22). Các chương này giảng dạy anh chị em điều gì về lời của Thượng Đế? Anh chị em tìm thấy điều gì soi dẫn cho mình để tra cứu thánh thư?

1 Nê Phi 2

Tôi có thể có được chứng ngôn và củng cố chứng ngôn của mình khi hướng đến Chúa.

Nê Phi được biết đến là người có đức tin mạnh mẽ nơi Chúa, nhưng ông phải cố gắng mới có được chứng ngôn của mình—cũng giống như tất cả chúng ta. Anh chị em đọc điều gì trong 1 Nê Phi 2 mà cho thấy lý do khiến Nê Phi đã có thể có được sự minh chứng rằng những lời của cha ông là thật? Tại sao La Man và Lê Mu Ên lại không có được lời chứng này? (Xin xem thêm 1 Nê Phi 15:2–11). Anh chị em cảm thấy Chúa làm mềm lòng mình khi nào?

hình biểu tượng lớp giáo lý

1 Nê Phi 3–4

Thượng Đế sẽ chuẩn bị sẵn một đường lối cho tôi thực hiện ý muốn của Ngài.

Khi Chúa truyền lệnh cho các con trai của Lê Hi đi lấy các bảng khắc bằng đồng, Ngài đã không ban ra những chỉ dẫn cụ thể về cách thực hiện điều đó. Điều này thường đúng với sự hướng dẫn mà chúng ta nhận được từ Thượng Đế, và nó khiến chúng ta cảm thấy Ngài đòi hỏi “một việc quá khó khăn” (1 Nê Phi 3:5). Điều gì soi dẫn anh chị em về lời đáp của Nê Phi đối với lệnh truyền của Chúa, trong 1 Nê Phi 3:7, 15–16?

Khi anh chị em đọc 1 Nê Phi 3–4, hãy tìm kiếm những khó khăn khác nhau mà Nê Phi gặp phải. Chúa đã làm thế nào để “chuẩn bị sẵn một đường lối” cho Nê Phi “thực hiện được những điều Ngài phán truyền”? Tại sao là quan trọng cho anh chị em để biết về những điều mà Chúa đã làm cho Nê Phi?

Một cách thức đầy quyền năng mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta để tuân giữ các lệnh truyền của Ngài là gửi Chúa Giê Su Ky Tô đến làm Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Cân nhắc đọc sứ điệp của Chủ Tịch Dallin H. Oaks “Đấng Cứu Rỗi Đã Làm Gì cho Chúng Ta?” (Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 75–77). Chúa Giê Su Ky Tô đã chuẩn bị một đường lối cho mỗi người chúng ta bằng cách nào? Khi biết rằng Ngài đã khắc phục được tất cả mọi điều cho anh chị em, anh chị em cảm thấy có ấn tượng gì để “đi và làm”?

Hãy sử dụng các câu chuyện và ví dụ để giảng dạy các nguyên tắc phúc âm. Khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy, hãy nghĩ về các kinh nghiệm cá nhân mà có thể thêm một lời chứng thứ hai cho những câu chuyện trong thánh thư. Ví dụ, khi nào Chúa chuẩn bị một đường lối cho anh chị em để làm theo ý muốn của Ngài?

Lê Hi và Sa Ri A mừng đón Nê Phi và các anh của ông

Their Joy Was Full (Niềm Vui của Họ Tràn Ngập), tranh do Walter Rane họa

1 Nê Phi 4:1–3; 5:1–8

Việc ghi nhớ những việc làm của Thượng Đế có thể cho tôi đức tin để vâng theo những lệnh truyền của Ngài.

Khi La Man và Lê Mu Ên cảm thấy muốn ta thán hoặc phàn nàn, họ thường có Nê Phi và Lê Hi ở gần để soi dẫn và khuyến khích họ. Khi anh chị em cảm thấy muốn ta thán, có thể là điều hữu ích để đọc những lời của Nê Phi và Lê Hi. Nê Phi và Lê Hi đã cố gắng giúp những người khác xây đắp đức tin nơi Thượng Đế bằng cách nào? (xin xem 1 Nê Phi 4:1–3; 5:1–8; xin xem thêm 1 Nê Phi 7:6–21). Anh chị em học được điều gì mà có thể giúp anh chị em khi bị cám dỗ để ta thán hoặc phàn nàn?

1 Nê Phi 4:5-18

“Tôi được Thánh Linh dẫn dắt”

Trong 1 Nê Phi 4:5–18, điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về khả năng của Nê Phi để nhận biết và tuân theo Thánh Linh? Anh chị em có thể nghiên cứu sứ điệp của Chủ Tịch Russell M. Nelson “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta” (Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 93–96) để tìm hiểu thêm về cách để nhận được sự mặc khải từ Chúa.

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm trong tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

1 Nê Phi 2:16

Tôi có thể có chứng ngôn của riêng tôi.

  • Làm thế nào mà Nê Phi biết rằng điều cha của ông giảng dạy là chân chính? Hãy giúp các bé tìm các câu trả lời cho câu hỏi này trong 1 Nê Phi 2:16, 19. Chúng cũng có thể thích viết những hành động của Nê Phi lên các khối xếp hình hoặc các vật khác và rồi dùng chúng để xếp thành một vật gì đó. Điều này có thể dẫn đến một cuộc trò chuyện về cách mà những hành động này giúp chúng ta xây đắp một chứng ngôn.

  • Anh chị em có thể cho các bé xem những bức hình hoặc đồ vật tượng trưng cho những điều mà chúng có thể tìm kiếm chứng ngôn, chẳng hạn như một quyển Sách Mặc Môn hoặc một bức hình về Chúa Giê Su Ky Tô, một đền thờ, hoặc vị tiên tri tại thế. Mời chúng chọn ra một đoạn thánh thư và cùng nhau chia sẻ chứng ngôn về điều đó. Anh chị em cũng có thể nói với các bé cách mà anh chị em đã có được chứng ngôn của mình. Tại sao chúng ta cần chứng ngôn của riêng mình?

1 Nê Phi 3–4

Thượng Đế sẽ giúp tôi tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.

  • Hãy cân nhắc việc sử dụng ít nhất một trong những nguồn tài liệu này để giúp các bé nói về cách Thượng Đế đã giúp Nê Phi lấy được các bảng khắc bằng đồng: 1 Nê Phi 3–4; trang sinh hoạt của tuần này; “Chương 4: Các Bảng Khắc Bằng Đồng” (trong Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn, trang 8–12).

  • Anh chị em và các bé có thể thích diễn lại 1 Nê Phi 3: 3–7. Anh chị em có thể giả vờ làm Lê Hi và yêu cầu các bé trở lại Giê Ru Sa Lem để lấy các bảng khắc bằng đồng. Mời chúng trả lời bằng lời riêng của mình như thể chúng là La Man và Lê Mu Ên hoặc Nê Phi. Thượng Đế đã truyền lệnh cho chúng ta phải làm những điều gì? (xin xem các bức hình 103–115 trong Sách Họa Phẩm Phúc Âm hoặc Mô Si A 18:8–10 để có thêm ý tưởng). Làm thế nào chúng ta có thể được giống như Nê Phi?

1 Nê Phi 3:19–21; 5:19–22

Thánh thư là một kho tàng vĩ đại.

  • Thánh thư rất quan trọng đối với gia đình của Lê Hi. Để minh họa điều này, anh chị em có thể mời các bé giúp kể hoặc diễn lại điều mà Nê Phi và các anh của ông đã làm để lấy các bảng khắc bằng đồng: họ đi một chặng đường dài, bỏ lại vàng bạc của họ, và trốn trong một cái hang để bảo toàn tính mạng. Sau đó, anh chị em có thể đọc 1 Nê Phi 5:21 và nói về lý do tại sao thánh thư lại quý giá đến vậy đối với gia đình của Lê Hi. Tại sao thánh thư lại quý giá đối với chúng ta? Làm thế nào chúng ta có thể trân quý thánh thư như một kho tàng?

Nê Phi và gia đình ông nghiên cứu các bảng khắc

Nê Phi và gia đình ông trân quý thánh thư.

1 Nê Phi 4:6

Đức Thánh Linh sẽ dẫn dắt tôi khi tôi tìm cách làm theo ý muốn của Chúa.

  • Sau khi cùng nhau xem lại trong 1 Nê Phi 3 về cách mà Nê Phi và các anh của ông đã cố gắng lấy các bảng khắc bằng đồng, hãy cùng các bé đọc 1 Nê Phi 4:6 để tìm hiểu xem Nê Phi đã làm gì mà cuối cùng cho phép ông thành công. Sau đó, các bé có thể lập một bản liệt kê những điều mà Thượng Đế muốn chúng làm. Làm thế nào Đức Thánh Linh có thể giúp chúng ta trong những tình huống này?

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Nê Phi đứng cạnh La Ban đang say xỉn

I Did Obey the Voice of the Spirit (Tôi Đã Vâng Theo Tiếng Nói của Thánh Linh), tranh do Walter Rane họa